Chúng
ta vẫn cạnh tranh lạnh lùng để tìm sự thoả mãn vật chất, chúng ta thờ ơ
với sự đau khổ của người khác để khư khư gìn giữ cái của mình, để bảo
vệ sự ích kỉ của lòng mình.
Vật
chất ư? Danh vọng và địa vị ư? Chúng chỉ là những bóng ma vật vờ xúi
dục con người và cám dỗ con người quên đi đạo đức và vô cảm đến nỗi
thiếu sự quan tâm lẫn nhau một cách tàn nhẫn trong kiếp phù sinh này.
Phật giáo chỉ cho chúng ta biết rằng tất cả các sự vật do nhân duyên
tạo thành, cho dù đó là những vấn đề thuộc lãnh vực tâm lí như khổ,
vui, yêu, ghét… đều bắt nguồn từ cảm giác chấp trước trong từng mảng
đời của chúng ta mà có, hơn nữa tất cả những sự vật đều không có tính
nhất định. Lòng tham dục của chúng ta thường xung đột với vô thường,
đối nghịch với vô thường, khi vô thường đến chúng ta thường luyến tiếc
và tức giận, tạo thành những nỗi khổ cả tinh thần lẫn thể xác. Rõ ràng
quán chiếu định luật vô thường thì chúng ta có thể đạt được sự hoà bình
và an lạc trong tâm hồn của chúng ta.
Tất
cả sự vật đều chóng tàn phai, giống như những bong bóng nước trôi
trên dòng sông, chúng tụ tán mong manh như lửa loè trên đá. Những sự
vật đều nằm trong tiến trình của sự trở thành để rồi tan rã. Như thế
một vật có tính chất tạm thời thì không thể cho chúng ta hạnh phúc thật
sự, cũng không thể nhận chân ra được cái tôi, cái ngã, hay cái của
tôi. Nếu nhận chân ra được điều này, chúng ta sẽ không còn chấp trước.
Sự từ bỏ chấp trước nghĩa là chúng ta đang hướng đến con đường an lạc
giải thoát.
Đối
với người tu theo Phật, sự sống và cái chết thật vô cùng mau chóng, nó
đến trong từng sát na, và chắc chắc nó sẽ đến trong một ngày nào đó,
cho nên họ chọn con đường tỉnh giác và đón nhận.
Chúng ta hãy đọc một câu chuyện cổ tích của Ấn Độ nói về sự tỉnh giác về cái chết:
Xưa,
có một đạo sĩ nổi tiếng cùng người đồ đệ. Đạo sĩ muốn gởi người đồ
đệ của mình vào cung điện để học thiền định với nhà vua Janak. Người đồ
đệ này không muốn đi, vì anh ta nghĩ rằng mình là một đạo sĩ xuất thân
từ dòng dõi Bà-la-môn (Brahmin). Làm sao một vị vua thuộc giai cấp võ
sĩ (Kshatriya) mà có thể dạy cho một đạo sĩ được. Nhưng thầy đã ra
lệnh, người đồ đệ đành phải đi. Khi đến hoàng cung, anh ta thấy nhà vua
sống một đời sống vô cùng xa hoa. Anh ta ấm ức, khởi lên thái độ phê
phán trong lòng mình. Làm sao một con người như thế mà dạy một đạo sĩ.
Anh ta vẫn làm lễ nhà vua. Vua Janak thấy thái độ của anh ta như thế
bèn bảo rằng nếu anh ta muốn thì có thể ngày mai quay trở về. Nhưng
trong hoàn cảnh như thế này thì vị đạo sĩ phải đồng ý ở lại đêm.
Vua
Janak chăm sóc vị đạo sĩ rất chu đáo. Sau khi vị đạo sĩ dùng bữa và
tắm rửa xong, nhà vua chính mình đưa vị đạo sĩ đến phòng ngủ. Có thể
xem đây là một phòng ngủ sang trọng và tiện nghi. Đạo sĩ nằm lên giường
và chuẩn bị ngủ. Thoạt nhiên vị đạo sĩ thấy thanh kiếm được ở trên
treo lơ lửng bằng một sợi chỉ mỏng manh. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi
qua thì cũng làm thanh kiếm có thể rớt xuống làm bị thương hoặc thậm
chí đâm chết người.
Vị
đạo sĩ đã trải qua một đêm dài trong trạng thái vừa sợ hãi vừa cảnh
giác cực độ, vì anh ta nhận ra rằng nếu anh ta sơ suất quan sát thì
trong nháy mắt thì sẽ bị mất mạng.
Sáng
hôm sau, vua Janak hỏi đạo sĩ rằng anh ta có một đêm ngủ thoải mái
chăng. Vị đạo sĩ liền nổi giận và hỏi rằng cho anh ta ngủ dưới một
thanh kiếm tuốt trần như thế là có ý gì. Anh ta nói rằng anh ta hoàn
toàn không ngủ được suốt đêm mặc dù đã rất mệt với chặng đường dài để
đến đây.
Nhà
vua Janak đáp rằng đây là bài học quí báu về thiền định mà ông ta
nghĩ một đạo sĩ cần phải học. Một đạo sĩ cần phải cảnh giác và quán
sát tâm mình suốt đêm. Đó là vấn đề sống và chết đối với một đạo sĩ.
Đây chính là bài học của nhà vua Janak. Vua Janak nói rằng mặc dù sống
trong xa hoa và hưởng thụ nhưng ông ta vẫn luôn ý thức thanh kiếm đang
treo lửng lơ trên đầu của mình. Thanh kiếm thì vô hình, nhưng nó có
thật. Đó là cái chết kề cận với chính mình. Kể từ khi vua Janak luôn ý
thức trong đầu mình về cái chết, ông ta đã từ bỏ cuộc sống xa hoa của
mình. Bởi ông ta đã biết rõ rằng nó có thể đến từng phút giây; mà thực
tế chắn chắn nó có thể đến vào một ngày nào đó. Theo cách này, nhà vua
đã sống trong cung điện nhưng vẫn như một ẩn sĩ.
Đây
là phương pháp đích thực cho chúng ta trong quá trình thực hành thiền
định hoặc sống đối diện với chính nó. Bạn có thể tiếp tục không tỉnh
giác nếu bạn nghĩ rằng bạn sẽ sống mãi. Nhưng đằng này bạn vẫn không
tỉnh giác khi bạn biết rằng cuộc sống có thể chấm dứt bất kì lúc nào.
Bạn phải luôn luôn tỉnh thức và cảnh giác.” (Liên Như dịch)
Sống
chết đường tơ, không có gì đáng phải bám víu, sống không phải vội vàn
chụp dựt, sống không phải để rồi thoả mãn những gì mình có được, mà
phải sống có trách nhiệm với chính mình, có trách nhiệm với mọi người
và môi trường xung quanh, để khi một mai cái chết vẫy gọi thì chúng ta
thấy nhẹ nhàng lúc ra đi. Đừng để lòng tham và ganh tị để rồi bỏ mặt
những hậu quả do chúng ta và chính chúng ta làm ra. Hãy chia sẻ tình
yêu thương với nhau, đừng mang trên lưng vết hận thù. Sống là để yêu
thương, mở rộng lòng từ bi, thương yêu người giống như thương yêu mình;
thấy ai đau khổ chính là mình đau khổ.
Thật vậy, Đại đức K. Sri Dhammananda nói: “Ðời
sống mong manh, chết là điều chắc chắn. Ðó là câu châm ngôn nổi tiếng
trong Phật Giáo. Biết rõ Chết mong manh và là một hiện tượng tự nhiên
mà mọi người phải đương đầu, chúng ta không nên sợ cái chết. Nhưng tất
cả chúng ta đều sợ chết vì không nghĩ về điều không tránh được. Chúng
ta thích bám víu vào đời sống, vào xác thân và phát triển quá nhiều
tham dục và luyến ái.” (Thích Tâm Quang dịch)
Vật
chất, danh vọng và địa vị là những thứ luôn biến đổi, chúng là những
thứ luôn bị vô thường chi phối, không có tính thật. Đã mang tính biến
đổi và không thật thì không bao giờ mang lại hạnh phúc thật sự, vì khi
chúng biến đổi thì chúng ta sẽ đau khổ. Nhưng làm thế nào để chúng ta
thoát ra được sự giả dối và khổ đau này. Đức Phật dạy: “Các pháp vô thường, nếu có thể dùng trí huệ để quán chiếu thì có thể xa rời các khổ, đây là con đường thanh tịnh.” (Pháp Cú, kệ 277)
Để
thấy được sống chết đường tơ, chúng ta phải luôn tỉnh giác và quán sát
sự kiện này và sống đối diện với chính nó. Mọi sự vật trên thế gian
đều vô thường chóng vánh, không có gì đáng để tham chấp mà luôn tỉnh
thức để buông bỏ, và luôn cảnh tỉnh mình bằng thanh kiếm lơ lững ở trên
đầu với một sợi dây mỏng manh. Với suy nghĩ này, nhằm mục đích giúp
chúng ta ngày càng phát huy lòng từ bi, sống hướng thiện, vị tha, chia
sẻ và cảm ơn, đồng thời nhờ đó mà chúng ta trau dồi và hoàn thiện lí
tưởng giải thoát mà đức Phật đã dạy.
(Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Liễu Quán Huế)