Chùa Bửu Minh

Trợ Niệm Và Chuẩn Bị Khi Lâm Chung


Tỳ Kheo Thích Nhuận Nghi biên soạn

Tục ngữ Việt Nam chúng ta có câu “ sanh ký tử quy, nghĩa là ; Sống gởi trần gian, chết lại về”. Vậy khi chết chúng ta đi về đâu? Đây là câu hỏi rất khó trả lời, chỉ có bậc Đại giác ngộ mới thấy rõ con đường đi này và chỉ dạy cho chúng ta biết mà thôi.

Đó là sáu con đường mà chúng sanh qua lại mãi: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi Trời, Người, A-tu-la, còn gọi là sáu nẻo luân hồi. Khi con người còn sống, gây tạo nhân gì thì kết quả sẽ theo họ như thế ấy. Kết quả đó là động cơ thúc đẩy con người sau khi chết, đi vào các cảnh giới tương ưng trong sáu đường .


Chư Phật và Bồ tát thương tất cả chúng sanh cứ mãi lang thang qua lại trong sáu đường luân hồi này, nên lập ra rất nhiều phương tiện để cứu giúp chúng sanh thoát ly cảnh sinh tử, sanh về cảnh Phật, hưởng thọ phước lạc vô biên, gia đình hiện đời được sự an lành hạnh phúc. Thấy được sự lợi ích này, nên chúng tôi biên tập lại những lời Phật, Tổ chỉ dạy, dựng lại bản phim tài liệu TRỢ NIỆM VÀ CHUẨN BỊ KHI LÂM CHUNG ngõ hầu mong cho tất cả kẻ còn và người mất đồng được an vui lợi ích.

 

I .CÁC HIỆN TƯỢNG TRƯỚC KHI NGƯỜI BỆNH TẮT THỞ

1. Trước khi tắt thở, có người tay chân run rẩy, gân mạch co rút lại. Lúc ấy chúng ta biết tạng phủ của người này đang vô cùng đau đớn. Sự đau đớn đó thấm đến từng lỗ chân lông.

2. Có người trước khi tắt thở, sắc mặt nhợt nhạt, hơi thở khò khè, thân mình run rẩy. Ta biết lúc ấy lục phủ ngũ tạng của họ lạnh buốt như băng tuyết, chịu muôn vàn đau khổ.

3. Có người trước khi tắt thở, hơi thở ra rất nhiều, mà hơi hít vào lại rất ít; da bị ửng đỏ, tinh thần mê man. Bấy giờ người này sức lực suy kiệt dần dần.

Phần nhiều con người trước khi tắt thở thường trải qua ba giai đoạn như trên, rồi trút hơi thở cuối cùng ra đi. Người chết rồi biểu hiện ra từng tướng trạng nơi khuôn mặt và thân thể, qua đó chúng ta biết người đó sanh về cảnh giới lành hay dữ.

I.1. Người  chết có những biểu hiện sanh vào địa ngục  

- Có người trước khi chết, đưa hai tay lên qườ quạng trên hư không.

- Có người trước khi chết, kêu gào la khóc.

- Có người trước khi chết, đi đại tiểu tiện ra ngoài mà không hay không biết.

- Có người trước khi chết, hai mắt nhắm lại không dám mở ra.

- Có người trước khi chết, thường xoay mặt vào vách, hoặc úp mặt xuống giường.

- Có người trước khi chết, cố nằm nghiêng mà ăn, mình mẩy, miệng mồm hôi hám.

 - Có người trước khi chết, hai chân run rẩy, sống mũi siêu vẹo.

- Có người trước khi chết, hai mắt đỏ ngầu.

- Có người trước khi chết, thân hình co rút lại.

Khi đó, hơi lạnh từ trên đầu xuống đến bàn chân người bệnh, rồi hơi ấm trụ nơi bàn chân. Trường hợp đó, ta biết người này sẽ đọa vào cảnh giới địa ngục xấu ác.

I.2. Người trước và sau khi chết có những biểu hiện sanh vào ngạ quỷ

- Có người trước khi chết, ưa lè lưỡi liếm môi.

- Có người trước khi chết, thân hình nóng như lửa đốt.

- Có người trước khi chết, khát nước, đòi ăn uống liên tục.

- Có người trước khi chết, hai mắt trợn lên không nhắm lại.

- Có người trước khi chết, không đi tiểu tiện mà đi đại tiện rất nhiều.

- Có người trước khi chết, đầu gối bên phải lạnh trước.

- Có người trước khi chết, hai bàn tay nắm cứng lại. Đây là biểu hiện của lòng bỏn xẻn nuối tiếc của cải tài sản, vợ con…

Khi đó, hơi lạnh dần dần đi xuống hoặc từ dưới bàn chân đi lên đến đầu gối người bệnh, rồi hơi ấm dừng ngay đầu gối. Trường hợp đó, ta biết người này sanh vào cảnh giới ngạ quỷ xấu ác.

I.3. Người trước khi chết có những biểu hiện sanh vào súc sanh

- Tâm quyến luyến, không muốn rời xa vợ con, chồng con, người thân.

- Có người trước khi chết, tay chân co quắp lại.

- Có người trước khi chết, thân mình toát ra mồ hôi.

- Có người trước khi chết, nói nămg hổn loạn.

- Có người trước khi tắt thở, miệng hay ngậm đồ ăn.

Khi đó, hơi lạnh từ trên đầu xuống (có người lạnh từ dưới bàn chân lạnh lên) rồi dừng lại ở bụng người bệnh, hơi ấm trụ tại đây. Trường hợp đó, ta biết người này sanh vào cảnh giới súc sanh đau khổ.

I.4. Người trước  khi chết có những biểu hiện sanh trở lại làm người

- Có người trước khi chết, lòng vui vẻ, miệng mỉm cười.

- Có người trước khi chết, thân không bị các sự đau khổ hành hạ bức bách.

- Có người trước khi chết, con cháu người thân thương yêu gần gũi.

- Có người trước khi chết, dặn dò con cháu, hoặc để di chúc lại rõ ràng, sáng suốt.

- Có người trước khi chết, lòng tôn kính Phật Pháp Tăng tam bảo.

Khi đó, hơi lạnh từ dưới chân lên đến ngực  rồi hơi ấm trụ tại đây. Trường hợp đó, ta biết người này sanh vào cõi Người.

I.5. Người trước  khi chết có những biểu hiện sanh về cõi Trời

-  người trước trong suốt cuôc đời, lòng luôn quý mến mọi người.

- Có người trước khi chết, tinh thần  tỉnh táo.

- Có người trước khi chết, thân thể không hôi thối.

- Có người trước khi chết, sống mũi không siêu vẹo.

- Có người trước khi chết, tâm không buồn giận, sợ sệt, chán nản.

- Có người trước khi chết, không lưu luyến tài sản, của cải, nhà cửa, vợ con.

- Có người trước khi chết, ngữa mặt mỉm cười mà đi thật thanh thản.

Khi đó, hơi thở lạnh từ dưới chân lên đến trán  rồi hơi ấm dừng ở đó. Trường hợp biểu hiện này rất tốt, ta biết người này sanh về cõi trời.

          I.6. Người trước khi chết có những biểu hiện sanh về cõi Đức Phật A-di-đà

- Có người trước khi chết, tinh thần tỉnh táo,

- Có người trước khi chết, biết trước ngày giờ ra đi.

- Có người trước khi chết, tắm rửa thay quần áo.

- Có người trước khi chết, niệm Phật không dứt

- Có người trước khi chết, ngồi ngay thẳng mà đi.

- Có người trước khi chết, mùi thơm lạ bay khắp phòng.

- Có người trước khi chết, được hào quang Phật chiếu sáng vào thân thể.

- Có người trước khi chết, nghe nhạc trời trổi lên giữa hư không.

- Có người trước khi chết,  tự nói ra bài kệ để dặn dò mọi người.

Khi đó, hơi lạnh từ dưới lòng bàn chân lên đến đỉnh đầu rồi hơi ấm dừng lại ở đây. Trường hợp đó, ta biết người này vãng sanh về cõi Phật.

 

II. NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI BỆNH NÊN BIẾT VÀ CHUẨN BỊ

          Sống và chết, già và bệnh là quy luật tất nhiên, không ai có thể tránh khỏi. Muốn thoát ly ra khỏi sự chi phối này, không gì hơn là nương tựa vào giáo pháp của Đức Phật mà hành trì tu tập. Có thực hành tu tập, chúng ta mới chuyển hóa được những nỗi khổ niềm đau, bệnh tật, nghịch cảnh v.v… trong hiện tại và được giải thoát trong tương lai. Muốn được điều lợi ích này, đòi hỏi quý vị phải có tâm kính tin vào Phật pháp vô biên, có niềm tin kiên cố vào sự cứu độ của Phật A-di-đà, bồ tát Quan Thế Âm, bồ tát Đại Thế Chí. Chúng ta phải có ý chí tu tập, lòng dứt khoát phải buông bỏ muôn duyên. Phật dạy, thế gian là vô thường, vạn vật có sinh tất có diệt. Biết vậy, khi sống, ta nên chuẩn bị cho sự ra đi của mình sao cho thật thanh thản, không bịn rịn, không quyến luyến. Khi bệnh tật, ta càng phải mạnh mẽ, quyết tâm gấp nhiều lần hơn thế. Muốn vậy, không còn cách gì hơn là phải buông bỏ tất cả những trói buộc của vật chất, tài sản như tiền bạc, nhà cửa, đất đai, địa vị, danh lợi.. giao lại cho con cháu vào lúc này, hoặc đem ra bố thí làm phước, hoặc viết di chúc dặn dò…; cũng không luyến ái người thân vợ, chồng, con cháu… Những điều như vậy, quý vị nên làm ngay, vì chúng ta còn nắm giữ, còn cố bám víu vào bất cứ vật gì, bất cứ ai ở thế gian này, là còn làm chướng ngại cho sự ra đi vãng sanh của mình. Nếu không buông bỏ những thứ vật chất đó, người thân yêu đó, khi chết đi, chẳng những quý vị cũng không cầm nắm mang theo ra đi được, mà bản thân còn bị đọa lạc. Lúc ấy, người thân nào cứu được? Không ai thương mình bằng chính mình thương mình, không ai thương mình bằng chư Phật và Bồ tát, chỉ có Phật và Bồ tát mới cứu mình thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi mà thôi. Cho nên quý vị phải có niềm tin tuyệt đối vào chánh pháp, tin vào Tam bảo Phật Pháp Tăng, chuyên tâm nhất ý trì niệm danh hiệu Phật A-di-đà, một lòng cầu vãng sanh Tịnh độ.

Quý vị cần chú ý điều này. Khi còn sống ở đời, con người không ai không có lỗi lầm, những lỗi lầm do cố ý hoặc vô ý gây tạo ra. Ta nếu đã gieo thù kết oán hoặc luyến ái yêu thương hoặc mắc nợ tiền bạc vật chất… với người nào, hoặc với con cháu, vợ chồng, người thân, thì lúc này nên giàn xếp hết, giải quyết hết trước khi ra đi. Ta giải quyết bằng tấm lòng tha thứ,  bao dung cho hết thảy mọi người; bằng tất cả sự ăn năn hối lỗi, chia xẻ bày tỏ với những người từ lâu mình gây thù chuốc oán, hoặc với những ai tin tưởng và thấu hiểu mình khi khỏe mạnh, đặc biệt là những vị tin hiểu Phật pháp. Đồng thời, ta phải hết lòng niệm Phật, cầu xin sám hối những tội lỗi xưa để tâm thanh thản ra đi về cõi Phật.

Khi chưa bệnh hoặc đã bị bệnh, lúc nào ta cũng nên tinh tấn niệm Phật, hết lòng tin tưởng vào sự gia trì của Phật. Đừng bao giờ nghĩ rằng dùng thuốc sẽ hết bệnh. Ngay cả, khi bệnh nặng có thể không cần dùng thuốc, chỉ chuyên tâm niệm Phật. Nếu thọ mạng còn, thì nhờ oai lực của chư Phật gia trì mà ta được hết bệnh, nhờ lòng thành mà dứt trừ các ác nghiệp đời trước. Nếu thọ mạng hết, thì ta thanh thản đi về cõi Phật A-di-đà.

          Sự ra đi của ta tốt hay xấu, chính yếu vẫn là nhờ tâm chân thành của mình có hay không bên cạnh sự trợ duyên của người thân trong gia đình và chư Tăng cùng các bạn đạo.

 

III. NHỮNG ĐIỀU GIA ĐÌNH NÊN BIẾT VÀ CHUẨN BỊ LÚC NGƯỜI BỆNH LÂM CHUNG

Chúng ta được sinh ra trong cuộc đời này, cha mẹ là là bậc đại ân nhân lớn nhất đối với chúng ta. Thân thể, sự nghiệp của chúng ta đều do ông bà cha mẹ truyền trao. Khi cha mẹ, người thân của chúng ta bị bệnh đến lúc hấp hối, bệnh nhân như đang đứng giữa ngã rẽ giữa quỷ, người, thánh, phàm. Sự việc này nguy hiểm vô cùng, như ngàn cân treo sợi tóc. Lúc này, trong gia đình anh em, con cháu, dâu rể phải hết lòng thương yêu đoàn kết với nhau, theo lời  dạy của Phật và các bậc thiện tri thức mà hết lòng hộ trì, chăm sóc người thân của mình đúng với chánh pháp, thì người mất sẽ được lợi ích, an vui; người sống sẽ được phước lạc vô biên. Đó là cách trả hiếu lớn nhất và vẹn toàn hiếu đạo. Lúc này, toàn bộ con cháu, người thân, quyến thuộc trong gia đình phải giữ bình tĩnh, tốt nhất là niệm Phật cho người bệnh, không nên khóc lóc, kêu la.

Muốn được điều lợi ích cho người mất, xin quý vị hãy nghe theo những lời chỉ dẫn sau đây:

1. Người thân bị bệnh, gia đình phải tận tình chăm sóc, hết lòng thương yêu và chia sẻ những khó khăn với họ, đặc biệt là  trong thời điểm này.

2. Anh em con cháu và bệnh nhân khi sống khỏe mạnh đối xử với nhau như thế nào, thì lúc này mọi người càng cần phải có sự cảm thông cho nhau để đoàn kết chăm lo, chiều ý để tâm người bệnh thấy đó mà vui vẻ hướng tâm niệm Phật.

3. Khi thấy bệnh tình trở nặng, con cháu, người thân phải khuyên bệnh nhân nên buông bỏ hết mọi công việc, chỉ hướng tâm niệm Phật cầu vãng sanh, phát khởi lòng kính tin Tam bảo. Nếu người bệnh chưa quy y, thì gia đình nên thỉnh chư Tăng, các bậc đức độ đến quy y cho người ấy.

4. Trong gia đình hoặc bạn bè, có người nào khi sống gây oán thù với người bệnh, nếu không giải tỏa và cảm thông cho nhau được, thì khi người bệnh hấp hối, những người kể trên không được đến thăm nom, tiếp xúc, vì dễ khơi dậy lòng sân hận của người bệnh, khiến họ dễ bị đọa lạc. Cũng vậy, người nào được người bệnh lúc còn khỏe mạnh yêu thương, gắn bó không rời, thì khi hấp hối, người thân yêu ấy không được đứng đối diện, sẽ tạo nên tình cảm luyến ái khiến người bệnh không thể tự tại vãng sanh được.

5. Người bệnh nằm ở bệnh viện, nếu người nhà thấy bệnh tình họ khó qua khỏi được, thì nên lập tức đưa về nhà, sắp đặt chỗ thanh tịnh, hướng cho họ niệm Phật. Nếu thọ mạng của người bệnh còn, thì nhờ oai lực chư Phật và Bồ Tát, bệnh tình sẽ thuyên giảm. Nếu thọ mạng đã hết, thì người bệnh có thể ra đi an nhàn về nơi cõi Phật. Người nhà phải liên lạc mời ban Trợ niệm sớm bắt đầu công việc niệm Phật. Trong lúc di chuyển bệnh nhân, gia đình phải lớn tiếng niệm Phật; cử một người trong gia đình nói bên tai bệnh nhân rằng: “Chúng con di chuyển thân thể của ông/bà. Ông/bà phải giữ chánh niệm, dốc sức niệm Phật. Bây giờ chúng ta lên xe!... Bây giờ chúng ta xuống xe!... Chúng ta đã về tới nhà…”. Gia đình phải nhắc nhở như thế và luôn thức tỉnh họ niệm Phật. Khi về đến nhà hoặc sắp xếp xong, có thể đắp mền và khai thị.

6. Con cháu muốn bày tỏ tấm lòng hiếu thảo, thương yêu của mình với người bệnh, chỉ  nên niệm Phật để bệnh nhân an lành ra đi trong tiếng hồng danh của Phật, về thế giới Tây phương Cực Lạc. Ngoài ra, gia đình con cháu thật sự muốn báo đáp ân nghĩa cho người thân,  thì nên ăn chay, kiêng cử sát sanh, uống rượu, tà dâm, phải tích cực phóng sanh làm phước cho người bệnh vào lúc này.

7. Khi người thân bạn bè tới thăm viếng, gia đình nên dặn họ trước rằng, khi vào gặp bệnh nhân, không nên ở lâu và nói những chuyện không đâu rồi khóc lóc, kể lể, khơi dậy niềm đau nỗi khổ cho họ. Ta đề nghị khách thăm chỉ nên khuyên bệnh nhân buông bỏ mọi việc, hướng tâm niệm Phật. Nếu khách thăm đồng ý như thế thì gia đình mới cho vào, đồng thời mời họ cùng tham gia niệm Phật.

8. Khi người bệnh hấp hối cho đến lúc tắt thở, gia đình con cháu phải bình tĩnh niệm Phật, giúp cho người thân mình thanh thản ra đi về cõi Phật. Được như vậy, thì bản thân gia đình, người thân cũng được phước báu vô biên. Nếu lúc ấy, quý vị kêu la, khóc lóc sẽ làm liên luỵ đến người thân của mình, vô tình mình đẩy họ vào cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, khiến họ chịu đau khổ muôn ngàn vạn kiếp.

9. Con cháu gia đình có thật sự thương yêu người thân của mình, nên thành tâm mời ban Trợ niệm đến niệm Phật trợ giúp cho người bệnh được vãng sanh về cõi Phật. Nhân đó, toàn bộ gia quyến phải cảm ơn và nghe theo sự hướng dẫn của ban trợ niệm, cùng cộng tác tham gia niệm Phật trợ niệm cho người thân của mình.

Nếu người thân ta đọa sanh vào địa ngục, họ phải ở trong cảnh tối tăm, một ngày một đêm nơi đó phải trải qua trăm vạn lần chết đi sống lại, đau khổ vô cùng. Nếu người thân ta đọa sanh vào loài ngạ quỷ, tối ngày phải chịu đói khát, bức bách, đâm chém ăn nuốt lẫn nhau. Sự đau khổ đó đến trăm ngàn vạn kiếp không ra khỏi được. Nếu người thân sanh vào loài súc sanh, họ phải chịu sự ngu si mê muội, bị mang lông đội sừng, bị đánh đập, phanh thây xẻ thịt.

Biết được như thế, gia đình càng nên cố gắng, quyết tâm giúp cho người thân của mình được sanh về cõi Phật, thì phước báo rất lớn. Ngược lại, nếu vô tình làm cho người thân bị đọa vào địa ngục, thì tội đó cũng không nhỏ. Xin quý vị thận trọng lưu ý!

 

IV. TỔ CHỨC VIỆC TRỢ NIỆM

IV. 1. Mục đích và ý nghĩa của việc trợ niệm

Người Phật tử nên biết, trợ niệm là công việc giúp người sắp lâm chung khơi dậy câu Phật hiệu, hướng tâm cầu sinh về cõi Phật, tức là giúp cho chúng sanh đó thành Phật. Ông bà chúng ta thường nói :

                    “Dù xây chín bậc phù đồ.

Không bằng làm phước cứu cho một người”

 Cho nên công việc trợ niệm vô cùng quan trọng. Đây là việc thay chư Phật, chư Tổ cứu độ chúng sanh. Vì thế việc này đòi hỏi người trợ niệm phải có tín tâm sâu sắc với Tam bảo, có lòng hy sinh để cứu giúp tất cả chúng sanh vãng sanh về cõi Phật, thoát khỏi biển khổ luân hồi sanh tử. Chúng ta nên biết, giúp một chúng sanh sanh về cõi Phật, tức là giúp chúng sanh đó thành một vị Phật tương lai. Công đức này thật vô lượng vô biên. Người Phật tử lúc bình thường tụng bao nhiêu kinh, niệm bao nhiêu câu chú, làm biết bao việc phước thiện, đến khi lâm chung chỉ cần chủng tử Phật trong họ hiện hành, thì không gì hơn câu A-DI-ĐÀ PHẬT. Chỉ có câu Phật hiệu A-DI-ĐÀ PHẬT mới cứu họ khỏi bị đọa lạc mà thôi.

IV. 2. Những yêu cầu đối với ban Trợ niệm

1. Người tham gia ban trợ niệm phải là người Phật tử thuần thành, có tâm hết mình vì đạo, tin sâu Phật pháp. Khi tham gia vào ban Trợ niệm, các thành viên phải bầu ra người trưởng ban. Tốt nhất là người xuất gia, nhưng phải là một vị Tăng đầy đủ đạo hạnh, tinh nghiêm giới luật. nếu không có thì cư sĩ Phật tử đứng ra đảm trách, mà phải là người có tâm chân thành, có năng khiếu khai thị, hiểu Phật pháp, có kinh nghiệm trợ niệm, rành tâm lý. Người này có trách nhiệm nắm danh sách, địa chỉ, số điện thoại của từng thành viên để khi hữu sự, dễ bề liên lạc, cùng nhau tham gia trợ niệm.

2. Các thành viên tham gia ban Trợ niệm, phải có tinh thần đoàn kết và nghe theo lời chỉ dẫn của trưởng ban, cùng nhau làm việc.

3. Các thành viên tham gia ban Trợ niệm phải nghiêm chỉnh tuân thủ thời gian, không được đi trễ.

4. Trước khi đi trợ niệm, ban Trợ niệm nên chuẩn bị những điều cần thiết: tượng Phật A-di-đà, máy niệm Phật, tờ thông báo của ban Trợ niệm (tờ lớn, chữ lớn), nước uống.

5.  Khi đến nhà gia chủ làm công việc trợ niệm, các thành viên làm thế nào tránh những việc gây phiền hà cho gia chủ, như ăn uống, quà cáp…, tuyệt đối không được nhận bất kỳ tiền bạc, lễ vật gì của gia chủ. Nếu người nào nhận tiền bạc quà cáp, hoặc đòi hỏi việc ăn uống của gia chủ, thì trợ niệm trở thành việc kinh doanh mua bán, tổn giảm công năng tác dụng của việc niệm Phật. Như thế công việc trợ niệm coi như mất hết ý nghĩa cao cả, các thành viên không được công đức về lâu về dài.

6. Người tham gia trợ niệm phải ăn chay, không được ăn thịt uống rượu các thứ ngũ tân, hành, hẹ, tỏi…vì người dùng những thứ này, các vị hộ pháp thiện thần sẽ tránh xa.

7. Việc khai thị cho người bệnh chỉ dành cho trưởng ban, các vị pháp sư, tổ trưởng, nhóm trưởng có kinh nghiệm. Các thành viên khác chưa được giao trách nhiệm này, thì không được khai thị cho bệnh nhân.

8. Khi khai thị cho bệnh nhân, phải nói rõ ràng, ngắn gọn, vui vẻ, khiến bệnh nhân tin tưởng, an tâm. Giúp bệnh nhân phát nguyện vãng sanh, lời lẽ phát nguyện nên ngắn gọn, không được dài dòng hoặc nghi thức quá.

IV.3. Những điều cần chú ý trước khi trợ niệm

  1. Khi đến nhà gia chủ, người trưởng ban phải gặp chủ nhà sinh hoạt trước, cho gia đình biết qui tắc trợ niệm. Ngoài ra, trưởng ban cũng tìm hiểu về tâm nguyện của gia đình, xem có khúc mắc gì không. Nếu trong gia đình có người đồng ý, có người không đồng ý, thì trưởng ban phải khéo léo dùng những lời khuyên giải cho họ hiểu, giải tỏa những nghi vấn trong gia đình, đặc biệt là tháo gỡ những vướng mắc bất hòa giữa anh em, cha mẹ, người thân, giúp cho mọi người trong gia đình cùng hoan hỷ, vui vẻ với nhau để hiệp tâm trợ niệm cho người bệnh ra đi một cách êm đẹp.

2. Khi đắp mền cho bệnh nhân, cần hai người cầm hai đầu mền nhẹ nhàng kéo lên khỏi ngực, chí thành niệm chú vãng sanh 3 lần, rồi nhất tâm niệm Phật.

  3. Người trưởng ban phải khéo léo tiếp xúc với bệnh nhân bằng những cử chỉ thân mật, chân thành, vui vẻ, tự tin, lạc quan; lắng nghe những khó khăn, những nghi ngờ của họ; khéo léo giải thích an ủi giúp cho họ phát sanh lòng tin; nói về cảnh khổ ở thế gian và cảnh vui cõi Phật; khuyên họ buông bỏ tất cả mọi thứ, chỉ nhất tâm niệm Phật. Trưởng ban có thể làm cho bệnh nhân vui vẻ, tự tin hơn bằng cách đem các việc lành và công phu tu tập của bệnh nhân ra tán thán khen ngợi, khiến cho bệnh nhân sanh tâm vui mừng, không còn nghi ngại; làm sao cho họ tin rằng khi lâm chung nhất định được về  cõi Phật.

4. Một điều không kém phần quan trọng là người trưởng ban khuyên bệnh nhân có việc gì cần giao lại cho con cháu, người thân, thì nên làm ngay; hoặc khuyên bệnh nhân nên bố thí những vật sở hữu của mình để tăng thêm phước lành, giúp thuận lợi hơn cho việc vãng sanh. Sau khi người bệnh bàn giao rồi, ta khuyên họ cần phải buông bỏ hết mọi thứ, chỉ giữ một ý niệm nhất tâm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

5. Ban Trợ niệm nên đặt tượng Phật A-di-đà trước giường bệnh nhân, sao cho bệnh nhân dễ nhìn thấy được. Nếu nhà chật hẹp, hoặc không sạch sẽ, không thể treo được, thì ta có thể thỉnh tượng Phật đến trước mặt bệnh nhân mỗi ngày hai đến ba lần để hình ảnh Phật đi vào tâm thức họ. Không cần treo hình cố định trên tường hay đặt trên bàn.

6. Không nên đốt nhang quá nhiều sẽ làm khói xông nồng, ảnh hưởng đến việc hô hấp của bệnh nhân.

7. Sau khi an trí tượng Phật xong, trưởng ban sắp xếp cho các thành viên ngồi hoặc đứng cho ổn định. Việc này giúp bệnh nhân an tâm, không bị ảnh hưởng bởi sự ồn ào, lộn xộn của ban Trợ niệm mà mất chánh niệm.

8. Kiểm tra xem tờ thông báo, tờ hồi hướng đã dán xong chưa, không khí trong phòng có thoáng mát không. Nếu trời nóng, có thể mở quạt máy, nhưng không được thổi thẳng vào người bệnh (hoặc người đã vãng sanh).

9. Khi đến trợ niệm, thấy bệnh nhân nguy cấp thì không cần thiết lập bàn thờ, phải lập tức đến trước bệnh nhân niệm câu Phật hiệu.

IV.4. Những yêu cầu đối với gia đình người bệnh

1. Con cháu người thân cần bàn thảo việc gì, thì nên đi tránh ra một nơi khác, không để người bệnh nghe thấy.

2. Gia đình phải quét dọn sạch sẽ, gọn gàng, thông thoáng phòng ngủ, giường nằm của bệnh nhân. Bốn chân giường phải kê bốn chén nước, hoặc rải bột tro dưới đất, tránh côn trùng giun, kiến.. bò lên làm bệnh nhân khó chịu, gây chướng ngại cho sự vãng sanh.

3. Nếu trong nhà có nuôi súc vật như chó, mèo v.v… thì nên nhốt chúng lại, hoặc canh chừng cẩn thận, không để chúng đến gần người bệnh.

4. Khi vào phòng, mọi người nên tránh đụng chạm, gây ra tiếng động ồn ào, ảnh hưởng đến bệnh nhân.

5. Mọi người cố gắng tránh mọi sự bất tiện cho người hộ niệm, hạn chế đi ra đi vào gây những tiếng động không cần thiết.

6. Trong lúc niệm Phật, yêu cầu mọi người giữ gìn yên lặng; tuyệt đối không cho người nhà bệnh nhân tỏ ra buồn thảm hoặc hỏi han quyến luyến. Ta yêu cầu họ nên chắp tay cùng nhau niệm Phật. Nếu kém hiểu biết, theo tình cảm của người thế tục, ta sẽ vô tình xô bệnh nhân xuống hố sâu vực thẳm, sự tai hại sẽ thật đáng tiếc.

7. Trong khi niệm Phật, gia đình không được đốt giấy tiền vàng bạc, tránh sự ô nhiễm và ảnh hưởng đến việc niệm Phật.

8. Gia đình đã mời ban Trợ niệm thì không được mời các thầy bùa, phù thủy ngoại đạo khác để tránh gây tạp loạn, ảnh hưởng đến chánh niệm của người hấp hối và làm mất sự tập trung của ban Trợ niệm.

9. Gia đình không được đụng chạm vào thân thể người bệnh vì dễ làm họ bị mất chánh niệm.

10. Thân nhân tuyệt đối không được khóc lóc kể lể, la hét trong thời gian trợ niệm. Nếu cầm lòng không được thì đi tránh nơi khác.

11. Người thân cũng không nên hỏi thăm bệnh nhân bị nóng hay lạnh và những chuyện linh tinh khác, vì như vậy sẽ làm trở ngại đến việc niệm Phật của bệnh nhân.

12. Trong khi mọi người đang trợ niệm, gia đình cố gắng không gây ra các tạp âm, hoặc các tiếng động lớn (ho, hắt hơi…) làm bệnh nhân giật mình, thì khó thành tựu được.

13. Nếu có điều trở ngại trong lúc trợ niệm, gia đình nên trực tiếp gặp trưởng ban Trợ niệm để bàn bạc.

          IV.5. Cách thức trợ niệm

1. Khi bước vào trợ niệm, các thành viên nên xem người bệnh mình đang trợ niệm đó là người thân thuộc của mình. Có thể đời này hoặc nhiều đời khác, ta và họ là thân quyến của nhau. Nghĩ được như thế, ta sẽ thực hành niệm Phật tha thiết hơn, chân thành hơn giống như chính mình muốn được vãng sanh để làm lợi ích cho bệnh nhân.

2. Khi trợ niệm không nhất thiết phải mặc áo lễ, nếu mặc được thì tốt, còn không thì cũng không sao. Khi niệm, không phan duyên.

3. Mọi người phải ngồi cách xa người bệnh khoảng 2 thước, chú tâm niệm Phật; không được đi kinh hành.

4.Khi ở trước bệnh nhân, ta không hỏi, không nói những chuyện linh tinh, chỉ nên có câu niệm Phật mà thôi.

5. Khi đang trợ niệm, muốn uống nước, xin hãy ra ngoài để không làm phân tâm người khác và cũng là thái độ cung kính người vãng sanh.

6. Khi người bệnh muốn thay đồ tắm rửa hay đổi thế nằm, ta có thể thuận theo, nhưng phải nhẹ nhàng cẩn thận. Nếu họ không chịu hoặc bị á khẩu không nói được, thì ta không nên tự ý làm, vì người sắp chết thân thể đau nhức, nếu ép họ di chuyển, đổi chỗ nằm hoặc tắm rửa, thay quần áo, thì vô tình ta làm cho họ càng thêm đau đớn. Có nhiều người cả đời tu hành ăn chay niệm Phật, phát nguyện vãng sanh, nhưng khi lâm chung bị người thân làm những việc nhiễu loạn như trên, phá hoại chánh niệm, khiến họ không được vãng sanh. Việc này rất thường xảy ra. Lẽ ra người đó được vãng sanh về cõi lành, nhưng do gia đình người thân không biết, xúc chạm thân thể, dời đổi, di chuyển, tắm rửa, làm cho họ đau đớn, sanh lòng giận tức. Vừa khi sanh lòng sân hận, lập tức họ bị đọa vào đường ác. Vì thế, khi đang trợ niệm, mọi việc tắm rửa di chuyển người bệnh coi như bị ngăn cấm.

7. Người trợ niệm chỉ niệm câu NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT hoặc A-DI-ĐÀ PHẬT, không tụng bất cứ loại kinh điển nào khác. Trưởng ban nên hỏi qua ý bệnh nhân xem thích niệm sáu chữ hay bốn chữ, mà tùy thuận niệm theo.

8. Khi niệm, ta có thể dùng khánh hoặc mõ nhỏ để hỗ trợ thêm. Khi đánh mõ hoặc khánh, phải đánh nhẹ nhàng, thanh thoát. Không được đánh quá lớn, át tiếng niệm Phật, cũng không được đánh quá nhanh. Nếu người bệnh thần kinh yếu thì ta không được dùng khánh, chỉ dùng mõ nhỏ đánh mà thôi. Tuy nhiên, cũng tùy trường hợp, nếu bệnh nhân không ưa tiếng mõ, tiếng khánh, thì ban Trợ niệm không cần pháp khí.

9. Khi bệnh nhân sắp tắt hơi, ban Trợ niệm chỉ nhất mực phát tâm niệm Phật, cho dù có mùi hôi thối. Người Phật tử nên biết, trợ niệm là đảm nhiệm công việc cao cả của Như Lai để cứu độ chúng sanh thoát khỏi sanh tử. Chẳng lẽ, chỉ vì mùi hôi thối mà bỏ đi trách nhiệm quan trọng này sao? Lúc con người chưa bệnh, đã bệnh cho đến khi lâm chung, xác thân nào cũng không tránh khỏi ô uế. Hơn nữa, không thay rửa đồ ô uế của bệnh nhân là việc bất đắc dĩ, không có tội lỗi gì cả. Hiểu được như thế, thì tâm chúng ta không còn nghĩ đến mùi hôi thối nữa, chỉ một lòng giúp cho bệnh nhân giữ chánh niệm khi sắp tắt hơi mà thôi. Mọi người cố gắng sao không vì những việc nhỏ mà làm hỏng đại sự vãng sanh. Giúp cho một chúng sanh về cõi Phật thì công đức vô lượng vô biên. Còn vô tâm làm cho người bệnh mất chánh niệm, phải đoạ vào địa ngục, thì tội đó chẳng phải nhỏ. Vì thế, mọi người trong gia đình và ban Trợ niệm phải nỗ lực hết mình. Để giảm bớt mùi hôi, ta có thể đốt nhang trầm hoặc để nước đá lạnh. Tuy nhiên, đừng để nước đá quá gần thân xác người vãng sanh.

10. Nên tùy theo sức của bệnh nhân mà người trợ niệm có thể niệm giọng cao thấp, nhanh chậm. Nếu niệm lớn quá sẽ tổn khí, người trợ niệm khó có thể trì niệm được lâu. Nếu niệm giọng thấp quá thì bệnh nhân không thể nghe được. Người bệnh lúc lâm chung, không còn khí lực, hơi thở yếu, không thể niệm to, khỏe như lúc bình thường đuợc. Vì thế, người trợ niệm phải theo sức của bệnh nhân. Quan trọng là khi niệm, mỗi câu mỗi chữ phải rõ ràng phân minh, khiến cho câu Phật hiệu đi vào tai, thấm vào tâm thức người bệnh. Được vậy, họ mới có sự lợi ích.

11. Khi niệm, ban Trợ niệm nên chia thành nhóm, mỗi nhóm từ 5-10 người. Mỗi nhóm thay nhau niệm từ 1-2 tiếng đồng hồ. Nếu không chia nhóm, người trợ niệm khi niệm lâu, không đủ sức, niệm yếu dần, không toàn tâm toàn lực được. Đến khi ăn uống, các thành viên cũng nên chia nhau thay phiên, không được để ngưng tiếng niệm Phật.

12. Nếu số người trợ niệm ít, thì bất đắc dĩ chúng ta có thể dùng máy niệm Phật hỗ trợ thêm cho bệnh nhân đề khởi chánh niệm. Tuy nhiên, không được dùng máy thay cho việc trợ niệm. Tốt nhất là được đại chúng niệm Phật trợ giúp, vì người niệm Phật có sự cảm ứng thì người hấp hối được lợi ích, khuôn mặt sẽ rất hiền hòa, an nhiên.

13. Phải tùy thuận theo người bệnh lúc lâm chung, thân thể họ có thể ngồi, nằm, nằm nghiêng, nằm thẳng, ta không được cưỡng ép.

IV.6. Những việc có thể xảy ra khi trợ niệm

Bệnh nhân khi hấp hối, mỗi người mỗi nghiệp khác nhau. Người trợ niệm phải hiểu rõ đạo lý và phương pháp trợ niệm thì người bệnh mới được lợi lạc. Lưu ý, khi trợ niệm sẽ xảy ra một số trường hợp như sau:

1. Nếu thần thức bệnh nhân còn tỉnh táo, người trưởng ban trợ niệm khuyên họ nên buông bỏ vạn duyên để niệm theo tiếng Phật hiệu, có thể niệm trong tâm hoặc lắng tai nghe.

2. Nếu người bệnh có điều gì lưu luyến, người phụ trách nên giảng giải cho họ hiểu như sau: “Chúng tôi đến hướng dẫn ông/bà niệm Phật. Nếu thọ mạng chưa dứt, thì nhờ niệm Phật mà được hết bệnh. Nếu thọ mạng hết, thì ông/bà có thể thong dong đi về cõi Phật”. Ta giải thích vắn tắt như vậy để họ giữ chánh niệm.

3. Có bệnh nhân do nghiệp chướng nặng nề, khi nghe tiếng niệm Phật thì tâm lại khó chịu không muốn nghe. Có người thấy người thân của mình như cha mẹ, ông bà, anh em... trong dòng họ đã chết, giờ hiện đến rủ đi; hoặc thấy oan hồn, quỷ sứ đến đòi mạng… Hoặc bệnh nhân khi còn sống không tin vào Phật Pháp Tăng, khi lâm chung la hét lo sợ vì thấy các hiện tượng kinh hoàng hiện đến. Đây là những oan gia trái chủ của bệnh nhân xuất hiện, làm trở ngại sự vãng sanh. Lúc này vị trưởng ban nghi lễ phải khẩn thiết đối trước hình Phật, khai thị cho oan gia trái chủ của người bệnh.

4. Khi thấy những tình trạng như vậy xảy ra, ngay lập tức gia đình phải đến bàn thờ Phật quỳ lạy sám hối cho người bệnh, giúp cho họ nghiệp chướng được tiêu trừ vãng sanh về cõi Phật. Gia đình có thể phát nguyện trì tụng kinh Địa tạng vào lúc này là tốt nhất.                                                                                                                

5. Khi trợ niệm, thấy bệnh nhân dần dần đi vào hôn trầm, giống như đang ngủ, người trợ niệm có thể dùng khánh để kế bên tai của bệnh nhân gõ lên một tiếng hoặc nhiều tiếng, nhắc bệnh nhân tỉnh giác niệm Phật. Người trưởng ban có thể nói như sau: “Ông/bà hãy mau niện Phật. Khi Phật A-di-đà đến, mau mau theo Ngài mà đi!”, rồi cất tiếng niệm Phật cao hơn khiến tâm của bệnh nhân không còn hôn mê. Ngoài ra người thân quyến liên tục sám hối, lạy Phật, quán tưởng Phật A-di-đà đến phóng quang tiếp độ cho người thân mình vãng sanh về cõi Phật.

6. Đang khi trợ niệm, bệnh nhân xuất mồ hôi, hoặc tỏ vẻ lo lắng, đầu tay chân cử động không yên. Đây là hiện tượng của bệnh khổ, sức tập trung của bệnh nhân rất yếu, không tự chủ được nữa. Lúc này người hộ niệm nên đến gần bệnh nhân, lớn tiếng nhắc nhở rằng: “Ông/bà.. Tây phương thế giới đang ở phía trước mặt ông/bà đó. Hãy cố gắng tập trung vào câu phật hiệu A-di-đà Phật, thì nhất định sẽ được về cõi Phật!”. Người hộ niệm nói ba lần như vậy, sau đó tiếp tục niệm Phật.

7. Có khi đang trợ niệm, bệnh nhân trở nên tỉnh táo hơn trước, có thể nói chuyện, hoặc than thở hoặc cử động thân thể. Trước tình huống như thế, người trợ niệm nên biết  không phải hiện tượng lành bệnh, mà khoảng 2 tiếng đồng hồ sau bệnh nhân sẽ tắt thở, giống như ngọn đèn dầu loé lên một tia sáng rồi vụt tắt.

8. Thời gian bệnh nhân sắp tắt thở là giai đoạn tối quan trọng và khẩn cấp nhất. Lúc này tuyệt đối người nhà không nên tập trung trước mặt bênh nhân, la lên “ba, ơi, má ơi” làm hỏng hết mọi việc, toàn bộ gia đình chỉ nên nhất tâm niệm Phật cùng với ban Trợ niệm.

9. Có người lúc sinh tiền không tin Phật pháp, lại còn chê bai hủy báng, làm chướng ngại người khác tu hành, khi họ lâm chung, xuất hiện tướng rất xấu. Vị trưởng ban phải biết và ngay lúc này khai thị cho họ hướng tâm quy y Tam bảo.

10. Có những người lúc khỏe mạnh, có đi chùa, niệm Phật tụng kinh, nhưng cốt yếu là cầu cho mình có sức khoẻ, gia đình được giàu sang, nên khi bệnh, họ rất sợ chết. Khi ấy, họ niệm Phật mục đích là cầu cho hết bệnh chứ không phải là cầu vãng sanh, nên đây cũng là chướng ngại. Vì vậy, người phụ trách trợ niệm phải biết mà khai thị cho họ.

11. Sau khi người bệnh tắt thở, trong vòng 8 tiếng đồng hồ, ban Trợ niệm không được ngưng tiếng niệm Phật, vì khi ấy, linh hồn (còn gọi là thần thức) người chết vẫn chưa đi, vì nghiệp lực khiến họ vẫn còn ở trong thân xác, chưa ra khỏi được, chỉ trừ những người công phu tu tập tốt, hoặc người nghiệp lực nặng thì đi ngay. Đối với người không công phu tu tập, thì tâm thức ra khỏi thân xác không nổi, phải chịu nhiều khó khăn và đau đớn giống như rùa sống bị lột mai. Do đó, ta cần phải niệm Phật 24 giờ không gián đoạn mới tránh sự nguy hiểm phải đọa lạc cho người chết.

Người trưởng ban dặn người nhà của bệnh nhân trong vòng 12 tiếng đồng hồ phải luân phiên niệm Phật; không được động chạm đến thân xác, không được thay quần áo, hoặc rờ vào người chết và canh giữ xác cho kỹ, kẻo loài mèo chó hoặc những kẻ không am hiểu đổ xô vào xúc chạm, kêu réo, khiến người chết đau đớn, sanh tâm sân hận, vì thời gian này, người chết vẫn còn cảm giác.

12. Người nhà phải chờ sau thời gian hộ niệm (8 tiếng hoặc 12 tiếng) mới có thể đụng vào thân xác người chết. Nếu xác bị cứng thì ta có thể dùng nước nóng đắp lên là được.

Công việc trợ niệm đến đây là xong, ban Trợ niệm tụng bài hồi hướng, đảnh lễ lui ra.

 

V. CÁC HIỆN TƯỢNG NGƯỜI CHẾT KHÔNG SIÊU THOÁT, PHẢI SANH VÀO CÁC ÁC ĐẠO

V.1. Thân trung ấm

Sau khi tắt thở, thần thức (còn gọi là linh hồn) người chết, nếu chưa được giải thoát, phần nhiều trải qua giai đoạn tối tắm mờ mịt, đến ba ngày sau sau mới biết mình đã chết. Khi đó, người chết bắt đầu đi vào thân trung ấm, thấy được những kẻ thân thuộc của mình, nên đắn đo tự hỏi không biết ta đã chết chưa. Vì thế, hơn lúc nào hết, con cháu người thân nên luân phiên niệm Phật, để nhờ oai lực Phật dắt dìu người thân đã chết về cõi Tịnh độ.

Khi con người bỏ thân xác này, chuyển qua một thế giới mới, chính họ đang ngơ ngác không biết đi đường nào cho phải, thế nên phải nhờ vào phương pháp niệm Phật để cứu độ cho họ. Việc gia đình mời được những bậc thiện tri thức khai thị cho họ biết đường vãng sanh về cõi Phật là điều vô cùng trọng yếu. Lúc này người vừa chết chưa được giải thoát, nên quanh quẩn trong gia đình và người thân. Họ cũng kể lể khóc than, nhưng những người thân trong gia đình hoàn toàn không hiểu được. Rồi người chết buồn rầu giận dữ, khóc lóc, thấy người thân con cháu gọi đến tên mình rồi than khóc, thấy hình ảnh mình cùng các phẩm vật bày trên bàn thờ, họ tự nhủ “Ta đã chết rồi sao?”. Lúc ấy họ hết sức đau khổ, muốn đến nói với gia đình rằng “Tôi còn sống đây!”, nhưng không ai thấy nghe cả. Việc này khiến người chết giận dữ, bỏ đi, không nghĩ đến cảnh giới lành dữ thế nào. Đây là tình trạng những hương linh đang sống trong cảnh khổ bơ vơ không nơi nương tựa, sắp đi vào các đường ác. Lúc này thân trung ấm, hay linh hồn có yêu mến người thân gia đình bao nhiêu đi nữa, nhưng vì âm dương cách trở cũng không thể đến với nhau được. Vì thế, để tránh đi vào đường ác, thân trung ấm nên yên lòng niệm Phật A-di-đà hay bồ tát Quan Thế Âm, cầu xin các Ngài cứu độ. Đây cũng là lúc gia đình phải hết lòng niệm Phật để cứu độ người thân đang ở thân trung ấm bơ vơ.

Lúc đó có trận cuồng phong dữ dội thổi đến, nào đá lỡ sấm dậy, có những hạng người mặt mày hung dữ làm cho thân trung ấm khiếp sợ, thân này bèn chạy khắp nơi tìm nơi ẩn nấp như cầu cống, miếu, các lăng tháp… Khi đó thân trung ấm cực kỳ buồn khổ, sợ hãi, không có nơi nương tựa, rất muốn làm lại thân người nhưng không được, vì thi thể của mình trước kia bị gia đình người thân bỏ vào hòm, hay chôn xuống đất, hoặc đã hỏa táng rồi, không có thân xác nào nhập vào được. Đang lúc khiếp sợ đó, thân trung ấm thấy có những luồng ánh sáng yếu ớt của lục phàm hiện ra: ánh sáng cõi Người, Trời, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Các luồng ánh sáng đó chiếu đến, người chết cảm với luồng ánh sáng nào thì luồng ánh sáng đó sẽ sáng lên. Ánh sáng cõi Trời màu hơi trắng. Ánh sáng cõi Người màu hơi vàng. Ánh sáng cõi A tu la màu hơi lục. Ánh sáng địa ngục màu khói đen. Ánh sáng ngạ quỷ màu đỏ. Ánh sáng súc sanh màu hơi xanh. Ánh sáng hào quang của các cõi Phật thì sáng rực rỡ. Nhưng vì nghiệp lực nặng nề, người chết khi thấy các hào quang sáng chói của cõi Phật thì sợ hãi, chỉ ưa thích các ánh sáng yếu ớt dễ chịu trong lục đạo là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Trời, Người, A-tu-la chiếu đến, nên tham đắm liền đầu thai vào lục đạo chịu khổ mãi trong vòng luân hồi. Vì thế, nếu đã biết được, ta cần phải tránh xa lục đạo ra. Khi thấy hào quang sáng chói mãnh liệt thì biết đó là hào quang của chư Phật, không nên sợ hãi, không khiếp nhược, lập tức niệm Phật A-di-đà, bồ tát Quán Thế Âm, đem toàn thân nương vào đó, tức khắc sẽ được sanh về cõi Phật an vui, xa lìa khổ não trong sáu đường khổ.

Có khi người chết vì nghiệp duyên quá nặng nên lang thang trong cõi âm, thấy nhiều cảnh tượng rất ghê sợ như: tối tăm, bão táp, sấm sét, sương mù v.v… thì khiếp sợ quá đỗi, phải tìm phương trốn tránh, bỏ cả thân mạng mà tuôn chạy. Khi ấy họ lại thấy ở trước mắt có núi đèo, hang hố, cây cối, bụi rừng. Vì muốn vội vàng tránh thoát, nên họ không kịp lựa chọn phải vào chỗ nào, chỉ cần biết phải nấp vào một nơi nào đó. Khi có chỗ nấp thì không muốn ra khỏi nữa, sợ rằng nếu ra khỏi sẽ bị khổ sở. Rốt cuộc họ không ngờ mình đã trở lại thọ thân hèn hạ và chịu thêm nhiều đau khổ!

Nay xin lược thuật nghiệp thức của kẻ chết, nếu sắp sanh vào đường A-tu-la, sẽ có các hiện tượng như sau: thấy những vườn cây khả ái và những vầng lửa lẫn lộn chuyển xoay. Nếu người chết thấy những cảnh tượng ấy mà sanh lòng vui vẻ đi đến đó, tức là đầu thai vào đạo A-tu-la.

Nếu nghiệp cảm của kẻ chết sắp sanh vào đường súc sinh, thì họ tự cảm thấy có núi non, hang hố, vực sâu hiện ra trước mắt, nếu muốn vào trong đó tức là đầu thai vào đường súc sinh.

Nghiệp cảm của kẻ chết nếu sắp sanh vào đường ngạ quỷ thì họ sẽ tự thấy có một bãi sa mạc không cây cối, hoặc có những hang hố, cỏ cây khô héo… Đó là cảnh tượng của ngạ quỷ, nếu sanh vào trong đó thì luôn luôn chịu đói khát và hết sức khổ sở.

Nếu nghiệp cảm của người chết sắp sanh vào địa ngục, thì họ cảm thấy trong thân mình như bị gió lạnh áp bức. Rồi họ lại tự thấy những ngọn lửa của địa ngục bốc lên, vì ưa sự ấm áp, nên vội đi vào trong đó. Nếu kẻ chết sanh vào địa ngục Đại hàn, thì trước hết cảm thấy trong thân mình như bị chạm phải luồng gió nóng, hay bị lửa đỏ nung đốt, cho nên khi hơi mát trong địa ngục đại hàn bốc lên, họ cảm thấy sảng khoái dễ chịu. Vì ưa mát mẻ nên vội vàng đi vào trong cảnh ấy, lập tức họ sẽ bị bó buộc không thể nào tránh thoát được nữa.

Hơn nữa, nếu lúc còn sống, trong khi gây nghiệp, thường có bạn bè hùa nhau giúp đỡ, thì khi lâm chung người chết sẽ thấy bạn bè đồng nghiệp với mình ngày trước hiện ra trước mắt. Khi đó vì xúc động, nhớ đến tình cảm ngày xưa, người chết vội vàng chạy đến với bạn. Nhưng khi đã đến rồi, thì cảnh ấy hoàn toàn thay đổi, người chết phải chịu mọi điều khổ sở.

Nếu biết được thế, khi thấy những cảnh tượng trên, ta phải giữ vững tâm chí, chớ nên vội vàng đi đến, cần phải nên chăm lòng cung kính niệm danh hiệu Phật A-di-đà, để cầu Ngài đến cứu độ cho mình là tốt nhất.

V.2. Chuyển sanh vào loài bàng sanh

Theo nghiệp cảm, người chết nếu sanh vào bàng sanh thì có thể thành một trong bốn loài: Thai, noãn, thấp, hóa.

V.2.1. Đọa vào loài  thai sinh và noãn sinh

Nếu người nào lòng xan tham tật đố nặng nề, thì sẽ đầu thai làm các loài như: chó, mèo... (thai sinh). Còn ai lòng sân hận quá nặng, thì đọa làm loài rắn rết, bò cạp... (noãn sinh). Còn người nào lòng dâm dục nặng nề, thì đọa làm loài uyên ương, chim tước, chim cáp v.v... (vì những loài này dục tình lắm nặng nề). Người nào ưa chơi bời trụy lạc, thì đọa làm loài vượn, khỉ v.v... (thai sinh).

Tóm lại, cội gốc của tội lỗi là do ở ngu si mà ra.

Có khi người chết bỗng thấy những loài hữu tình đồng loại vừa ý, nên vội vàng chạy đến. Tuy các loài này cũng nương theo nhân duyên hòa hợp của cha mẹ mà đầu thai, nhưng những điều kiện trói buộc của thế giới này đơn giản hơn so với đường vào cõi Người, cho nên rất dễ bị đọa vào.

V.2.2. Đọa vào loài thấp sinh

Loài thấp sinh là loài nương vào chỗ ẩm thấp mà sinh sống. Người chết có khi vì ngửi được mùi vị của chỗ mình sắp đến thọ sanh, sanh lòng ưa đắm, liền đến đó nương vào. Chỗ thấp sinh là những nơi ẩm thấp, bùn lầy nhơ nhớp, người chết lấy đó làm tự thể, chứ nơi đó không có tinh huyết của cha mẹ hòa hợp. Khi đi đến nương vào chỗ ẩm thấp để thác sanh, người chết bạ vào vật gì mục nát, hoặc là phân bón v.v... tùy theo nghiệp lực của mình mà đến gần gũi ưa đắm thác sanh.

          V.2.3. Đọa vào loài hóa sinh

Hóa sinh là những loài rồng, loài chim kim sí. Cũng là gốc ở trong bốn loài: thai, noãn, thấp, hóa mà ra, nhưng nó là loài hóa sinh đặc biệt, được hưởng thọ sự sung sướng như các cõi Trời. Tuy nhiên, những loài này thuộc về súc sanh, một trong ba ác đạo, chúng vẫn không thoát khỏi sanh tử luân hồi và phải chịu nhiều khổ não khác.

VI. NHỮNG VIỆC GIA ĐÌNH CẦN LÀM ĐỂ NGƯỜI MẤT ĐƯỢC LỢI ÍCH

VI.1. Thực hành theo Phật pháp

- Điều căn bản và quan trọng nhất là gia đình nên y theo Phật pháp để giúp cho vong linh được siêu thoát.

- Trong đám tang người quá cố, khi nhập liệm, gia đình nên mang những đồ quý báu của người mất bố thí cho người nghèo rồi hồi hướng công đức ấy cho người chết.

- Nên làm lễ tang đơn giản, vì càng rườm rà càng hao tốn tiền của, sức lực một cách vô ích, người chết không những không được lợi ích gì, có khi còn phải gánh chịu thêm nghiệp quả xấu do thân nhân gia đình không biết tạo thêm nghiệp tội. Gia đình phải biết tiết kiệm phước, không được có bất cứ hành vi phung phí gạo, rau… Phải vì người chết mà tích phước, làm việc công đức như: cúng dường Tam bảo, phóng sanh, in kinh, cứu giúp người nghèo khổ… Đem những công đước này hồi hướng cho người vãng sanh, họ sẽ được lợi ích thù thắng, không gì sánh bằng.

- Từ lúc người chết ra đi cho đến 49 ngày, gia đình thân quyến chớ có sát sanh đãi đằng cúng tế, vì làm vậy người mất sẽ bị oan đối không được siêu thoát. Cả nhà ai nấy đều phải nhất luật giữ gìn trai giới, dù có khách khứa cũng không được thiết đãi rượu thịt, tránh làm các thứ ô uế khác như phải cữ việc vợ chồng, giữ ngũ giới thập thiện, tuyệt đối không được sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu.

- Gia đình tiếp tục luân phiên niệm Phật và khai thị nhắc nhở hương linh, thì nhất định sẽ giúp người thân mình được giải thoát.

- Đối với Pháp sư, gia đình nên chọn mời những bậc đạo hạnh chân chính. Còn những hạng phóng đãng phá giới và chỉ biết nhìn đến tài lợi, thì ta không nên cầu thỉnh. Nếu gia đình không biết đó là hạng pháp sư vi phạm giới luật, tịnh hạnh không nghiêm, không đúng đắn, ngông cuồng... thì người chết lúc này là thân trung ấm nên có sự cảm nhận rất bén nhạy, nếu biết kẻ ấy lừa gạt. Người chết sẽ thất vọng, sanh ra hối hận, tức giận, phải đọa vào khổ thú. Cho nên, gia đình phải cẩn trọng việc này.

- Trường hợp này, các thiện tri thức phải dùng những lời như sau đây mà khai thị cho hương linh: "Phật biết rằng thân của bậc tăng-già tên... tức là thân của Phật. Ngươi phải khởi ý tưởng rằng chỉ nương theo pháp, chứ không nương theo người. Mặc dù người tác pháp đó có lầm lỗi thế nào đi nữa, đều là do cái lỗi của ý thức chưa được trong sạch đó thôi. Tỷ như người soi gương, vì mặt mình không sạch, nên cái bóng trong gương cũng nhơ bẩn. Vậy thì biết chắc rằng sở dĩ kẻ tác pháp có sai lầm, đều do tâm niệm của ngươi chưa trong sạch vậy. Ngươi nên khởi tưởng như thế và phải hết lòng cung kính ái mộ, thì việc làm gì cũng đều biến thành Phật sự thanh tịnh và mình vẫn không mất lợi lạc”.

- Gia quyến trước khi rước Pháp sư làm Phật sự, cũng nên đối trước bàn hương linh mà khai thị bảy phen như thế, thì dù trong khi làm Phật sự có đôi chút sai lầm, cũng vẫn được.

VI.2. Cách làm việc phước thiện

Điểm trọng yếu của việc phước thiện là phải lấy hạnh bố thí làm gốc. Để hương linh được lợi ích, gia đình đem di sản của người chết đi bố thí là tốt hơn hết. Nếu không, thì bố thí của cải của gia đình người thân hoặc của bà con, bạn bè mà giúp vào cũng được, người chết chắc chắn được lợi ích. Kinh Vô thường đã nói: "Sau khi người thân mất, gia đình nên lấy y phục mới mẻ của người chết, hoặc lấy những vật thọ dụng của kẻ còn sống: chia làm 3 phần, vì người chết đó mà cúng dường Phật-đà, Đạt-ma và Tăng-già (Tam bảo). Nhờ đó mà người chết dù nghiệp nặng cũng trở thành nhẹ và được công đức phước lợi thù thắng. Không nên đem những y phục tốt đẹp mặc cho người chết để đem đi tống táng. Vì sao? Vì không có lợi gì. Chỉ nhờ những công đức làm việc phước báu nói trên, người chết dù đọa vào Ngạ quỉ, cũng được hưởng rất nhiều lợi ích”. Trong kinh Ưu-bà-tắc cũng có nói: "Nếu người cha chết rồi bị đọa vào trong Ngạ quỉ, mà người con vì cha làm những việc phước đức, nên biết, người cha liền được hưởng thọ. Nếu được sanh lên Trời thì người chết không còn nghĩ đến vật dụng trong cõi Người nữa. Vì sao? Vì ở cõi Trời, người ta đã được đầy đủ bảo vật thù thắng rồi. Nếu phải đọa vào địa ngục, thì thân họ phải chịu bao nhiêu khổ não, không được thảnh thơi để nhớ nghĩ luyến tiếc mọi vật, vậy nên không được hưởng thọ. Kẻ đọa vào súc sanh, nên biết cũng như thế. Nếu hỏi tại sao ở trong ngạ quỉ người chết có thể liền được hưởng thọ lợi ích, thì biết vì người ấy sẵn có lòng tham lam bỏn xẻn, cho nên phải đọa vào ngạ quỉ. Khi đã làm ngạ quỉ, họ thường hay hối hận tội lỗi ngày trước, suy nghĩ muốn được lợi ích, bởi thế họ được hưởng lợi ích".

Đấy là nói rõ chỗ lợi của quỉ thú, còn đối với công phu làm việc phước thiện, thật không luống uổng, vì không những kẻ chết, mà người sống hiện tại cũng chung phần được hưởng. Như trong kinh nói: "Nếu như kẻ chết đã thác sinh vào ác đạo khác, nhưng còn bao nhiêu bà con còn đọa trong ngạ quỉ, nếu người sống có làm việc phước đức, tức thì họ cũng đều được lợi ích. Vì thế, người có trí, nên vì ngạ quỉ mà siêng năng làm việc công đức".

Lưu ý rằng khi lấy di sản của kẻ chết làm việc phước đức, trước hết phải xét rõ người ấy lúc còn sống, tính tình có bỏn sẻn không. Điều này rất quan trọng, vì khi thấy gia đình người thân đem di sản của mình ra làm Phật sự hay bố thí, thấy vật dụng đó bây giờ thành sở hữu của kẻ khác, người chết liền sanh lòng giận hờn, tiếc nuối, rồi khởi lên tà niệm, liền bị nghiệp lực dắt vào ác đạo. Cho nên thiện tri thức hoặc người thân gia đình phải khai thị cho người chết những lời như sau đây "Ông/bà tên... Nay ta vì ông/bà mà đem di sản của ông/bà làm Phật sự hay bố thí. Làm như thế, tức là lấy của cải hữu lậu làm việc vô lậu, nhờ ở công đức này, ông/bà sẽ được siêu sanh Tịnh độ, thoát khỏi cảnh sanh tử luân hồi. Ông/bà phải chăm lòng thành kính niệm Phật A-di-đà, cầu Ngài đến cứu độ cho. Đối với di sản, ông/bà cần phải rời bỏ, chớ nên bận lòng, phải hoàn toàn không mến tiếc tham đắm mới được. Vì những thế tài (tài sản thế gian) dù có hoàn toàn để lại, ông/bà cũng không thể thọ dụng được nữa. Như thế, đối với ông/bà, chúng đã thành vô dụng, còn luyến tiếc làm gì?”.

VI.3. Cách sắp đặt cúng tế

Về cách sắp đặt cúng tế, thì rất kỵ việc sát sanh, vì việc sát sanh càng làm liên lụy khổ quả cho người chết. Thân trung ấm nếu một phen thấy được việc ấy lập tức bảo thôi; nhưng ngặt nỗi âm, dương cách trở, người thân gia đình không thể nào nghe được, vẫn trở lại sát sanh như thường. Kẻ chết không thể ngăn nổi sân niệm khởi lên, liền phải đọa vào địa ngục. Cho nên người sắp đặt cúng tế cần phải cẩn thận chú ý.

Nếu muốn cúng tế, thì nên dùng đồ chay, hương, hoa, sữa, bánh và trái cây, chớ dùng những đồ uế tạp và sát hại sanh vật. Kinh Địa Tạng đã nói: "Làm những việc sát hại, cho đến bái tế quỉ thần đã không có một mảy may phước đức, không có lợi gì mà còn kết thêm tội lỗi sâu nặng cho người chết. Dù cho người chết, đời sau hoặc đời này có thể chứng được Thánh quả, hoặc sanh lên Trời, nhưng khi lâm chung bị gia đình làm những ác nhân ấy (tức là nhân sát hại) làm cho họ phải liên lụy nhiều bề, chậm sanh về chỗ lành. Huống chi kẻ chết đó khi sống còn chưa từng làm một chút việc lành, chỉ một bề nương theo gốc nghiệp mà tạo tác, theo lý phải chịu vào ác thú. Nỡ nào gia đình người thân lại gây thêm nghiệp cho họ?”. Gia đình nên lưu tâm đến điều này.

 

VII. PHẦN THAM KHẢO THÊM

  VII.1. Khai thị cho người bệnh

Bất luận người bệnh đã tắt thở hay chưa, đều phải khai thị. Xin gợi ý các lời khai thị như sau:

1. Bài thứ nhất

“Kính thưa cư sĩ… A-di-đà Phật! Ông/bà nên buông xả vạn duyên, nhất tâm cầu sanh Tịnh độ nơi Tây phương Cực Lạc. Con cháu tự có phước phần riêng của họ. Thế gian này rất khổ, không nên lưu luyến. Thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà có bảy hàng cây báu, tám loại nước công đức, đất trải bằng vàng, vô cùng trang nghiêm đẹp đẽ không thể diễn tả hết được. Ông/bà nên lập tức phát nguyện đến thế giới Cực Lạc, một lòng cầu Phật từ bi đến tiếp dẫn ông/bà vãng sanh Tây phương. Chỉ khi gặp Phật A-di-đà hoặc thấy ánh hào quang màu vàng (kim sắc) ôn hòa của Tây phương Tam Thánh, ông/bà mới theo các Ngài đi. Ngoài ra, khi thấy bất cứ cảnh tượng nào khác, tuyệt đối không thèm để ý đ61n. Như vậy, ông/bà nhất định được vãng sanh về Tây phương. Bây giờ chúng tôi niệm Phật, xin ông/bà hãy cùng niệm Phật với chúng tôi”.

2. Bài thứ hai

Nam mô A-di-đà Phật.

Phật tử…, pháp danh…

Sanh lão bệnh tử là con đường mọi người phải đi qua, không ai có thể tránh được. Đã có sanh ắt phải có tử.

Phật đã nói thể gian này là khổ, là vô thường. Lúc này, Phật tử hãy buông xả mọi việc, tâm không nên gợi lên những than hận hay cố chấp. hãy thành tâm niệm Phật với lòng tin và sự khẩn cầu sanh về Tây phương Cực Lạc quốc. Hãy niệm Phật với chánh niệm để tiêu tan nghiệp chướng, cho thân tâm được tự tại.

Hãy khẩn cầu với lòng thành kính. Nhất tâm niệm Phật, khẩu cầu đức Đại từ đại bi A-di-đà Phật đến tiếp độ, phóng quang soi sáng và dùng Phật lực để giúp người niệm A-di-đà Phật với chánh niệm.

          Hãy khẩn vầu Phật A-di-đà đến tiếp độ, niệm niệm A-di-đà Phật, niệm niệm cầu sanh về Tây phương Cực Lạc quốc.

          Nam mô A-di-đà Phật.

VII.2. Khai thị cho oan gia trái chủ

          Nam mô A-di-đà Phật.

          Phật tử…, pháp danh… từ nhiều đời nhiều kiếp đã gây ra nhiều oan gia trái chủ.

          Ông/bà… và quí vị đã có duyên với nhau. Phật nói kết thân tâm pháp duyên là thù thắng nhất. Cho nên, quí vị nên kết thân tâm pháp duyên với ông/bà…, đừng nên gây chướng ngại cho ông/bà…, mà hãy cùng niệm Phật với chánh niệm để cầu sanh về Tây phương Cực Lạc quốc.

          Giờ đây xin khẩn cầu quí vị và các thân hữu hãy nhất tâm niệm Phật để giúp đỡ ông/bà… được vãng sanh Tây phương Cực Lạc quốc, hoàn thành Phật sự. Vô lượng công đức sẽ hồi hướng cho quí vị thoát mọi khổ ải và được an lạc.

          Cầu xin quí vị hãy vì nhân duyên thù thắng này mà phát tâm Bồ-đề, với lòng tin tưởng sâu sắc mà niệm Phật cầu sanh Tây phương Cực Lạc quốc, toại nguyện vô lượng Phật độ.

          Nam mô A-di-đà Phật.

VII.3. Căn dặn dự bị lúc lâm chung

Trường hợp sợ người thân mình không làm đúng theo chánh pháp, lúc còn sống quý vị nên viết một bản di chúc dặn dò con cháu. Trong lời dặn dò, người viết nên tập trung dặn kỹ con cháu người thân phải làm mọi việc cần thiết giúp mình vãng sanh về cõi Tịnh độ của Phật A-di-đà. Xin gợi ý nội dung lời dặn như sau:

          Ông/Bà tên …, pháp danh:…

          Các con cháu và mọi người trong gia quyến hãy nghe theo những lời ông/bà căn dặn những điều như sau:

Cả một đời ông/bà  quy y Tam bảo, chuyên niệm Phật A-di-đà,  được hưởng nhiều sự lợi ích tốt lành. Nếu các con cháu và người thân nếu thật sự có lòng hiếu thảo thì phải nghe theo lời của ông/bà, giúp ông/ bà  được sanh về cõi Phật A-di-đà. Đó mới  là sự báo hiếu lớn nhất. Ông/bà sẽ mãn nguyện ra đi.

Các con phải biết, con người khi sắp tắt thở, giống như con rùa bị lột xác, vô cùng đau khổ. Nếu các con thậy lòng muốn cho ông/bà được chết tốt lành, mong toàn thể các con phải vì ông/bà mà hoàn thành tốt tâm nguyện của ông/bà.

Khi thấy ông/ bà bị bệnh, nhất là lúc  hấp hối, con cháu  hãy làm theo những lời căn dặn như sau:

1. Lập tức đi mời ban Trợ niệm đến niệm Phật cho ông/ bà.  Khi ban Trợ niệm đến, gia đình phải nghe theo sự hướng dẫn của họ, không được làm trái ngược. Nếu có chư Tăng đến,  con cháu phải hết lòng cung kính.

2.  Khi ban Trợ niệm niệm Phật, gia đình không được động đậy, di chuyển, thân thể để tắm rửa, thay quần áo cho ông/bà; lại càng không được gào thét,  khóc lóc, kể lể, than van. Con cháu phải giữ gìn cho yên lặng và cùng trì  niệm câu Phật hiệu A DI ĐÀ PHẬT, hết lòng cầu Phật tiếp dẫn ông/bà vãng sanh về cõi Phật.

3. Trường hợp ông/bà bị hôn mê bất tỉnh, hơi thở sắp tắt, thì con cháu không được mời bác sĩ đến chích thuốc, hô hấp hoặc làm những việc cấp cứu khác để tránh tâm lý ông/bà bị dao động hoặc  gia tăng sự đau khổ. Các con cháu phải vì ông/ bà mà thành tâm niệm Phật. Như thế mới là người con, người cháu hiếu thảo.

4.  Khi ông/bà tắt thở trong vòng 24 tiếng đồng hồ, con cháu phải cố giữ tiếng niệm Phật sao cho không được gián đoạn, phải luân phiên niệm Phật trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Sự trợ niệm vào giờ phút này cho ông/ bà là sự giúp đỡ vô cùng to lớn. Con cháu có thương ông/bà, thì không gì hơn là ngay lúc này niệm Phật A-di- đà.

5.  Còn việc thay quần áo, nhập liệm, tang lễ, tụng kinh phải chờ qua 24 giờ mới được tiến hành. Trừ trường hợp, thời tiết khí hậu oi bức, sợ có mùi hôi thối, thì nên tùy duyên, con cháu có thể đốt nhang trầm hoặc để nước bên cạnh thi thể ông/bà.

6.  Trước và sau tang lễ và trong suốt 49 ngày, việc cúng tế đãi khách… toàn bộ phải dùng đồ chay, tuyệt đối không được sát sanh để tránh gia tăng nghiệp tội cho ông/bà. Toàn thể gia đình nên ăn chay, niệm Phật, làm các việc thiện lành, hồi hướng cho ông/bà. Được như vậy, ông/bà mới hưởng niềm vui an lạc. Con cháu nhờ đó cũng hưởng sự vui sướng cát tường, tương lai tươi sáng.

7.  Việc tang lễ, cúng tế phải theo nghi thức của Phật giáo, lấy việc niệm Phật làm chính, con cháu không được  phô trương rầm rộ, phung phí tiền của, cần phải tiết kiệm.

          Ông/bà hy vọng từ đây về sau cả gia đình phát tâm tin Phật, niệm Phật. Làm được vậy, con cháu nhất định hưởng được sự bình an hạnh phúc. Mong các con, các cháu nghe theo và làm theo đúng như lời ước nguyện của ông/bà.

Nam mô A- di- đà Phật

Người nói…

Người làm chứng….

VII.4. Nội dung các tờ thông báo

Trước khi trợ niệm, người trưởng ban yêu cầu gia đình dán các tờ thông báo lên những nơi mọi người có thể trông thấy. Nội dung những thông báo này yêu cầu thân nhân không được khóc lóc, kể lể, đụng chạm đến người bệnh, mà phải cùng niệm Phật để đưa người vãng sanh về Tây phương. Một vài gợi ý về thông báo như sau:

1. Tờ thông báo số 1

XIN NHỚ KỸ:

Khi lâm chung trong vòng 8 giờ sau, nếu bị va chạm mạnh, hoặc người thân khó than kêu réo, người ra đi sẽ dễ bị đọa lạc. Xin một lòng niệm NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT, cầu nguyện cho người được vãng sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc.

Tuyệt đối XIN ĐỪNG KÊU KHÓC KHI NGƯỜI BỆNH LÂM CHUNG

Chân thành đội ơn sâu nặng!

2.  Tờ thông báo số 2

HỘ NIỆM

Hiếu thảo, thương kính người ra đi, con cháu và người thân phải quyết tâm hộ niệm bằng cách túc trực bên cạnh để NIỆM PHẬT SUỐT NGÀY ĐÊM trước giờ ra đi, lúc lâm chung và tiếp tục 8 hoặc 12  giờ sau.

CẤM KỴ: kêu khóc, ồn ào, va chạm mạnh đến người bệnh.

 VII.5. Cách cúng tế hương linh:

1. Trước bàn Phật: cúng hoa tươi + trái cây + nước trắng.

2. Trước bàn linh: mỗi ngày cúng cơm 3 lần (thức ăn chay):

- Sáng:       cháo, thức ăn đậu hũ

- Trưa và tối:      1 chén cơm + 1 đôi đũa + 1 mâm để 6 món thức ăn + 1 ly nước trong + trái cây (mỗi ngày phải thay mới).

3. ngày đi chôn (hoặc thiêu):ngày an táng;

- Trước bàn Phật: cúng hoa tươi + nước + 4 loại trái cây (mỗi ngày phải thay mới) + 1 chén cơm nhỏ + 6 chén nhỏ thức ăn + 1 ly nước trắng.

- Trước bàn linh: cúng 1 chén cơm + 1 đôi đũa + 6 chén nhỏ thức ăn + 1 ly nước trắng + hoa tươi + 4 loại trái cây.

- Trước bàn cúng tế: cúng 12 đĩa thức ăn + 1 dĩa trái cây

- Tụng kinh A-di-đà, hồi hướng (Nếu không thỉnh được Tăng, cư sĩ tại gia có thể tiến hành như trên đã nói).

4. Sau khi chôn cất xong: không cần phải cúng cơm mỗi ngày 3 lần.

5. Trong 7 thất (49 ngày):

  Mỗi thất: tụng kinh A-di-đà + niệm trăm danh Phật hiệu + cúng ngọ +hồi hướng (Phần cúng ngọ có thể chiếu theo cách cúng trong ngày an táng).

 

VII.6. Các ban Trợ niệm, Hộ niệm hiện có

          Từ lâu, ở một số nước thịnh hành pháp môn Tịnh độ đều có nhiều ban Trợ niệm hoạt động rất tốt, đưa nhiều người vãng sanh Tây phương Cực Lạc. Việt Nam hiện nay cũng có một vài ban, nhóm Trợ niệm hoạt động rất có hiệu quả. Mô hình, phương thức hoạt động trợ niệm đều tham khảo theo phương thức của Tịnh tông học hội Úc châu, do hòa thượng Tịnh Không chủ trương (như các cách nói trên). Có một số ban Trợ niệm cẩn thận ghi lại hình ảnh của một số trường hợp vãng sanh có biểu hiện tướng tốt đẹp. Phật tử nên biết địa chỉ của các ban ấy để dễ dàng liên hệ khi cần thiết hoặc để tham gia.


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage