Chùa Bửu Minh

Giác Ngộ - Thất Sơn hiện ra phía trước là dãy núi trùng điệp, nhuộm màu cỏ cây xanh rì, lửng lơ những áng mây trắng bạc đeo bám như khói tỏa lẫn với ánh bình minh vàng rực.


 Anh hướng dẫn viên cứ huyên thuyên hết tên núi này đến núi nọ, nhưng theo anh bảy ngọn núi chính đó là: núi Anh Vũ Sơn (núi Két) có một mỏm đá khá lớn giống hình mỏ két; Ngũ Hồ Sơn (núi Dài năm giếng); núi Liên Hoa Sơn (núi Tượng) với dáng dấp một chú voi; núi Cấm hay núi Gấm là do vẻ đẹp núi mây đã tạo nên dải gấm tuyệt sắc nên có tên gọi mỹ miều Thiên Cẩm Sơn; núi Thủy Đài Sơn (núi Nước); núi Ngọa Long Sơn (núi Dài/Giài), núi có chiều dài tới 8.000 cây số; núi Phụng Hoàng Sơn (núi Tô/ Cô Tô hay Ông Tô) có hình dạng như cái tô lật úp. Kết thúc, anh lưu ý: Nói là Thất Sơn, Bảy Núi nhưng còn nhiều núi nữa nghe, có ngọn núi tên nghe ngộ lắm: Núi Trà Sư có lẽ có ông sư trồng trà, trồng chè gì đó chẳng biết. Còn núi Bà Đội Om có dáng như người đàn bà đội cái om trên đầu...

camson-1.gif

Tượng Phật Di Lặc (Thiền viện Phật Lớn)

"Đã nói Bảy Núi là phải nói Năm Non", bác tài - một người dân nơi đây, nói chen vào. Anh liền nhanh miệng cho biết thêm rằng: Non là những vồ đá lớn nằm cao lên trơ trọi một mình. Năm non đều nằm trên Núi Cấm. Đó là Vồ Bà, Vồ Ông Bướm, Vồ Đầu (Vồ Trăm Họ), Vồ Thiên Tuế (có rất nhiều cây Thiên Tuế), Vồ Bồ Hong là non cao nhất của đỉnh núi Cấm...

Núi Cấm gắn liền với khá nhiều truyền thuyết và tên gọi được lý giải bằng nhiều tích sự ly kỳ khác nhau nghe chừng rất... huyền ảo. Có người nói rằng Nguyễn Ánh sau khi thất trận bị quân Tây Sơn truy nã gắt gao nên đã đến ẩn náu ở núi này. Để khỏi bị lộ, ông đã hạ lệnh cấm dân chúng vào ra núi này, viện lẽ lắm yêu nhiều thú nguy hiểm. Do vậy, người gọi là Ông Cấm, tức Vua Cấm. Tên gọi núi Cấm có lẽ do cớ đó. Lại có người lý sự rằng núi Cấm hoang vu, cây mọc um tùm, núi đá gồ ghề là nơi ẩn trốn của phường đầu trộm, đuôi cướp, để đảm bảo sự an lành cho dân chúng vì thế mà cấm vào ra. Cũng có người nói Đức Phật thầy Tây An tiên tri ngày sau tại đây sẽ có đền vàng điện ngọc của Minh Hoàng nên cấm đệ tử lui tới để tránh kinh động đến vùng đất thiêng này. Đến thế kỷ XIX, còn được biết đây là ngọn núi báu, thiêng đệ nhất hạng đối với tín đồ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ngọn núi cao nhất Thất Sơn được giáo thuyết của tôn giáo này xác định là địa điểm Phật Di Lặc sẽ giáng thế lập Hội Long Hoa, mở cuộc phán xét cuối cùng nhằm khai mở kiếp đời Thượng ngươn mới đầy phúc lạc. Lúc đó, núi báu (bửu sơn) sẽ tỏa ra hương thơm kỳ lạ (kỳ hương) như một điềm triệu báo cho chúng sanh xa gần biết...

camson-2.gif

Chùa Vạn Linh

Núi Cấm là ngọn núi hùng vĩ của quần thể núi non Thất Sơn nên được coi là đỉnh thiêng trung tâm thông linh của trời-đất. Từ "Cấm" ở đây hàm nghĩa thiêng liêng tôn kính là vậy. Đường lên núi Cấm vòng vèo, một bên là núi, một bên là vực, cây cối xanh um, mây uốn gió lượn. Nhìn xuống là những ô vuông ruộng xanh xanh to nhỏ cùng những đầm nước lóng lánh hắt lên ánh vàng của nắng. "Những ngày không mây, đứng từ trên đây ta sẽ thấy được biển Hà Tiên nơi xa kia", anh hướng dẫn hào hứng chỉ. Mọi người nhao nhao "Đâu" "Đâu"... hướng theo tay anh. Nơi đây còn ưu ái được được đặt cho cái tên Đà Lạt giữa lòng miền Tây hay Đà Lạt II bởi khí hậu mát mẻ, nắng vàng dìu dịu. Núi Cấm là đây với không gian trải rộng, mở ra cùng mặt hồ Thủy Liêm lộng gió, cây cầu đỏ điểm xuyết bắc ngang nơi cuối tầm mắt, những tháp chùa và tượng Phật Di Lặc "khổng lồ" cùng những hàng quán hoang sơ, ngổn ngang đất đá...

***

Từ mặt đường đất phải đi lên con đường dốc thoai thoải để lên đến chùa Vạn Linh. Chùa Vạn Linh hay còn gọi là chùa Lá (tên gọi hoài niệm ngôi chùa xưa - hồi mới khai sơn tạo tự), giờ là ngôi đại bửu sát nổi bật với ba tòa tháp bên ngoài cao vút với mái cong uốn lượn.

Bảo Các Quán Âm bảy tầng với tháp Bồ Đề Đạo Tràng kiểu cách trên nóc cao. Nơi đây thờ các vị Bồ tát tiêu biểu cho lòng đại từ, đại nguyện, đại trí, đại hạnh, đại bi, đại lực của chư Bồ tát: Di Lặc, Địa Tạng, Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí. Trên cùng là tượng Đức Bổn sư Thích Ca trong tư thế đang thuyết pháp.

camson-3.gif

Chánh điện chùa Vạn Linh

Tháp Tổ khai sơn ba tầng với tầng giữa là nơi an trí cốt của Hòa thượng khai sơn Thích Thiện Quang. Ngài là con trai duy nhất trong gia đình có bảy con của ông Hương Cả ở tận xứ Bến Tre. Tục truyền, thuở trẻ trai, Ngài là một người dân bình thường... Một hôm, trong làng có việc, Hương Quản đánh mõ triệu tập dân chúng. Lúc đó, Ngài đang dở bữa cơm ra trễ nên bị Hương Quản bắt lỗi cầm dùi đánh Ngài, Ngài giật dùi đánh lại, xong bỏ về, thu xếp gia đình, khăn gói lên đường, hướng về Thất Sơn, Châu Đốc lánh thân. Tìm đến núi Két, gặp được vị sư cho ở lại trị bệnh và sau đó học nghề thuốc. Gần gũi chư Tăng, tìm hiểu Phật pháp, Ngài nhận ra cảnh đời vô thường nên trong tâm nhen nhúm chí xuất trần. Thời gian sau thấy yên ổn, Ngài về thăm nhà rồi lại lên núi tu, suốt nhiều năm như vậy. Vì núi Két gần chợ, Phật tử thăm viếng thường xuyên, Ngài xin phép lên chùa Phi Lai, núi Kỳ Hương và quy y tại đây. Năm 1927, Ngài lên núi Cấm, cất am chuyên tu dưới chân vồ Bồ Hong, gần chùa Phật Lớn. Ngày ngày, Ngài chuyên trì chú Đại Bi và niệm danh hiệu Đức Quán Âm, thuần thục đến độ khi ngủ vẫn niệm. Sinh thời, Ngài có hành tung kỳ đặc mà người thường khó biết. Trong chùa, những việc quan trọng Ngài thường cho biết trước hoặc phát ra những lời huyền ký rất ứng nghiệm. Một trong những ví dụ tiêu biểu còn ứng nghiệm đến nay là lời huyền ký về cuộc đời Hòa thượng Vạn Đức Thích Trí Tịnh. Những người hành hương nơi đây có kể cho tôi nghe rằng Ngài viên tịch sau khi niệm to đứt quãng: "Nam... mô... A... Di... Đà...Phật" rồi tự nằm ngay thẳng xuống giường như người nằm ngủ... Trên mặt tháp có ghi bốn câu thơ của Hòa thượng Thích Trí Tịnh nói về cuộc đời Ngài:

"Thiện tự nội tàng thời hãn ngộ
Quang truyền ngoại hóa thế đa quy
Vạn Linh sơn trụ khai mông muội
Linh Bửu Tây quy hiển thoại tường".
(Thiện ẩn bên trong đời ít biết
Quang độ người ngoài lắm kẻ quy (y)
Vạn Linh ở núi khai mông muội (tăm tối)
Linh Bửu về Tây hiển điềm lành).

Sát bên là tháp chuông bát giác thờ Đức Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm Thiên thủ thiên nhãn và quả đại hồng chung.

camson-4.gif

Hồ Thủy Liêm

Bên trong chánh điện là bàn thờ Phật Thích Ca thiền định với vòng hào quang và vách vẽ trang trí cội bồ đề, hai bên là phù điêu Đức Quan Âm đứng trên đầu rồng và phù điêu Đức Địa Tạng cưỡi Đề Thính. Phía trước điện đặt hai phù điêu Hộ pháp và Tiêu diện. Ở hậu điện, thờ phù điêu Tổ sư Đạt Ma và nơi thờ Tổ.

Các tượng và phù điêu chùa Vạn Linh đều được làm bằng đá trắng, được chạm khắc công kỹ, đạt trình độ mỹ thuật cao, thần thái tượng thật sự trang nghiêm.

Hỏi ra mới biết quá trình trùng kiến chùa để được như hôm nay là một quá trình lâu dài với bao công sức của chư Tăng và Phật tử tứ xứ. Bởi phải trải qua những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được nên khi có được ngôi chùa trang nghiêm như ngày nay ai cũng xác tín là nhờ sự độ trì của Thần Phật mọi việc mới thành sự. Trước là đường mòn xuyên rừng, men theo đá núi ngổn ngang đất, đá và rễ cây, cứ mỗi mùa mưa là hết sạt lại lở, đi không khéo té chết như chơi. Lần trùng kiến lần thứ ba là lần lớn nhất, các sư thầy cùng các Phật tử làm công quả phải tận dụng đất đá nơi đây để làm gạch, đặt móng, cũng như sàng lấy cát từ con suối, còn tất cả những vật liệu khác đều phải mua từ dưới xuôi mang vác lên. Rồi từ cái khó đó đã nảy sinh sáng kiến tạo xe để vận chuyển, mang tượng lên, chế máy phát điện... Tất tất đều huyền diệu như có sự giúp sức của đấng linh thiêng khế hợp với sự đồng lòng của bá tánh cũng như niềm tin của các nhà sư về điều chí nguyện để tạo nên chùa Vạn Linh uy nghiêm giữa núi rừng bạt ngàn.

***

Đi dọc theo hồ, trên con đường lát đá, điểm đến đầu tiên là tượng Phật Di Lặc/ Bố Đại cao đến 33,6 mét trắng toát sừng sững đập ngay vào mắt mà khi ở bên dưới chân núi chúng ta có thể nhìn thấy được mặt lưng nho nhỏ của pho tượng này. Pho tượng còn được biết khá phổ biến với tên gọi "Phật guiness". Phật Di Lặc chễm chệ giữa rừng cây với nụ cười hỷ xả, một tay cầm chuỗi hạt, một tay cầm túi vải. Nụ cười của Ngài được lý giải là để hóa giải những buồn phiền trong dân gian, cùng túi càn khôn để ứng nguyện những lời cầu mong. Khi đến gần phải ngửa trật ót mới chiêm ngưỡng được hết pho tượng này. Tuy vẫn chưa hoàn công nhưng nơi đây đã nghi ngút khói nhang, người khấn người vái bên dưới giàn giáo cột ngang cột dọc, xi măng, gạch vữa cùng những tòa tháp đang còn tô trát. Người bán nhang đèn, vật kỷ niệm, cây trái, hoa quả xếp dọc dọc từng tầng theo bậc tam cấp đi xuống con đường lát đá trong những lều bạt xiêu vẹo.

camson-5.gif

Đường lên Núi Cấm/ Thiên Cẩm Sơn

Theo những tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thì khi Phật Di Lặc (Maitreya) ở trên cung trời Đâu Suất với hình tượng điển hình ngồi một tay chống cằm với chân trái duỗi thẳng, chân phải vắt ngang suy ngẫm về chốn quốc độ: ta sẽ giáng sanh vào đâu, nơi nào của cõi ta bà, vùng đất nào đây, nhà của ai đây, ta phải làm gì để chúng sanh thoát khỏi luân hồi, mê đạo... Khi đã suy nghĩ xong, Ngài liền vươn vai đứng dậy chuẩn bị hạ thế. Và nơi Ngài hạ thế chính là ngọn núi Cấm thuộc dãy Thất Sơn. Điều mà Phật thầy Tây An đã tiên tri như vậy hồi thế kỷ XIX nhưng thời điểm đó chưa đến. Liệu chăng hình tượng Phật guiness Bố Đại Hòa thượng này có khế hợp gì với tín lý đã ăn sâu vào cộng đồng cư dân thuộc không gian văn hóa Năm non Bảy núi này.

***

Tường như ngày nay, chủ nghĩa hoành tráng đang là thời thượng. Đâu đâu người ta cũng nỗ lực xây chùa to, tượng lớn lấy đó làm điều mãn nguyện. Đó cũng là điều hay, chỉ lo mỗi một điều là sự quá lậm vào danh sắc mà quên đi cứu cánh chính yếu. Thiền viện Phật Lớn hiển hiện với tòa ngang dãy dọc, dự tính sẽ có bái đường, vãng đường, nơi tu tập cho các chư Tăng và hiện vẫn đang được tiếp tục hoàn thiện và mở rộng. Anh hướng dẫn viên cho hay.

Tôi hỏi sư thầy: Do tượng Phật Di Lặc "khổng lồ" kia mà người dân gọi đây là chùa Phật Lớn?

Sư thầy đáp: "Không phải, chùa Phật Lớn nằm bên kia cây cầu, rồi đi một quãng xa. Chùa Phật Lớn là tên gọi dựa trên kích cỡ của tượng Phật do Bảy Do tạo tác hồi xửa hồi xưa. Pho tượng Phật bằng xi măng cao một thước tám tây, ngồi kiết già".

"Vậy mà gọi là lớn sao?", tôi hỏi.

Sư thầy đáp: "Lúc bấy giờ ở xứ thâm sơn cùng cốc này là rất lớn. Hồi ấy, có mấy tượng Phật lớn được thế."

camson-6.gif

Bia Hòa thượng Thích Thiện Quang, vị khai sơn chùa Vạn Linh

Theo lời tục truyền, Bảy Do là một trong các yếu nhân của phong trào Thiên Địa Hội hồi đầu thế kỷ XX ở vùng Bảy Núi. Ông lập chùa Phật Lớn để tu hành, tránh sự dò xét của giặc, lấy các dịp lễ Phật để họp bàn chuyện quốc sự... Song thế cuộc bất lợi, mưu đồ đại sự bị vỡ lỡ. Giặc xua lính đi bố. Chúng lục xét khắp núi và rồi chúng dựa vào cớ chùa có "nhiều chén bát", tức cụ bị cho đông người ăn để bắt Bảy Do, kết tội ông mưu làm quốc sự, đày ra Côn Lôn và Bảy Do qua đời nơi đây.

camson-7.gif

Tượng Phật Lớn do Bảy Do tạo tác (chùa Phật Lớn)

Dường như ngày nay chùa Phật Lớn cũ bị nhầm lẫn bởi sự rình rang, hoành tráng của Thiền viện Phật Lớn mới cùng tượng Phật guiness. Nhưng với ý nghĩa lịch sử của một thời đầy bi phẫn đó cùng với cái tâm và công sức lập chùa dựng tượng chốn núi non này vào buổi đầu chùa Phật Lớn cũ thật sự đã chứa đựng ý nghĩa lớn.

***

"Đi hành hương Núi Cấm phải ngủ lại núi một đêm mới nhận được điển lành" - nhóm người hành hương núi Cấm nói nhỏ với tôi như vậy. Chính vì nhu cầu thiêng liêng đó mà có rất nhiều nhà nghỉ, quán trọ dọc theo triền núi Cấm. Niềm tin bắt nguồn từ nếp nghĩ: đây là vùng đất thiêng nên vạn vật đều linh thiêng. Ở lại một đêm là có thể hấp thụ linh khí của trời đất để gột rửa, loại bỏ những phiền não chất chứa, để tĩnh tâm, xả bỏ những sân si phàm tục. Núi cao rừng xanh kia là nơi dễ thông linh với trời đất, với thần Phật. Vì vậy, rất nhiều bậc đạo sư đã rời bỏ làng quê để đăng sơn núi Cấm thiêng liêng tu tập cầu mong một ngày thành chánh quả. Nơi đây cũng là cứ điểm của phong trào kháng Pháp dưới ngọn cờ của phong trào tôn giáo cứu thế lừng lẫy một thời và rồi khi thế cuộc đổi thay bất lợi, Năm non Bảy núi là nơi lánh thân của những bậc ưu thời mẫn thế. Bấy giờ, đại cuộc không thành, họ chí quyết tu thân giữ lấy đạo nhà, không xu thời theo tân trào... và đau đáu trong lòng kỳ vọng sẽ có một ngày đấng Minh vương sẽ ra đời, Phật Vị lai sẽ giáng thế mở hội Long Hoa, tạo ra một thời thượng nguyên mới đầy hoan lạc. Toàn cảnh "Năm non Bảy núi" mà trung tâm là Thiên Cẩm Sơn/Núi Cấm qua lịch sử đã thành tạo nên một ngữ cảnh văn hóa với vẻ đẹp thiêng liêng kỳ lạ. Do đó, bất cứ một nỗ lực nào, dù là thiên ý tốt lành, khi đặt chúng vào đấy đều phải cẩn trọng mới không làm đứt gãy mạch truyền dẫn văn hóa từ quá khứ đến tương lai.

Huỳnh Thanh Bình

Nguon: giacngo.vn


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage