Chùa Bửu Minh

Người khôn ngoan là người luôn thấy được cái hay cái đẹp của mọi thứ để mà học tập. Trên đời này, mọi thứ đều có những cái hay để chúng ta học theo. Biển cả cũng vậy, nó có nhiều đặc tính quý báu mà chúng ta cần phải học. Những đặc tính đó là gì?

Đặc tính thứ nhất là biển cả xuôi dần, nghiêng dần và không có vực thẳm thình lình.

Chúng ta học theo hạnh này bằng cách lần lượt học các pháp từ cạn đến sâu. Có những người chưa chi đã muốn học những pháp rất cao, trong khi những pháp căn bản thì chưa hề biết đến. Trừ chư Phật, Bồ-tát thị hiện nên có thể học thẳng những pháp cao mà không có gì trở ngại, còn phàm phu chúng ta thì tốt hơn hết là phải đi theo thứ tự từ thấp lên cao, từ cạn đến sâu. Chúng ta cần phải học và thực hành những pháp nền tảng trước, rồi mới học và thực hành những pháp cao hơn.

Khi mới vào đạo, chúng ta cần học và thực hành cho trọn vẹn năm giới. Khi năm giới đã được giữ một cách trọn vẹn, không lậu rỉ; lúc ấy chúng ta mới thọ tiếp giới thập thiện, và khi việc giữ giới thập thiện đã được thuần thục thì lúc này ta mới thọ giới Bồ-tát.

Những người xuất gia cũng vậy, khi mới xuất gia thì tập hành trì năm giới, khi năm giới đã được thọ trì một cách chu toàn thì mới nên thọ Sa-di giới, và khi giới Sa-di đã được giữ một cách hoàn thiện thì lúc này ta mới nên thọ trì giới Tỳ-kheo.

Đối với việc học giáo pháp cũng vậy. Lúc mới bắt đầu, ta chỉ nên học những pháp căn bản như nhân quả, nghiệp báo; kế đó chúng ta học sang pháp Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, và sau đó chúng ta mới học tiếp về kinh Bát-nhã, Pháp hoa, Niết-bàn... Có học tuần tự như vậy thì ta mới có thể dễ dàng nắm bắt được nghĩa lý của kinh và tránh được những sự hiểu nhầm tai hại.

Khi giảng dạy cũng vậy, chúng ta nên tùy theo trình độ của thính chúng mà giảng những pháp tương ứng. Đó là chúng ta học về đặc tính xuôi dần, nghiêng dần không có vực thẳm thình lình của biển cả.

Đặc tính thứ hai của biển cả là biển cả luôn cố định và không vượt quá bờ.

Bờ của chúng ta chính là giới luật. Để học theo đặc tính này, chúng ta cần phải giữ gìn giới luật một cách nghiêm chỉnh, không chút tì vết, không bị rách, bị lủng hoặc bị hoen ố. Dù cho phải mất sinh mạng đi nữa chúng ta cũng không nên phạm giới, bởi vì nếu phạm giới thì chúng ta phải chịu khổ sở vô cùng trong hiện tại cũng như vị lai. Làm được như vậy, tức là ta đã học theo hạnh luôn cố định không vượt quá bờ của biển cả.

Đặc tính thứ ba là các sông lớn khi đổ vào biển cả thì liền mất tên trước kia của chúng và đều được gọi là đại dương. Để học theo đức tính này, chúng ta cần đối xử bình đẳng với mọi người trong xã hội. Chúng ta đừng nên thấy người nào giàu có, quyền uy thì tiếp đãi rất ân cần, quỳ lụy, khúm núm trước mặt họ; còn thấy người nào nghèo khổ, cơ hàn thì coi khinh, không thèm nói chuyện. Dù là ai đi nữa, một khi họ đã đến với chùa, đến với chúng ta thì chúng ta đều nên tìm cách giúp đỡ cho họ được giải thoát khổ đau. Chúng ta nên đem hết khả năng của chúng ta ra mà giúp đỡ họ. Nếu họ cần tiền thì ta tùy theo khả năng của mình mà cho họ tiền, nếu họ cần cơm áo thì ta cho họ cơm áo, nếu họ cần ta chỉ cho phương pháp tu tập để giải thoát khổ đau, đạt được an lạc hạnh phúc thì ta giảng giải giáo pháp và chỉ cho họ phương pháp thực tập. Chúng ta phải nên nhớ rằng tất cả mọi người đều có tánh giác, đều có khả năng thành Phật, đều là những vị Phật sẽ thành. Làm như vậy tức là ta đã học theo đặc tính thứ ba của biển cả.

Đặc tính thứ tư của biển cả là tất cả các dòng sông chảy vào biển cả, tất cả các cơn mưa từ trên trời rơi xuống đều không ảnh hưởng gì đến tính đầy vơi của biển cả. Để học đức tính này, chúng ta cần học và tu tập một cách miệt mài, đừng bao giờ có ý nghĩ học như vậy, tu như vậy là quá đủ rồi. Trên thế gian này, không có thứ gì mà chúng ta không phải học. Có học chúng ta mới biết pháp nào tốt nên theo và pháp nào xấu nên tránh. Về việc tu hành tích đức cũng vậy, ngay cả đức Phật tuy đã thành Phật rồi mà cũng vẫn không ngừng làm việc để tích chứa công đức, huống gì là chúng ta. Để học theo đức tính này, chúng ta còn cần phải vượt thắng sự khen chê, không để tâm bị chao đảo bởi sự khen chê, bởi sự thành công hay thất bại, bởi sự được hay mất. Vì sao vậy? Bởi vì tất cả mọi thứ trên đời chỉ là huyễn hóa, giả tạo, thay đổi không thường. Cùng một việc, nay thì có thể được khen nhưng ngày mai lại có thể bị chê. Sự thành công và thất bại cũng vậy, một người hôm nay thành công rực rỡ nhưng ngày mai thất bại là chuyện thường tình ở thế gian này. Ngược lại cũng có rất nhiều người hôm nay tuy thất bại nhưng hôm sau lại thành công. Do đó, người khôn ngoan không dại chi chạy theo chúng mà buồn, mà vui một cách vô ích như vậy. Nếu ta làm được như thế tức là học theo đặc tính thứ tư của biển cả.

Đặc tính thứ năm của biển cả là biển cả chỉ có một vị là vị mặn. Để học theo đặc tính này chúng ta cần phải hồi hướng tất cả các công đức của mình về quả vị giải thoát. Hàng ngày dù làm bất cứ việc gì: từ việc bố thí, phóng sanh, cúng dường Tam bảo cho đến lạy Phật, tụng kinh, tọa thiền, xây chùa, đúc tượng... chúng ta đều hồi hướng công đức của mình đến quả vị Chánh đẳng Chánh giác. Vì sao vậy? Bởi vì nếu chúng ta không hồi hướng như vậy thì do phước báo mà chúng ta tạo được, chúng ta có thể sanh lên trời, và khi hưởng hết phước mà mình đã tạo thì chúng ta lại phải trở lại làm người hay súc sanh chịu khổ vô cùng. Chỉ khi nào chúng ta được thành chánh quả, tức là thành một vị Phật thì chúng ta mới được thong dong tự tại, muốn đến đâu thì đến, không bị thứ gì ràng buộc và vĩnh viễn thoát khỏi mọi khổ đau. Vì thế chúng ta nên hồi hướng hết thảy các công đức của mình đến quả Vô thượng Bồ-đề, không nên cầu quả vị khác dầu đó là quả trời, người hay Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát. Làm được như vậy tức là chúng ta học theo đặc tính thứ năm của biển cả.

Đặc tính thứ sáu của biển cả là biển cả chứa đựng rất nhiều châu báu khác nhau như trân châu, lưu ly... Để học theo đặc tính này, chúng ta cần nắm vững tất cả các học pháp như Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát thánh đạo... để khi cần sử dụng một pháp nào cho chính bản thân mình hay cho người khác thì ta đã có sẵn, giống như thọc tay lấy đồ vật trong túi áo của mình. Làm như vậy chính là ta đã học theo đặc tính thứ sáu của biển cả.

Đặc tính thứ bảy của biển cả là biển cả là trú xứ của nhiều loài hữu tình lớn như cá voi, cá mập, A-tu-la, Long xà, Nhạc thần... Để học theo đặc tính này, chúng ta cần mở tấm lòng ta cho thật rộng rãi để bao dung hết thảy mọi người. Dù là người tốt hay người xấu ta đều thương tưởng đến. Chúng ta không nên ghét bỏ kẻ xấu bởi vì những kẻ ấy là những kẻ rất đáng thương. Vì vô minh che lấp, vì tà kiến dẫn dắt mà những kẻ ấy gây ra bao nhiêu việc rất là xấu xa, bỉ ổi để rồi phải chịu quả khổ vô cùng trong một ngày không xa, thật là đáng thương xót. Học theo đặc tính thứ bảy này, chúng ta còn cần có tâm tùy hỷ, không ganh ghét những người tài giỏi hơn ta mà luôn tìm cách hỗ trợ cho những người ấy ngày càng tài giỏi hơn. Làm như vậy tức là ta đã học theo đặc tính thứ bảy của biển cả.

Tóm lại, mỗi người chúng ta đều nên học theo những  đặc tính của biển cả mà chúng tôi vừa trình bày bên trên. Có học như vậy, chúng ta mới có thể mau chóng đạt đến sự an lạc giải thoát trong hiện tại và vị lai. ❑

Viết bởi Chánh Niệm   

Nguồn Tập San Pháp Luân 13


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage