Niềm
vui của người dân Thổ Tang và vùng lân cận hiện như được nhân đôi khi
thời điểm chùa tôn tạo xong cũng là lúc chùa hoàn tất hai bức tượng Phật
ngọc là Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni và Phật Bà Quan Âm Bồ Tát.
Đây
là hai pho tượng từ nguyên khối ngọc xanh nặng hơn gần 20 tấn, được cho
là quý hiếm và lớn nhất trong các khối ngọc tìm thấy tại huyện Văn
Chấn, tỉnh Yên Bái, cũng là khối ngọc lớn nhất được tìm thấy ở Việt Nam
đến thời điểm này.
Lễ khánh thành chùa và tượng Phật ngọc sẽ được
tổ chức vào ngày mai (1/10) là một trong những sự kiện văn hóa chào
mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Kỷ niệm sự kiện hoan hỷ
này, nhiều chương trình ý nghĩa đang được triển khai tổ chức tại chùa,
như triển lãm thư pháp văn hóa Phật giáo; tranh làng quê, tranh đá quý;
nói chuyện về nghệ thuật văn hóa uống trà; cử hành nghi lễ an tâm tượng
Phật ngọc; cúng cầu siêu các Anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang thị trấn
Thổ Tang; cúng Tổ phần sài khách trạch và dâng hoa đăng tại chùa Tùng
Vân.
Tối 1/10, tại sân Đình khu lân cận chùa, 5.000 ngọn nến sẽ
được thắp sáng để cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, nhân dân được
an lạc. Đây là những hoạt động văn hóa chào mừng những ngày Đại lễ, nhắc
nhở các thế hệ biết trân trọng, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống.
Chùa
Tùng Vân là ngôi chùa cổ lớn nhất huyện Vĩnh Tường, được xây dựng cách
đây 327 năm vào thời vua Lê Huy Tông và được công nhận Di tích văn hóa
cấp quốc gia từ năm 1964.
Trải qua những thăng trầm, biến cố,
chùa Tùng Vân đã nhiều lần được trùng tu và lần gần đây nhất là đợt khởi
công tu bổ năm 2008. Chùa hiện vẫn lưu giữ nguyên vẹn nhiều bảo vật như
chuông đồng, khánh đồng... và nhất là một số pho tượng bằng đất nung,
trong đó có pho tượng Phật Thích Ca Mâu Ni có niên đại cách đây gần 300
năm.
Khác với kiến trúc của nhiều ngôi chùa trong vùng, chùa Tùng
Vân được xây dựng gồm bảy gian, hai dĩ với hệ thống kết cấu hàng trăm
cột gỗ và đá. Cùng với quá trình trùng tu, tôn tạo chùa, lễ đúc Đại hồng
chung cũng đã thành công với quả chuông nặng 1,1 tấn.
Thời gian
tới, dự kiến, hai bức tượng phật sẽ được nhà chùa đưa đi tỉnh Thái
Nguyên và Thái Bình để khách thập phương thành kính chiêm bái sau đó sẽ
đưa về chùa Tùng Vân an tọa, thờ tự./.
Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN/Vietnam+)