Nếu như các tôn giáo nhất thần như Thiên Chúa, Tin Lành, Hồi
giáo… có phương pháp thống kê, quản lý tín đồ một cách bài bản và chặt chẽ thì
nhiều tôn giáo khác như Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo… không mấy quan tâm đến
việc xác định số lượng tín đồ và do đó việc thống kê trở nên ít khi được đề
cập. Dĩ nhiên, mỗi tôn giáo có tôn chỉ và mục đích riêng nhưng việc tiếp nhận
và phát triển tín đồ lại là điểm chung của mọi tôn giáo. |
Phật giáo Việt Nam từ trước đến nay chưa từng thấy
một mô hình thống kê tín đồ cụ thể nào ngoại trừ nghi thức quy y xác nhận trở
thành Phật tử. Do đó, không có gì quá ngạc nhiên về số lượng tín đồ quá chênh
lệch được công bố chính thức bởi nhà nước Việt Nam trong vòng chỉ 5 năm vì cách
thống kê này chỉ dựa trên lý lịch trích ngang do nhà nước thu thập(2). Trong khi Phật giáo thường cho rằng tín
đồ của mình chiếm khoảng 80 hay chí ít cũng 50 phần trăm, tức có khoảng 40 - 50
triệu tín đồ, thì số liệu thống kê trên đã tạo nên sự phân vân.
Vậy thì, số
lượng tín đồ Phật giáo chính thức là khoảng bao nhiêu và bằng cách nào để biết
được con số ấy. Việc cấp phát thẻ cư sĩ Phật tử được đề xuất nhưng chưa được
đồng thuận triển khai trên toàn quốc nên đến nay vẫn chưa có số liệu thống kê
chính xác từ phía Phật giáo. Từ thực tiễn trên, bài viết này trình bày quan
điểm về việc thống kê tín đồ và đưa ra cách nhận biết tín đồ thông qua việc
hành trì tu tập của họ trong môi trường Phật giáo Việt Nam.
Nhu cầu thống kê tín đồ Phật giáo ở Việt Nam
Thống kê tín đồ Phật giáo chưa được thực hiện nghiêm
túc cho đến nay. Thời Phật tại thế, việc thống kê tín đồ là điều không cần
thiết với ba lý do cơ bản. Thứ nhất, tất cả các tôn giáo đều được sinh hoạt tự
do, bình đẳng và đều được sự ủng hộ của các vị vua chúa. Thứ hai, các tín đồ có
thể theo học cùng lúc nhiều tôn giáo mà không sợ sự đe dọa hay bị ngăn cấm. Thứ
ba, các tín đồ tôn giáo gắn kết cộng đồng theo truyền thống, tập tục, và nhu
cầu tu học, cầu nguyện hơn là theo tổ chức quản lý hành chánh tự viện(2).
Khi Phật giáo truyền vào Việt Nam từ khoảng thế kỷ
thứ II, III trước Tây lịch đến đầu thế kỷ thứ XVI, nhu cầu thống kê tín đồ cũng
chưa cần thiết và cũng khó thực hiện vì Phật giáo chưa có Giáo hội hành chánh
cố định (trừ thời Trần, nhưng cũng chỉ để quản lý người xuất gia). Người Việt
Nam trong thời gian ấy có thể theo cùng lúc ba tôn giáo gồm Phật, Nho và Lão
cộng với đạo tổ tiên hay các tập tục truyền thống mà vẫn không bị trở ngại
trong việc tu học, thậm chí còn bổ sung cho nhau.
Từ thế kỷ XVI tới nay, Việt Nam
đón nhận và công nhận nhiều tôn giáo với hệ thống tổ chức rất bài bản và quản
lý rất chặt chẽ. Tín đồ cải đạo theo các tôn giáo ấy được thống kê và quản lý
rất kỹ. Trong khi thời thế thay đổi, Phật giáo vẫn trung thành với lối suy nghĩ
“Phật pháp quý báu đâu phải đồ bỏ, ai đủ duyên thì tìm đến cầu học, ít mà chất
lượng vẫn hơn…”, màng gì đến chuyện thống kê tín đồ. Sự phát triển thụ động và
tự phát vẫn kéo dài cho đến ngày nay dù đã có nhiều thay đổi. Như thế, phải
chăng việc thống kê tín đồ chỉ là việc làm vô ích, mất thời gian?
Thống kê tín đồ
là nhu cầu cần thiết trong thời đại ngày nay. Tất cả tôn giáo được công nhận
hoạt động ở Việt Nam
hiện nay đều phải đăng ký tổ chức, trụ sở, Giáo hội… với tôn chỉ, mục đích, tín
đồ…. Dù muốn hay không, các tôn giáo đều phải có quản lý hành chánh, với Phật
giáo đang được áp dụng cho Tăng Ni. Hầu hết Tăng Ni đều phải đăng ký và cư trú
tại các cơ sở Phật giáo được chính thức công nhận (trừ một số ít ở am thất, nhà
cư sĩ). Các cơ sở Phật giáo là các trung tâm văn hóa tâm linh để cư sĩ Phật tử
và quần chúng mến đạo Phật đến tu học, lễ bái….
Từ số lượng cơ sở Phật giáo có
thể suy ra số lượng tín đồ dựa trên con số quy y và tham dự hàng năm. Nếu cơ sở
tự viện tăng và quần chúng tăng thì Phật giáo đang được duy trì và phát triển.
Nếu cơ sở giảm, tín đồ giảm; cơ sở giảm, tín đồ tăng (hiếm thấy); cơ sở tăng,
tín đồ giảm thì có thể nhận biết Phật giáo đang xuống dốc về số lượng. Chính
thống kê giúp ta nhận biết dấu hiệu này để có chính sách điều chỉnh hợp lý. Sự
thống kê hiện tại được thực hiện qua hai cách.
Thống kê theo quy y
Quy y là cách chính thống để thống kê số lượng
Phật tử. Hàng năm, con số Phật tử quy y tại tất cả các tự viện trên toàn quốc
không phải là ít. Các chùa đều có ghi tên tuổi, đặt pháp danh, và trao phái quy
y (như là giấy chứng nhận) cho các vị mới quy y. Nếu tập hợp con số thống kê này,
Giáo hội sẽ dễ dàng nhận biết số lượng tín đồ tăng giảm chính thức là bao nhiêu
và từ đó đề ra phương hướng thích hợp. Đáng tiếc, cho đến hiện tại Phật sự này
vẫn chưa thực hiện triệt để mặc dù Giáo hội có hệ thống tổ chức hành chánh ba
cấp đông đảo và thừa hưởng sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Do đó, khi tiếp
nhận số liệu thống kê từ nhà nước, Phật giáo hoàn toàn lúng túng, bị động.
Bên cạnh đó, các tự viện cũng không quan tâm thống
kê số lượng tín đồ của mình. Các chùa cứ quy y rồi cấp phái quy y là xong mà
thiếu sự quan tâm đến việc tu học của họ sau đó như thế nào, còn đi chùa, còn
là Phật tử hay đã cải đạo rồi. Nhiều chùa cho quy y đơn giản đến mức không còn
đơn giản hơn, tức là đến nghe tụng kinh, xong đọc tên, pháp danh và sau đó trao
phái quy y. Họ không hề được giới thiệu về lịch sử đạo Phật, giáo lý căn bản và
cách hành trì như thế nào - những điều mà đáng ra họ phải được học trước khi
quy y.
Sự dễ dãi dẫn đến kết quả là họ không hiểu gì về đạo Phật nên cũng không
biết cách hành trì thế nào ngoài việc lễ bái, cầu nguyện theo cách tín ngưỡng
mê tín. Đó là một trong những nguyên nhân khiến họ ít hay thậm chí không đi
chùa sau khi quy y, không hành trì lời Phật dạy mặc dù cũng xưng là Phật tử.
Thống kê theo khóa tu,
lễ hội
Nếu cách thống kê theo danh sách quy y là chính xác
thì cách thống kê thông qua khóa tu, lễ hội chỉ mang tính ước lượng.
Dựa vào số
lượng Phật tử tham dự các khóa tu Phật thất, một ngày an lạc, Bát quan trai …
hay các lễ hội lớn như Phật đản, Vu lan, Tết… con số tín đồ Phật giáo có thể
ước lượng đại khái. Vì ước lượng nên mới có quan điểm cho rằng có khoảng 80 hay
50 phần trăm dân số theo Phật giáo. Vì ước lượng nên không có con số cụ thể nào
cả. Cách thống kê này dễ bị nâng khống số lượng vì họ căn cứ vào số lượng khóa
tu, lễ hội mà không căn cứ vào đối tượng tham dự.
Một người Phật tử khi tham dự
nhiều khóa tu, nhiều lễ hội ở các nơi khác nhau thay vì tính là một người thì
được tính là nhiều người theo số lần người ấy tham dự. Cách thống kê này hoàn
toàn không chính xác và không đáng tin cậy.
Thống kê theo sự hành trì
Thống kê theo hành trì là cách người viết đưa ra để
tham khảo ý kiến của chư tôn đức và tất cả thiện hữu tri thức. Trong khi cách
thống kê chính thống chưa được thực thi để biết chính xác số lượng tín đồ Phật
giáo thì thông qua cách hành trì có thể dự đoán độ chính xác rất cao nếu họ
thực sự là Phật tử.
Theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, ăn chay trường là
điều bắt buộc đối với người xuất gia và ăn chay kỳ ít nhất một tháng 2 ngày là
điều bắt buộc đối với hàng cư sĩ tại gia. Sau khi thọ Tam quy, phát nguyện hành
trì năm điều đạo đức (năm giới), người Phật tử được dạy phải phát nguyện ăn
chay ít nhất một tháng 2 ngày. Ăn chay 2 ngày một tháng là cách đơn giản nhất
và dễ nhất mà một người Phật tử theo truyền thống Đại thừa phải thực tập khi
bước vào con đường tu tập đạo Phật.
Nếu Phật tử hành trì nghiêm túc hạnh nguyện này thì
số lượng tín đồ Phật giáo có thể nhận biết khả dĩ. Giả sử Phật giáo chiếm 80
phần trăm trên tổng số 90 triệu dân thì sẽ có 72 triệu Phật tử; nếu chiếm 50
phần trăm thì sẽ có 45 triệu Phật tử; và nếu chỉ có 10 triệu Phật tử thì chiếm
khoảng 11 phần trăm dân số. Giả sử Phật tử chiếm 50 phần trăm, tức có 45 triệu
người ăn chay vào 2 ngày mồng một và rằm mỗi tháng, thì vào hai ngày ấy sẽ có
sự chuyển biến lớn trên thị trường tiêu thụ thịt cá. Vào hai ngày ấy thị trường
đồ mặn sẽ giảm tối thiểu 50 phần trăm lượng tiêu thụ, chưa kể những người thích
ăn chay. Một sự thay đổi tích cực mang tính văn hóa Phật giáo và nhân văn đáng
được phát huy. Đáng tiếc, điều này dường như chưa từng xảy ra ở Việt Nam.
Có hai cách lý giải điều này. Thứ nhất, Phật tử
không thật sự tôn trọng lý tưởng của mình hay nói cách khác là thờ ơ và dễ dãi
với việc hành trì hạnh nguyện cơ bản và dễ làm nhất này. Nếu thử so sánh với
các đạo khác thì người Phật tử còn phải học ở họ rất nhiều về thái độ tôn kính
và sự nghiêm túc. Có đạo một năm ăn kiêng nguyên một tháng (không ăn từ khi mặt
trời mọc đến khi mặt trời lặn), vậy mà tất cả tín đồ đều thực hành nghiêm túc.
Hai ngày xen kẽ trong một tháng thì có đáng gì với một tháng liên tục phải nhịn
đói cả ngày để tối mới được ăn. Thế mà họ vẫn nghiêm túc thực hành, còn Phật tử
thì không thể làm một việc rất lợi ích và có ý nghĩa này. Tính dễ dãi làm cho
Phật giáo dễ suy vong.
Thứ hai, số lượng Phật tử chính thức chiếm thiểu số như
dự đoán của nhà nước, trong khi Phật tử tín ngưỡng (không thừa nhận là Phật tử
trong giấy tờ) chiếm nhiều hơn nên mục tiêu hành trì như trên không đạt được.
Tuy nhiên trong thực tế, Phật tử quy y chính thức cũng rất nhiều nhưng lại
thích thực hành theo lối tín ngưỡng, dễ dãi, tức chỉ thích cầu nguyện hơn là
hành trì lời Phật dạy, thích an ủi hơn là nỗ lực tu tập. Do đó, dù đã quy y có
pháp danh nhưng họ có thể chỉ là Phật tử tín ngưỡng.
Thay lời kết
Mục tiêu của tôn giáo nói chung là phải thực hành để
đạt được kết quả như nó đề ra. Phật giáo được thế giới tôn vinh về văn hóa, đạo
đức và nền minh triết thì càng phải thực hành để xứng đáng với sự tôn vinh ấy.
Không ai khác hơn mà chính các Phật tử gồm hàng xuất gia và cư sĩ phải khẳng
định và bảo vệ giá trị được tôn vinh ấy. Khẳng định sự tôn vinh không gì bằng
thực hành những điều chính Phật tử phát nguyện.
Với người cư sĩ, một tháng thực
hành ăn chay 2 ngày nghiêm túc là đã đóng góp xây dựng một nền văn hóa nhân văn
cho xã hội Việt Nam.
Đồng thời, các vị cũng đang đóng góp để khẳng định vị trí của Phật giáo trong
nền văn hóa dân tộc và phủ định lại những con số chủ quan của ai đó đưa ra. Hy
vọng quý tôn đức Tăng Ni và chư Phật tử thiện tâm góp ý, chỉ giáo.
Thích Hạnh Chơn
---------------------
Chú thích
(1) Theo Sách trắng:
Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam xuất bản năm 2006, số lượng tín đồ
Phật giáo là khoảng 10 triệu, nhưng bản thống kê dân số năm 2009 thì cho rằng
số tín đồ Phật giáo chỉ là 6.802.318 (Ghi chú: số lượng tín đồ các tôn giáo
khác đều bị giảm theo thống kê này).
(2) Xem Dr. Yashpal, A Cultural Study of Early
Pali Tipitakas, vols.1, 2, Delhi:
Kalinga Publications, 1999, tr.256.