Chùa Bửu Minh

Ca sĩ Hiền Thục và mẹ (ảnh nhân vật cung cấp)
Ngày lễ Vu lan lại đến với mọi người. Đây cũng là dịp để các người con hoạt động trong mọi lĩnh vực bày tỏ lòng hiếu hạnh với cha mẹ. Qua Kinh Vu lan bồn, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn công ơn mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng của các bậc sinh thành.

Đối với người nghệ sĩ, sự thành công của họ trong lĩnh vực nghệ thuật không thể không nhắc đến “điểm tựa” vững chắc của các bậc cha mẹ. Thật hạnh phúc cho những ai còn cài bông hồng đỏ trên ngực vì đang còn cha mẹ. Và thật xót xa khi phải gắn bông hồng trắng lên ngực vì cha mẹ đã về cõi vĩnh hằng…

 
“Còn cha còn mẹ thì hơn...”
 
Một số người cho rằng một khi quá bận rộn với công việc làm thì họ sẽ không có thời gian dành cho gia đình, nhưng với ca sĩ Hiền Thục thì mọi chuyện lại trái ngược. “Càng nhiều công việc thì mẹ và Thục lại càng gần gũi nhau hơn, vì cả hai mẹ con thường cùng nhau đi diễn nên hầu như đêm nào Thục cũng tâm sự đủ hết mọi chuyện cho mẹ nghe, từ cuộc sống, công việc, chuyện tình cảm của Thục. Mẹ luôn cho Thục nhiều lời khuyên hết sức bổ ích cũng như giúp Thục vượt qua được những khó khăn gặp phải bởi mẹ là một người cực kỳ kiên nhẫn, chịu khó trong công việc, trong cuộc sống. Thêm một điều nữa, mẹ Thục nấu ăn cực ngon, cả nhà ai cũng ghiền những món ăn mẹ nấu. Thục cũng đang cố gắng để học hỏi mẹ về khoản này...”.
 
Tương tự, đối với cô đào trẻ Quế Trân, người quản lý hoạt động nghệ thuật cho mình không ai có thể bì bằng mẹ. Trân hồn nhiên: “Trân không biết nói gì diễn tả hết những hy sinh, chịu đựng, những gánh vác lo toan mà mẹ phải trải qua, để cho ba và hai anh em Trân có được ngày hôm nay. Trân chỉ có thể nói rằng, xin tạ ơn ông Trời đã ban cho Trân một người mẹ hiền hậu, đảm đang. Anh Nhựt Tân đã tốt nghiệp đại học, hiện là giám đốc một bộ phận của Công ty FPT. Đó là kết quả của những ngày tháng mẹ đạp xe chở anh đi học bởi thời điểm ấy đời sống kinh tế vất vả thường ăn độn trong bữa ăn chính. Trân cũng vậy, một tay mẹ chăm lo, hướng Trân đến con đường học vấn. Trong nghề hát, mẹ luôn nhắc nhở Trân phải khéo cư xử, không được tự mãn, kiêu căng, phải khiêm tốn học hỏi, cầu tiến…”.
 
Cùng họ Đặng, hai cha con nghệ sĩ Trọng Hữu và Trọng Vũ có nét mặt, ngoại hình và cả giọng nói giống nhau như đúc. Trọng Vũ cho biết: “Ngay từ nhỏ, Vũ đã rất thần tượng ba, dù biết ba là một nghệ sĩ nổi tiếng nhưng Vũ không thể ỷ lại, phải tự đi lên bằng chính đôi chân của mình. Đó cũng là điều mà ba Vũ mong muốn”. Trọng Vũ chia sẻ thêm: “Khi Vũ không chọn nghệ thuật cải lương mà chuyển sang hát tân nhạc, lúc đầu ba cũng hơi buồn, sau đó ba hiểu ra chất giọng của Vũ phù hợp với âm nhạc hơn nên ba ủng hộ, động viên Vũ luyện thanh, tập vũ đạo cho thật tốt. Ba bảo, âm nhạc hay cải lương đều là nghệ thuật, mà làm nghệ thuật chân chính đều quý như nhau… Khi Vũ thực hiện album riêng, ba cũng là người cho những lời góp ý rất chân tình…”.
 
“....Như đờn đứt dây…”
 
“Ngày tôi quyết định không thi vào trường y mà đi học làm nghệ thuật, ba tôi rất buồn nhưng không ngăn cản, chỉ nói đúng một câu: Sao con không muốn làm “thầy” lại đi làm “thằng”? Lúc đó, tôi chỉ biết cúi đầu im lặng… Sau này, khi tôi có chút tiếng tăm, dù không nói ra nhưng tôi biết ba vui lắm. Năm 33 tuổi, tôi mua được căn nhà nhỏ ở quận Bình Thạnh - TP.HCM bằng tiền đi diễn của mình, định sẽ đón ba từ Đồng Tháp lên ở chung. Thế nhưng, vào một đêm, tôi đi tấu hài với anh Hữu Châu, mới đến show thứ ba thì nhận được tin nhắn: “Ba mất. Về gấp!”. Tôi gọi điện về quê. Ba qua đời thật vì cơn nhồi máu cơ tim. Tôi khóc như mưa. Nhưng show thì đã nhận, bể show sẽ ảnh hưởng đến nhiều người. Tôi và anh Hữu Châu ráng “chạy” tiếp. Bước ra sân khấu, tôi cố không khóc để chọc cười thiên hạ. Vừa trở vô hậu trường, tôi không kìm được nỗi đau, khóc tiếp. Thấy vậy, anh Hữu Châu khuyên tôi về quê đi, anh hủy ba show còn lại. Ba mất mà chưa được đặt chân lên ngôi nhà mới của con trai dù chỉ một ngày, đó là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời tôi…” - nghệ sĩ Minh Nhí rưng rưng khi kể về ba mình. Cùng tâm trạng, diễn viên Xuân Đào cho biết: “Mẹ mất khi tôi đang quay bộ phim Dòng suối không cầu ở Đà Lạt. Về với mẹ ngay trong đêm, tôi không thể tưởng tượng nổi mình lúc đó, như người mất hồn, không còn thiết điều gì nữa… Phải mất nhiều năm tôi mới lấy lại được tinh thần, thăng bằng trong cuộc sống… Hồi đó, tôi thường đi diễn thời trang, tình cờ đạo diễn Trương Dũng mời đóng phim. Đọc kịch bản, tôi lo sợ định trả vai. Mẹ an ủi, động viên tôi nên thử sức mình. Thời gian đầu đi đóng phim, mẹ đều theo bên cạnh chăm sóc, dỗ dành. Trong gia đình, mẹ là người quyết đoán, sự thành công của anh em tôi đều nhờ vào bàn tay của mẹ. Mùa Vu lan năm nay, tôi tham gia bộ phim Phật và mẹ như một món quà tinh thần của đứa con gái dâng lên mẹ…”.

Minh Tuyền (theo Giáo Dục)


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage