Hiệu ứng dây chuyền
Blogger Nguyễn Thái Thuận chia sẻ rằng: "Mùa lũ vừa
qua mình đã chấp bút ba lá thư ngỏ. Một cho nhóm, một cho cá nhân và một
cho chùa". Những lời thống thiết, cảm tình nhất dành cho đồng bào khi
nhìn thấy những mái nhà ngập lút nóc, đặc biệt là hình ảnh hai cánh tay
bé tẹo kêu cứu trên nóc nhà đã chạm đến lòng trắc ẩn của Thuận và nhiều
bạn bè trong ‘friend list’. Chính vì vậy, chỉ vài ngày quyên góp trên
mạng, thông qua phương tiện plus mà Thái Thuận đã huy động được gần 2
triệu và cả trăm thùng mì, sau đó chuyển cho một đoàn từ thiện của chùa
để kịp mang tặng đồng bào vùng lũ.
Đọc một lá thư ngỏ khác của cộng đồng Hạc giấy và
Bước Chân Yêu Thương cũng dễ làm cho lòng người lay động, những câu từ
được dành để đặc tả việc bà con vùng rốn lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh đang
thiếu ăn, nhà mất, người chết được truyền qua website nganhacgiay.net và
Yahoo! đã nhận được sự đồng cảm của nhiều bạn trẻ. Mặc dù có những bạn
đã đi làm, đã được cơ quan trích tiền lương cho việc chung tay cứu trợ
đồng bào nhưng khi đọc thư của nhóm tình nguyện, của chùa cũng hoan hỷ
góp thêm một chút tình. Một bạn trẻ giấu tên có tới 5 lần góp sức cho
đồng bào vùng lũ tại 5 điểm sinh hoạt của mình cho biết: "Chia sẻ với
đồng bào bị thiên tai, mất mát thì có dốc bao nhiêu cũng không thấy đủ,
mong cho những sự sẻ chia của nhiều người có thể giúp bà con gượng dậy
sau lũ".
Còn theo blogger Kim thì: "Những lúc khốn khó, tình
người được thể hiện qua mỗi bức thư ngỏ, đó là trách nhiệm của cá nhân,
tập thể đối với cộng đồng. Khi người trẻ biết thể hiện trách nhiệm và
gửi tâm từ đến với những thân phận gặp tai ương, bất trắc thì khi ấy
niềm tin vào những giá trị đạo đức vẫn còn. Đó là điều đáng mừng được
tìm thấy trong những mất mát, đau thương". Lời bình ấy có lẽ cũng là
điều mà chúng tôi, những người thực hiện bài viết này tìm thấy từ những
lá thư trên mạng, trong chùa và trên các phương tiện truyền thông.
ĐĐ.Thích Phước Huệ, Chủ nhiệm CLB Hoằng Pháp Trẻ cho
hay, sau một thời gian huy động thì đến nay đã có được một số tịnh tài,
tịnh vật đủ để ngày 7-11 lên đường đi cứu trợ miền Trung. CLB Thanh niên
Phật giáo Q.5 cũng vui mừng thông báo: CLB đã kêu gọi trên facebook
cũng như trong các buổi sinh hoạt định kỳ của CLB vào ngày Chủ nhật
(31-10) được hơn 15 triệu đồng ủng hộ đồng bào vùng lũ. Những con số như
vậy chúng tôi chưa cập nhật hết, nhưng sự lan truyền của thông điệp
hiểu và thương từ nỗi khổ niềm đau của đồng bào, của con người chắc chắn
sẽ là liệu pháp xốc dậy tinh thần sẻ chia vô điều kiện nơi mỗi bạn trẻ,
Phật tử, những người có bi tâm trong thế giới ảo và thật…
Quặn lòng nghĩ về miền lũ
Lũ chồng lên lũ, và hiện tại khi bài viết này được
thực hiện thì Nam Trung Bộ cũng đang gặp lũ, cụ thể là tại Ninh Thuận,
Khánh Hòa... Những người con miền Trung đã bày tỏ lòng mình trên mạng
như những tâm tình, có những nỗi lòng đau đáu: "Nghe tiếng mưa rơi ở đất
Sài Gòn mà thắt lòng quá. Nhìn những con nước đỏ cuộn chảy ở các dòng
sông nơi khúc ruột, tôi thấy lo cho những mái nhà, những phận người.
Chết chóc, mất mát và nước mắt là những từ ngữ ám ảnh tôi và có lẽ là ám
ảnh những người con miền Trung trong những ngày qua nhiều nhất. Làm sao
không đau lòng cho được khi mà nước lên, có những ngôi nhà chỉ còn lại
cái nền, và tang tóc…", blogger Hatrang viết.
Nỗi niềm ấy có lẽ cũng là tâm sự của bạn Hoài Vũ:
"Dừng lại một chút giữa bộn bề lo toan để thấy rằng nỗi lo của mình
chẳng nhằm nhò gì so với những mất mát của bà con. Năm nào cũng như năm
nấy, miền Trung - đất mẹ cứ chực chờ hứng bão, bao nỗi truân chuyên do
nắng hạn, mưa nhiều đã làm những phận đời nơi quê mình trở nên lam lũ,
gầy nhom. Thương quá… Cầu cho những cơn lũ không khoét sâu thêm những
nỗi đau, để nụ cười em thơ được nở thật tươi (như vốn có) sau mỗi mùa
bão lũ. Cũng may là còn những tấm lòng sẻ chia từ miền Bắc, miền Nam với
đồng bào miền Trung…".
Những hình ảnh cảm động từ vùng lũ được cư dân mạng hiệp tâm chia sẻ -
Ảnh: Xóm Nhiếp Ảnh