Tượng cao 119 cm, chỗ rộng nhất 38 cm, chỗ dày nhất 38 cm, đứng trên
một bệ tròn hai tầng có tạc hình các cánh sen bao quanh. Phần trên của
bệ là khối bán cầu ở thế ngửa lên. Phần dưới bệ lớn hơn, cũng hình tròn
như miệng chuông úp xuống.
Bệ và toàn thân tượng đồng được đóng chặt vào nhau bởi những chiếc
mộng đặt dưới lòng đôi bàn chân bằng phẳng. Đôi bàn chân này của tượng
thể hiện tướng tốt đầu tiên trong “tam thập nhị tướng” (32 tướng) của
Phật là chấm sát đất và khít khao với mặt phẳng của đất đến nỗi “cây
kim cũng không thể lọt qua”. Từ chân tượng trở lên, thể hiện diệu tướng
thứ 17 của Phật là: hai tay, hai chân, hai mắt và giữa cổ (có khắc 3
ngấn chìm) gộp lại thành “7 chỗ đầy đặn”. Vai bên phải để trần thể hiện
tướng thứ 21: tròn và đẹp. Lên chút nữa là gương mặt tượng thể hiện
tướng thứ 25 với hai má phẳng và rộng như sư tử chúa; đúng theo kinh
chép: khi Phật mở miệng thuyết pháp ví như tiếng “sư tử hống” làm tắt
tất cả âm thanh của mọi loài trong rừng (tướng âm thanh Phạm thiên).
|
|
“Tượng Phật
Đồng Dương ngoài giá trị về mặt tạo hình nghệ thuật còn thể hiện được
nhiều diệu tướng trong số 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tùy hảo của Đức
Phật được ghi trong bộ Luận đại trí độ. Đó là điều đọng lại
đầy xúc động trong tâm cảm chúng tôi khi đứng trước pho tượng Phật
Đồng Dương được tạo tác từ hơn 1.000 năm trước...” - Sa môn HUỆ THIỆN
|
|
Mắt Phật Đồng Dương không nhắm hẳn lại, mà đang mở nhìn, thể hiện
diệu tướng thứ 29 là đôi mắt đẹp như cánh hoa sen xanh. Giữa trán có
khắc một vòng tròn tiêu biểu cho tướng thứ 32 mang tên “bạch hào”, tức
tướng lông trắng xóa và trong sạch như bọt nước đứng yên trên ngọn
triều cường. Đáng lưu ý, các nghệ sĩ Chăm Pa đã thể hiện một tướng hết
sức tôn nghiêm nằm ở vị trí cao nhất của tượng Phật Đồng Dương là tướng
“nhục kế” trên đỉnh đầu với một cục u nổi lên giữa búi tóc cuộn quanh.
Sa môn Huệ Thiện cùng đi với chúng tôi đến Bảo tàng Lịch sử TP.HCM để
chiêm ngưỡng tượng đã giải thích: “Đây là tướng mà bất cứ nhà nghiên
cứu mỹ thuật nào hoặc nhà điêu khắc tượng Phật nào từ xưa đến nay cũng
đều cần biết đến để bắt tay chế tác hoặc giới thiệu cho thật chính xác.
Tướng này có hình một khối thịt tức là “nhục”, nổi cao lên như một búi
tóc tức là “kế”, gọi là “nhục kế”, được tựu thành và xuất hiện trên
đỉnh đầu Phật do nhân duyên bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn,
thiền định và khai mở trí huệ trong nhiều kiếp. Hào quang của Phật
Thích ca đã phóng xuất từ đỉnh đầu đó trước khi đọc thần chú Lăng
Nghiêm.
Ngoài tượng Đồng Dương này, các tượng Phật khác thể hiện diệu tướng
“nhục kế” theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn căn cứ vào kinh Quán Phật tam muội
để khảm thêm lên tượng một viên đá quý màu hồng, hoặc tô hồng ở khoảng
không có tóc ở trước đảnh đầu, hoặc đặt một viên kim cương to tròn đa
sắc để biểu hiện tướng ấy”.
Các diệu tướng ở phần trên của tượng - Ảnh: Tư liệu
|
Nếu nhìn từ trước mặt tượng và để tâm quan sát sẽ thấy toàn thân
tượng Đồng Dương thể hiện vẻ đẹp của một loạt ba diệu tướng khác, gồm
tướng thứ 14 và 15: thân kim sắc (ánh sắc vàng) có sức tỏa hào
quang minh tịnh - và tướng thứ 16: da mịn trơn bóng như hoa sen buổi
sớm, dầu cho cuồng phong thổi mạnh khiến núi đá lăn lóc va chạm vào
nhau vỡ nát thành bụi thì không một hạt bụi nào có thể dính được vào
thân kim sắc ấy.
Tượng do Viện Viễn Đông Bác Cổ đăng ký với số hiệu D22.1 và từng được
ghi nhận qua: Bulletin de l’Ecole Francaise d’Extrême Orient, Bulletin
de la commission archéologique de l’Indochine, cũng như các ấn phẩm
giới thiệu hiện vật Việt Nam trưng bày ở nước ngoài. Đã có đông đảo các
nhà nghiên cứu khắp nơi trên thế giới như Ananda Coomaraswamy, Douglas
Barret, Pierre Dupont, Alecxander Griswold, Diran Kavrk Dohanian, Jean
Boisselier, Ulrich von Schroeder quan tâm tìm hiểu về nguồn gốc và giá
trị của tượng. Tượng đã từng được đưa đi trưng bày ở Mỹ, Pháp, Áo, Bỉ
với giá bảo hiểm ở mức 5 triệu USD.
Theo Giao Hưởng - TNO
Cột đá chạm rồng nghìn năm
Với kỹ thuật tuyệt khéo, nét đẹp nghệ thuật và kiến trúc độc đáo,
kích thước to lớn, cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh) được chọn làm biểu tượng
mỹ thuật truyền thống Việt Nam.
Cột đá chùa Dạm nằm ở cấp nền thứ hai bên trái của chùa Dạm. Cột đá
liền khối cao trên bốn mét, đặt trên bệ đá hai cấp cao gần một mét.
Phần cột được chia làm hai phần rõ rệt, phần hộp vuông cao hai mét.
Phần trụ tròn cao hơn hai mét, đường kính gần mét rưỡi.
Trên phần trụ tròn chạm nổi đôi rồng ngoắc đuôi vào nhau quấn quanh
cột, chân trước hai con chụm vào cùng nâng đỡ một viên ngọc. Hai đầu
trong tư thế chầu nhau, ở giữa có một lá đề chạm nổi, mỗi con ngậm một
viên ngọc, mắt sáng trong tư thế hướng lên bầu trời. Thân rồng uốn khúc
hình sin, hai chân sau tựa vào khối hộp vuông phía dưới tạo cho đôi
rồng uốn lượn như đang bay.
Đôi rồng được chạm khắc tinh tế, đường nét sinh động trau chuốt. Sự
bào mòn của nắng mưa làm cho các chi tiết của đôi rồng bị hủy hoại
nhiều phần, riêng phần đầu và đuôi còn tương đối nguyên vẹn. Thân rồng
mềm mại, khỏe khoắn mang nét tự nhiên của văn hóa Việt bản địa. Đầu
rồng mang nét đẹp và phóng khoáng, thể hiện vương quyền của thủy quái
Macrada - linh vật trong văn hóa Chămpa.
Ngoài đôi rồng, người thợ còn dùng những chi tiết hoa văn cúc dây để
“trám” vào những chỗ trống. Do chất liệu được sử dụng là đá cát, lại
trải qua gần nghìn năm dãi dầu mưa nắng nên phần đỉnh của cột đã bị gãy
nên không biết được chiều cao toàn bộ của cột lúc khởi dựng là bao
nhiêu. Nhiều mảng vỡ mang theo cả những chi tiết trang trí làm nền cho
đôi rồng.
Tại phần trụ tròn cách đỉnh gần một mét có sáu lỗ hình chữ nhật khoét sâu vào thân cột phân bố đều xung quanh.
Linga hay cột đỡ?
Nhưng cũng chính sự ảnh hưởng của văn hóa Chămpa đã khiến nhiều nhà
nghiên cứu giải mã cây cột thành một linga. Ông Nguyễn Hùng Vĩ (ĐH
KHXH-NV Hà Nội) cho rằng điều này hoàn toàn suy diễn. “Các lỗ ngàm đã
rõ là các lỗ lắp dầm chống nghiêng, đường rãnh còn nguyên trên đầu cột
cho ta thông tin về dầm chịu lực tương tự cột đá đang còn ở chùa Xã
Đàn. Như vậy, phần trên làm sao mà đọc thành linga được”, ông Vĩ phân
tích.
TS Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ) cũng cho rằng với sáu lỗ mộng ở trên
đầu cột không thể coi đây là linga. Theo ông, với “dị tật” như vậy, nếu
là linga thì làm sao có thể sinh sôi nảy nở được.
Ông Hùng Vĩ đồng tình với ý kiến của các bậc tiền bối như kiến trúc
sư Nguyễn Bá Lăng, nhà dân tộc học Từ Chi, nhà nghiên cứu mỹ thuật
Nguyễn Đỗ Cung coi cột là chiếc cột đỡ một tấm kiến trúc nào đó.
Ông Vĩ còn cho rằng, nếu xét chùa Dạm với tương quan những chùa thời
Lý khác sẽ thấy cột đá trên không thể là một linga. “Hiện vật đá, gốm
đời Lý thể hiện những triết lý, giáo lý, điển tích Phật giáo mạnh mẽ.
Dãy 10 con thú ở Phật Tích là hiện thân của Phật. Những con uyên ương
chính là bồ tát trong điển Ngũ bách nhạn thỉnh kinh hóa bồ tát. Các thế
long tọa, liên tọa đều là các biểu tượng Phật giáo. Chính vì thế, thật
khó lòng hình dung một biểu tượng nguyên khởi của đạo Hindu là linga
lại chen vào chốn thiền lâm đó được”, ông phân tích.
Cũng dựa trên những lỗ mộng trên cột đá, ông Vĩ đã nhờ người tính hộ
tải trọng của bộ dầm đặt trên đó: “Mỗi phần chìa ra của mỗi dầm, chúng
tôi tạm cho là bằng đường kính trụ đá tròn, chúng ta có thể vẽ được bản
vẽ kỹ thuật kết cấu bộ dầm chịu lực của công trình. Việc tính tải
trọng của bộ dầm này là hoàn toàn có thể và hết sức khả quan. Qua nhờ
người tính hộ, chưa kể sức chịu của dầm chống nghiêng, với dầm gỗ lim,
sức tải của bộ dầm là 54 tấn”.
Là người chịu trách nhiệm thám sát mới nhất tại chùa Dạm, TS Phụng
lại đi tìm giải thích về cột đá trong quan hệ của người xây chùa Dạm
(vua Lý Nhân Tông) và cha ông (vua Lý Thánh Tông). Vua cha đã xây chùa
Một Cột sau giấc mơ hoa sen. Kết hợp với nghiên cứu chùa Một Cột, ông
Phụng cho rằng, 6 lỗ mộng của cột đá phải để nâng đỡ kiến trúc gỗ bên
trên tương tự chùa Một Cột: “Nghĩa là cột như di ảnh của người cha do
người con làm”.
Khẳng định này của ông có vẻ có cơ sở khi gần đó có một dấu tích
giếng - một phần giấc mơ hoa sen của vua Lý Thánh Tông. Ông cũng cho
rằng trên cột đá chùa Dạm người ta thờ Phật Quan âm - gắn liền với hình
ảnh hoa sen.
Đại danh lam từ thời Lý
Chùa Dạm, hay chùa Rạm,
dựa vào núi Dạm, nhìn về phía sông Đuống, là đại danh lam từ thời Lý
và là một di tích quan trọng của tỉnh Bắc Ninh ngày nay, với lịch sử
gần 1.000 năm. Theo nhân dân địa phương, vào những năm 1946-1947,
quân đội thực dân Pháp về đây đóng bốt, nhân dân địa phương đã đốt
chùa để tiêu thổ kháng chiến. Khi phá chùa, tượng mẫu nguyên phi Ỷ
Lan và tượng vua Lý Nhân Tông được gửi vào chùa Hàm Long gần đó nên
mới giữ được đến ngày nay.
Tuy nhiên, từ đó đến năm 2008, chùa
chưa một lần được trùng tu theo đúng hình hài xưa. Hiện tại, 100 gian
xưa giờ được thay bằng ba gian điện nhỏ thờ thần Phật (ở nền cấp thứ
ba) và ba gian đền (ở nền cấp thứ tư) thờ hai cổ vật còn sót lại là
tượng nguyên phi Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông. Cả chùa và đền mới đều
được xây dựng từ năm 1996, do nhân dân địa phương đóng góp. (Theo Wikipedia)
|
Theo Ngô An - TNO