Chùa Bửu Minh

Ai trong chúng ta cũng bị đau lưng ít nhất một lần trong đời, bệnh này tuy không gây chết người nhưng nếu để thành mạn tính sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, tới chất lượng cuộc sống. Bệnh hay gặp ở những người làm việc văn phòng, di chuyển bằng xe hơi, máy bay, những người phải làm công việc nặng nhọc như bê vác…


Cột sống chúng ta có từ 32 – 33 đốt sống: 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng, 3 đốt xương cùng, 5 – 6 xương cụt. Trong các thành phần này, khớp ở đốt sống thắt lưng giúp chúng ta có nhiều cử động linh hoạt, uyển chuyển nhất như cúi gập người, ngửa lưng, xoay người. Triệu chứng khởi phát của căn bệnh này thường là mỏi cơ, co cứng cơ quanh thắt lưng, đau tê vùng thắt lưng, đôi lúc lan xuống vùng cùng cụt. Mức độ đau có thể nhẹ, thoáng qua nhưng cũng có khi dữ dội, làm bạn không thể cử động được. Đôi khi, cơn đau kéo dài dai dẳng và trở thành căn bệnh mạn tính.

Nguyên nhân khiến bạn bị đau lưng có rất nhiều như bệnh ngành nghề (văn phòng, công nhân khuân vác…). Đau lưng cũng có thể do bạn bị: tổn thương các đốt sống như vẹo cột sống, chấn thương cột sống, lao cột sống; tổn thương thần kinh ở cột sống như viêm dây thần kinh, gai cột sống, chệch hay thoát vị đĩa đệm; ngồi làm việc, học tập sai tư thế.

Cho dù ở nguyên nhân nào khiến bạn bị đau lưng đi chăng nữa thì cách tốt nhất là hãy gặp bác sĩ để được điều trị đúng nguyên nhân, để bác sĩ đưa ra những bài tập nhẹ, đơn giản giúp bạn giảm khó chịu. Khi áp dụng các bài tập cho đau lưng của bác sĩ, bạn cần phải tránh tập khi đang có những cơn đau dữ dội, khi cơ thể không được khỏe mạnh, tránh tập nhiều, tập quá sức.

Nếu có sử dụng đèn hồng ngoại để chữa trị thì phải để khoảng cách từ đèn hồng ngoại đến da khoảng 40 – 90cm, vì nếu để gần sẽ có thể gây bỏng. Thời gian chiếu trung bình từ 20-40 phút, mỗi ngày chiếu khoảng 2-3 lần. Khi sử dụng nên tránh tia hồng ngoại chiếu vùng da bị tổn thương hay chấn thương, vùng da bị mất cảm giác, vùng da có sẹo lồi. Nếu không có đèn hồng ngoại, bạn có thể dùng túi chườm nóng cũng có tác dụng tương tự. Cũng cần lưu ý túi chườm cũng có thể gây phỏng da nếu dùng nước quá nóng.

Để phòng tránh bệnh đau lưng, cần lưu ý:

- Ngồi học, làm việc phải đúng tư thế: lưng thẳng, không cúi gập người về phía trước hoặc ngả quá ra phía sau.

- Khi chơi thể thao phải khởi động nhẹ trước khi tham gia 15 phút. Thời gian chuẩn bị này giúp trung khu thần kinh từ não điều khiển hết tất cả cơ quan bộ phận như hô hấp, tuần hoàn, cơ xương khớp… Còn khi chưa chuẩn bị, làm đột ngột một động tác nào đó thì cơ thể sẽ phản ứng, tự bảo vệ bằng cách co lại. Chính sự co này sẽ phóng ra một số hóa chất trung gian gây đau. Do vậy, không nên làm bất kỳ động tác nào một cách quá đột ngột.

- Những người làm việc nặng như bưng bê, khuân vác, cần phải tránh nhấc vật nặng ở tư thế đột ngột, nên ngồi xuống thẳng lưng 2 tay nhấc vật nặng lên từ từ, không nên khum lưng cúi người để nhấc vật nặng.

- Nằm ngủ phải ở tư thế đúng, tránh nằm nghiêng, sấp, nằm trên đệm quá mềm, hay quá dày.

- Nhân viên văn phòng, những người làm việc phải ngồi lâu một chỗ không nên ngồi quá  3 tiếng. Giải lao giữa giờ bằng các bài tập thể dục với những động tác như xoay, gập lưng, xoa bóp, massage lưng… cũng giúp phòng tránh đau lưng hiệu quả.

Nếu bạn bị đau lưng, có thể tham khảo một vài động tác dưới đây để khắc phục:

Động tác 1: Nằm sấp, chêm gối ở cổ và bụng dưới. Giữ lưng thẳng, thoải mái, không gồng cơ thắt lưng sau đó ưỡn lưng, ngóc đầu lên giữ yên trong 10 giây sau đó nằm xuống trở về tư thế ban đầu, nghỉ trong 10 giây rồi lặp lại động tác này 10 lần.

Động tác 2: Nằm ngửa, 2 chân co, ưỡn thắt lưng giữ yên trong 10 giây, lúc ưỡn mông và vai vẫn sát mặt giường. Sau khi ưỡn lưng xong ép thắt lưng sát xuống mặt giường giữ yên trong 10 giây sau đó lặp lại 10 lần.

Động tác 3: Nằm ngửa, co từng chân ép sát bụng, mỗi chân giữ 10 giây rồi lặp lại 10 lần.

(Theo suckhoedoisong)


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage