Chùa Bửu Minh

Ý Việt tạm dịch là: Luôn thành tâm kính lễ hướng tốt về một bực thánh đáng kính. Người hiểu biết đúng tất cả các pháp hay Luôn thành tâm kính lễ hướng về bậc Ứng Cung, Chính Biến Tri.


Vài dòng tham khảo về ý nghĩa của các âm Hán Phạn trong câu Phật học dưới đây:

Nam mô, tát đát tha, Tô già đa da, A ra ha đế ,Tam miệu tam bồ đà tỏa.

Nam mô là phiên âm Hán Phạn được viết ra từ chữ Namo trong Phạn ngữ. Namo viết theo mẩu devanāgarī: नमो. Namo là hợp biến phóng xuất âm (visarga sandhi) của chữ namaḥ, नमः mà thành.

Trong Phạn ngữ người ta thường dùng những chữ dưới đây để chào nhau:

नमस्ते (namaste) | नमोनमः (namo namaḥ) | नमस्कारः (namaskāraḥ).

Trong Phật học chữ : Namah (नम), Namas (नमस्), hay Namo (नमो) có nghĩa là đem thân tâm về qui ngưỡng Phật, Pháp, Tăng.

Namas có gốc từ động từ  √ नम् nam .

Namas_1 (नमस्), ở dạng trung tính, có nghĩa: Kính chào, tôn kính, ngưỡng mộ. Trên phương diện giới từ hay liên từ: chúc tụng, ca ngợi, tán tụng.

Namas_2 (नमस्), là thân động từ phản thân của namas nhóm một, có nghĩa: vinh danh, và khi làm trực bổ cách : làm danh dự, chào hỏi, kính trọng, ngưỡng mộ.

Động từ căn √ नम् nam có nghĩa: uốn cong, nghiêng xuống, chào, vinh danh, được uốn cong, tự quy phục, nhượng bộ.

Tát đát tha là phiên âm Hán Phạn được viết ra từ chữ satata trong Phạn ngữ. Satata viết theo mẩu devanāgarī: सतत. Satata là tĩnh từ và có ba dạng: nam tính, nữ tính và trung tính. Satata thuộc về hô cách số ít theo bảng biến hóa thân từ của satata- ở dạng nam tính và trung tính. Satatam và satatāt là thán từ.

Satatā (nữ tính) có những nghĩa như: đời đời, mãi mãi, vĩnh viễn, bất diệt, không dứt, luôn luôn, liên miên.

 

Tô già đa da là phiên âm Hán Phạn được viết ra từ chữ sugatāya trong Phạn ngữ. Sugatāya là chữ ghép từ hai chữ  सु su_1 + gatāya.


सु su_1 là tiếp đầu ngữ và có những nghĩa như sau: khá, tốt, đẹp, dễ chịu,phong phú…

Gatāya thuộc về cách gián bổ số ít theo bảng biến hóa thân từ của gata- ở dạng nam tính và trung tính. Gatam là thán từ.

Gatāya có gốc từ chữ [gata]. गत gata là quá khứ phân từ của động từ căn √ गम्  gam. 

गत gata thuộc tĩnh từ và có ba dạng: nam tính, nữ tính, trung tính. Gatā là thân từ ở dạng nữ tính của gata và nó có những nghĩa được biết như sau: Đã đi, đã rời, đã qua, đã mất, phát xuất từ, thoát ra. Ở dạng danh từ: Khởi hành, đến nơi, đi, di động, quá khứ, dĩ vãng.

सुगत sugata có những nghĩa như sau: hoàn thành tốt đẹp, hoàn tất mỹ mãn, người đã hoàn thành viên mãn.

A ra ha đế là phiên âm Hán Phạn được viết ra từ chữ arhate trong Phạn ngữ. Arhate thuộc về cách gián bổ số ít theo bảng biến hóa thân từ của arhat- ở dạng nam tính và trung tính. Arhantam là thán từ.

Arhate có gốc từ chữ [arhat]. Arhat viết theo mẩu devanāgarī: अर्हत्.

अर्हत्  arhat có gốc từ động từ căn √ अर्ह् arh. अर्हत्  arhat có những nghĩa như sau: có công đáng khen, tốt, hay, giỏi, đáng, xứng đáng, đáng tôn kính, đáng kính, một bực thánh đáng kính.

Động từ căn √ अर्ह्  arh có những nghĩa tùy theo thể chia thì của nó để dùng: đáng được tôn kính, có quyền được hưởng cái gì đó, được phép làm cái gì đó, có quyền, có khả năng làm…

Trong Phật học अर्हत्  arhat được người ta gọi là: Ứng Cung, người đáng được cúng dường, đáng được tôn kính.

Tam miệu tam bồ đà tỏa là phiên âm Hán Phạn được viết ra từ chữ samyak-sambuddhasya trong Phạn ngữ.

Samyak viết theo mẩu devanāgarī: सम्यक्. Samyak có gốc từ [samyac], thuộc dạng trung tính. Samyak là thán từ và có những nghĩa như sau: cùng nhau, toàn thể, toàn bộ, tổng cộng, hoàn toàn trọn vẹn, đồng thời, cùng lúc, tốt, khá, đứng đắn, thích hợp, đúng là, chính là; thực chất là, thích đáng, sạch sẽ, đúng, công bằng, chính đáng, đứng đắn, chính xác, nghiêm túc, thực sự, nhất thiết…

सम्यच्  samyac là biến thể của samyañc. Samyac thuộc tĩnh từ và có ba dạng: nam tính, nữ tính, trung tính và nó có những nghĩa như sau: hội tụ, tập trung, cùng quay chung một hướng, đúng, nối, hợp, nối liền, tập hợp, đúng với, y như, hợp với, bạn, bạn bè, bạn hữu, kẻ đánh bạn, cái đi kèm…

सम्यञ्च् samyañc có gốc từ [sam-ac] và nó có những nghĩa như sau: hoàn toàn, đầy đủ, trọn vẹn, toàn bộ, hoàn hảo, hết mực, hết sức, đúng đắn, chính xác, xác đáng…

 

Sambuddhasya thuộc về cách sở hữu số ít theo bảng biến hóa thân từ của sambuddha- , và sambuddham là thán từ.

संबुद्ध saṃbuddha là biến thể của sambuddha [quá khứ phân từ của saṃbudh]. Saṃbuddha thuộc tĩnh từ và có ba dạng: nam tính, nữ tính, trung tính. Saṃbuddhā có những nghĩa như sau: tỉnh thức,lanh lợi, hoạt bát, tỉnh táo, thông minh, có trí tuệ khôn ngoan, khôn khéo,  hoàn toàn hiểu biết…

संबुध्  saṃbudh là biến thể của sambudh và nó có những nghĩa tùy theo thể chia thì của nó để dùng: tự nhận thấy, tự nhận ra, quan sát, theo dõi, hiểu, lĩnh hội, gọi tỉnh, làm cho tỉnh lại, thức tỉnh; gợi lại, đánh thức, dạy, luyện…

सम्बुध्  sambudh có gốc từ [sam-budh_1].

 

सम्यक्सम्बुद्ध  samyaksambuddha hay samyak saṃbuddha trong Phật học được người ta gọi là: Chính Biến Tri, Tam miệu tam Phật đà, người hiểu biết đúng tất cả các pháp.

Câu Hán Phạn: Nam mô, tát đát tha, Tô già đa da, A ra ha đế, Tam miệu tam bồ đà tỏa.

Câu Phạn ngữ la tinh hoá: Namo satata sugataya arhate samyak-sambuddhasya.

Ý Việt tạm dịch là: Luôn thành tâm kính lễ hướng tốt về một bực thánh đáng kính. Người hiểu biết đúng tất cả các pháp hay Luôn thành tâm kính lễ hướng về bậc Ứng Cung, Chính Biến Tri.

 

Kính bút

TS Huệ Dân

http://www.daophatngaynay.com/vn/kinh-dien/dai-thua/13005-giai-nghia-chu-lang-nghiem-01-cau-dau-tien.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage