Mặc dù vậy, thế giới hiện tại vẫn
chưa có được sự thanh bình và an vui thực sự. Một vài thứ vẫn bị thiếu
thốn. Thứ đang thiếu ấy là lòng thương yêu và sự thiện chí ở trong tâm
mỗi người.
Tự thân những thứ vật chất mà con người
đã tạo ra, chúng không thể nào đem đến niềm hạnh phúc và sự thanh bình
miên viễn cho con người được. Sự thanh bình phải được tạo lập ngay
chính trong tâm hồn của mình trước khi có thể đem thanh bình đến cho
người khác và cho toàn xã hội. Để đạt được sự thanh bình thì cách thiết
thực nhất là thực tập theo những lời khuyên của các vị đạo sư.
Để rèn luyện lòng thương yêu thì trước
hết chúng ta phải rèn luyện những nguyên tắc cao quí của sự bất bạo
động và phải luôn sẵn sàng chống lại thói ích kỷ, đồng thời chỉ cho
người khác nhận thấy được con đường đúng đắn mà chúng ta đang theo. Sự
đấu tranh ở đây không có nghĩa là đấu tranh với cơ thể vật lý này, bởi
vì sự đồi bại của một con người không phải ở nơi thân thể mà là ở trong
tâm hồn của anh ta. Bất bạo động là một vũ khí lợi hại hơn nhiều so với
sự trả đũa bằng bạo lực trong việc đấu tranh chống lại cái ác. Vì bản
chất của sự trả đũa là làm cho tính đồi bại thêm nặng.
Để có được tình thương yêu, mỗi chúng
ta cần phải từ bỏ thói ích kỷ. Phần lớn tình thương yêu của con người
là đều có xu hướng vị kỷ: Người vợ thương yêu chồng, nhưng thật ra ẩn
chứa bên trong tình thương mà người vợ dành cho chồng ấy là tình cảm
của người vợ đối với chính bản thân mình. Cha mẹ thương yêu con cái,
nhưng sở dĩ cha mẹ thương yêu con là vì cha mẹ thương yêu bản thân họ.
Con người tôn sùng thượng đế, nhưng thực ra họ tôn sùng thượng đế là vì
họ lo cho bản thân họ. Chúng ta thương yêu người khác, nhưng sự thật
thì chúng ta thương yêu người khác là vì chúng ta muốn được người khác
thương yêu mình.
Con người nên tập thương yêu với tình
thương không vị kỷ để duy trì sự bình an đích thực và để tự cứu lấy
chính mình. Việc tự tử làm hủy hoại thân thể, cũng thế, thói ích kỹ sẽ
làm trở ngại sự tiến bộ tâm linh. Tình thương yêu theo đạo Phật không
phải là cảm xúc đơn thuần mà cũng không phải là ích kỷ. Đấy là tình
thương yêu được biểu lộ từ nội tâm thanh tịnh sau khi đã diệt trừ hết
những căm hờn, ghen ghét, tàn bạo, thù địch và oán hận ở trong lòng.
Theo đức Phật, tâm Từ, hay tình thương yêu là phương pháp hiệu quả nhất
để duy trì sự an tịnh trong tâm hồn và để gột rửa những tâm hồn đã bị
uế nhiễm.
“Tình thương yêu” là từ được sử dụng để
diễn tả một phạm vi rất rộng của những xúc cảm trong đời sống con
người. Thật ra, việc nhấn mạnh đến bản tính ham muốn tình dục đối với
một người khác giới đã hạ thấp giá trị của những xúc cảm trong mối quan
hệ thân thiện đối với người khác. Theo đạo Phật, có nhiều loại xúc cảm.
Tất cả những thứ đó được gọi bằng một danh từ chung là “tình thương
yêu”. Trước hết ấy là tình thương vị kỷ và tình thương không vị kỷ. Một
người có tình thương vị kỷ thì người đó chỉ quan tâm đến việc người
khác làm cho mình hài lòng như thế nào, mà lại không hề quan tâm đến
những mong muốn cũng như những cảm giác của người kia. Sự ghen ghét
luôn là dấu hiệu của tình thương vị kỷ. Tình thương không vị kỷ là tình
thương mà một người dành cho người khác bởi những điều tốt đẹp nơi
người ấy – cha mẹ rất mực thương yêu con của họ. Con người thường cảm
thấy có sự pha trộn giữa tình thương vị kỷ và tình thương không vị kỷ
trong các mối quan hệ giữa người với người. Chẳng hạn, trong khi cha mẹ
hy sinh rất nhiều cho con cái, thì họ cũng thường hy vọng một vài thứ
gì đó được con cái đáp trả lại.
Một thứ tình thương khác, trái với mối
quan hệ thân thiết đã nêu trên, ấy là tình huynh đệ và tình bạn bè.
Trong một chừng mực nào đó, thứ tình cảm này cũng được xem như là tình
thương vị kỷ, bởi vì nó bị giới hạn trong một số người riêng biệt và
không bao trùm hết tất cả mọi người. Ở một phạm trù khác, chúng ta có
tình dục, ở đấy, những cặp tình nhân quấn quýt với nhau bởi sự lôi cuốn
của thể xác. Điều này được những trò giải trí hiện đại khai thác triệt
để và nó có thể ảnh hưởng đến bất cứ điều gì, từ điều đơn giản là những
sự mê đắm của thanh thiếu niên, đến điều phức tạp nhất trong mối quan
hệ giữa những người trưởng thành với nhau.
Tình thương yêu rộng lớn hay là tâm từ,
là thứ tình cảm thuộc cấp độ cao hơn so với những tình cảm ở trên. Tình
thương yêu vô bờ bến này là đức hạnh cao quý mà những bậc giác ngộ đã
thể hiện. Chẳng hạn như đức Phật Thích Ca, Ngài đã quyết chí từ bỏ ngôi
vua, từ giả gia đình và gạt bỏ những thú vui thường tình để lên đường
tìm chân lý nhằm cứu chúng sanh thoát khỏi khổ đau. Để đạt được sự giái
ngộ, Ngài đã phải chiến đấu với vô số quân thù, phải vật lộn với muôn
ngàn khó khăn, gian khổ. Nếu là một chúng sanh bình thường thì có lẽ đã
bị quị ngã, nhưng đức Phật thì không. Chính vì lẽ đó mà đức Phật được
tôn xưng là bậc Đại từ bi. Tình thương yêu bao la của đức Phật không
chỉ dành cho loài người mà còn trải rộng đến muôn loài chúng sanh. Đấy
không phải là một thứ xúc cảm hay là tình thương vị kỷ, mà là tình
thương không biên giới, không phân biệt. Không giống với những thư tình
cảm khác, tình thương rộng lớn này sẽ không bao giờ bị chấm dứt bởi nỗi
thất vọng hay là sự chán ngán, vì nó không hề mong cầu sự đền đáp. Nó
làm cho con người nhiều niềm hạnh phúc hơn và hài lòng hơn. Người nào
tu tập tâm từ bi cũng sẽ thực tập hỷ và xã, và họ sẽ đạt đến trang thái
siêu việt.
Trong sách Con đường cổ xưa của đức
Phật, Ngài Piyadassi cho rằng: Tình thương yêu là sức mạnh tích cực.
Mỗi một hành động của người có tình thương yêu là hành động với tâm vô
nhiễm nhằm mục đích giúp đỡ, hỗ trợ, động viên để làm cho cuộc sống của
mọi người dễ chịu hơn, bình lặng hơn và làm chuyển hóa những nỗi lo âu
đang xâm lấn tâm hồn họ và có thể tận hưởng niềm hạnh phúc miên viễn.
Cách thức để nuôi dưỡng tình thương
yêu, để tình thương yêu được lớn dần lên là thông qua việc tư duy sâu
sắc về những điều xấu xa của sự ghen ghét, và những ích lợi của sự
không ghen ghét và thông qua sự tư duy về thực tại, về nghiệp. Quả thực
không ai ưa thích sự căm hờn. Sự căm hờn là một hình thức xấu của tình
cảm, nó làm cho chúng ta càng ngày càng lún sâu vào nơi tăm tối, làm
chúng ta thiếu đi sự sáng suốt. Sự căm hờn trói buộc con người, còn
thương yêu làm cho con người được thanh thản. Căm hờn bóp nghẹt con
người, còn thương yêu đem đến cho con người sự tự do. Căm hờn đưa đến
dằn vặt, còn thương yêu đem lại bình yên. Căm hờn làm mất bình tĩnh,
thương yêu làm cho con người được bình tĩnh. Căm hờn dẫn đến chia rẻ,
thương yêu đem lại sự hòa hợp. Căm hờn là thô bạo, thương yêu là dịu
dàng. Căm hờn là chống đối, thương yêu thì giúp đỡ. Lòng căm hờn có
những ảnh hưởng xấu, còn tình thương yêu đem đến nhiều lợi ích như thế,
cho nên chúng ta hãy cố gắng nuôi dưỡng cho tình thương yêu trong ta
thêm lớn mạnh.
Trong Kinh từ bi, đức Phật đã giải
thích bản chất của tình thương yêu trong đạo Phật là ‘như người mẹ bảo
vệ đứa con duy nhất của mình trong lúc nguy kịch nhất của cuộc đời. Tuy
nhiên, hãy để cho cậu ta tu tập tâm thương yêu vô bờ bến đối với tất cả
chúng sanh, hãy để những ý tưởng của tình thương yêu không biên giới
nơi cậu ta được tỏa khắp cả thế giới, phía trên, phía dưới, và cả bốn
phương, không một chút ngăn ngại, vắng bặt sự căm hờn và tuyệt nhiên
không có sự thù địch’.
Ven.K.Sri Dhammananda
Minh Nguyên dịch
(Trích dịch theo What Buddhists believe)