Cùng với
đền Gắm linh thiêng, di tích lịch sử cấp quốc gia ở đất Tiên Lãng được
nhiều người biết đến, chùa Thắng Phúc là nơi thờ tự tôn nghiêm, đồng
thời là điểm tham quan trong hành trình lễ hội văn hóa tâm linh của du
khách.
Mô phỏng kiến trúc chùa xưa
Ở xã Tiên Thắng, người dân địa phương lưu truyền sự
tích về ngôi chùa lớn tọa lạc ở vị trí ven sông Văn Úc. Các dấu tích,
văn bia, thư tịch ghi lại cho thấy ngôi chùa có từ đời Lý, cách đây hơn
800 năm. Tuy nhiên, sau đó, qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, chùa có sự
đổi thay. Tuy nhiên, nhiều người nhớ là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo,
nhất là có tới trăm gian và quả chuông lớn. Tiếng chuông chùa có thể
vang xa đến những vùng lân cận.
Tại ngôi chùa này, ước tính có 62
vị sư từng trụ trì. Người địa phương nhớ rõ nhất vào những năm kháng
chiến chống Pháp, chùa do đại đức Thích Tâm Cẩn trụ trì. Đại đức nuôi
dưỡng và giác ngộ 10 đệ tử. Thời điểm này, người dân địa phương quen gọi
chùa với tên Vọng Phúc. Một số phật tử ở nơi khác gọi tên chùa giống
tên làng là Mỹ Lộc. Thời kỳ năm 1948 - 1953, quân Pháp tiến hành nhiều
trận càn ác liệt trên đất Tiên Lãng, chùa bị tiêu thổ kháng chiến. Các
đệ tử của đại đức Tự Tâm Cẩn như Thích Nguyên Uyển, Thích Thanh Lãng,
Thích Quảng Tuệ, Thích Quảng Hợp… đến tu luyện tại các chùa khác trong
huyện như Dương Áo (xã Hùng Thắng), Nam Tử (xã Kiến Thiết)…Ở các chùa
này, họ tích cực ủng hộ kháng chiến, lấy chùa làm cơ sở nuôi giấu cán bộ
cách mạng. Có một số người bị giặc bắt, tra tấn dã man nhưng quyết bảo
vệ cách mạng, cán bộ đến cùng. Sau này, một số vị sư được Nhà nước truy
tặng danh hiệu liệt sĩ…
Từ nền móng của ngôi chùa xưa, cùng với
những dấu tích để lại ở khu vực bãi bồi ven sông Văn Úc, đại đức Thích
Quảng Minh cùng các phật tử, nhà hảo tâm đã xây dựng chùa Thắng Phúc
ngày nay, với quy mô bề thế nhưng vẫn mô phỏng nét kiến trúc xưa. Ngôi
chùa có trăm gian, bài trí hàng trăm pho tượng đá… Bắt đầu khởi công xây
dựng từ cuối năm 2008, đến nay, cơ bản các hạng mục công trình giai
đoạn 1 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong niềm vui của ngày lễ khánh
thành, hàng nghìn tăng ni, phật tử hành hương về chùa lễ Phật, vãn cảnh
ngôi chùa lớn, độc đáo.
Từ trung tâm thành phố, qua cầu Khuể
chừng 6- 7 km là đến chùa Thắng Phúc nằm ven sông Văn Úc, trên diện tích
khoảng 7 ha vừa mới hoàn thiện. Ngay bên phải cổng vào, ấn tượng đầu
tiên là bức tượng A-di-đà đồ sộ, cao 11 m, nặng 100 tấn đặt phía trước
hồ liên trì. Sân và chung quanh chùa đều được trang trí bằng hoa, cây
cảnh. Ngôi bảo điện lớn nằm ở vị trí trung tâm chùa, phía sau là kim
cương đường, tổ đường, 2 bên là la hán đường… Tổng cộng, công trình chùa
Thắng Phúc đến thời điểm này hoàn thành 85 gian, 2 bên la hán đường
hiện có 25 bức tượng đá. Ngoài ra trong ngôi bảo điện chính, kim cương
đường, tổ đường có 25 pho tượng bằng nhiều chất liệu… Đặc biệt, có 2 pho
tượng lớn được chế tác, mang từ Thái Lan, Trung Quốc về. Đại đức Thích
Quảng Minh, trụ trì chùa cho biết: “Đến khi hoàn thiện, 2 bên la hán
đường sẽ có khoảng 100 pho tượng bằng đá, do bàn tay khéo léo của các
nghệ nhân làng nghề chế tác đá Ninh Vân (Ninh Bình) làm ra”.
Kết hợp hài hòa văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái
Khi
xây dựng chùa Thắng Phúc, đại đức Thích Quảng Minh và các tăng ni, phật
tử mong muốn nơi đây sẽ là nơi thờ tự lớn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt
tín ngưỡng của tăng ni, phật tử trong và ngoài thành phố, nơi tu học
Phật pháp… Đặc biệt, do vị thế đắc địa, chùa đồng thời là nơi kết hợp
phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng đáp ứng yêu cầu khách du lịch
tham quan các tua du lịch đồng quê kết hợp văn hóa tâm linh. Bởi vậy,
quy hoạch xây dựng chùa chia làm 2 giai đoạn trên tổng diện tích khoảng
23 ha. Giai đoạn 1, quy hoạch trên diện tích 7 ha, cơ bản xây dựng xong
một số hạng mục công trình chính. Giai đoạn 2, chùa tiếp tục quy hoạch
diện tích bãi bồi ven sông từ chùa Thắng Phúc lên đến đền Gắm (khoảng 15
ha). Trên diện tích này, đại đức Thích Quảng Minh cho biết sẽ xin ý
kiến ủng hộ của thành phố và địa phương để tiếp tục đầu tư kết hợp phát
triển khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven sông từ chùa Thắng Phúc lên
đến đền Gắm. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục đầu tư các công trình tâm linh như
điện tứ phủ, tam tòa thánh phủ, điện ngọc hoàng, đền thờ Việt Nam lịch
đại đế vương để tạo ra quần thể công trình văn hóa tâm linh lớn ven sông
Văn Úc…
Thời gian qua, từ khi đặt nền móng đầu tiên, công trình,
chùa Thắng Phúc được sự quan tâm, tạo điều kiện của thành phố, chính
quyền địa phương, sự hỗ trợ của tăng ni, phật tử, cùng nỗ lực, quyết tâm
lớn của các vị trụ trì chùa… Với tổng kinh phí đầu tư lên đến hơn 40 tỷ
đồng, công trình này nhận được sự hảo tâm đóng góp kinh phí của nhiều
cơ quan, doanh nghiệp, phật tử trong, ngoài thành phố và ở nước ngoài…
Đại đức Thích Quảng Minh cho biết: “2 pho tượng xuất xứ từ Thái Lan và
Trung Quốc đều do Việt kiều ủng hộ. Ngoài ra, khó kể hết tấm lòng của bà
con địa phương, tăng ni phật tử khắp mọi miền đất nước với công trình
này”. Đại đức nhớ lại, có những buổi lao động chuẩn bị nền móng cho công
trình, có hàng trăm người dân địa phương nhiệt tình tham gia. Các cụ
già trong làng không quản tuổi cao, sức yếu cũng tích cực tham gia để
công trình sớm hoàn thiện.
Dù mới cơ bản hoàn thiện hạng mục công
trình chính của giai đoạn 1 nhưng hình dáng chùa Thắng Phúc đã hiển
hiện quy mô đồ sộ cùng với kiến trúc độc đáo, hiếm ngôi chùa nào trong
thành phố sánh kịp. Từ những nỗ lực đầu tư ban đầu, chùa Thắng Phúc tiếp
tục hoàn thiện một số hạng mục công trình còn lại của giai đoạn 1 và
bắt đầu giai đoạn 2. Chùa Thắng Phúc mong tiếp tục nhận được sự quan
tâm, ủng hộ của các phật tử, doanh nghiệp, tổ chức xã hội… hảo tâm cùng
chung sức xây dựng chùa. Không lâu nữa, trên quê hương Tiên Lãng sẽ có
công trình văn hóa tâm linh xứng tầm các khu danh thắng tâm linh lớn
trên cả nước như chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phật Tích (Bắc Ninh)…
Báo Hải Phòng