Chùa Bửu Minh

(Dân trí) - Hết giờ cầu kinh, Đại đức Thích Thiện Trung - trụ trì chùa Thiên Phước vội vã đi thăm các trò nghèo, tiếp sức các em đến trường. Những giờ nhàn rỗi khác, thầy dạy học cho 4 trẻ mồ côi mà thầy nhận nuôi từ khi các bé mới lọt lòng.



Hoàn thành tâm nguyện Bồ Tát Thích Quảng Đức

Chùa Thiên Phước toạ lạc tại ấp Phú Mỹ, xã Phú Quý, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là ngôi chùa thứ 29 trong số 31 ngôi chùa do Bồ Tát Thích Quảng Đức từng trùng tu, xây dựng trong thời gian hành đạo tại miền Nam.

Đại Đức Thích Thiện Trung - trụ trì chùa Thiên Phước - kể, trong khoảng thời gian từ 1956 - 1959, Bồ Tát Thích Quảng Đức làm trụ trì chùa Thiên Phước. Khi đó chùa còn hoang sơ, cỏ cây mọc um tùm và chỉ vài phật tử. Dù có nhiều khó khăn, Bồ Tát Thích Quảng Đức vẫn đặt nền móng và xây dựng Chánh điện chùa Thiên Phước. Đến năm 1959, thầy về Sài Gòn, công việc xây dựng chánh điện dừng lại. 

Dù chưa đủ kinh phí nhưng thầy Thiện Trung vẫn tiến hành xây dựng giảng đường
Dù chưa đủ kinh phí nhưng thầy Thiện Trung vẫn tiến hành xây dựng giảng đường

Năm 2005, thầy Thích Thiện Trung về làm trụ trì chùa Thiên Phước, do công việc xây dựng chánh điện bỏ nhiều năm, rêu phong phủ kín. Biết đây là tâm nguyện của Bồ Tát Thích Quảng Đức nên một trong những công việc thầy Thiện Trung lên “kế hoạch 5 năm” phải hoàn thành là Chánh điện chùa.

Sau hơn 12 năm làm trụ trì chùa Thiên Phước, ngoài nhiệm vụ chính thuyết giáo Phật pháp cho chúng sanh, thầy Thiện Trung không ngại vất vả trong công tác vận động phật tử xây dựng nhà chùa. Đến nay chùa Thiên Phước là một trong những ngôi chùa đẹp, uy nghi nhất nhì tỉnh Tiền Giang.

Trong đó thầy Thiện Trung xây dựng Vãng Sanh Đường (nơi hộ niệm cho người sắp lâm chung) và nhà nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa cùng trẻ mồ côi.

Cưu mang học trò nghèo và trẻ bị bỏ rơi

Trong khoảng thời gian 2005 - 2008, trụ trì Thích Thiện Trung cưu mang 4 đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Các bé lần lượt được thầy đặt pháp danh là Thiện Hạnh (10 tuổi – đang học lớp 3 trường tiểu học Phú Quý), Thiện Minh (6 tuổi – đang học lớp 1 trường tiểu học Phú Quý), bé Thiện Tâm (4 tuổi), Thiện Thành (5 tuổi) - hai bé hiện đang học mẫu giáo.

Nói về tình cảnh của các bé, thầy Thiện Trung cho biết: “Có 3 cháu vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên cha mẹ mang các bé đi cho những cặp vợ chồng hiếm muộn ở tận Lâm Đồng, lấy ít tiền trang trải nợ nần. Thầy hay tin nên cùng với một hai phật tử ra ngoài đó “chuộc” các cháu về và nuôi dưỡng đến nay. Riêng cháu Thiện Minh thì bị cha mẹ bỏ rơi trước cổng chùa nên chẳng biết cha mẹ bé là ai. Hiện các bé đều khoẻ mạnh và chăm học, đây cũng là điều làm thầy và các tăng ni trong nhà chùa cảm thấy vui và tự hào nhất”.

Là trụ trì của một ngôi chùa ở vùng quê nên mỗi đợt xây dựng một công trình nào đó là thầy Thiện Trung vất vả với công việc đi khắp nơi vận động các phật tử đóng góp. Tuy vậy, việc chăm sóc, dạy bảo các bé do thầy trực tiếp đảm nhận, trừ những ngày thầy không có ở nhà thì nhờ các tăng ni chăm coi hộ. Riêng buổi tối, sau giờ kinh nguyện, thầy Thiện Trung dành nhiều thời gian nói chuyện và dạy chữ cho các cháu.

Những giờ nhàn rỗi, Đại Đức Thích Thiện Trung dành thời gian dạy các cháu học hành
Những giờ nhàn rỗi, Đại Đức Thích Thiện Trung dành thời gian dạy các cháu học hành

Cháu Thiện Hạnh lễ phép chia sẻ: “Cháu ở đây thích lắm vì hàng ngày cháu và các em được các thầy chăm sóc và dạy nhiều điều hay ngoài những điều thầy cô dạy bảo trên lớp. Cháu đã hứa với thầy sẽ cố gắng học giỏi để sau này có cơ hội giúp lại mọi người, nhất là các em bé bị bỏ rơi, các cụ già không nơi nương tựa”.

Mấy năm nay, thầy Thiện Trung không chỉ lo cho các “con trong nhà” mà còn dành nhiều thời gian chăm sóc các học trò nghèo thông qua lời giới thiệu của các phật tử, địa phương. Đặc biệt 3 năm nay thầy luôn chú ý đọc mục Khuyến học và mục Nhân ái của báo Dân trí. Theo thầy Thiện Trung, những hoàn cảnh nhân ái hoặc những tấm gương học trò nghèo được Dân trí đăng tải rất cần được giúp đỡ.

Thầy không nhớ hết tên từng nhân vật trong các bài viết báo Dân trí đã phản ánh nhưng thầy nhớ rõ hoàn cảnh đáng thương của các em. Như tình cảnh của 3 anh em mồ côi nương tựa nhau sống và học hành Ngô Văn Vương (1997), Ngô Văn Lên (1999) và em Ngô Văn Huy (2002) (ở ấp Thuận, xã Dưỡng Điềm, Châu Thành, Tiền Giang.) là các nhân vật trong bài viết: “Cha mất, mẹ bỏ đi, bé 15 tuổi gánh gồng nuôi 2 em ăn học”; Hoàn cảnh của em Nguyễn Ngọc Hương (sinh năm 1996), học sinh lớp 10A14 trường Đốc Bình Kiều không may bị tai nạn xe làm vỡ hợp sọ, phải bỏ học nửa chừng vì bệnh tật trong bài viết: “Cha gánh vỏ trấu kiếm tiền ghép hộp sọ cho con gái”; Và gần đây nhất là tấm gướng hiếu học đáng khâm phục của hai chị em Nguyễn Thị Cẩm và Nguyễn Hữu Lai – là hai nhân vật trong bài viết “Cảm phục hai chị em đến trường trên một đôi chân”.
 
“Mấy năm nay, UBND xã Phú Quý đánh giá rất cao những đóng góp thầm lặng của thầy Thích Thiện Trung cho công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Thực tế khi thầy nghe hoặc đọc trên báo Dân trí biết được các em học sinh nào sắp phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bệnh tật là thầy Thiện Trung đến ngay, thăm hỏi và tiếp sức các em bằng nhiều cách. Có khi là chiếc xe đạp, sách vở, quần áo và cả học bổng,… Ngoài ra, thầy trực tiếp vận động bắc 3 cây cầu kiên cố bằng bê tông cho địa phương và giúp rất nhiều các hoàn cảnh nghèo, bệnh tật có tiền chữa bệnh” - ông Nguyễn Văn Nô, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Quý cho biết.
 
 
Ngày 11/6/1963 Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn. Tronghai mươi năm hành đạo tại miền Nam, Bồ Tát Thích Quảng Đức đã khai sơn và trùng tu 17 cảnh chùa. Như vậy, Ngài đã có công trùng tu và xây dựng tổng cộng 31 ngôi chùa và ngôi chùa Thiên Phước (xã Phú Quý, huyện Cai Lậy, Tiền Giang) là ngôi chùa thứ 29 trong số này.
 
Nguyễn Hành
Vị trụ trì hết lòng với trẻ nghèo
Vị trụ trì hết lòng với trẻ nghèo Vị trụ trì hết lòng với trẻ nghèo10 7 121

Nguon: http://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-tru-tri-het-long-voi-tre-ngheo-692228.htm


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage