Chùa Bửu Minh

Hòa thượng: có gốc từ Phạn ngữ: upadhyaya, Pàli: upajjhaya, tiếng Nhật là: osho; dịch âm Hán Việt là Ưu ba đà la; nguyên là cách gọi đối với các bậc tôn sư thân cận dìu dắt các Sa di hoặc Tỳ kheo, vì vậy cũng được gọi là Thân giáo sư hoặc Lực sinh.


Hỏi: Nhờ giải thích nguyên nghĩa của các cách tôn xưng "Hòa thượng", "Thượng tọa" và "Đại đức".

Đáp:

- Hòa thượng: có gốc từ Phạn ngữ: upadhyaya, Pàli: upajjhaya, tiếng Nhật là: osho; dịch âm Hán Việt là Ưu ba đà la; nguyên là cách gọi đối với các bậc tôn sư thân cận dìu dắt các Sa di hoặc Tỳ kheo, vì vậy cũng được gọi là Thân giáo sư hoặc Lực sinh. Trong thời gian đầu của Phật giáo tại Ấn Độ, người ta phân biệt hai vị thầy của một người mới nhập Tăng già, đó là Hòa thượng và A xà lê (hoặc Giáo thọ, Phạn ngữ: acarya). Hòa thượng là người dạy các đệ tử biết trì giới, thực hành nghi lễ, và vị Giáo thọ là người giảng Pháp, ý nghĩa của kinh sách. Vì thế mà danh từ Hòa thượng cũng đồng nghĩa với từ Luật sư hoặc Giới sư trong thời này.

Tại Đông và Nam Á, danh hiệu Hòa thượng là chức vị cao nhất mà một người tu hành có thể đạt được, cao hơn cả vị A xà lê. Muốn mang danh hiệu này, một vị Tăng phải đạt được những tiêu chuẩn đạo đức, thời gian tu tập (tuổi hạ)... và danh hiệu này được tấn phong trong một buổi lễ long trọng của Tăng già. Danh từ này sau cũng được dùng chỉ những vị Tăng cao tuổi, trụ trì một ngôi chùa và có đức hạnh, tư cách cao cả mặc dù chưa được chính thức phong hiệu.

Danh hiệu "Đại Hòa thượng" cũng thường được sử dụng trong Thiền tông để chỉ những vị Thiền sư. Theo những nghi thức tụng niệm trong một Thiền viện tại Nhật Bản, thiền sinh phải tưởng niệm đến hệ thống truyền thừa từ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến vị Lão sư (roshi) đang trụ trì và tụng danh hiệu của chư vị. Tên của chư vị thường được thêm danh hiệu (Đại Hòa thượng) phía sau để tăng thêm vẻ uy nghiêm.

Tại Việt Nam ngày nay, "Hòa thượng" được xem là phẩm vị giáo phẩm cao nhất trong tổ chức Tăng già của GHPGVN, điều kiện tấn phong được quy định trong Hiến chương của Giáo hội (đang ở giáo phẩm Thượng tọa, trên 60 tuổi đời và 40 tuổi đạo, có đạo hạnh, có công đức với đạo pháp và dân tộc...).

- Thượng tọa: có nguồn gốc Phạn ngữ: sthavira, Pàli: thera; là cách tôn xưng một vị Tăng cao tuổi đã đạt bốn tiêu chuẩn sau: 1) Đức hạnh cao; 2) Nắm vững tất cả giáo lý căn bản của đạo Phật; 3) Nắm vững các phương pháp thiền định; 4) Người đã diệt ô nhiễm, phiền não và đạt giải thoát.

Danh hiệu Thượng tọa được dùng sau này không hẳn là theo tất cả các tiêu chuẩn trên, thường chỉ để dùng cho các Tỷ kheo có danh tiếng, cao tuổi hạ.

Tại nước ta, phẩm vị "Thượng tọa" được xem là giáo phẩm sau "Hòa thượng", điều kiện để GHPGVN tấn phong cũng được quy định trong Hiến chương của Giáo hội (Tăng sĩ từ 45 tuổi đời và 25 tuổi đạo trở lên, có công đức với đạo pháp và dân tộc...).

- Đại đức: là tôn hiệu chỉ cho những vị Tăng có đạo hạnh và trí tuệ. Ở nước ta ngày nay, Đại đức chỉ cho những vị Tăng đã thọ giới Tỳ kheo.

(theo Tuần báo Giác Ngộ, tháng 1-2006)


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage