Việc đặt lại lời bài hát
mới có nội dung Phật giáo đương nhiên là do người Phật giáo thực hiện (tăng ni
Phật tử).
Ban đầu, việc lưu hành
những ca khúc Phật giáo “chế” này chỉ giới hạn bên trong nội bộ những đơn vị Phật
giáo, như chùa, đạo tràng. Nhưng nay, nó đã phổ biến rộng rãi ở cả trong nước
và ngoài nước bằng nhiều cách: thu băng dĩa, phát hành trên mạng bằng video,
audio, biểu diễn nơi có đông công chúng, thậm chí có doanh thu.
Người trình diễn ca
khúc Phật giáo chế có thể là tín đồ, có thể là tu sĩ Phật giáo, thậm chí có thể
là những vị cao niên, hòa thượng.
Lời đặt lại cho những
ca khúc nói chung là lành mạnh, nói lên tinh thần Phật giáo, kêu gọi từ bi, tu
hành…
Tuy nhiên, việc làm này
theo chúng tôi, đã làm nảy sinh ra vấn đề, và do vậy, nên chấm dứt nó, trước
khi những phiền phức xảy đến.
Đó là việc tự ý đặt lại
lời các ca khúc là việc xâm phạm bản quyền tác giả. Điều này được coi là một
hành vi trộm cắp (dù có thể không khai thác thương mại), có thể bị truy tố trước
pháp luật để yêu cầu chấm dứt hành vi
xâm phạm bản quyền và bồi thường kinh tế.
Vì việc này xảy ra ở cả
trong nước và ngoài nước, cho nên chúng tôi không đi vào những nội dung luật
pháp cụ thể, mà chỉ bàn luận ở những vấn đề chung. Nhưng việc khởi kiện trước
tòa về hành vi xâm phạm bản quyền tác giả là việc đều có thể xảy ra trong nước
và ở nước ngoài. Có điều, hình thức xử lý và mức hình phạt có thể khác nhau,
tùy luật pháp từng nước, nhất là mức xử phạt và bổi thường thiệt hại.
Theo “Từ điển Xuất bản” (nhà xuất bản Từ điển
Bách Khoa, Hà Nội 2007, trang 39) thì nội dung bản quyền, tác giả đã có được sự
thống nhất quốc tế, gồm có 6 quyền sau:
1.
Quyền công bố
2.
Quyền đặt tên cho tác phẩm
3.
Quyền đứng tên khi tác phẩm được công bố
4.
Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm
5.
Quyền sửa chữa
6.
Quyền thu hồi
Như vậy, chỉ có tác giả,
hoặc với sự đồng ý của tác giả, hoặc cá nhân, đơn vị sở hữu bản quyền, thì mới
được phép sữa chữa tác phẩm. Việc đặt lại lời mới cho ca khúc, bất luận với nội
dung gì, dùng vào mục đích gì, có thương mại hay không, thì bắt buộc phải có sự
đồng ý của tác giả, dĩ nhiên là bằng văn bản.
Sửa chữa, điều chỉnh nội
dung tác phẩm, mà không có sự đồng ý của tác giả bằng các thỏa thuận có giá trị
pháp luật, là xâm phạm đến quyền tác giả và do vậy “có thể khởi tố ở tòa án, yêu cầu đình chỉ xâm phạm, bồi thường thiệt hại”
(trang 39, tài liệu đã dẫn).
Nếu một số cá nhân
trong Phật giáo, nhất là tu sĩ Phật giáo, đặt nhạc chế Phật giáo tức đặt lời mới
có nội dung Phật giáo cho ca khúc đã công bố, thì vô tình, phía Phật giáo đã
làm cái việc vi phạm pháp luật. Ở đây, có thể coi là một hình thức “NẮM LƯỠI” của lưỡi dao luật pháp. Tác giả,
hoặc cá nhân, đơn vị có bản quyền hợp pháp các ca khúc bị sửa lời, có thể khởi
kiện lúc nào họ muốn.
Gần đây, đã xuất hiện một
số trường hợp những lực lượng hủy phá Phật giáo phát lên mạng các video clip
ghi cảnh thẩm vấn các vị tăng sĩ Phật giáo Việt Nam, thường là những người giữ
cương vị lãnh đạo cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài, có liên hệ đến các
vụ kiện tụng.
Liên hệ đến vấn đề mà
chúng ta đang bàn luận, thì nếu tác giả các ca khúc, hoặc người, đơn vị sở hữu
tác quyền các ca khúc, đã xảy ra việc sửa lời thành nhạc “chế” Phật giáo, khởi
kiện nhằm mục tiêu hủy phá Phật giáo, bôi nhọ Phật giáo, thì tai hại vô cùng!
Điều này đã trong tình thế có thể xảy ra.
Do đó, các cá nhân phía
Phật giáo không nên làm việc nắm lưỡi dao pháp luật này nữa, tức là không nên đặt
nhạc chế Phật giáo, sửa lời các bài hát đã công bố, lưu hành thành những bài
hát Phật giáo.
Nếu muốn làm việc đó,
thì cần phải xin phép tác giả, hoặc cá nhân đơn vị sở hữu tác quyền, nắm trong
tay văn bản đồng ý của tác giả, hoặc người, đơn vị sở hữu tác quyền có giá trị
pháp luật.
Phải lưu ý điều này, vì
rất có thể xảy ra trường hợp, tác giả đã qua đời, việc khởi kiện là do người thừa
kế, và từ một sự xúi giục hay mua chuộc nào đó. Họ chỉ cần lôi được một vị tu
sĩ Phật giáo ra tòa về việc xâm phạm bản quyền tác giả (được coi là một hành vi
trộm cắp) chụp hình, quay video tung lên mạng, là đủ, bất kể kết luận tòa án ra
sao, phân xử đúng sai như thế nào (1).
Việc sửa lời bài hát là
việc xâm phạm đến bản quyền tác giả. Việc bảo vệ bản quyền đã được sự thống nhất
quốc tế (xem “Từ điển Xuất bản” đã dẫn). Hành động xâm phạm bị coi là trộm cắp,
gây thiệt hại tác giả. Theo quan điểm nhà Phật, trộm cắp là phạm giới. Vì vậy,
nên dứt khoát từ bỏ việc đặt nhạc “chế” Phật giáo bằng cách sửa lời các ca khúc
đã lưu hành mà không có sự đồng ý của tác giả, hoặc cá nhân đơn vị sở hữu tác
quyền. Không nên đặt mình vào tình thế nguy hiểm về luật pháp, cũng như đặt Phật
giáo vào tình thế có thể bị bôi nhọ.
Hiện nay, bên cạnh nhạc
“chế” Phật giáo, còn một kiều nhạc “chế” khác tạm gọi nhạc “chế” “bụi”! Nhạc
“chế” “bụi” có nội dung khác hẳn nhạc “chế” Phật, nó thô tục, bạo lực, nhảm
nhí, pha lẫn cay đắng, bất mãn, buồn đời... Nhưng điều trớ trêu là nó dùng cũng
một kiểu sáng tác như nhạc “chế” Phật. Đó là “chế”, tức đặt lại lời mới cho những
ca khúc đang lưu hành, hoặc mượn ở bài này một chút giai điệu, bài kia một chút
giai điệu, pha tạp thành một bài hát mới. Thực ra, cũng là một kiểu “đạo” nhạc.
“Tác giả” cũng như công chúng của loại nhạc “chế” này là những người ít học,
làm những việc lao động chân tay. Nhạc chế “bụi” nói về hoàn cảnh sống của họ:
hút sách, nghiện ngập, trai gái, ngoại tình, ghen tuông, đâm chém, sống tù tội,
lang thang… Ấy vậy mà, Phật giáo cũng “chế” nhạc như thế! Cho dẫu nội dung hoàn
toàn khác, đây cũng là điều không hay và nên tránh.
Chấp nhận nhạc “chế”,
phổ biến nhạc “chế”, thì dù với nội dung hoàn toàn khác, văn hóa Phật giáo cũng
có một cái gì đó dính dấp, vướng mắc với kiểu văn hóa bụi, “vỉa hè”, cùng đi chế
nhạc. Điều đó cần nên tránh.
Trước nhu cầu âm nhạc
Phật giáo tăng cao, thì cơ quan có chức năng của GHPGVN nên tổ chức những cuộc
vận động hay thi sáng tác âm nhạc Phật giáo, chủ động ngăn chặn nhạc “chế” bằng
âm nhạc Phật giáo thực sự, mang những giá trị Phật giáo từ lời đến nhạc.
Hãy
kết thúc thời kỳ nhạc “chế” Phật giáo bằng những tác phẩm âm nhạc Phật giáo giá
trị thật sự. Nhất là trước khi xảy ra một vụ kiện tụng bản quyền, nhắm vào một
tu sĩ Phật giáo, với bằng chứng là một file audio hay video. Rồi người ta dùng
nó bêu rếu xem đó như một kiểu làm văn hóa Phật giáo, trình độ mỹ học âm nhạc
Phật giáo, nhằm một mục đích mà lâu nay, người ta đã dùng đủ mọi cách thức, cho
dù nó bẩn thỉu cách mấy, là bôi bẩn Phật giáo.
MT
(1)
Theo “Từ điển Xuất bản”, sách đã dẫn, thì việc xâm phạm quyền tác giả có
thể bị xử lý hình sự (Xem: mục từ “Biện
pháp thực thi quyền tác giả” trang 57-58).