Chùa Bửu Minh

Đức Phật nói cho chúng ta biết rằng có tâm pháp hay “tám ngọn gió thế gian” làm khuấy động lòng người, lay chuyển thế giới, khiến loài người quay cuồng chao đảo, rơi vào vòng xoáy của tư duy nhị nguyên đi đôi với phản ứng tâm lý – thuận ứng và nghịch ứng – liên tục nảy sinh không dứt.

 Đó là các ngọn gió lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, chỉ trích, tán thán, vui sướng và đau khổ.

Phật cũng nói cho chúng ta biết mọi thứ trên thế gian này đều thay đổi, vôi thường, cần phải khéo nhận diện, khéo suy tư tác ý thường xuyên để thoát khỏi cái họa khổ đau vì tâm tham ái dính mắc. Ngài dạy rằng tất cả những gì mà con người nhận đượctrong cuộc đời, dù tốt hay xấu, thích ý hay không thích, nếu thay đổi biến hoại, không đáng cho ta nắm giữ trong tâm. Bởi vì, nếu cứ tham luyến nắm giữ mọi thứ thì con người sẽ phải đau khổ triền miên do tâm cứ thuận ứng (thích thú luyến ái với cái tốt, cái có lợi) và nghịch ứng (chán ghét bực phiền đối với cái không tức là biểu hiện của tâm dao động mê mờ, không tỉnh táo sáng suốt, thiếu cân nhắc gắn liền với các hậu quả đầy phiền toái khổ đau.

Sự đời có hay không, được hay mất, tốt hay xấu chỉ là hiện tượng tương đối diễn ra hoàn toàn không như ý mình muốn, vì thế mà con người luôn học cách “biết đủ” (đối với cái được và cái không có được) để cho tâm hồn  được thảnh thơi và cần nhận ra cái bản chất giới hạn, vô thường của hiện hữu để bớt phản ứng quay cuồng. Còn phản ứng quay cuồng – thuận ứng và nghịch ứng – tức là còn nô lệ cho dục vọng khổ đau. Đức Phật gọi  thái độ thuận ứng và nghịch ứng đối với thực tại sinh diệt biến đổi vô thường của dòng đời là vô minh, thất niệm, biểu hiện của cái tâm nhỏ mọn.Thuận ứng với cái tốt, cái có lợi thì tham có cơ hội dấy khởi đi đến tăng trưởng. Trái lại nghịch ứng với cái không tốt, không có lợi thì sân có lý do sinh khởi, đi đến tăng trưởng. Tham và sân là con đẻ của si và vô minh, tức sự mê mờ, không thấy rõ bản chất vô thường bất toại của hiện hữu, nên tâm cứ phản ứng quay cuồng – thuận ứng và nghịch ứng -  trước mọi sự kiện sinh diệt vô thường của cuộc đời. Như vậy, do si hay vô minh nên tâm cứ thuận ứng với cái tốt, cái có lợi khiến tham dấy khởi đi đến tăng trưởng. Tương tự, do si hay vô minh nên tâm cứ nghịch ứng đối với cái không tốt, không có lợi khiến sân dấy khởi đi đến tăng trưởng. Tham, sân, si là ba độc tố tàn hại sức khỏe và tâm trí của con người khiến con người mù lòa, rơi vào điên đảo quay cuồng trong vòng xoáy của dục vọng hảo huyền, gây tạo nên mọi ác nghiệp dẫn đến hậu quả khổ đau – khổ cho mình, khổ cho người, khổ cho cuộc đời. Do đó, tham sân si mà dấy khởi và lớn mạnh trong con người thì cuộc đời rơi vào chao đảo bất an. Trái lại, vô tham, vô sân, vô si được nuôi dưỡng và phát triển thì đời sống trở nên hài hòa và an lạc.

Để giúp cho mọi người nhận diện hậu quả phiền toái khổ đau do tâm cứ thuận ứng và nghịch ứng đối với muôn sự muôn việc ở đời. Phật nêu hình ảnh một kẻ vô văn phàm phu chưa có nhân duyên học hiểu Phật pháp nên bị tám ngọn gió thế gian quấy rối phải chịu khổ đau  liên tục và  một vị đa văn thánh đệ tử nhờ hiểu rõ và thực hành lời Phật dạy nên không còn tám ngọn gió thế gian làm cho điên đảo. Nói khác đi, Phật khuyên nhắc chúng ta rằng sự đời thực hư biến đổi khôn lường, như gió thoảng mây bay, nên mỗi người hãy giữ tâm bình thản hay tập buông xả đối với mọi thứ, thích ý cũng như không thích ý, để thoát khỏi cái tâm phản ứng vùng vẫy mệt mõi mà sống thảnh thơi an lạc trên cuộc đời, vì sớm muộn tất cả đều ra đi.

Sau đây  là toàn văn lời giảng dạy của Đức Phật:

“Tám thế gian pháp này, này các Tỳ-kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này. Thế nào là tám?

Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng. Chỉ trích và tàn thán, an lạc và đau khổ.

Với kẻ phàm phu không nghe pháp, này các Tỳ-kkheo, có đặc thù gì, có sai khác gì giữa vị Thánh có nghe pháp và kẻ phàm phu không có nghe pháp?

Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm chỉ đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương dựa. Lành thay, Bạch Thế Tôn xin Thế Tôn giảng cho ý nghĩa của lời nói này. Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỳ-kheo sẽ thọ trì.

- Vậy này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe và suy niệm kỹ, ta sẽ nói.

- Thưa vâng, Bạch Thế Tôn.

Các Tỳ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

Với kẻ phàm phu không nghe pháp, này các Tỳ-kheo khởi lên lợi dưỡng, vị ấy không có suy tư: “Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường, biến hoại” . Vị ấy không như thật rõ biết: “Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường biến hoại, “khởi lên không lợi dưỡng, vị ấy không có suy tư: “Không lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, không lợi dưỡng ấy vô thường, biến hoại”. Vị ấy không như thật rõ biết: “Không lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, không lợi dưỡng ấy vô thường biến hoại”, [tương tự đối với các cặp khởi lên danh vọng và khởi lên không danh vọng, khởi lên chỉ trích và khởi lên tán thán, khởi lên an lạc và khởi lên khổ đau, vị ấy đều không có suy tư rằng các pháp ấy khởi lên đều là các pháp vô thường biến hoại]. Vì vậy, lợi dưỡng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, không danh vọng xâm nhập tâm của người và an trú, không danh vọng xâm nhập tâm của người ấy và an trú, chỉ trích xâm nhập tâm của người ấy và an trú, tán thán xâm nhập tâm của người ấy và an trú, an lạc xâm nhập tâm của người ấy  và an trú, đau khổ xâm nhập tâm của người ấy và an trú”. Người ấy thuận ứng với lợi dưỡng được khỏi lên và nghịch ứng với không lợi dưỡng; thuận ứng với  danh vọng được khởi lên và nghịch ứng  với không danh vọng; thuận ứng và tán thán được khởi lên và nghịch ứng với chỉ trích; thuận ứng với an lạc được khởi lên và nghịch ứng với đau khổ. Người ấy đầy đủ thuận ứng, nghịch ứng như vậy, nên không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng, người ấy không thoát khỏi khổ.

Với vị thánh đệ tử có nghe pháp, này các Tỳ-kheo, khởi lên lợi dưỡng, vị ấy có suy tư: “Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy vô thường biến hoại”. Vị ấy như thật rõ biết: “Lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, lợi dưỡng ấy là vô thường, biến hoại”; khởi lên không lợi dưỡng, vị ấy có suy tư: “Không lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, không lợi dưỡng ấy vô thường biến hoại”. Vị ấy như thật rõ biết: “Không lợi dưỡng này khởi lên nơi ta, không lợi dưỡng ấy vô thường, biến hoại” [ Tương tự đối với các cặp khởi lên danh vọng và khởi lên không danh vọng, khởi lên chỉ trích và khởi lên tán thán, khởi lên an lạc và khởi lên khổ đau, vị ấy  đều có suy tư rằng các pháp ấy vô thường, biến hoại; vị ấy cũng như thật rõ biết rằng các pháp ấy khởi lên đều là các pháp vô thường, biến hoại]. Do vậy, lợi dưỡng không xâm nhập tâm của vị ấy và an trú, không lợi dưỡng không xâm nhập tâm cũa người ấy và an trú, danh vọng không xâm nhập tâm của người ấy và an trú, không danh vọng không xâm nhập tâm của người ấy và an trú, chỉ trích không xâm nhập tâm của người ấy và an trú, tán thán không xâm nhập tâm của người ấy và an trú , an lạc không xâm nhập tâm của người ấy và an trú, đau khổ không xâm nhập tâm của người ấy và an trú”. Người ấy không thuận ứng với lợi dưỡng đucợ khởi lên và không nghịch ứng với không lợi dưỡng, không thuận ứng với danh vọng được khởi lên và không nghịch ứng với không danh vọng; không thuận ứng với tán thán được khởi lên và không nghịch ứng với chỉ trích; không thuận ứng với an lạc được khởi lên và không nghịch ứng với đau khổ. Vị ấy do đoạn tận thuận ứng, nghịch ứng như vậy, nên giải thoát khỏi sanh già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng vị ấy thoát khỏi khổ.

Đây là đặc thù, này các Tỳ-kheo, đây là thù thắng, đây là sai biệt giữa vị Thánh đệ tử có nghe pháp và kẻ phàm phu không nghe pháp.

tam-ngon-gio-the-gian


Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,

Danh vọng, không danh vọng,

Chỉ trích và tán thán,

An lạc và đau khổ.

Những pháp này vô thường,

Không thường hằng biến diệt,

Biết chúng, giữ chánh niệm

Bậc trí quán biến diệt.

Pháp khả ái, không động,

Không khả ái, không sân.

Các pháp thuận hay nghịch

Được tiêu tan không còn,

Sau khi biết con đường,

Không trẩn cấu không sầu,

Chơn chánh biết sanh hữu.

Đi đến bờ bên kia.

Chú thích:

1-    Đại kinh Đoạn tận ái, Trung Bộ

2-    Kinh Tùy chuyển thế giới, Tăng Chi Bộ

PHÓ ĐỨC HÙNG

http://phatgiaoaluoi.com/news/Doi-song/Tam-ngon-gio-the-gian-3330/#.UiaMF3-1ddg


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage