Chùa Bửu Minh

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Trịnh Công Sơn từ Sài Gòn trở lại Huế, tìm gặp ngay TN - người con gái Quảng Trị, đang theo học khoa Việt Hán tại Đại học Sư phạm Huế. Guồng chân trên chiếc xe đạp đến nơi hẹn, Sơn mong chờ nỗi nhớ òa vỡ sau hơn một năm chỉ gặp qua những cánh thư.

 

TN đứng đó, khép nép bên cạnh DC, người bạn học thân thiết nhất của minh chờ Sơn… “Trời ơi!  Răng mà cắt tóc như rứa!”, chỉ duy nhất câu nói thảng thốt với cái nhìn thẫn thờ tiếc nuối, rồi quày quả quay đi. Dấu chấm hết một mối quan hệ hơn hai năm của Trịnh Công Sơn với TN là như vậy đó!

TN nổi tiếng vì một nhân dáng rất Huế, với mái tóc dài rất Huế. Lãng mạn như Sơn không thể không đứng ngẩn trông vời mỗi khi TN tan trường về cư xá sinh viên mỗi chiều.

Có xuân đang về, cây cành vui nhé!

Có em đi về, bên đời cư xá.

(…)

Có em tóc dài, theo mùa xuân tới nói năng bên đời….

(Theo mùa Xuân đến – 1/1975) 

Nếu có lần nhạc sĩ họ Trịnh đã thổ lộ rằng mỗi một trong 600 tình khúc của ông đều có hình ảnh của một người con gái nào đó thì với TN, Sơn đã sáng tác không ít hơn mười bài dành tặng riêng cho cô.

Tóc em từ độ, từ độ yêu người,

(…)

Chít con bím dài, một hôm nơi đây,

Đã như trói người vào trong thiên tai

(Từ độ yêu người - 1974)

TCS và các nữ sinh Cao Nguyên. Ảnh tư liệu, trước 1975

Tiếc thay, rất vô tâm, TN cắt đi mái tóc cũng đồng nghĩa cô tự xóa đi hình ảnh của chính mình trong Sơn. Sơn hụt hẫng, Sơn đau xót cũng vì thế. Có lẽ TN đã nhận định chính xác cách yêu của Sơn: “Sơn không thực sự yêu ai, Sơn chỉ yêu một phần nào đó mà người phụ nữ của Sơn có”. Nhưng để bộc lộ, Sơn vô cùng tha thiết:

Tôi xin em về với mùa đông già

Còn không bao ngày sẽ mùa qua

(…)

Tôi xin em về với mùa đông tàn

Nhìn em đi và hứa đừng quên

(Về giữa mùa Đông - 12/1974)

Quay quắt với nỗi nhớ:

Có một mùa đông nhớ Nhung, ôi khi mùa hạ

Khi mùa xuân đến vô tình nhớ Nhung mùa thu

(…)

Có khi ngồi đây nhớ Nhung ôi trên đường dài

Khi chiều đang tới vô tình nhớ Nhung ngày mai

Ôi ngày đất trời, sẽ còn nhớ Nhung gọi mãi….

(Từ độ yêu người – 1974; trong bản gốc, Nhung được viết hoa)

May thay! Tình yêu của Sơn không hề dung tục. Để viết về những “mối tình” của nhạc sĩ họ Trịnh này thì có bút nào tả xiết nhưng biết sao được khi không có những nhân dáng và dung nhan kia làm sao chúng ta có được “Diễm xưa”, “Hạ Trắng”, “Tình Nhớ”…Với TN, Trịnh công Sơn cũng có gần mười ca khúc chưa từng công bố, như vừa nói.

Một nhạc phẩm chép tay chưa từng công bố được cho là của TCS. Ảnh NS

Những bản chép tay của Sơn được trao cho TN trong suốt hai năm 1974, 1975. Sau này khi theo gia đình đi định cư ở nước ngoài, không biết TN có nó trong hành trang của mình không? May thay, những bản này được DC, người bạn gái đồng học đã ghi lại, chỉ tiếc vì ghi lại nên không phải là di cảo với bút tích và chữ ký của Trịnh Công Sơn. Học giả Bửu Ý và Trịnh Vĩnh Ngân, em của nhạc sĩ cũng có các bản ghi lại này. Ông Bửu Ý  thừa nhận giai điệu và ca từ thì đúng của Sơn rồi, nhưng không có cơ sở pháp lý để công bố. Thật tiếc!

Cũng không rõ là sau khi không còn liên lạc với TN, Trịnh công Sơn cũng không hề nhắc đến các ca khúc này. Có thể Sơn cũng không còn bản nào trong tay, hoặc giả Sơn muốn rằng đó là của riêng chỉ cho TN ?

Người viết đang có trong tay năm bản chép lại các sáng tác dành cho TN. Mong những người biết chuyện sẽ có ý kiến để những người yêu nhạc chính thức được nghe những ca khúc của Trịnh Công Sơn tưởng chừng đã đi vào quên lãng. Mong rằng TN vẫn còn giữ những bản gốc của nhạc sĩ viết tặng riêng mình.

Nguyễn Sơn

http://www.pleikucafe.com


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage