Chùa Bửu Minh

Vợ Huế


Ngô Thị Phúng

Mẹ tôi là người Huế. Ngày còn trẻ, ba tôi nổi tiếng là người đào hoa, tính lại thích tự do bay nhảy. Vậy mà, trong thời gian lưu lạc làm ăn nơi đất Thần Kinh thơ mộng, ba đã "chân đi không đành” khi "gặp cô gái Huế” là mẹ tôi bây giờ. Không biết ba đã tỉ tê những gì mà mẹ tôi chịu rời bỏ quê cha đất tổ theo ba về cái nơi thừa nắng thừa gió này làm nàng dâu xa xứ.

Mẹ tôi theo đạo Phật nên tư tưởng Phật giáo đã ăn sâu trong ý thức của mẹ tôi. Bà vốn sinh ra từ làng làm hương nổi tiếng ở Huế: làng hương Thủy Xuân. Về quê theo chồng, mẹ mang theo cái nghề làm hương truyền thống đó truyền lại cho xóm làng. Gia đình tôi làm hương từ đó, và mẹ tôi được gọi là cô Huế làm hương. Cái tên ấy đã gắn bó với mẹ tôi như một nét Huế giữa vùng quê "xứ Nẫu” - Phú Yên.

Công việc làm hương đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, không làm ẩu cho qua chuyện. Những ngày đầu tập se hương, dù được mẹ chỉ dẫn tận tường, cây hương tôi se vẫn cứ phồng rộp như người bị bỏng. Mẹ chỉ liếc qua là biết chính do tôi nhào bột hương chưa kĩ rồi. Nhìn bàn tay yếu ớt của mẹ xoay vần theo thau bột một cách khó khăn, tôi buộc miệng hỏi: "Mẹ ơi! Sao mình không dùng chân giẫm có phải đỡ tốn sức?” Mẹ lắc đầu nguầy nguậy: "Ấy chết! Nén hương được thắp lên bàn thờ ông bà, mình làm vậy là phỉ báng tổ tiên, không được đâu!” Rồi mẹ thủ thỉ tâm sự: "Mỗi nén hương được thắp lên là tấm lòng thành kính của mình đối với ông bà, tổ tiên. Mùi hương trầm lan tỏa sẽ cho ta có cái cảm giác được đối thoại không chỉ với hiện tại mà còn cả với quá khứ và tương lai”.

Những năm sau này, nghề làm hương không còn thịnh hành như trước nữa. Mọi người xoay đủ mọi nghề làm giàu, song mẹ tôi vẫn giữ lấy nghề. Tôi biết mẹ muốn giữ một chút gì đó rất Huế bên mình. Chắc là mẹ nhớ Huế dữ lắm. Mẹ hay kể cho chúng tôi nghe việc chúa Nguyễn cho xây dựng chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê và đặt tên con sông dẫn đường chọn đất đế nghiệp là sông Hương: truyền thuyết gắn liền với nén hương của chúa Nguyễn Hoàng. Mẹ hay nhắc tới những đóa hoa hương đầy màu sắc trên con đường Ngô Gia Cát dẫn vào khu di tích lăng vua Tự Đức đã gắn bó với mẹ từ thuở thiếu thời. Qua lời mẹ kể và giọng ru sâu lắng man mác buồn của mẹ những buổi trưa hè, thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền đài... đều hiện rõ trong tôi.

Bóng trăng hồ sen trong Hoàng Thành
Tiếng chuông từng đêm Thiên Mụ buồn...

Và cả cái màu tím Huế thân thương cứ tim tím hoài trong các giấc mơ tuổi thơ tôi.

Chúng tôi cứ lớn dần song hành với nỗi niềm nhớ quê của mẹ. Hồi bà nội còn sống, bà thương mẹ vô cùng, sợ ba có điều gì làm mẹ buồn, bà hay nhắc khéo: "Nó từ xa xôi tới đây, một thân một mình, con đừng có mà hiếp đáp,
"Mỗi nén hương được thắp lên là tấm lòng thành kính của mình đối với ông bà, tổ tiên. Mùi hương trầm lan tỏa sẽ cho ta có cái cảm giác được đối thoại không chỉ với hiện tại mà còn cả với quá khứ và tương lai”.                                      
ruồng rẫy nó mà phải tội”. Bà chỉ lo xa vậy thôi, chứ ba tôi làm gì "có lí do” để mà bắt nạt mẹ. Trong gia đình, mọi việc lớn nhỏ đều do một tay mẹ lo liệu chu toàn. Mẹ dịu dàng, đức hạnh, chịu khó lại chiều ba hết ý. Ba lại là người biết điều nên không bao giờ làm mẹ phải buồn lòng. Mẹ lại giỏi giang việc nữ công gia chánh (chắc là do tính cách người Huế truyền lại). Những món mẹ nấu ngon ơi là ngon! Tôi thích nhất là món chè bột lọc do mẹ làm, ngọt thanh tao chứ không ngọt lự. Những ngày giỗ chạp, đình đám trong làng, mẹ luôn là bếp trưởng. Nhìn bàn tay mẹ khéo léo trang trí hình công phượng trên đĩa thức ăn, chúng tôi thán phục vô cùng. Những lúc vui, tôi hay hỏi đùa ba:

- Hồi còn trẻ, ba chọn mẹ con vì mẹ nấu ăn ngon hay vì "giọng nói ấm trầm sâu lắng lạ của mẹ” mê hoặc?

Ba hấp háy mắt cười xác nhận:

- Thì... cũng có, nhưng ba mê nhất là mái tóc của mẹ con, mái tóc dài như suối, óng ả tới ngang lưng được mẹ con gội bằng hoa bưởi vườn nhà. Mẹ con chỉ kẹp hờ bằng cây kẹp Mỹ thời đó, ba chỉ nhìn sau lưng đã mê rồi.
 
-Bất chợt tôi đưa tay che vội mái tóc ngắn củn của mình ngượng nghịu. Đúng là ba có nhiều lí do để tự hào về mẹ. Có những lúc cao hứng ông còn nói: "Nghe người ta thường nói: Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật, là ba cái nhất. Trật hết! Phải nói là "Lấy vợ Huế” mình sẽ có cả hai cái nhất còn lại. Nghe vậy, mẹ tôi ngượng chín cả mặt. Còn cậu em họ khẽ nháy mắt với cô vợ (quê miền sông nước Cửu Long) ngồi bên, nói khẽ: "Chắc là cháu phải cưới một cô vợ Huế mới mong được sướng tấm thân”. Cậu em họ nói chưa xong đã bị cô vợ cấu một cái vào mạn sườn rõ đau rồi la oai oái làm mọi người phải bật cười.

 
Đại Đoàn Kết

http://www.lieuquanhue.vn/index.php/n_ng_ph_xu_n/5899.html


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage