Chùa Bửu Minh

Giác Ngộ - Tin về lũ hoành hành các tỉnh miền Trung mấy ngày này được đưa lên các trang nhất của hầu hết các tờ báo, ít nhiều ảnh hưởng đến niềm vui Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang diễn ra tại thủ đô.


Thiên nhiên nổi cơn thịnh nộ

Trong những ngày đầu tháng 10-2010 này, những hình ảnh mưa lũ hoành hành ở các tỉnh Bắc Trung Bộ làm lòng người xốn xang, lo lắng. Nhiều người chết và mất tích, hàng chục xã bị lũ cô lập, mùa màng bị hư hại, nhà cửa, của cải tích lũy được trong gian khó bị cuốn trôi… Cảnh đói, khó khăn chồng chất hiện ra trước mắt của nhiều hộ gia đình, của hàng ngàn con người.

Tin về lũ hoành hành các tỉnh miền Trung mấy ngày này được đưa lên các trang nhất của hầu hết các tờ báo, ít nhiều ảnh hưởng đến niềm vui Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang diễn ra tại thủ đô.

baolon.gif

     Một người dân Pakistan chống chọi trong nước lũ để sống sót -

 Ảnh: msnbc.msn.com

Thế giới dường như ngày càng thu hẹp lại, con người ngày càng có ý thức hơn mối tương quan giữa các châu lục với nhau, ý thức rằng trái đất là ngôi nhà chung, một biến cố xảy ra ở một đất nước bên này bán cầu cũng liên quan đến vùng đất bên kia bán cầu. Nhớ cách đây chưa lâu, báo chí nước ta liên tục cập nhật những thông tin động đất - mà nếu như trước đây, có lẽ chẳng mấy ai quan tâm vì nghĩ đó là "chuyện tận đâu đâu": "Khoảng 10 giờ 20 phút tối 1-9, một vụ lở đất đã xảy ra tại làng Wama, quận Long Dương, phía Tây nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và chôn vùi 20 nhà cửa. Hiện đã có 4 người chết và 44 người mất tích. Chính quyền địa phương Vân Nam cho biết đến 10 giờ sáng 2-9, đội cứu hộ đã giải thoát cho 23 người nhưng vẫn còn khoảng 44 người mất tích. Các chuyên gia cho rằng hạn hán kéo dài từ tháng 9 năm ngoái đến nay kèm theo mưa trong hè 2010 làm tăng nguy cơ lở đất trong khu vực. Trong khi đó, theo báo cáo hôm 1-9 của Cơ quan Cứu nạn Trung Quốc, số người chết trong trận lở đất lớn hôm 8-8 ở Châu Khúc, tỉnh Cam Túc đã lên đến 1.471 người, 294 người khác vẫn còn mất tích".

…"Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho hay những trận cháy lớn xuất hiện trở lại ở vùng Volgagrad và Saratov tối 2-9 đến 3-9 làm 8 người chết, 14 người bị thương. Cơ quan này thông báo hơn 500 tòa nhà đã bị phá hủy ở hai khu vực nói trên, khoảng 750 người đã được sơ tán khỏi vùng nguy hiểm. Gió mạnh là tác nhân khiến cháy rừng lan rộng và nhanh chóng. Tuy nhiên, Bộ Tình trạng khẩn cấp cũng cho rằng một số người bất cẩn khi dùng lửa nhóm bếp, thói quen vứt rác bừa bãi, cộng thêm nhiệt độ đang ở mức 40 độ C đã góp phần làm các đám cháy lớn bùng phát trở lại" …

Thảm họa tồi tệ

Chúng ta không thể quên ba thảm họa tồi tệ nhất được báo chí ghi nhận là sự biến đổi khí hậu làm Nga trở thành chảo lửa với nhiệt độ cao chưa từng thấy, Trung Quốc thì lụt lội, lở đất và Pakistan thì bị nhấn chìm trong biển nước do lũ!

"Lý giải về hiện tượng thời tiết nóng bất thường ở Nga, các nhà khoa học về biến đổi khí hậu cho rằng thủ phạm là do hiện tượng El Nino vào năm ngoái. Theo nhà khoa học người Anh Andrew Watson, mỗi khi xuất hiện El Nino, dòng hải lưu chảy trên Thái Bình Dương, thì năm tiếp theo sẽ là một năm nóng kỷ lục trên toàn cầu. Nhiệt độ trái đất trong sáu tháng đầu năm 2010 đã đạt mức kỷ lục chưa từng thấy, theo báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ.

Ngược lại dòng hải lưu La Nina, theo sau El Nino và mang đặc tính trái ngược, được cho là nguyên nhân gây nên hiện tượng lũ lụt nghiêm trọng chưa từng thấy ở Pakistan. Chuyên gia Omar Baddour thuộc Tổ chức Khí tượng Thủy văn thế giới cho biết La Nina khiến nhiệt độ vùng biển trung Thái Bình Dương mát mẻ hơn và gây mưa lũ". Trong một bài phân tích trên Tuổi Trẻ cuối tuần, nhà báo Danh Đức đã đặt vấn đề "Lở đất ở Trung Quốc: Thiên tai hay nhân họa?" và câu trả lời nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những thảm họa trên chính là nạn phá rừng và làm thủy điện một cách tùy tiện, xâm phạm thiên nhiên một cách thô bạo và trầm trọng.

Vậy là, qua những hiện tượng cùng những lý giải như trên cho chúng ta nhận diện một sự thật rằng: thiên nhiên đang "phẫn nộ" bởi sự quá tay của con người. Do tham lam, do ích kỷ và bất chấp mà con người đã tác động quá thô bạo lên thế giới tự nhiên. Điều đó cũng không nằm ngoài quy luật nhân quả, bởi một khi chúng ta dùng một lực bất thiện tác động vào thiên nhiên để thỏa mãn những nhu cầu hiện tại và ngày một lớn của mình thì chắc chắn sẽ bị một phản lực bất thiện từ thiên nhiên.

Có lẽ nhận ra được điều này nên trong hơn một thập niên qua, những hoạt động vì môi trường, hội thảo về tự nhiên, giảm khí thải nhà kính… được các nước và cộng đồng quan tâm. Việc kêu gọi ăn chay, sống xanh, bảo vệ môi trường… được các nhà hoạt động nhân đạo, xã hội và môi trường đề cập thường xuyên! Những giá trị ấy đã được lan đi trong khuôn khổ toàn thế giới, nhất là khi mạng internet đã trở thành công cụ đắc lực cho cuộc sống con người.

Từ những thảm họa của các nước, hẳn Việt Nam cũng rùng mình và rút ra được nhiều điều? Nhất là đất nước chúng ta vốn là nước nông nghiệp, sống hài hòa với thiên nhiên và dựa vào tự nhiên thì việc bảo vệ tự nhiên là việc cần kíp. Hành động ấy chính là bảo vệ bản thân và chung tay bảo vệ màu xanh của nhân loại. Thế nhưng, đọc báo mỗi ngày chúng ta dễ dàng thấy rằng đâu đó hiện tượng phá rừng vẫn còn, rồi hàng loạt các công ty liên doanh như Vedan, Vinamit, VietStar… đã xả nước thải công nghiệp làm ô nhiễm môi sinh, giết chết những dòng sông hiền hòa trên quê hương.

Bão lũ đi vào miền Trung ngày càng dữ dội hơn và mùa bão năm nay cũng đến với các với cơn bão số 1, 2, 3… đổ bộ vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế… Một tiếng chuông nữa lại được gióng lên, khiến người viết liên tưởng đến những thảm họa đau lòng ở Nga, Pakistan và Trung Quốc! Mong rằng những người có trách nhiệm hãy nghiêm khắc hơn với những hành động phá hoại, xâm phạm thô bạo đến hệ sinh thái, đến môi trường tự nhiên. Và mong mỗi người hãy làm một việc thật ích lợi, dù nhỏ và bình thường, trong đời sống hàng ngày. Đó là hành động tích cực trước khi mọi việc đã quá muộn màng.

Lưu Đình Long

Nguon: http://giacngo.vn/xahoi/2010/10/09/5E645B/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage