và nhà văn Nam Sơn trong Ban tổ
chức loay hoay, một vị phụ huynh chở con đến rồi ngồi lại dự luôn, và
tôi, người cao tuổi lạc lỏng nhất nên được mời ngồi gần gần diễn giả để
nghe cho rõ… Nhờ đó mà tôi ghi lại được đôi điều, chủ yếu phần trao đổi
mà tôi cho là thú vị.
Trong phần “mào đầu”, NNA phân tích tác
động của văn chương, nghệ thuật, đặc biệt lợi thế của văn đọc hơn hẳn
các phương tiện nghe nhìn trực quan khác… Văn đọc giúp trí tưởng tượng
phong phú hơn. Với văn đọc, trăm ngàn người đọc thì có trăm ngàn hình
ảnh tưởng tượng khác nhau, coi như cùng sáng tác với tác giả, trong khi
phim ảnh chỉ có óc tưởng tượng của một người là đạo diễn… Nhà văn tạo
cảm xúc đạo đức cho người đọc, nuôi dưỡng tâm hồn người đọc dài lâu…
( Ta thấy vai trò và trách nhiệm của nhà
văn- nhất là nhà văn viết cho tuổi thơ- quan trọng như thế nào để hình
thành nhân cách, đạo đức, cảm xúc của cả một lớp độc giả đang lớn, đang
phát triển thể chất lẫn tâm hồn!).
Một nữ sinh viên đứng lên. Em nói như
khóc- và thực sự thì em đã khóc vì cảm động- bảo đây là lần đầu em được
gặp nhà văn mà em hằng mến mộ từ tuổi thơ. Em lúng túng:
Làm cách nào mà lúc nào chú cũng vui và trẻ con trong nhân vật?
- Ấy là nhờ chú “nuôi” trong mình một chú bé con không cho lớn để viết cho tuổi mộng mơ…
(Nhiều cánh tay đưa lên)
Chú đọc bằng cảm xúc hay bằng lý tính?
- Chú đọc hồn nhiên, theo cảm xúc. Thưởng thức. Thưởng ngoạn. Tác động cảm xúc là chính. Sau, rồi mới nghĩ thêm.
Các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê
bình mới đọc bằng lý trí. Gạch đít, ghi chú, đọc không còn hồn nhiên. Đó
là bệnh nghề nghiệp. ( Một cô bạn làm “thầy cò”- sửa morasse- của nhà
văn một lần đi ăn phở, thấy nhãn chai nước tương sai chính tả đã bứt rứt
ăn không ngon!) …
Khi viết, chú đọc gì?
- Khi viết sách cho thiếu nhi, chỉ đọc
sách thiếu nhi, để không loãng trí. Nuôi dưỡng một bầu không khí thuần
khiết. Sử dụng ngôn ngữ hình ảnh phù hợp cho tuổi thơ.
Đọc sách sao cho hiệu quả?
- Sách nào hay thì đọc. Nghe bạn bè giới
thiệu. Đọc trên báo. Thuở còn học Sư phạm văn, thời buổi khó khăn, mỗi
người chỉ có một cuốn sách hay để đọc, rồi xoay vần đổi cho nhau nên
cũng tạo được một “thư viện” các tác phẩm hay, cần đọc. Đọc theo phân
công, rồi thuyết trình. Nhờ đó mà sâu. Nhà trường bây giờ phải khuyến
khích đọc sách, tổ chức cho học sinh đọc sách. Trong gia đình, bố mẹ ham
đọc sách thì con ham đọc sách. Cha ôm chai rượu, mẹ ôm bộ bài tứ sắc
thì con cũng vậy. Trẻ bây giờ không có thì giờ đọc sách là lỗi của ngành
giáo dục.
Chú ghét gì nhất?
- Ghét nhất sách bìa cứng! Cầu mong sách NNA không bao giờ bị làm bìa cứng!
Cảm xúc khi được giải Á châu với 100% phiếu bầu?
- Khi viết, không nhà văn nào nghĩ đến
giải cả, chỉ nghĩ đến bạn đọc. Viết để cho người đọc, nếu không thì viết
làm gì? Viết là để chia sẻ. Ngay cả blog. Trước kia coi là nhật ký,
nhưng nhật ký thì phải riêng tư chứ, còn khi chia sẻ với người đọc thì
blog đã mang ý nghĩa khác, không thể coi là nhật ký. Cuộc sống nhà văn
xoay quanh bạn đọc, không vì giải thưởng. Nhưng có giãi thưởng thì cũng
vui.
Có ý định tung sách lên mạng không?
3000đ/giờ. Thích thì in ra, photo. Có cách nào đưa sách đến bạn đọc
thiếu phương tiện, không tiền mua?
- Người ta đã tung lên mạng sách NNA cả
chục năm nay rồi. Mất bản quyền. Đời sống nhà văn vì thế mà ngày càng
khó khăn (!). Có người vì đọc thấy hay, đưa hết lên mạng để… chia sẻ.
Yêu nhau như thế bằng mười hại nhau!
Thấy phim ảnh, sách nước ngoài bán chạy nhờ ma-cà-rồng, chú có nghĩ nên viết về ma-cà-rồng để cải thiện kinh tế chú không?
- Đã viết về ma-cà-rồng rồi đó chứ…
Trong cuốn (… ). Loại ma-cà-rồng này hút máu ai thì người đó cũng trở
thành ma-cà-rồng, nhưng thôi để mua đọc đi…
Để tạo một tác phẩm hay thì yếu tố cảm hứng từ đâu?
- Văn chương thường từ 3 nguồn: ký ức,
óc quan sát, óc tưởng tượng. Thời kỳ đầu, thường người ta viết về… mình,
khai thác mình, vì mình dễ quan sát dễ biết dễ viết, gần như tự truyện.
Tôi cũng đã viết về mình, như khi ở quê mới vào Saigon, kêu xích lô bảo
về đường “Bò Họt”, không ai hiểu, phải viết ra giấy. Ối trời! Đường Bà
Hạt mà cứ Bò Họt Bò Họt hoài thì ai mà biết… Bác xích lô kêu trời. Rồi
sau đó ở trọ, mê con gái chủ nhà… Nhưng tôi không có dại gái như nhân
vật đâu nhé! Nhiều người sau một thời gian khai thác mình thì hết chuyện
để viết. Lúc đó, óc quan sát và óc tưởng tượng chính là những yếu tố
cần thiết.
Chú nói chú nuôi trong mình một chú
bé con không cho lớn để viết cho tuổi mộng mơ nhưng con không đồng ý,
hình như chú đa tình, một cậu bé lớn trước tuổi thì đúng hơn… Chú đã
viết chuyện tình lâm ly lúc mới 14 tuổi…
- Không, trẻ con bây giờ biết… chuyện tình sớm lắm! Hình như từ lớp hai?
( Nhao nhao: từ mẫu giáo!).
Tôi với bút hiệu Anh Bồ Câu ( Ủa, Anh Bồ
Câu hả!?) có lần nhận cú điện thoại của một bé nói em cô đơn quá, không
có người yêu, cả em họ của em cũng vậy. Tôi hỏi mấy tuổi, bé nói 10
tuổi, còn em họ, 8 tuổi!
Để trở thành nhà văn, cần có những tố chất gì?
- Không nói được. Nhưng, nói chung phải
có năng khiếu. Có trường dạy làm kỷ sư, bác sĩ… nhưng không có trường
dạy làm nhà văn. Với nhà văn, chỉ là trường bồi dưỡng. Những ngành nghề
khác có thể không cần năng khiếu, nhưng nghề văn phải có năng khiếu. Cần
có óc tưởng tưởng và có óc quan sát. Nhân vật thì tưởng tượng nhưng
tình tiết thì có thật, nhờ đó người đọc mới đắm chìm trong tác phẩm như
“chuyện thiệt” được, mới nuôi dưỡng cảm xúc của người đọc được.
Chú giống với nhân vật nào?
- Nhân vật nào dễ thương nhất là chú.
Khi bị tịt ngòi chú khai thông bằng cách nào?
- Khi viết “Kính vạn hoa” ròng rã 7 năm
trời, ngày nào cũng sống với đám nhân vật đó chú ngán quá, ra được 45
cuốn thì tắt tị, dẹp, kết thúc. Quyết tâm kết thúc. Năm năm sau, báo TN
kêu NNA viết feuilleton, viết tiếp Kính vạn hoa. Chịu thua. Quên hết
rồi và ngán ngẩm quá rồi. Nhưng nhà báo đã lỡ “quảng cáo”. Chú ôm cái
laptop trốn ra Vũng Tàu chui vào khách sạn nằm 3 ngày đêm. Ngày ngày ôm
laptop ngó biển. Hai ngày đầu rặn không ra một chữ. Ngày thứ ba, viết
được 5 trang. OK, điện về tòa soạn có thể được. . Thường sau khi viết
được ít trang thì viết tiếp không còn khó nữa…
Có cuốn sách nào có thể nói đã thay đổi cuộc đời chú?
- Không có cuốn nào cả!
Viết bằng giấy bút hay vi tính, cái nào tốt hơn?
- Tất cả là phương tiện, công cụ. Xưa
viết giấy bút, rồi máy đánh chữ, bây giờ vi tinh. Viết vi tính dễ sửa,
dễ gởi đến tòa soạn báo…
Tại sao kết thúc chuyện của chú thường không có hậu?
- Không, đó là kết bỏ lửng chứ không
phải không có hậu. Viết về tuổi mới lớn, về những rung động đầu đời… thì
phải bỏ lửng chứ, vì sau đó chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra cho họ, họ
đang lớn mà! Còn nhiều thay đổi mà…
Thế nhưng có đôi khi, với một nhân vật
chú ghét cay ghét đắng… thì chú đã kết thúc bằng cách cho nó… mang bầu
từ lớp 11, nên ai đọc cũng ghét nó luôn! ( Nhà văn mà trả thù thì ghê
thật, cho nhân vật mang bầu như chơi! Phải cẩn thận lắm vậy!)
Kết thúc buổi nói chuyện, NNA đọc 4 câu thơ tặng các bạn trẻ :
Hôm qua em hứa anh rằng…
Sao nay em lại khăng khăng bảo là…
Tưởng rằng yêu thật hóa ra…
Cũng vì anh quá thật thà cho nên…
Cũng lại bỏ lửng!
Sau đó là phần tặng quà cho các bạn sinh viên đã đặt những câu hỏi hay.
(Mai Sơn nói nhỏ với Đỗ Hồng Ngọc: Hôm nay có vẻ nhờ có sự hiện diện của anh mà NNA cảm hứng nói hay quá đó!).