Phải
tự tay dựng nghiệp đại tỉ phú mới đủ xác tín để người đời tin khi nghe
nói: tiền bạc không mang lại hạnh phúc. Phải ở trên tột đỉnh quyền lực
mới có thể trút bỏ ngôi vua như “vứt đôi dép rách” (chữ của Ngô Thì
Nhậm), thanh thản và không hề luyến tiếc. Nhìn từ góc độ ấy, chúng ta
hoàn toàn có thể ngả mũ nghiêng mình trước những câu kệ của vua Trần
Nhân Tông: “Cư trần lạc đạo thả tuỳ duyên/ Cơ tắc xan hề khốn tắc miên/ Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch/ Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền”
(tạm dịch: Sống giữa phàm trần hãy tuỳ duyên mà vui với đạo. Đói thì
ăn, mệt thì ngủ. Trong nhà sẵn của báu, đừng phải đi tìm ở đâu nữa. Nếu
đối diện với cảnh mà vô tâm thì đừng nên hỏi tới Thiền làm chi nữa). Mềm không phải là nhát Vua
Nhân Tông nhà Trần tên huý là Khâm, con trai đầu của vua Thánh Tông, mẹ
là con gái thứ năm của An Sinh vương Trần Liễu. Ông sinh ngày 11 tháng
11 năm Mậu Ngọ (7/12/1258), khoảng một năm sau khi nhà Trần đánh tan
quân Mông Cổ lần thứ nhất ở Đông Bộ Đầu, buộc chúng phải về nước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép
rằng, ngay từ khi mới sinh ra, hoàng tử trưởng Trần Khâm đã “được tinh
anh thánh nhân, thuần tuý đạo mạo, sắc thái như vàng, thể hoàn hảo,
thần khí tươi sáng”. Vai trái hoàng tử trưởng có nốt ruồi đen, theo tín
ngưỡng xưa đó là dấu hiệu có thể cáng đáng được việc lớn. Ông nội là
Thượng hoàng Thái Tông và vua cha Thánh Tông đều rất vui sướng với vị
thái tử tí hon và cho gọi là Kim Tiên đồng tử. 16 tuổi, hoàng tử trưởng
Trần Khâm được phong làm hoàng thái tử vào tháng 12 năm Giáp Tuất
(1274). Vua cha từ lúc ấy cũng bắt đầu chăm chút hơn cho vương nghiệp
sau này của con, cho chọn người nho học có đức hạnh vào kề cận. Thí dụ
như quan Ngự sử Đại phu Lê Phụ Trần được phong làm Thiếu sư kiêm Trừ
cung giáo thụ (tức là làm thầy học cho thái tử). Vua Thánh Tông cũng làm
thơ để dạy con và viết 2 cuốn Di hậu lục ban cho con đọc để lĩnh hội
giáo lý. Vua
Nhân Tông lên ngôi năm Kỷ Mão (1279). Lúc này ở phương Bắc, người
Nguyên đánh đổ hoàn toàn nhà Tống. Vua Tống đã phải nhảy xuống biển chết
cùng Tả thừa tướng Lục Tú Phu. Họa xâm lăng đối với nước ta đã càng trở
nên rõ nét hơn, nhưng vua tôi nhà Trần, biết mình biết người, trong
những khuôn khổ hữu lý, đã cố gắng dùng “nhu thuật” để kéo dài thời gian
hòa hoãn với triều đại Nguyên Mông hung hãn. Khá nhiều câu chuyện được
truyền tụng về chữ “nhẫn” to lớn của thời đó. Sách Đại Việt sử ký toàn
thư chép: năm 1281, khi vua Nhân Tông sai chú họ là Trần Di Ái cùng Lê
Mục và Lê Tuân đi sứ sang Nguyên, nhà Nguyên đã phong Di Ái làm Lão hầu
(có sách chép là An Nam Quốc vương), cho Mục làm Hàn lâm học sĩ, Tuân
làm Thượng thư rồi sai Sài Xuân đem 100 quân hộ tống về nước. Cậy
thế siêu cường, Xuân trắng trợn bộc lộ thái độ “ông kễnh”, cưỡi ngựa đi
thẳng vào cổng Dương Minh, khi bị cấm quân ngăn lại đã thẳng tay dùng
roi ngựa quất họ bị thương ở đầu. Chỉ khi vào tới điện Tập Hiền, thấy
giăng bày màn trướng, y mới chịu xuống ngựa. Vua Nhân Tông vẫn giữ vẻ
bình tĩnh, sai Thái sư Trần Quang Khải ra sứ quán khoản tiếp Xuân nhưng y
lại cứ nằm khểnh bên trong không chịu thò mặt ra. Thấy
vậy, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, lúc này đã gọt tóc, mặc áo vải, tâu
xin ra sứ quán để tìm hiểu cho rõ sự tình. Với hình dáng có vẻ giống
một nhà sư phương Bắc, Hưng Đạo vương đã điềm nhiên đi vào nơi Xuân đang
tá túc, ngồi xuống pha trà cùng uống với y. Kẻ hầu của Xuân ác tâm, cầm
cái tên đứng sau Hưng Đạo vương chọc vào đầu cho chảy máu nhưng ông vẫn
điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Cảm phục trước thái độ đường
hoàng cứng cỏi đó, khi Hưng Đạo vương ra về, Xuân đã ra tận cửa tiễn
ông. | | Tuy
nhiên, cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng. Tới mùa thu năm 1282, Hữu
thừa tướng Nguyên Mông là Toa Đô mang 50 vạn quân phao tin đi đánh Chiêm
Thành và đòi mượn đường qua nước ta để thừa cơ chiếm đoạt Đại Việt.
Chính trong thời khắc hiểm nghèo, khi vận mệnh xã tắc nghìn cân treo sợi
tóc, vua Nhân Tông và quan quân nhà Trần cùng toàn dân đã thể hiện được
hào khí Đông A, lấy đại kết đoàn làm sức mạnh chống lại ngoại xâm. Hội
nghị Diên Hồng đã được tổ chức khi đó. Và cùng vua Nhân Tông đã nổi lên
sáng chói nhiều tên tuổi anh hùng chống ngoại xâm như Quốc công Tiết chế
Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn âm vang nghìn năm lời “Hịch tướng sĩ”,
với Trần Quốc Toản lá cờ thêu sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng
ân”, với Thượng tướng Thái sư Chiêu minh đại vương Trần Quang Khải “Đoạt
sóc Chương Dương độ, Cầm hồ Hàm Tử quan...”, với Bảo Nghĩa vương Trần
Bình Trọng “ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”,
với những Yết Kiêu, Dã Tượng muôn thuở danh thơm... Chiến
thắng quân Nguyên Mông là công tích chung của cả dân tộc. Thế nhưng,
không thể không nhận thấy một điều, vua Nhân Tông đã thực sự hoàn thành
sứ mệnh minh quân thời chiến, tài cao, trí cả. Nhà vua còn là người biết
ứng xử cực kỳ tinh tế trong cả những tình huống phức tạp. Khi quân ta
đã đánh bại quân Nguyên, giết chết tướng giặc Toa Đô, trông thấy thủ cấp
của viên tướng khét tiếng dũng mãnh này, vua Nhân Tông đã động lòng
thương hại nói: “Người làm tôi phải nên như thế này”. Rồi vua cởi áo
ngự, sai quân đem liệm chôn xác Toa Đô. Tuy
nhiên, rành rẽ việc nào ra việc ấy, vua Nhân Tông vẫn ngầm sai lấy đầu
Toa Đô để trừng trị cái tội y định lấy cớ mượn đường đánh Chiêm Thành để
cướp nước ta... Bình luận về sự việc này, sử gia Ngô Sĩ Liên đã hạ bút:
“Than ôi! Câu nói ấy của vua thực là câu nói của bậc đế vương! Nói rõ
đại nghĩa để người bề tôi muôn đời biết rằng trung với vua, chết vì phận
sự là vinh, tuy chết mà bất hủ, mối quan hệ lớn lắm vậy. Huống chi lại
cởi áo ngự, sai người liệm chôn nữa. Làm vậy có thể khích lệ sĩ khí để
trừ giặc mạnh là phải lắm!”. Thất
bại đợt ấy nhưng tham vọng chiếm đánh nước ta vẫn chưa bị dập tắt trong
lòng triều đình Nguyên Mông. Tới năm 1287, lại nạn can qua, nhà Nguyên
Mông liên tục cho quân quấy nhiễu nước ta, chiến sự dằng dai nhiều đợt.
Chỉ cho tới khi đại bại trên sông Bạch Đằng, viên giặc Thoát Hoan phải
chui ống đồng chạy đường bộ thoát thân, tướng Ô Mã Nhi bị ta tóm gọn,
siêu cường phương Bắc mới thôi ôm mộng đè bẹp nhà Trần. Hát khúc khải
hoàn trên đường về kinh sư, khi qua Chiêu Lăng, thấy chân ngựa đá ở đây
lấm bùn thời binh lửa, vua Nhân Tông đã cảm khái: “Xã tắc lưỡng hồi lao
thạch mã, Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá,
Non sông một thuở vững âu vàng)... Rõ
ràng là về võ công chống ngoại xâm, ít ai trong lịch sử nước Nam có thể
sánh với vua Nhân Tông nhà Trần. Thế nhưng, trên đỉnh cao danh vọng,
ngay từ hồi trẻ, ông lại rất mê nghiên cứu giáo lý nhà Phật. Danh lợi chẳng màng Ngày
9/3 năm Quý Tị (1293), vua Nhân Tông nhường lại ngôi cho con là hoàng
thái tử Thuyên, nhận tước vị Thái Thượng hoàng, trong lòng không bợn
chút tiếc nuối. Từ đó, ông có thêm thời gian để dốc sức vào nghiên cứu
đạo lý nhà Phật. 5 năm sau (1298), ông mới chính thức xuất gia. Tuy vậy,
ông vẫn không lơi là việc nước mà vẫn để mắt tới chính sự. Phải tới
tháng 8 năm Kỷ Hợi (1299), Thượng hoàng mới lên núi Yên Tử tu khổ hạnh. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục
chép: “Cung tần, thị nữ, người nào không muốn về thì cấp ruộng và nhà
cho ở dưới chân núi”. Tuy nhiên, không phải lúc nào ông cũng ngồi yên
một chỗ mà vẫn không ngừng đi thuyết pháp khắp nơi trong cả nước, thậm
chí tháng 3/1301, còn “vân du” tới cả kinh đô Chiêm Thành cho tới tháng
11 mới trở về. Chính trong đợt đi Chiêm Thành đó, Thượng hoàng đã hứa gả
công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân... Tại
ngọn Tử Tiêu trên núi Yên Tử, trong am Ngọa Vân, Thượng hoàng lấy tự
hiệu là Trúc Lâm đại sĩ. Tại ngọn núi cao nhất vùng Đông Bắc này, thâm
nghiêm, tịch mịch, ông đã tìm được sự yên tĩnh đích thực cho lòng mình: “Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển/ Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn kim”
(Giường thiền ở dưới gốc cây, kinh một quyển, Hai chữ thanh nhàn quý
hơn vạn nén vàng). Bình yên chỉ tới với lòng ta khi mọi sự có và không
đều trở thành sương khói: “Hữu cú vô cú/ Điêu điêu đát đá/ Tiệt đoạn cát đằng/ Bỉ thử khoái hoạt” (Câu có câu không, Khiến người rầu rĩ, Cắt đứt mọi nhân duyên quấn quýt như dây leo, Thì có và không hoàn toàn thông suốt)... Trúc
Lâm đại sĩ là vị tổ thứ nhất của phái Thiền Trúc Lâm, được tôn vinh là
Tái thế Thích ca. Thị giả của ông là Pháp Loa về sau trở thành vị Tổ thứ
hai của Trúc Lâm Thiền phái, được tôn vinh là Ca Diếp. Vị Tổ thứ ba là
Huyền Quang, học trò của Pháp Loa, được tôn vinh là Át Nan. Đây chính là
Trúc Lâm tam tổ. Ba vị Tổ của Trúc Lâm Thiền phái đã giúp Yên Tử trở
thành ngọn núi linh thiêng, nơi hành hương cho du khách thập phương mỗi
mùa xuân tới, từ ngày mùng 9 tháng giêng âm lịch cho tới hết tháng ba. Ngày
3/11 năm Mậu Thân (tức ngày 16/11/1308), sau khi dặn dò Pháp Loa mọi
việc, Trúc Lâm đại sĩ bỗng nhiên ngồi mà hoá. Pháp Loa thiêu xác Thầy
được hơn ba nghìn hạt xá lị mang về thờ ở chùa Tư Phúc tại Thăng Long...
Thế nhưng, có lẽ anh linh “công danh chẳng trọng, phú quý chẳng màng”
của Trúc Lâm đại sĩ cho tới hôm nay vẫn ngự ở núi Yên Tử, trong những di
tích lịch sử tuổi dễ nghìn năm |