Chùa Bửu Minh

Sáng 30/9, lần đầu tiên tại Hà Nội, 10 tác phẩm hội họa độc đáo lấy điểm nhấn chiếc lá Bồ Đề thỉnh từ Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ), vùng đất linh thiêng của hàng triệu tín đồ Phật tử toàn thế giới được giới thiệu tại chùa Tảo Sách, 386 Lạc Long Quân, Tây Hồ - Hà Nội.

10 tác phẩm hội hoạ chế tác công phu, độc đáo về tính nghệ thuật được hoàn thành sau 3 năm, kể từ ngày hình thành ý tưởng. Điểm nhấn của 10 bức hội hoạ chính là chiếc lá Bồ Đề thỉnh từ cội Bồ đề Đạo Tràng tại Ấn Độ, biểu hiện cho tinh thần “giác ngộ” Phật giáo. Đồng thời, hàm ý những lời khuyên răn của Phật. 

Số ít lá Bồ đề mang về Việt Nam là những lá vàng hoặc khô rụng từ thân cây Bồ đề Đạo Tràng - nơi ghi dấu Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền định 49 ngày đêm. Theo ông Nguyễn Đoàn Anh Khoa, đại diện nhà tổ chức chương trình thì mỗi năm thân Bồ đề này chỉ có một mùa thay lá. Lúc đó, rất nhiều Phật tử khắp nơi trên thế giới ngồi thiền dưới gốc cây hy vọng sở hữu một chiếc lá rụng xuống.

 Ông Nguyễn Đoàn Anh Khoa nhận lẵng hoa chúc mừng của đại diện UBMT Tổ Quốc VN, sáng 30/9 tại Hà Nội trong lễ khai mạc triển lãm.

Ai thỉnh được lá rụng là một duyên may. Không ít người đến nhiều lần mà không có “cơ duyên” sở hữu lá Bồ đề. Một điều cấm kị là không ai được phép ngắt lá xanh ở trên cây.

“Nhóm chúng tôi đến thỉnh lá một năm 2 lần tại Bồ Đề Đạo Tràng, và may mắn mang về việt Nam một số lượng nhất định, chứ không nhiều. Những chiếc lá Bồ đề đưa về VN đều có chứng nhận của Hiệp hội Phật giáo Quốc tế là lấy từ Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ). Trước khi ghép vào tranh, lá Bồ đề được bảo quản bằng một số hợp chất đặc biệt. Tiếp đó, tiến hành ép vào khung tranh, rồi phủ một lớp sơn mài lên trên”, ông Anh Khoa cho hay.

“Thông qua dự án, chúng tôi muốn đề cao giá trị tinh thần và tính nhân văn giúp mỗi cá nhân tự nhận ra chân lý sống của chính mình, hầu đạt đến một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa và trọn vẹn hơn”.

Theo thông tin từ nhà tổ chức, 10 tác phẩm ra mắt đầu tiên trong triển lãm lần mới chỉ là một phần của dự án gồm 52 tác phẩm tượng trưng cho 52 tuần của một năm, đồng thời biểu tượng cho 52 quả vị.

Toàn bộ 10 tác phẩm sau khi triển lãm tại 3 thành phố lớn trong cả nước (chùa Bát Nhã – Đà Nẵng (22-24/9); Tảo Sách - Hà Nội (30/9 – 2/10), chùa Xá Lợi - Tp.Hồ Chí Minh (8-10/10) sẽ được ban tổ chức trao tặng cho 10 doanh nhân tiêu biểu nhân ngày tôn vinh Doanh Nhân Việt Nam 13/10 tới với điều kiện các doanh nhân phải trực tiếp tặng chi phí 1.000 ca mổ mắt cho các tổ chức từ thiện.

Xin giới thiệu tới bạn đọc một số tác phẩm hội hoạ thú vị này: 

 Tác phẩm Từ Nhãn Thị: Đôi mắt Đức Phật đang nhìn xuống với nét hiền từ, đầy giải thoát như đang chiêm nghiệm và lắng nghe cuộc sống con người trần thế.
 Những chiếc lá Bồ đề được bảo quản rất kỹ lưỡng, tránh bị hỏng theo thời gian. Ảnh: TM.
 Tác phẩm Từ Nhan: Gương mặt thể hiện sự trang nghiêm, trầm tĩnh của Đức Phật, nhưng vẫn biểu hiện nét từ bi, gần gũi với chúng sinh.
 Cận cảnh lá bồ đề trong tác phẩm Nghiệp Tâm. Ảnh: TM.
Tác phẩm Nghiệp tâm: Chớ để sa đà vào những hào quang, danh vọng mà đánh mất đi phần tâm trong sáng, thanh tịnh.
Tác phẩm Nghiệp: Tâm luôn nghĩ về những điều thiện, giữ cho tâm trong sáng, thì con người sẽ luôn hướng thiện làm điều tốt đẹp.
 Tác phẩm Mãn Tuệ: Dù thành công rực rỡ, gặt hái những chiến thắng vinh quang, rất cần giữ được tâm trong sáng, sự cao thương và lòng nhân ái.
 Tác phẩm Hiếu nghĩa: Hãy làm những điều tốt đẹp và chính chúng ta sẽ được che chở, hưởng bóng mát từ chính những điều bản thân làm. 
 Tác phẩm An Lạc: Chiếc lá Bồ đề nằm trọng tâm tác phẩm, biểu trưng tâm sáng suốt và giác ngộ. Với tâm giác ngộ, con người luôn có được cuộc sống thanh thản.
Tác phẩm Viên Mãn: Để đạt được niềm hạnh phúc vĩnh cửu, chắc chắn con người phải tu tập và phát triển tâm sáng suốt trong chính họ. Đó gọi là "Tâm Bồ Đề".
 Tác phẩm Hoà hợp: Tình yêu thương con người thường được thể hiện rõ nét qua hành động nhân ái và sự tương trợ lẫn nhau.

 Người dân thành kính trước tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa. Ảnh: TM.

Văn Trinh (VTC)

Nguon: http://giacngo.vn/nghethuat/2010/09/30/7FE658/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage