rồi cũng theo với trận gió thổi tuyết tan bất
ngờ, cảm giác mơ hồ như có ai đến sau lưng gõ nhẹ trên vai nhắc nhở rằng
bên nớ năm tháng âm lịch cũng đang nghiêng mau, Tết nay mai sắp đến.
Có khi tôi nói câu ấy âm thầm, như căn dặn với mình hay như vỗ về một
cái tôi tưởng đã mất hút trong vô thức hồi nào đang lửng thửng trở về
từ một nẻo rất xa, mà hình như nẻo xa ấy chính là con đường đã đi những
ngày Tết của tuổi thơ.
Có khi tôi nói câu ấy như một lời bâng quơ, ai nghe được thì nghe, có
khi câu ấy bỗng trở thành như một lời tuyên bố công khai quả quyết
rằng, việc về nhà ăn Tết của tôi là nghiêm trang cần phải thực hiện cho
bằng được.
Ấy vậy mà những mấy mươi năm đã trôi qua, nhiều lần trở về quê, trong
năm có khi hai lần, tôi vẫn vụng về tính ngày tháng làm sao mà cứ hụt
hoài cái Tết, đến nỗi chưa được ăn “nó” một lần ở nhà.
Nói ra thì mọi chuyện đều lơ mơ, chẳng có cái chi là xác quyết, đến
nỗi đã nhiều chuyến định về ăn Tết hóa ra một nửa chừng xuân, trở thành
chuyện nực cười cho thiên hạ và cả cho người thân. Mơ hồ lắm! mà quả
thật là mơ hồ chỉ nội cái chữ “về nhà ăn tết” ấy.
Con tôi sẽ bảo “thì nhà mạ ở Muenchen đây nì”, ăn Tết ở đây cũng là
ăn Tết ở nhà, chơ có đi mô xa, nhưng rồi chính con đọc thấy trong mắt mẹ
một nỗi ngờ, e chữ “nhà” ấy tuồng như là một cưỡng bách, vì nó chỉ đúng
với mẹ một phần, phần bên kia đại dương cũng là nhà mẹ, dù bao nhiêu
người thân đã ra đi. Cứ thế “cái nhà” treo lơ lửng lưng chừng, đến nỗi
lắm chuyến về ăn Tết thành ra dở dang…cũng vì cái nhà nọ níu kéo cái nhà
kia…mà thành ra lỡ chuyện.
Cái nhà đã lơ lửng thinh không… thì “ăn Tết” ở đâu mới là nhà? Hay
“ăn Tết” chỉ là một thứ mộng triệu, một ước mơ của những người xa quê?
Thật tình, hai chữ “ăn Tết” hình như đối với người xa quê có một điều
chi lạ lùng, hai chữ ấy không phải đơn giản chỉ là “ăn” như ăn cơm, ăn
kẹo, ăn bánh.., một khi ăn xong, thưởng thức xong, được no, được thỏa là
có thể quên, bụng dạ và đầu óc thảnh thơi có thể nghĩ đến những bận bịu
bổn phận này hay công danh khác. Chúng cũng không có nghĩa bóng của
những thứ ăn tạp kiểu ăn gian, ăn tham như ăn hối lộ, ăn bớt, ăn xén, ăn
vụng...ăn xong là phải dấu diếm hoặc phải xấu hổ, hay đi sám hối vì cảm
thấy tội lỗi đã lỡ phạm vào những cuộc ăn như thế (có người sẽ mĩm cười
nói thời kinh tế thị trường này ai có thì giờ đi sám hối,nhưng…đó cũng
chỉ là chuyện kinh tế thị trường!).
Ở mỗi thứ ăn nói trên, đối tượng ăn cụ thể, được định hình bằng hiện
vật rõ ràng, dù phẩm chất ăn khác xa nhau một trời một vực, trong lúc
hai chữ ăn Tết đối với người xa quê thường có những âm vang bí nhiệm kêu
gọi một sự quay về, một hồi hướng hầu như không thể gọi được gọn ghẽ
một tên chính xác, bởi vì chúng nói lên nhiều thứ, nhiều điều, đến nỗi
nếu ta thử nói lên một điều nào là lập tức đã thấy thiếu điều kia, vừa
kể xong điều này là đã thấy ngay chưa vừa, chưa đủ điều nọ... cho
nên...mới gọi là ăn...Tết: ăn cả một cái Tết lận. Nhưng ăn gì nơi cái
Tết ấy?
Chữ Tết nghe như nhiều, nhiều lắm, nhiều đến “ăn” không hết mà lại
“ăn” mấy cũng chưa vừa cho những kẻ xa quê, nó vượt lên trên mọi thứ
“ăn” thường tục đến nỗi có thể trở thành thiêng liêng như một thứ đi mà
chưa đến, một kiểu hành hương...
Dĩ nhiên mỗi khi xuân về Tết đến, người xa quê nào cũng ráng “ăn một
cái tết” ra hồn ngay trên mảnh đất tha phương mà mình đang sống, dù ở
nơi hẻo lánh hay nơi chốn phồn hoa tấp nập, dù trong trại tị nạn, ngay
cả trong ngục tù, trong căn phòng chật chội hay trong căn nhà rộng lớn,
một mình hay với bạn bè đồng hương. Lắm khi đầy đủ lễ nghi rình rang còn
hơn ở quê nhà, cũng chợ hoa, cũng thiệp chúc Tết tưng bừng, cũng hội
chợ ngày xuân, có khi cả bài chòi bài tới, bầu cua cá cọp…. Và họ có thể
ăn lu bu, ăn kỹ lưỡng, ăn đến nơi, đến chốn, cái gọi là “cliché” ngày
Tết, đại khái như “thịt mỡ, dưa hành,...bánh chưng xanh”, và lắm khi
cũng “ăn” luôn những “câu đối đỏ” , “nêu cao” ngất nghểu, “pháo nổ” dòn
dã nơi những góc trời xa ngái Mỹ Âu. Chẳng thiếu một thứ nào trong
những buổi chơi xuân, đón Tết ở quê người.
Ấy vậy mà sao nghe như có một điều chi chưa trọn, chưa tròn, chưa tự
nhiên, chưa thật, đến nỗi mỗi khi tiệc tan, trên đường về…sau tiếng cười
hầu như còn đọng lại một điều chi nghẹn ngào trong cổ, có lẽ một tiếng
nấc chưa thành hay một thứ gai lạnh làm rùng mình, chợt tĩnh về nỗi cô
đơn trong những ngày đầu xuân… người xa quê bỗng càng nhớ Tết…
Mỗi cái Tết xa quê trở nên một cái “bồng binh” dồn nỗi nhớ Tết quê hương…
Xin đừng hỏi nhớ điều chi nơi Tết quê hương ấy. Một nhánh mai? Vị mứt
gừng cay lưỡi trong cơn lạnh mưa xuân, hoa hải đường trước sân hay
cành đào trước ngõ? Đòn bánh chưng bánh tét thơm mùi nếp mới? Hay nhớ
tuổi thanh xuân? Hay tiếng chào năm mới?
“Tết” là một tiếng vọng từ trong lòng đất sinh thành thoát ra, chập
chờn như một nhắc nhở quay về của người xa quê. Có lẽ tính vô thường của
thời gian, sự đổi thay cũ mới, sự hóa nhập từ đông sang xuân sẽ dễ dàng
được chịu đựng, được cảm nhận vẹn toàn, được cảm khái hoan hỉ khi chúng
xảy ra chính trong không gian sống của con người. Bứng ra nơi khác, vô
thường hóa ra cô đơn, cũ mới trở nên khắc khoải, và mùa xuân hiển hiện
lại làm cho kẻ tha hương càng thấy như mình đang ngồi bên vệ đường trông
ngóng xuân sang mà chưa có lần nhập cuộc. Đáng thương là sự ngóng xuân
nơi đất khách ấy, nhất là những kẻ lẻ loi- mà ai không một lần lẻ loi
trong khi lênh đênh trên đất khách?
Độc tại vị hương vi dị khách
Mỗi phùng giai tiết bội tư thân
Mỗi khi xuân về tết đến, làm người khách lạ nơi chốn lạ thật khó làm
sao! Những lúc ấy thấy thương thân mình gấp bội và nỗi ao ước “năm sau
về nhà ăn Tết” trở thành một hối thúc tự nhiên, bỏ vào cái bồng binh
năm tháng, nhốt nó lại nhiều năm cho đến khi thành hai câu đối dán lên
trên cột ba ngày Tết, đóng đinh nỗi nhớ xuân quê, mà cụ nghè Chu Mạnh
Trinh có lần đã viết cho một người khách lưu lạc:
Vọng xuân xuân khả liên, lĩnh thụ trùng dà thiên lý mục,
Dục qui qui vị đắc, cô chu nhất hệ cố viên tâm.
(Trông xuân xuân đáng thương, cây núi ngăn đôi nghìn dặm mắt,
Muốn về về chửa được, con thuyền buộc một mối tình nhà)
Bao nhiêu năm ấm ức nó có thể trở thành tâm bệnh. Cho nên phải đập vỡ
bồng binh dồn và nhốt nhớ Tết quê hương, tôi khăn gói lên đường tìm về
cái Tết nhớ mấy mươi năm. Cuộc đi còn chưa đến…Tết chưa về, bỗng nhiên
ngập ngừng trong dòng người ào ạt như thác đổ nơi thành phố một thời là
hòn ngọc viễn đông, tự hỏi mình đi VỀ đâu? Có phải Tết năm nay là cái
Tết ở nhà?
Câu trả lời nghe xa, như tôi đang thấy mình còn lạ.
Chỉ biết một điều, tôi sẽ trở về dòng sông ấy, ngắm núi mùa xuân
trong lòng sông, thả con thuyền buộc mối tình nhà về bến, để trả lời một
câu thơ hầu như là định mệnh của kẻ tha hương: “Xuân lai giang thượng
kỷ nhân hoàn” (Xuân tới trên sông đã mấy người trở về) rằng đã có người
ĐANG về…ăn… Tết.
Huế 09. 01. 2006