Chùa Bửu Minh

Nối tròn một vòng tử sinh


Năm 2004, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được tổ chức World Peace Music Awards (tổ chức Âm Nhạc Vì Hòa Bình Thế Giới), chọn để trao giải thưởng cho những sáng tác vì hoà bình. Người yêu nhạc Trịnh bị chinh phục bởi triết lý nhẹ nhàng, thấm đượm tinh thần nhân bản trong những ca từ nói lên nỗi đau của thân phận con người trong chiến tranh. Từ “phản chiến” mà người ta nhắc đến nhạc Trịnh chưa đầy đủ ý nghĩa để nói hết khao khát hòa bình và tình yêu thương con người mà ông muốn tỏ bày. Trịnh Công Sơn từng viết: “Tôi luôn luôn nhớ thương tuổi trẻ, tuổi của tình yêu nồng nàn. Khi tôi yêu thương cái tuổi đời ngào ngạt hương hoa này thì đồng thời tôi cũng yêu một cõi đời tôi đã mất”.

Qua hai cuộc chiến tranh, hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống, vùi sâu dưới lòng đất lạnh. Sống trong đau thương của bom đạn và hận thù, người dân luôn phải đối diện với cái chết, và chính lúc đó họ mong muốn được sống một đời sống đích thực, bình yên. Chết cho quê hương, biết bao thế hệ người Việt Nam trong chiến tranh đã làm được điều đó. Nhưng trong hòa bình, sống cho quê hương thì phải sống như thế nào trong các mối quan hệ đan xen không thể tách rời giữa ta và người, giữa những vết thương mới cũ còn chưa thể liền da?

Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng vẫn còn đâu đó trong tâm hồn của biết bao người Việt những xót xa, đau đớn, ngậm ngùi. Mất mát ấy chưa thể ngày một ngày hai mà có thể bù đắp được. May thay, đời vẫn còn lời ca tiếng hát. Lời ca reo vui của Trịnh Công Sơn cất lên ngay sau thời khắc hoà bình, thống nhất đất nước: "Rừng núi giang tay nối lại biển xa / Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà / Mặt đất bao la, anh em ta về / Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng/ trời rộng, biển xanh, sông gấm nối tròn một vòng tử sinh ...”, như báo hiệu cho niềm vui về một vết thương mau lành, về một tình yêu bao la lấy sơn hà làm trọng…  Nhân-ngã có là gì, khi mỗi tấc đất quê hương còn biết bao xương máu của đồng bào mình đổ xuống? Hơn 30 năm rồi, mà sao vẫn còn những nhát cuốc chạm vào những nấm mồ vô chủ, và những bộ xương người nằm trong nhiều tư thế lại lộ ra, đau tràn nước mắt. Rồi những ngọn đèn, bó hương, những lời kinh cầu lại tha thiết cất lên cho một phần máu thịt của quê hương, họ có danh mà trở nên vô danh trước chiến tranh, họ có nhà mà trở nên không nhà trước bom đạn... Họ không chỉ là đồng chí mà đó còn là đồng bào, họ cùng một bọc sinh ra.

Trịnh Công Sơn đã viết: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Cả ta và người đều phải nỗ lực để sống cho nhau vì mang nặng một kiếp người, và khi quê hương vẫn luôn là nhân thế, vẫn còn đó những mưu toan bất ổn. Dưới làn mưa bom đạn và hận thù, con người chỉ còn biết ẩn náu trong “vô thường”, vì hạnh phúc cứ nối tiếp nhau mất đi: "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu / một trăm năm đô hộ giặc Tây / 20 năm nội chiến từng ngày / gia tài của Mẹ một rừng xương khô / gia tài của mẹ một núi đầy mồ ...”.

Cụ Nguyễn Du đã nhìn chiến tranh với con mắt cảm thương: “Nào những kẻ bài binh bố trận/ Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung/ Gió mưa thét rống đùng đùng/ Dãi thây trăm họ làm công một người/ Khi thất thế tên rơi, đạn lạc/ Bãi sa trường thịt nát máu trôi/ Bơ vơ góc bể chân trời/ Nắm xương vô chủ biết vùi nơi nao?”; “Buổi chiến trận mạng người như rác/ Phận đã đành đạn lạc tên rơi/ Lập loè ngọn lửa ma chơi/ Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương” (Văn Chiêu hồn)

Trịnh đôi lúc để lời ca thân phận “lưu đày” trong kiếp luân hồi, nhưng cũng không nguôi tha thiết cất cao những “lời kinh” hát cho quê hương: Đoá hoa vô thường, Gọi tên bốn mùa, Rừng xưa đã khép, Lời thiên thu gọi, Tình yêu tìm thấy, Gia tài của mẹ, Hãy sống giùm Tôi, Đêm bây giờ đêm mai, Ngày dài trên quê hương, Nối vòng tay lớn, Chờ nhìn quê hương sáng chói…

“Tìm thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá/ Góc phố nào cũng thấy quê nhà” (Tình yêu tìm thấy). “Thấy” và “nhớ” những điều như vậy, bởi chiến tranh không ngừng làm cho con người phải lưu vong trên chính quê hương thân yêu của mình. Đó là nghịch lý trong lịch sử phát triển của mỗi dân tộc. Thành trì tư duy phân tuyến có thể không có trách nhiệm phải quan tâm đến nỗi đau chung của thân phận con người, nhưng lương tâm con người thì cần đến nó, vì mỗi người đều mang trong mình một tổ tiên huyết thống, tổ tiên tâm linh, và đều không thể phủ nhận được nguồn cội quê hương của mình.

Đau khổ và lầm lỡ cho những ai đã tiếp tay với quân xâm lược để tàn phá quê hương, nhưng đại nghĩa luôn thắng

hung tàn, đó là triết lý muôn đời của người Việt, mong sao “Có những ai xa đời quay về lại” (Phôi pha), “Những ngàn xưa trôi đến bây giờ/ Sông ra đi hay mới bước về?” (Gần như niềm tuyệt vọng). Đó là những câu hỏi lớn trong nhạc Trịnh. Giáo sư John C. Schafer đã viết: “Trịnh Công Sơn đã tỏ ra chấp nhận thuyết luân hồi của nhà Phật trong những câu mà Trịnh Công Sơn đã làm nhòa nhạt biên giới giữa đi và về… Nếu chết là để đi đến tái sinh thì khi ta ra đi nghĩa là ta trở lại. Nhìn sống và chết cũng như nhìn nước chảy trên sông và tự hỏi nước đang đi hay nước đang trở về…” (“Triết học nhẹ nhàng” của Trịnh Công Sơn).

Để “trời rộng, biển xanh, sông gấm nối tròn một vòng tử sinh”, con người phải tự biết hoá giải nỗi khổ sinh tử, để trở về thấy vô thường như một đoá hoa, để sống một đời đáng sống cho quê hương. Nói như mong ước của cụ Nguyễn Du “Nhờ phép Phật siêu sinh Tịnh độ/ Phóng hào quang cứu khổ độ u/ Khắp trong tứ hải quần chu/ Não phiền trút sạch, oán thù rửa trong” (Văn chiêu hồn).

“Phép Phật” ấy chính là trở về với nguồn tâm của mình. Không thể rửa trong được oán thù, khi bao lâu nay tâm vẫn còn vẩn đục bởi hận thù, vẫn xem chiến tranh như một phần thưởng của chiến thắng, vẫn đè nặng nỗi oán hờn của người bại trận.

Con người ở bất cứ thời đại nào cũng cần phải đối diện với nỗi đau “sinh tử” để sống cho hiện tại. Kinh tạng Nikaya có câu chuyện kể về bà Kisagotami - người mẹ khổ đau:

Kisagotami vô cùng đau khổ khi đứa con trai yêu quý của bà đột ngột qua đời. Trong cơn tuyệt vọng vì mất con, Kisagotami nghe người ta nói với nhau rằng, Đức Phật là người có khả năng làm cho người chết sống lại. Tia hy vọng loé lên, bà ôm xác con đến nơi Đức Phật để mong Ngài có thể làm cho con mình sống lại. Đức Phật không từ chối lời yêu cầu của Kisagotami mà Ngài chỉ mong bà hãy vì con của mình mà thực hiện một yêu cầu. Đó là bà cần phải tìm được hạt cải của gia đình chưa từng mất người thân, chỉ có hạt cải ấy mới làm cho đứa trẻ hồi sinh. Kisagotami ôm xác con đi khắp trong thôn ngoài làng, nhưng không có gia đình nào chưa từng chứng kiến cảnh người thân qua đời. Kisagotami chợt nhận ra rằng, trên thế gian này không chỉ có riêng một mình bà chứng kiến cảnh người thân yêu qua đời, và đau khổ của bà không phải là duy nhất. Người phụ nữ đó bèn mai táng con và tìm đến Đức Phật. Đức Phật đã tán thán sự tự nhận thức về nỗi đau của người phụ nữ và Ngài dạy:

“Này tín nữ! Bà đã tìm được cái mà không ai tìm thấy. Niềm an ủi đắng cay mà Như Lai tặng cho bà. Đứa con yêu dấu đã an giấc nghìn thu, trong vòng tay của bà ngày hôm qua; Hôm nay bà biết rằng toàn thể thế gian mênh mông này, đều than khóc nỗi khổ đau của họ cũng giống vậy”.

Những lời của Đức Phật thấm sâu trong tâm, hiểu rằng vô thường là đặc tướng của tất cả mọi hiện tượng, ngay lập tức Kisagotami chứng thánh quả Tu-đà-hoàn (nhập lưu) và xin xuất gia, gia nhập vào giáo đoàn Tỳ khưu ni. Sau đó không bao lâu, nhờ nghe những thời thuyết giảng của Đức Phật, và nhờ chuyên cần hành thiền, bà đã chứng thánh quả cuối cùng (A - la - hán).

 Câu chuyện trên trở thành đề tài quán chiếu về nỗi khổ sinh tử của biết bao nhiêu thế hệ người dân châu Á. Trong cơn tuyệt vọng, người phụ nữ đặt hết hy vọng vào Đức Phật. Nếu khi người phụ nữ ôm xác con tới nơi, Đức Phật nói ngay rằng, con của bà đã chết rồi và không thể cứu được nữa, rất có thể người phụ nữ kia sẽ đau khổ quá mà không thiết sống nữa. Nhưng ngài đã khéo vận dụng phương tiện để người phụ nữ tự trải nghiệm đau khổ và nhận thức sinh tử là lẽ thường. Ngài không có tham vọng cứu sống ai mà Ngài chỉ muốn người ta tự cứu sống chình mình.

Từ nỗi khổ của cái chết mà con người không tuyệt vọng, không oán hận để mở cửa sinh quý giá cho thân thể và tâm hồn của mình, hướng đến tương lai. “Chiến thắng chính mình lớn hơn chiến thắng hàng ngàn quân”, “chiến thắng chính mình là chiến thắng tối thượng”. Người phụ nữ bất hạnh kia, chính trong giờ phút sinh tử đã chiến thắng được chính mình và trở thành người mẹ bất diệt trong kinh điển Phật giáo. Bà đã nối được vòng tròn tử sinh trong nhận thức để yêu người, thương đời và khát khao sống hướng thiện.

“Sinh tử là chuyện nhàn”, Trịnh Công Sơn đã thể hiện hết khao khát hòa bình của mình bằng nhịp sống “nối tròn một vòng tử sinh” như nối liền vết thương đau của kiếp người. Nhưng tại sao “lời kinh cầu hoà bình” của Trịnh đã cất lên trên khắp quê hương, mà chúng ta vẫn ngần ngại chưa thể cùng nhau chạm tay để “nối trọn một vòng tử sinh”?

Dân tộc ta có "ngày xá tội vong nhân", và người Việt từ bao đời nay vẫn nhắc nhủ nhau điều này để sống và hướng về lòng vị tha bao dung, bởi họ luôn hiểu rằng thương người chính là dung mình.

Thường Trung (Theo VHPGVN)

 


Nguon: diemnhin.vn/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage