Lôgic
học là một ngành học có mục đích xác định các quy tắc vận hành của tư
duy để tìm kiếm sự thực. Sở dĩ phải vay mượn từ "lôgic" (tiếng La tinh
là logica, tiếng Hy Lạp là logos) trong ngôn ngữ Tây phương vì trong
tiếng Việt cũng như tiếng Hán không có từ nào tương đương. Tuy nhiên
cũng có nhiều học giả đề nghị dịch lôgic học là "nhân minh học" hay
"luận lý học", nhưng thật ra thì các từ ấy không phản ảnh trung thực
được ý nghĩa của từ lôgic.
Thật vậy phải công nhận là trong nền tư tưởng của nhân
loại không có nhiều hệ thống lôgic đúng với nghĩa của nó. Tại phương
Đông, Phật giáo đưa ra một hệ thống biện luận vô cùng đặc thù và độc
đáo và đã ảnh hưởng rất sâu đậm trong nền tư tưởng Á châu. Khổng giáo
chỉ là một nền triết học đạo đức, Lão giáo có thể xem là một nền triết
học siêu hình, nhưng cả hai không đưa ra được một nguyên tắc lôgic nào
cả. Các tôn giáo của Ấn độ như Vệ-đà, Bà-la-môn, Ấn giáo chỉ dựa vào
nghi lễ hiến dâng và cầu xin hơn là đưa ra một hệ thống suy luận để tìm
hiểu sự thực. Để đối đầu với lôgic học của Phật giáo, các trào lưu tư
tưởng triết học Ấn độ cũng có đề nghị một số luận lý lôgic nhưng hoàn
toàn không vững chắc.
Tại phương Tây thì nguyên lý lôgic của Aristote
(Aristotle, Aristotélès) đã bao trùm toàn bộ nền tư tưởng của thế giới
Tây phương từ thời cổ đại cho đến nay ngoại trừ các trào lưu tín ngưỡng
độc thần, vì các nền tín ngưỡng này không hàm chứa một nguyên tắc lôgic
nào cả. Vì thế có thể nói rằng nền tư tưởng Tây phương và các trào lưu
tín ngưỡng đã phát triển song hành và đối nghịch nhau từ thời trung cổ
mà hậu quả mang lại là tình trạng xã hội Tây phương ngày nay.
Tóm lại nhân loại có hai hệ thống lôgic chính yếu và
quan trọng nhất : một của Đức Phật và một của Aristote. Bài viết ngắn
dưới đây trước hết sẽ trình bày vài hàng sơ lược về lôgic của Aristote
nhằm mục đích giúp người đọc so sánh và tìm hiểu dễ dàng hơn lôgic của
Phật giáo. Riêng phần lôgic của Phật giáo thì sẽ được trình bày cặn kẽ
hơn.
Sơ lược về Lôgic học Aristote
Lôgic là một khoa học tìm kiếm sự thực
bằng lý luận, tuy nhiên lôgic cũng có nghĩa là sự mạch lạc của ý nghĩ
và lời nói, hay là một chuỗi sự kiện xảy ra tiếp nối nhau một cách hợp
lý. Như đã nói qua trên đây, lôgic của triết gia cổ đại Hy lạp là
Aristote (-384 - 322, trước Tây lịch tức là sinh sau Đức Phật khoảng
180 năm) đã ảnh hưởng sâu đậm vào toàn thể nền tư tưởng Tây phương, từ
các triết gia như Alexandre d'Aphrodise (thế kỷ thứ II) đồng thời với
đại sư Long Thụ, thánh Thomas d'Aquin (1224 - 1274) thời Trung cổ đồng
thời với Thiền sư Đạo Nguyên, cho đến các triết gia hiện đại như Martin
Heiddeger (1889 - 1976),...và kể cả Karl Marx (1818 - 1883) đối với các
quan niệm của ông về những giá trị vật chất.
Trên một bình diện thật tổng quát thì Aristote chủ
trương khái niệm cho rằng sự "hiện hữu" là một "thực thể" (một chất
liệu), và siêu hình học chỉ là "khoa học của sự hiện hữu với tư cách là
một sự hiện hữu" mà thôi. Nguyên tắc căn bản trong lôgic của Aristote
là: " không có một vật thể nào trong cùng một lúc lại vừa có và lại vừa không có một thuộc tính chung " :
- Cái gì có, thì có; cái gì không, thì không.
- Bất cứ một vật gì cũng thế, có hoặc là không có; không có cách thứ ba nào khác.
Tóm lại đối với Aristote, sự suy diễn là cách rút
tỉa từ một hay nhiều định đề (mệnh đề) đã được biết trước là đúng hay
là sai (gọi chung là tiền đề) để mang lại một hay nhiều định đề hay
mệnh đề mới được đánh giá là đúng hay là sai tùy theo sự tương quan
lôgic của chúng đối với các tiền đề đã được đưa ra từ trước. Nguyên tắc này được cụ thể hoá bằng sự suy diễn gọi là tam đoạn luận.
Tam đoạn luận là cách đưa ra hai mệnh đề mang tính cách
dứt khoát và khẳng định và mệnh đề thứ ba dùng làm kết luận. Aristote
trình bày về tam đoạn luận như sau: "Nếu a được xác định bởi b, và c được xác định bởi b, thì nhất thiết a phải được xác định bởi c". Người ta có thể gọi a (thuộc tính chỉ định cho kết luận) là mệnh đề chính, và c (chủ thể của kết luận) là mệnh đề thứ yếu.
Sau đây là một thí dụ điển hình về tam đoạn luận thường thấy:
Tất cả mọi người đều chết
|
Tất cả b (người) là a (chết)
|
Mệnh đề chính
|
Tất cả những người Hy lạp đều là người
|
Tất cả c (Hy lạp) là b (người)
|
Mệnh đề thứ yếu
|
Tất cả những người Hy lạp đều chết
|
Tất cả c (Hy lạp) là a (chết)
|
Kết luận
|
Tóm lại lôgic của Aristote mang tính cách khẳng định (có
hay là không có, đúng hay là sai, không chấp nhận sự "lưng chừng"). Tuy
nhiên một số học phái lôgic ngày nay đã bác bỏ nguyên tắc này, vì theo
các học phái ấy thì không nhất thiết chỉ có hai trường hợp khẳng định
như thế mà còn có một trường hợp thứ ba thuộc vào loại "không quyết đoán được" (indécidable), có nghĩa không rõ ràng, không dứt khoát, không xác định rõ được.
Lôgic của Aristote có vẻ rất phù hợp với sự cảm nhận của
con người trước mọi hiện tượng và có thể đã chi phối sự nhận thức nói
chung của con người từ phương Tây cho đến phương Đông. Tuy nhiên Phật
giáo đã đưa ra một phương pháp lý luận ngược chiều với quá trình khẳng
định của Aristote, chẳng hạn như trường hợp điển hình sau đây:
Con ông A biết nói tiếng Anh
Con ông A không biết nói tiếng Anh
Ông A là người không có con
Trong trường hợp trên đây, mệnh đề thứ ba phủ nhận hoàn
toàn hai mệnh đề trước, và mục đích của sự phủ nhận đó là tạo ra một sự
phi lý để hóa giải trở lại mọi sự khẳng định. Trong kinh sách Phật giáo
người ta thường thấy thí dụ về "đứa con của một người phụ nữ hiếm muộn"
(tức không hề sinh đẻ).
Lôgic học Phật giáo
Lôgic học Phật giáo được hình thành trước logic học
Aristote gần hai trăm năm. Hệ thống lôgic của Phật giáo "thực tế" hơn
và mang một chủ đích hay ứng dụng rõ rệt hơn, do đó không nhất thiết
phải có cùng những quy tắc mà Aristote đã đưa ra. Logic học Phật giáo
không phải là một ngành học riêng biệt mà có thể gọi đấy là những kỹ
thuật hay những ứng dụng trực tiếp góp phần vào sự tu tập. Những kỹ
thuật hay ứng dụng ấy là gì? Mục đích trước hết là để chứng minh một số
khái niệm trong Đạo Pháp, sau đó là để tìm hiểu bản thể đích thực của
thế giới này. Đối với Phật giáo, thế giới mà chúng ta đang sống vừa
"thật" một cách cụ thể, tức có thể nhìn thấy nó, sờ mó được nó và va
chạm vào nó, nhưng thế giới đó cũng vừa "không thật" vì tất cả mọi hiện
tượng kể cả tư duy của con người chỉ "thật" một cách tương đối mà thôi
vì chúng biến động không ngừng, tức "hiện ra" và "biến đi" liên tục
giống như những "ảo giác". Do đó Phật giáo chủ trương thế giới hiện
tượng hàm chứa hai sự thực khác nhau: sự thực tương đối và sự thực tuyệt đối. Lôgic của Phật giáo được căn cứ và xây dựng trên cả hai sự thực ấy vì thế nên hoàn toàn khác biệt với lôgic của Aristote.
Nếu lôgic Aristote hướng vào việc tìm kiếm sự thực thì mục đích của lôgic Phật giáo là giúp cho con người tránh khỏi được mọi sai lầm và ảo giác.
Để thực hiện mục đích đó Phật giáo đã đưa ra một kỹ thuật giúp chúng
ta nhìn thấy phía sau sự biến động của mọi hiện tượng còn có một thứ gì
khác nữa, đó là bản chất tối hậu của hiện thức, cái bản chất tối hậu ấy
Phật giáo gọi là Tánh không. Sự quán thấy bản chất tối hậu ấy sẽ giúp
chúng ta tránh được mọi sai lầm và ảo giác. Vậy kỹ thuật ấy là gì ? Đó
là một phương pháp biện luận thật đặc thù gọi là tứ đoạn luận (trétralème) tiếng Phạn là catuscoti. Vậy tứ đoạn luận là gì?
Tứ đoạn luận trong Phật giáo
Xin trích dẫn một đoạn trong Trung Bộ Kinh (Najjhima Nikaya, kinh số 72) như sau: "Như
Lai [...] thật sâu thẳm, vô biên, không thăm dò được, giống như đại
dương. Những lời lẽ như hiển-hiện, không-hiển-hiện, hiển-hiện và
không-hiển-hiện, không-hiển-hiện cũng không phải là không-hiển-hiện,
không thể dùng để diễn tả được". Câu phát biểu trên đây của Đức
Phật cho thấy nguyên tắc căn bản của tứ đoạn luận, nguyên tắc đó gồm có
bốn mệnh đề thoát ra khỏi sự biện luận thông thường. Trong các kinh
điển đặc thù của Nam tông bằng tiếng Pali người ta cũng thấy nêu lên
nguyên tắc của tứ đoạn luận như sau :
"Có (ati)
Không có (neti)
Có và không có (ati ca natica)
Không phải có cũng không phải không có (nevati na neti):
Đấy là những lời giáo huấn của Đấng Giác ngộ"
Theo học giả Quentin Ludwig trong quyển sách về Phật giáo của ông (tựa đề Le Bouddhisme, histoire, courant religieux, cultures,
nhà xuất bản Eyrolles, 2005, trang 344) thì Aristote và cả thầy của ông
là Platon (- 428 - 347 trước Tây lịch) đều biết đến tứ đoạn luận do Đức
Phật thuyết giảng. Tuy nhiên cũng theo học giả này thì tứ đoạn luận
Phật giáo đã làm cho họ phải bực bội và không quyết đoán gì được, vì
phép biện luận của Phật giáo mang lại một tình trạng bất định hướng,
không giải quyết được, không kết luận được. Lý do cũng dễ hiểu vì các
triết gia cổ đại Hy Lạp chỉ thấy có một sự thực tương đối mà thôi và họ
chỉ muốn đi tìm một sự khẳng định nào đó, một thứ lôgic duy nhất nào
đó. Trong khi ấy thì Phật giáo lại bác bỏ mọi sư khẳng định quy ước và
một thứ lôgic công thức và cứng nhắc.
Aristote trong quyển "Siêu hình học" (Métaphysique) đã viết như sau : "Vả lại, thật rõ ràng là biện luận với một đối thủ như thế (tức là tứ đoạn luận) thật không thấy một đối tượng nào cả (đúng thật như thế vì tứ đoạn luận của Phật giáo là dùng để chứng minh tính cách vô thực thể của mọi hiện tượng). Bởi
vì nó không nói lên một điều gì cả, nó không nói là thế này cũng không
nói là không phải thế này, nhưng lại nói là thế này và không phải là
thế này. Và lại thêm một lần nữa, cả hai mệnh đề ấy liên kết với nhau
cũng bị phủ nhận nốt, và lại còn nói thêm vừa không phải thế này mà
cũng vừa không không-phải-thế-này. Bởi vậy nếu khác hơn như thế thì
phải có một cái gì đó đã được xác định sẵn (đấy chính là Tánh
không của mọi hiện tượng mà Aristote không thấy và ông đã tỏ ra bối rối
một cách rõ rệt). Câu trích dẫn trên đây trích từ quyển Tự điển bách khoa triết học toàn cầu của Georges Bugault trong tiết mục giải thích về chữ Catuscoti
tức là tứ đoạn luận của Phật giáo, và cũng xin lưu ý thêm là các phần
đóng trong ngoặc kép là do người viết thêm vào để giúp cho người đọc dễ
theo dõi. Mặt khác cũng có thể phần trích dẫn trên đây là một trong
những bằng chứng mà học giả Quentin Ludwig đã dựa vào đó để cho rằng
Aristote (và cả thầy của ông là Platon) đã từng biết đến giáo lý của
Đức Phật (?).
Trên một khía cạnh khác có lẽ cũng cần nêu lên là trong
ngành lôgic học nói chung ngoài tam đoạn luận của Aristote và tứ đoạn
luận của Phật giáo còn có nhiều hệ thống lôgic khác nữa, chẳng hạn như
lôgic biện chứng (logique dialectique), lôgic toán học, lôgic ngũ đoạn
luận của triết học Ấn độ, v.v... Tuy nhiên những hệ thống lôgic đó đều
thuộc vào những lãnh vực ít hay nhiều cá biệt hoặc không có tầm ảnh
hưởng bao quát ngang hàng với hai hệ thống lôgic của Phật giáo và của
Aristote.
Ý nghĩa của tứ đoạn luận Phật giáo
Mục đích của tứ đoạn luận Phật giáo là đưa
sự biện luận lôgic ra thoát và vượt lên trên sự thực quy ước, có nghĩa
là bước vào một thế giới mà nơi đó tất cả đều có thể xảy ra được mà
cũng không có thể xảy ra được, đó là cái thế giới của Tánh không.
Trong cái Tánh không hay sự trống không của hiện thực thì tất cả đều
"có thể" và đồng thời cũng lại vừa "không có thể". Tóm lại hai mệnh đề
thứ nhất của tứ đoạn luận thuộc vào thế giới của sự thực quy ước, và
hai mệnh đề sau thuộc vào thế giới của sự thực tối hậu của mọi hiện
tượng, vượt thoát ra khỏi mọi quy ước. Bốn mệnh đề của tứ đoạn luận là :
- mệnh đề thứ nhất nêu lên một sự khẳng định.
- mệnh đề thứ hai nêu lên một sự đối nghịch (phản biện) lại với mệnh đề thứ nhất.
- mệnh đề thứ ba là một sự kết hợp giữa hai mệnh đề trên
đây (có nghĩa là vừa khẳng định lại vừa phản biện lại sự khẳng định ấy).
- mệnh đề thứ tư là một sự hủy bỏ (hay vô hiệu hóa) cả hai mệnh đề thứ nhất và thứ hai.
Trong kinh Aggi-Vacchagotta thuộc Trung Bộ Kinh (Mjjhima Nikaya),
nhà tu khổ hạnh Vacchagotta có hỏi Đức Phật là sau khi tịch diệt thì
Đức Phật có còn hiện hữu hay không, và Đức Phật đã trả lời như sau: "Không
thể bảo rằng Như Lai còn hiện hữu phía sau cái chết, nhưng cũng không
thể bảo rằng Như Lại không còn hiện hữu, cũng không phải là vừa
hiện-hữu và vừa không-hiện-hữu, cũng không phải là vừa không
không-hiện-hữu và vừa không-hiện-hữu". Đấy là cách mà Đức Phật đã dùng tứ đoạn luận để trả lời cho Vacchagotta.
Thật ra thì tứ đoạn luận của lôgic Phật giáo không
trái ngược lại với lôgic thông thường, bởi vì vẫn tôn trọng nguyên tắc
không-mâu-thuẫn (non-contradictoire) tượng trưng bởi hai mệnh đề đầu
tiên, và đồng thời nguyên tắc ấy cũng tôn trọng cả lãnh vực của sự thực
tuyệt đối, tuợng trưng bởi hai mệnh đề sau cùng. Do đó lôgic Phật giáo
đã phân chia sự hiểu biết thành ra hai lãnh vực khác biệt nhau: lãnh
vực thứ nhất là sự nhận thức (pratyaksa) và lãnh vực thứ hai là sự suy
diễn (anumana).
Nhận thức là một sự "hiểu biết" thuộc tri thức trực cảm,
tức là một sự cảm nhận trực tiếp bằng trực giác khi tiếp xúc với một
hiện tượng (một vật thể hay một biến cố). Sự nhận thức đó "dừng lại"
trong lãnh vực của hiện tượng và chỉ liên quan trực tiếp đến hiện tượng
mà thôi, hoàn toàn không vướng mắc vào sự vận hành của trí tưởng tượng
hay khả năng diễn đạt và phân biệt của tâm thức. Sự suy diễn thuộc vào
lãnh vực thứ hai của sự hiểu biết, có nghĩa là một sự hiểu biết dựa vào
sự tương quan giữa hai hiện tượng (hai vật thể hay hai biến cố), đó là
sự hiểu biết suy lý (connaissance discursive) liên quan với lôgic học.
Nếu nói một cách khác thì sự suy diễn là một cách lập luận bằng tam hay
tứ đoạn luận trong chủ đích mang lại một sự hiểu biết nào đó. Muốn hiểu
rõ sự khác biệt giữa nhận thức và diễn đạt ra sao thì cần phải nắm vững
khái niệm về ngũ uẩn, tức là năm cấu hợp tạo ra một cá thể
con người, trong số năm uẩn đó thì bốn uẩn thuộc vào lãnh vực tâm thần
và quá trình vận hành của bốn uẩn tâm thần ấy sẽ tạo ra hai thể dạng
hiểu biết trình bày trên đây.
Các đại luận sư về triết học lôgic trong lịch sử Phật giáo
Trên dòng lịch sử phát triển của Phật giáo có nhiều vị
đại luận sư đã tích cực góp phần vào việc diễn giải giáo lý của Đức
Phật, và cũng nhờ đó mà Đạo Pháp theo dòng thời gian mà ngày càng đã
trở nên phong phú hơn. Trong số các vị ấy có Ngài Long Thụ (thế kỷ thứ
II) là vị nổi bật nhất đã sáng lập ra học thuyết Trung Đạo
(Madhyamika), một học thuyết liên quan đến sự hiểu biết lôgic của Phật
giáo.
Long Thụ điểu khiển đại học Na-lan-đà và sau đó thì giao
lại trọng trách này cho người đệ tử giỏi nhất của mình là Thánh thiên
(Aryadeva) sinh vào cuối thế kỷ thứ II hay đầu thê kỷ thứ III (?), vị
này cũng là một đại luận sư rất uyên bác và đã tiếp tục khai triển thêm
học phái Trung quán. Một trong các tác phẩm quan trọng của Thánh thiên
là tập luận Bốn trăm tiết (Catuhsataka) giải thích quan điểm của Long Thụ về bản chất vô thực thể của mọi hiện tượng.
Sau Long Thụ và Thánh Thiên, người ta lại thấy xuất hiện
thêm vào thế kỷ thứ IV một vị đại luận sư khác nữa về lôgic Phật giáo,
đó là ngài Trần Na (Dignaga). Trần Na thụ giáo tại đại học Na-lan-đà và
là đệ tử của ngài Thế thân (Vasubandu, ~316 - 396) một đại luận sư của
tông phái Duy thức, em của ngài Vô trước (Asanga) người sáng lập ra
tông phái này. Vì thế cũng dễ hiểu là tư tưởng của Trần Na nghiêng hẳn
về Duy Thức tông. Ông giảng dạy tại đại học Na-lan-đà và có công hệ
thống hóa toàn bộ lôgic học Phật giáo. Ông viết rất nhiều và đã trước
tác nhiều tập luận giải về lôgic học.
Sau Trần Na lại xuất hiện thêm một đại luận sư khác là
ngài Nguyệt Xứng (Candrakirti), sinh vào cuối thế kỷ thứ IV. Lôgic của
Nguyệt Xứng hoàn toàn là lôgic của Trung Quán tông. Hai trước tác quan
trọng của ông là quyển Minh cú luận (Prasannapada) chú giải tập Trung quán luận tụng của Long Thụ và quyển Nhập Trung luận (Madhyamakavatara) thì hệ thống hóa toàn bộ học phái Cụ duyên tông (Prasangika) của Trung quán tông.
Tư tưởng của các đại luận sư trên đây đã ảnh hưởng sâu
đậm nền triết học Phật giáo suốt nhiều thế kỷ sau đó, cho đến ngày đại
học Na-lan-đà bị các đạo quân Hồi giáo đốt phá vào cuối thế kỷ XII.
Cũng xin nói thêm là nhiều trước tác của các vị trên đây đã bị mất mát
trong biến cố vừa kể, một số chỉ còn lại bản dịch bằng tiếng Hán hoặc
bằng tiếng Tây tạng. Trong suốt một thời gian dài từ Long Thụ cho đến
Nguyệt Xứng và sau đó nữa, đại học Na-lan-đà hợp tác với các vị vương
công đương thời thường xuyên tổ chức những cuộc tranh luận giữa các vị
trong giáo đoàn và cả các vị thầy khác thuộc Phật giáo và ngoài Phật
giáo được mời đến từ bên ngoài. Có nhiều cuộc tranh luận kéo dài hàng
nhiều năm.
Phần trên đây tóm lược tiểu sử của một số các vị đại
luận sư nổi bật nhất của triết học Phật giáo và đồng thời cũng nêu lên
một vài nét sinh hoạt và tranh đua tại đại học Na-lan-đà vào một trong
những thời kỳ hưng thịnh và sáng chói nhất của đại học này. Tuy nhiên
bài viết này chỉ giới hạn trong việc phân tích một vài đường nét tư
tưởng của ngài Long Thụ mà thôi, vì dù sao thì các vị đại sư sau Long
Thụ tuy có nhiều nét đặc thù nhưng cũng không đi ra ngoài lôgic chung
của triết học Phật giáo.
Ngài Long Thụ và lôgic Phật giáo
Không có một chứng tích lịch sử nào chính xác về cuộc
đời của Long Thụ, tiểu sử của ông gần như hoàn toàn dựa vào huyền
thoại. Người ta chỉ biết rằng ông sinh vào khoảng giữa thế kỷ thứ II và
mất vào khoảng giữa thế kỷ thứ III. Là người miền Nam nước Ấn nhưng gia
đình thì gốc Bà-la-môn, vì thế ông đã dùng tiếng Phạn trong việc viết
lách thay vì dùng tiếng Pali của miền Nam. Ông thụ giáo tại đại học
Na-lan-đà và sau đó thì trụ trì và điểu khiển đại học này.
Kỹ thuật biện luận lôgic của Long Thụ là cách đảo ngược
quá trình suy luận của các trào lưu triết học về một chủ đề rất được
quan tâm thời bấy giờ là bản thể học (ontologie), đó là một ngành học
tìm hiểu về sự hiện hữu của mọi sự vật và của con người, có nghĩa là
tìm cách trả lời các câu hỏi như: các vật thể có hiện hữu hay không,
con người có hàm chứa một thực tại hay không?
Đối với Long Thụ thì tất cả những thứ ấy "không
hiện-hữu, cũng không phải là không-hiện-hữu, chúng cũng không phải vừa
hiện-hữu và vừa không-hiện-hữu, cũng không phải cùng lúc vừa là
không-hiện-hữu và vừa không phải là không-hiện-hữu". Long Thụ cho rằng
xác nhận có sự hiện hữu là sai, nhưng xác nhận là không có sự hiện-hữu
cũng sai, hoặc xác nhận sự hiện-hữu và cả sự không-hiện-hữu cũng là
sai, hoặc nếu xác nhận cả hai đều là đúng thì cũng sai. Lý do là nếu
muốn xác định như thế thì tất nhiên phải lệ thuộc một cách lộ liễu hoặc
kín đáo vào một cái ngã. Trong khi đó Phật giáo lại chủ trương vô ngã,
vì thế đối với Long Thụ mọi hiện tượng đều "thật", nhưng chỉ "thật" với
tư cách là những hiện tượng mà thôi, chúng giống như một tấm màn căng
ra nhưng phía sau thì không che giấu một thứ gì cả, bởi vì bản chất của
mọi hiện tượng là Tánh không.
Phương pháp biện luận mà Long Thụ thường sử dụng là để
chứng minh sự phi lý và mâu thuẫn, và phương pháp này cũng thường được
sử dụng trong toán học: thí dụ sự hiện hữu của A nhất thiết cần phải có
sự hiện hữu của B, nếu B không hiện hữu thì A cũng sẽ không hiện hữu.
Long Thụ không bao giờ chọn cho mình một vị thế cố định hay cứng nhắc
nào cả, khi có ai đặt một câu hỏi thì ông vạch cho người đó thấy tính
cách phi lý và mâu thuẫn của câu hỏi và từ đó ông phá vỡ mọi vị thế
khẳng định làm cho các thắc mắc của người hỏi và cả câu hỏi trở nên vô
nghĩa.
Sau đây là hai thí dụ điển hình trích từ quyển "Những lời khuyên dành cho vị đế vương" của ngài Long Thụ (dựa theo bản dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Pháp của Philippe Cornu tựa là Conseils au roi, nhà xuất bản Seuil, collection Sagesses, 2000. Tựa tiếng Phạn của tập luận này là Rayaparikatharatnavali, tựa của các bản dịch tiếng Việt là Na-tiên Tỳ kheo kinh):
Cũng thế, ảo ảnh giống như nước
Nhưng không phải là nước, và thật ra thì không có [nước]
Cũng thế, các cấu hợp giống như những cái tôi [cái ngã]
Nhưng không hề có cái tôi nào cả, và thật ra thì chúng không hiện hữu.
(tiết 54, trang 28)
Cái gì nhất thời, ngưng hiện hữu,
Vậy làm thế nào nó có thể già được?
Cái gì không phải là nhất thời, giữ nguyên một thể dạng,
Vậy làm thế nào nó có thể già được?
(tiết 68, trang 32)
Thí dụ thứ nhất cho thấy trong ảo giác nước cũng có thể
có được, nhưng đấy không phải là nước. Trong Tánh không thì bất cứ thứ
gì cũng có thể xảy ra được, sự đối nghịch nhị nguyên cũng có thể trở
thành một hiện tượng lôgic, vì thế mà người ta vẫn thường nói niết bàn
và ta bà chỉ là hai thể dạng khác nhau của một thực thể duy nhất. Các
trường hợp như thế gọi là các trường hợp "không quyết đoán được"
(indécidable) mà Aristote đã không dự trù trong hệ thống lôgic của ông.
Thí dụ thứ hai chứng minh thật rõ ràng tính cách phi lý của ngôn từ và
khái niệm thuộc vào thế giới hiện tượng, tức là sự phi lý trong cái hữu
lý thông thường của sự thực tương đối.
Sau hết xin trích dẫn trong phân đoạn sau đây nguyên văn một tiết trong tập Trung quán luận tụng của Long Thụ để chứng minh cho thấy sự lẩn quẩn, phi lý và vô nghĩa của ngôn từ và phương pháp biện luận của tứ đoạn luận.
Một thí dụ về tứ đoạn luận của ngài Long Thụ
"[Nếu] phát biểu rằng sự tắt nghỉ không phải là một sự
không-hiện-hữu cũng không phải là một sự hiện-hữu, thì điều ấy chỉ có
thể đứng vững khi nào "một sự không-hiện-hữu" và "một sự hiện-hữu" đã
được thiết lập một cách vững chắc.
Nếu sự tắt nghỉ không phải là một sự không-hiện-hữu mà cũng không phải là một sự hiện-hữu,
[Thì] có ai dám nói rằng [sự tắt nghỉ] "vừa không phải là một sự không-hiện-hữu mà cũng vừa là một sự hiện-hữu".
Rằng Đấng Như Lai vẫn hiện hữu sau khi đã dừng lại, không có ai có thể khẳng định được điều ấy.
Rằng Ngài không hiện hữu? Hay cùng lúc cả hai thứ? Hoặc cái này cũng không mà cái kia cũng không?
Không có ai có thể khẳng định được.
Từ sự tắt nghỉ đến sự hình thành, không có sự khác biệt,
Từ sự hình thành đến sự tắt nghỉ, không có sự khác biệt.
Ranh giới tối hậu của sự tắt nghỉ cũng là ranh giới tối hậu của sự hình thành,
Giữa hai ranh giới đó, không có một khoảng cách nào cả, dù cho là tinh tế cách mấy đi nữa.
Phía bên kia của sự tắt nghỉ, có phải là sự chấm dứt hay không,v.v.? Sự vĩnh cữu hay không, v.v.?
Các quan điểm cho là có một niết bàn, [thì] phía sau chữ đó là gì, phía trước chữ đó là gì?
Tất cả mọi thực thể đều trống không, [vậy] lấy gì để quy cho sự không-chấm-dứt? và lấy gì để quy cho sự chấm-dứt?
Không-chấm-dứt và chấm-dứt, cũng không phải là vừa không-chấm-dứt mà cũng lại vừa có chấm-dứt, thì sự kiện đó quy cho cái gì?
Do đâu nó là như thế không thêm bớt, do đâu nó là cái gì khác hơn?
Do đâu nó vĩnh-cữu? Do đâu nó không-vĩnh-cữu?
Do đâu nó vừa vĩnh-cữu lại vừa không-vĩnh-cữu, hay là không phải cái này cũng không phải cái kia?
Hạnh phúc thay cho những ai mà sự bám víu đã lắng xuống, hạnh phúc thay cho sự đa dạng [của ngôn từ và sự vật] đã lắng xuống.
Đấng Như Lai chưa hề thuyết giảng cho bất cứ ai về bất cứ một điều giáo lý nào".
(Trích từ tập "Căn bản Trung Quán luận tụng" (tiết XXIV) của ngài Long Thụ, phỏng theo bản dịch tiếng Pháp của Michel Angot).
Lời kết
Kinh sách có nêu lên một số câu hỏi mà
Đức Phật không trả lời một cách trực tiếp mà chỉ phân tích câu hỏi để
chứng minh cho thấy là các câu hỏi đã được đặt sai. Điển hình hơn hết
là trong kinh Culamalunkya-sutta (Majjhima Nikaya - Trung Bộ kinh,
426-432, bản dịch sang tiếng Pháp của Môhan Wijayaratna, nhà xuất bản
Cerf, 1988, trang 113-117). Trong kinh này người đệ tử của Phật tên là
Malunkyaputta có nêu lên một số câu hỏi, chẳng hạn như: vũ trụ có bất
diệt hay không? Vũ trụ có biên giới hay không? Một sinh linh đã được
giải thoát có hiện hữu sau khi chết hay không, v.v... Đức Phật phân
tích mỗi câu hỏi của Malunkyaputta thành bốn mệnh đề và sau đó thì cho
biết là khổ đau, già nua và cái chết là những gì cấp bách và quan trọng
hơn nhiều so với những thắc mắc của Malunkyaputta. Các câu hỏi của
Malunkyaputta được Đức Phật phân tích như sau:
1. Vũ trụ có bất diệt hay không?
2. Vủ trụ không bất diệt?
3. Vũ trụ vừa bất-diệt vừa không-bất-diệt?
4. Vũ trụ đồng thời vừa không-bất-diệt cũng vừa không phải là không-bất-diệt?
1. Vũ trụ vô tận?
2. Vũ trụ không vô tận?
3. Vũ trụ đồng thời vừa vô-tận lại vừa không-vô-tận?
4. Vũ trụ đồng thời vừa không-vô-tận nhưng cũng không phải là không-vô-tận?
1. Một sinh linh đã đạt được giải thoát còn hiện-hữu sau khi chết?
2. Một sinh linh đã đạt được giải thoát không-còn-hiện-hữu sau khi chết?
3. Một sinh linh đã đạt được giải thoát vừa hiện-hữu nhưng cũng vừa không-hiện-hữu sau khi chết?
4. Một sinh linh đã được giải thoát vừa
không-hiện-hữu nhưng cũng vừa không phải là không-hiện-hữu sau khi
chết?
....
Sau đây là tóm lược một câu trả lời điển hình của Đức Phật cho Malunkyaputta: "Này
Malunkyaputta, có quan điểm theo đó Như lai còn hiện-hữu sau khi chết,
có quan điểm theo đó Như Lai không-còn-hiện-hữu sau khi chết, có quan
điểm theo đó Như Lai vừa hiện-hữu cũng vừa không-hiện-hữu sau khi chết,
có quan điểm theo đó Như Lai không-hiện-hữu nhưng cũng không phải là
không-hiện-hữu sau khi chết, nhưng trước nhất phải hiểu rằng có sinh,
có già, có chết, có khổ, có than khóc, có đớn đau, xót xa và tuyệt vọng. Ta chỉ giảng cho
con về sự chấm dứt những thứ ấy trong thế giới này, trong chính sự sống
này. Vì thế, này Malunkuyaputta, hãy giữ lấy trong tâm những gì Ta
giảng, đúng như Ta đã giảng, và những gì Ta không giảng, đúng như Ta
không giảng…"
Trong câu trả lời của Đức Phật có hai phần rõ rệt: một
phần thì Đức Phật giảng nhưng một phần khác thì Đức Phật không giảng.
Phần mà Đức Phật giảng thuộc vào sự thật tương đối của thế giới này, đó
là sự thật của khổ đau, của già nua và cái chết, cái sự thật đó cấp
bách hơn đối với Malunkyaputta. Phần mà Đức Phật không giảng cho
Malunkyaputta là sự thật tuyệt đối của bản thể mọi hiện tượng trong vũ
trụ này. Đức Phật chỉ nhắc cho Malunkyaputta phải giữ trong tâm những
gì mà Đức Phật không giảng đúng như Đức Phật không giảng.
Tuy không giảng nhưng Đức Phật đã phân tích các câu hỏi
của Malunkyaputta thành bốn mệnh đề của tứ đoạn luận trong mục đích
chứng minh cho Malunkyaputta thấy các câu hỏi ấy là phi lý, vô nghĩa và
vô ích, nhưng lại không giảng cho Malunkyaputta vể Tánh không của mọi
hiện tượng. Thật vậy Malunkyaputta không phải là một đệ tử có tầm cỡ
của Ma-ha Ca-diếp, cái yên lặng mà Đức Phật không trả lời trọn vẹn các
câu hỏi của Malunkyaputta khác với cái yên lặng khi Đức Phật cầm cành
hoa đưa lên cho Ma-ha Ca-diếp xem mà không nói gì cả. Cái yên lặng đó
vượt lên trên khổ đau, của già nua và cái chết, vượt ra bên ngoài biên
giới của vũ trụ, vượt lên trên niết bàn và cả ta bà, cái yên lặng đó
trong nhất thời Malunkyaputtra không cần biết.
Cái yên lặng ấy chính là Tánh không của mọi hiện tượng
và của sự giải thoát. Cái yên lặng ấy là một sự cảm nhận trực tiếp
không thể giải thích bằng lời. Trong tập Nhập Lăng già kinh (Lankavatarasutra) người ta thấy một câu phát biểu của Đức Phật như sau :" Từ
lúc Giác ngộ cho đến khi tịch diệt, Như Lai chưa hề nói một lời nào, và
cũng sẽ không nói một lời nào, bởi vì không nói chính là lời nói của
Như Lai". (phỏng theo lời tóm dịch của học giả Alain Grosrey trong quyển Le Grand Livre du Bouddhisme, nhà xuất bản Albin Michel, 2007, trang 509). Nguyên văn câu trên đây theo bản Việt dịch của Tuệ Khải cư sĩ như sau: "Bồ tát Ðại Tuệ lại bạch đức Phật rằng : "Thưa
đức Thế Tôn ! Ðức Như Lai nói rằng, đêm nào ta chứng Ðại Bồ Ðề ? Ðêm
nào ta vào Bát Niết Bàn ? Ta ở trung gian chẳng nói một chữ, Phật nói
chẳng phải nói. Ðức Thế Tôn y vào những nghĩa gì mà nói lời như vậy ?
Lời nói của Phật chẳng phải lời nói ?" (tài liệu trong "Trang nhà Quảng Đức", www.quangduc.com).
Câu phát biểu trên đây cho thấy Đức Phật chỉ là sự yên
lặng làm trung gian giữa chúng ta và sự thực tuyệt đối. Thật vậy đối
với sự thật tối hậu thì hiện-hữu là sai, không-hiện-hữu cũng là sai,
vừa không-hiện-hữu vừa hiện-hữu cũng là sai, không-hiện-hữu cũng không
phải là không-hiện-hữu cũng là sai. Tất cả đều sai nên chẳng có gì để
mà nói cả. Tất cả những thứ gì nói lên được chỉ là những tạo tác của
tâm thức và lệ thuộc vào cái tôi của một cá thể mà thôi. Dòng hiện hữu
là một chuỗi hiện tượng mang tính cách tương liên, lôi kéo nhau và liên
tục trôi chảy không ngưng nghỉ. Dòng trôi chảy ấy không hề hàm chứa bất
cứ một đối tượng nào cũng không mang một chủ đích nào cả. Trên dòng
trôi chảy tự nhiên ấy không có một thực thể bền vững nào cũng không có
một sự đứt đoạn nào cả. Sự hiện hữu là hậu quả của một quá trình hình
thành không ngừng và bất tận, quá trình đó không có khởi thủy cũng
chẳng có chấm dứt, tuyệt nhiên không hàm chứa bất cứ một chủ thể hay
một đối tượng nào.
Trước cái lôgic đó của mọi hiện tượng, Đức Phật đã giữ
yên lặng và không nói gì cả, các đệ tử của Ngài chỉ nghe thấy tiếng
vang từ những câu hỏi của họ dội lại từ sự yên lặng của Đức Phật mà
thôi. Tóm lại cái lôgic học của Phật giáo không phải dùng để đi tìm một
sự thực nào cả mà đúng hơn là để đánh thức sự u mê của chính mình, để ý
thức được ngôn từ và khái niệm chỉ có tính cách quy ước, mọi thắc mắc
và biện luận chỉ đơn thuần là những bám víu của tâm thức mà thôi.
Bures-Sur-Yvette, ngày 02.04.10
Hoang Phong