CHƯƠNG TRÌNH PHÁP HỘI
Thứ Sáu 29 tháng 10: Lễ Địa Tạng Sám, Cầu An và Cầu Siêu
Thứ Bảy 30 tháng 10: Lớp Thiền Tổng hợp
Chủ Nhật 31 tháng 10: Lớp Thiền Tổng hợp, Lễ Quy Y
THIỀN TỔNG HỢP: THỨ BẢY 30 VÀ CHỦ NHẬT 31 THÁNG 10, NĂM 2010
Thiền là gì ?
Thiền là một khoa học tâm linh giúp ta vượt khỏi suy nghĩ, lý luận và đưa tâm ta vào trạng thái trong sáng, tỉnh thức và thư giãn sâu xa hơn.
Nhiều pháp môn và tôn giáo đã áp dụng thực tập Thiền từ ngàn xưa, nhằm tập trung tư tưởng, đạt tới tầng tâm thức cao hơn, phát triển khả năng sáng tạo và tự giác, cũng như đem lại ích lợi đơn giản như đạt được sự thư giãn và bình an tâm hồn.
Hầu hết các phép Thiền Phật Giáo phân biệt hai lối thực tập thiền: Chỉ và Quán. Thiền Chỉ là dừng lại. Thiền Quán là nhìn sâu.
Thiền Chỉ (Samatha) phát triển khả năng tập trung (Định lực) qua sự tập luyện chuyên tâm vào một đối tượng, khiến cho mọi vọng tưởng đều ngưng bặt, đạt đến trạng thái tĩnh lặng, không bị chi phối bởi bất cứ một yếu tố nào khác.
Thiền Quán hay thiền Minh Sát (Vipassana) phát triển khả năng nhận thức thực tướng của mọi vật bằng ánh sáng tuệ giác. Thiền Quán là nhìn sâu, nhìn kỹ để chứng nghiệm thực tại, thấy được thực chất của các pháp là vô thường, vô ngã, tương tức và Niết bàn. Khác với thiền chỉ, thiền quán không cần phải chọn những đề mục đặc biệt để tập trung chú tâm, mà chỉ cần nhìn, quán sát với chánh niệm để hiểu rõ sự vật như nó đang là.
Thiền Tổng Hợp (integral Meditation) là gì? Có những đặc điểm gì? Phương pháp của Thầy Hằng Trường khác nhau với các phái Thiền khác như thế nào?
Đây là một khóa Thiền đặc biệt, giới thiệu dòng Quy Ngưỡng được Thầy Hằng Trường đúc kết và soạn thảo thích hợp với mọi người và mọi trình độ.Thiền Tổng Hợp gồm có cả Chỉ lẫn Quán.
Thầy Hằng Trường đã định nghĩa Phật giáo là môn giáo dục tâm linh, cần phải thích ứng với những kỹ thuật khoa học tân tiến phải tiến hoá liên tục.
Sau khi hướng dẫn nhiều lớp thiền, Thầy Hằng Trường nhận xét rằng các thiền sinh không tiến bộ nhiều. Thầy dùng các phương thức khoa học để phân tích thì thấy nguyên nhân: KHÔNG CÓ PHUƠNG PHÁP CHÍNH XÁC ĐỂ ĐO LƯỜNG SỰ TIẾN BỘ, KHÔNG ĐẦY ĐỦ TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN THIỀN TẬP.
Phương pháp dùng điện não đồ thì quá phức tạp, thiền sinh ngần ngại không dám thử cũng như không thể thử một cách liên tục. Do đó Thầy cố gắng tìm sự liên hệ giữa "TIẾN BỘ THIỀN TẬP" và những yếu tố có thể đo lường được như "số hơi thở trong một phút", mức độ đau chân, đau lưng, thời gian thiền, v.v.. để người học có con đường đi rõ rệt.
Sau nhiều năm dạy học, Thầy Hằng Trường đúc kết kinh nghiệm, TỔNG HỢP giáo pháp của Hòa Thượng Tuyên Hoá, triết lý từ Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Lăng Nghiêm, các môn thiền tập đại thừa Đốn Giáo, đại thừa Viên Giáo, Chỉ Quán, Trực Tâm, Khoa Tâm Lý học, Triết học hiện đại và áp dụng phương pháp thống kê kiểm chứng để theo dõi tiến bộ. Thêm vào đó, Thầy phối hợp những phương pháp tập luyện thân thể như Càn Khôn Thập Linh, thư giãn khớp xương, gân, bắp thịt giúp cho việc tập luyện thiền dễ dàng hữu hiệu hơn.
Lợi điểm rất lớn của pháp Thiền Tổng Hợp là đo lường được sự tiến bộ của thiền sinh và phối hợp được mọi khía cạnh, mọi yếu tố của đời sống. Thầy Hằng Trường đã phối hợp một cách khoa học những truyền thống cũ, kiến thức mới và đúc kết thành một hệ thống huấn luyện quy mô, tuần tự có lớp lang, và có cách để đo lường trình độ cũng như các yếu điểm.
Từ đầu năm 2009 Thầy khởi sự thuyết giảng Thiền Tổng Hợp (integral Meditation) tại Orange County, mỗi tháng một kỳ, một giáo án trình độ cao hơn và một bài thực tập để theo dõi tiến bộ, tài liệu học tập kèm theo là sách giáo khoa, DVD và CD.
Chương trình Thiền Tổng Hợp 2010 ra sao?
Chương trình học về thiền căn bản năm 2010 được phân ra thành 12 kỳ học hàng tháng, với 10 bài học chính. Những bài học đó đều dựa vào nhận xét là tu thiền cũng tương tự như lái xe; cần ta phải biết khéo léo, tập luyện thường xuyên thì sẽ tiến bộ, chớ không quá khó khăn, quá khó khắc phục. Việc tập thiền sẽ nhanh có kết quả hơn khi ta có đồng bạn cùng tu, cùng xách tấn, cùng thảo luận, cùng chia sẻ những kinh nghiệm tu tập với nhau. Do đó, Thầy khuyến khích các học viên hãy tham gia vào nhóm đồng tu (4 người) để dễ dàng cho việc huấn luyện và tu tập.
Những bài học trong năm 2010 như sau:
Bài 1: Tổng quát về phương pháp luận của thiền: Tập thiền cũng như tập lái xe
Bài 2a.b.c: Nói về bản thân chiếc xe
Bài 3: Nói về điểm xuất phát và kết thúc
Bài 4a.b: Con đường và bản chỉ dẫn
Bài 5: Nói về cách lái xe
Bài 6: Nói về các exits và trạm nghỉ chân
Bài 7: Nói tiếp về các exits and trạm nghỉ chân
Bài 8: Nói về người lái và người đồng hành
Bài 9: Nói về các chặng đường, các nẻo đường khác biệt
Bài 10: Tổng kết tất cả những nghệ thuật trong một cuộc lữ trình
Trong kỳ Pháp Hội năm 2010 này, Thầy sẽ dạy phần nào của Thiền Tổng Hợp?
Trong kỳ Pháp Hội CSS East 2010 này, như thường lệ, Thầy sẽ ước định trình độ và căn cơ của đại chúng mà dạy. Nhưng Thầy có nói là sẽ hướng dẫn các pháp môn tập thư giãn, bớt căn thẵng, và cách đối trị với cơn giận, mặc cảm, vết thương trong quá khứ, vv. Đây là một phần trong những bài học từ số 1 cho đến số 4.
Thiền Tổng Hợp và Taichi Tổng Hợp (integral TaiChi) liên quan với nhau ra sao?
Thiền Tổng Hợp (integral Meditation hay là iM) và Taichi tổng hợp (integral TaiChi hay là CK10/ITC) có liên hệ hỗ tương nhau rất chặt chẽ.
Trước hết, tập CK10 sẽ giúp cơ thể dẻo dai hơn, ngồi Thiền bớt đau chân lúc đầu. Tập CK10 cũng giúp thân tâm thư giãn hơn, thư giãn là động cơ giúp khi ngồi Thiền dễ tập trung hơn. Tập CK10 cho đúng, thì phải chú ý đến hơi thở, như vậy giúp thực tập thở sâu, thở nhẹ và thở vi tế khi học thiền. Tập CK10 một thời gian, cơ thể sẽ khỏe mạnh nhờ điều hòa nội tạng; hơi thở ngày một nhẹ nhàng và sâu, phát triển sức nóng hội tụ vào “đan điền” nhanh chóng. Trong lúc tập CK10, chúng ta cũng tập làm giả chết ("làm Corpse"). Đây là một phương pháp tích trữ năng lượng, và tập Thiền Tổng Hợp sẽ chuyển hóa những năng lượng đó.
Học Thiền Tổng Hợp có khó không?
Phương pháp của Thầy Hằng Trường đã được Thầy biên soạn có lớp lang, thứ tự, học xong lớp 1 mới bắt đầu tập lớp 2, cho nên người tập không phải tập điều gì ngoài tầm tay của mình.
Người mới bắt đầu Thiền thường gặp nhiều khó khăn để có thể :
- Chế ngự được đau nhức, giữ tỉnh thức khi ngồi lâu.
- Giữ được thân bất động trong một khoảng thời gian.
- Giữ cho các cảm xúc không dấy lên quấy rầy tâm trí.
- Thấy được điểm mù của mình tạo ra do thói quen, nghiệp lực.
Các bài học về Thiền từ số một đến sáu trong trình Thiền Tổng Hợp giúp ta làm quen với các phương pháp sau :
1. Phương pháp thư giãn toàn thân; bao gồm thư giãn của từng bộ phận cơ thể tới và phương pháp thở nhẹ, tâm chỉ tập trung vào việc thư giãn.
2. Phương pháp tu ‘Chỉ’ tức là cách tập trung vào một đối tượng; cách thiền để được nhất tâm bất loạn.
3. Phương pháp tu ‘Quán’, tức là cách phát triển năng lực nhận tri tự tâm; cách thiền về nhận tri chủ thể (bản ngã, hoặc Phật tánh, hoặc chân lý) chứ không chuyên chú vào đối tượng.
4. Phương pháp thiền đối trị, tức là cách thiền để giúp ta điều hòa và đạt cân bằng về thân và tâm, về tâm lý và tâm linh, theo Ngũ Hành. Gồm có thiền Thổ, Mộc, Hỏa, Thủy và Kim.
Chương trình học Thiền Tổng Hợp mất bao lâu?
Thầy nói là mất ít nhất 3 năm thì qua được phần cơ bản, nhưng mà học trò Thầy nói là phải 4 cho tới 10 năm! :-) Dĩ nhiên tiến bộ trên con đường Thiền tập cũng tùy trình độ, căn cơ, phước duyên và sự tinh tấn của người học. Dù ngắn hay dài, học Thiền theo phương pháp của Thầy đều có kết quả và lợi ích hiển hiện, cũng như là học CK10.
Làm sao tôi biết trình độ Thiền ở chỗ nào?
Thầy có chỉ các "road sign", tức là các hiện tượng, cảnh giới và cảm nhận mà ta sẽ thấy được khi đi qua từng chặn trên con đường tu học. Đối chứng các road sign thì biết là mình đang ở mức độ nào.
Tôi chưa bao giờ biết ngồi Thiền, nhưng muốn học cho biết, thì có thể tham dự được không?
Những người chưa bao giờ ngồi Thiền, và những người đã quen ngồi Thiền lâu năm đều có thể tham dự khóa Thiền Tổng Hợp này.
Tôi chưa từng ngồi Thiền, sợ ngồi lâu đau chân thì sao?
Đây là Khóa Căn Bản nên những lần ngồi Thiền tùy sức người tham dự, và sẽ không lâu lắm. Thầy Hằng Trường sẽ hướng dẫn thực tập thể dục dưỡng sinh, và phương pháp thư giãn để không đau chân. Ngoài ra các bác có thể ngồi ghế bình thường để Thiền.
Học Thiền có nguy hiểm không? Có thể bị "tẩu hỏa nhập ma" không?
Thiền là một phương pháp tịnh tâm. Khoa học đã chứng minh Thiền có khả năng tăng sự thư giãn. Phương pháp tu Thiền của Thầy Hằng Trường đặc biệt chú ý đến phát triển lòng từ bi và khai tâm, và thực tập những xác quyết để không thể đi lạc đường. Những người đủ sức khỏe đều có thể ngồi Thiền không phải lo ngại.
Tôi có cần tham dự cả hai ngày tu học Thiền không?
Khóa Thiền sẽ liên tục, ngày thứ hai hỗ trợ cho ngày đầu, vì vậy Ban Phục Vụ khuyến khích các bác nên đi cả hai ngày để được đầy đủ lợi lạc. Tuy nhiên nếu các bác chỉ có thể đi một ngày thì vẫn hoan nghinh.
Mỗi năm Thầy qua có một lần, mở lớp 1-2 ngày, làm sao tôi có thể theo học lâu dài mà có người hướng dẫn được ?
Đây là mối ưu tư lớn của Thầy: Làm sao đem Thiền tập đến số đông đại chúng, và có hiệu quả rõ rệt. Chương trình Thiền Tổng Hợp 12 bài tập được biên soạn cho người mới tập có thể học một cách tuần tự. Nếu có thể lập nhóm từ 4 đến 5 người cùng tu, Ban Phục Vụ sẽ cung cấp DVD và tài liệu tu học. Thầy sẽ tổ chức những khóa huấn luyện để người điều hợp viên (Steward) của nhóm có phương thức giúp mọi người cùng tu. Ngoài ra mỗi 3 tháng, Thầy đều có tổ chức khóa Thiền tại Orange County và nhiều địa phương khác.
Năm 2010 là năm mà Hội Từ Bi Phụng Sự sẽ bắt đầu đẩy mạnh chương trình Thiền Tổng Hợp tại vùng này, cho nên sẻ có nhiều lớp và tổ chức nhóm tập Thiền hơn.
Tôi không phải là tín đồ Phật Giáo, có thể học phép Thiền Tổng Hợp được không?
Tinh thần của hội Từ Bi Phụng Sự tôn trọng chữ "Thoáng" và chắc chắn là không phân biệt hay kỳ thị trên căn bản tôn giáo. Rất nhiều huấn luyện viên và thiện nguyện viên của hội là tín đồ các tôn giáo khác. Các lớp bắt đầu và căn bản của Thiền Tổng Hợp thì chỉ chú trọng tới hơi thở và tập mở tâm, phát triển tình thương, cho nên không có conflict gì với những tôn giáo khác. Tuy nhiên các lớp cao hơn thì có tập niệm chú và có tập quán tưởng hình ảnh các vị Phật, cho nên nội dung có tính chất Phật giáo rõ rệt.
Nói về con đường phát triển tâm linh thì mọi tôn giáo đều đưa tới một tầng tâm thức cao hơn, và mỗi người đều đạt đến một nhận thức riêng. Cho nên có mâu thuẫn (đối lập) hay không là do cái nhìn của từng người.
Khi đi học khóa Thiền, tôi cần phải chuẩn bị những gì?
Ban Phục Vụ sẽ cung cấp 200 gối ngồi Thiền cho đại chúng. Nếu bác ngồi quen gối Thiền của mình, xin hoan hỷ mang gối đến. Xin vui lòng tắt điện thoại cầm tay trong lớp. Và xin mặc áo quần thoải mái, để ngồi và tập thể dục dưỡng sinh cho dễ thư giãn hơn.
SƠ LƯỢC VỀ ĐỊA TẠNG SÁM: THỨ SÁU 29 THÁNG 10, NĂM 2010
Thầy Hằng Trường giải thích như thế nào về Địa Tạng Sám?
Sám là bài văn của chúng sinh viết ra để dâng lên cho đức Phật, đức Bồ Tát để bày tỏ hối lỗi. Ngài Địa Tạng là vị Bồ Tát có đại nguyện giúp chúng sanh thoát khổ trong cõi địa ngục.
Để tìm hiểu thêm về Địa Tạng Sám, xin nghe bài giảng (mp3) này của Thầy Hằng Trường tại Houston vào tháng 8 vừa qua. Trong buổi lễ, Thầy Hằng Trường sẽ trả lời đầy đủ các câu hỏi và thắc mắc của các bác và các anh chị (nhất là về vấn đề Nghiệp Quả).
Địa Tạng Sám và Lương Hoàng Sám (đã được tổ chức năm 2008 và 2009 tại Virginia) do Thầy Hằng Trường hướng dẫn khác nhau như thế nào?
Sám là bài văn của chúng sinh viết ra để dâng lên cho đức Phật, đức Bồ Tát để bày tỏ hối lỗi. Về mặt nội dung, cả hai bài Sám văn đều do Thầy Hằng Trường biên soạn.
Bản soạn Lương Hoàng Sám (đã được tổ chức năm 2008 và 2009 tại Virginia) dựa theo căn bản của bài sám văn tiếng Hoa do Hòa Thượng Chí Công viết ra từ hơn ngàn năm xưa. Theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ Sáu bên Trung Quốc, sau khi bà Hy Thị, hoàng hậu vợ vua Lương Võ Đế (463-549) qua đời, nhà vua nằm mơ thấy bà hiện về hoàng cung giải thích cho Hoàng đế biết là vì bà có tánh dữ dằn và ghen tuông nên bị tái sanh thành con mãng xà. Do đó Hoàng đế thỉnh cầu Hòa thượng Chí Công, một vị cao tăng bậc nhất thời đó, cùng hơn 100 vị đại tăng thời đó, làm lễ sám để cứu bà. Lương Hoàng Sám, cũng gọi là Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp vì bài văn lễ sám vĩ đại do Hòa thượng Chí Công viết ra, gồm mười quyển. Hoàng đế sau đó đã vì bà mà thiết lập trai đàn tổ chức lễ sám hối.
Bản soạn Địa Tạng Sám thì do Thầy Hằng Trường ngồi thiền mà viết ra, dựa theo tư tưởng trong kinh Hoa Nghiêm, và dựa theo các hạnh nguyện của Đức Địa Tạng Bồ Tát. Kinh Địa Tạng chú trọng đến chữ Hiếu, nói lên ơn đức của cha mẹ, và bổn phận của con cái đối với cha mẹ. Nói rộng ra, Sám văn Địa Tạng giúp chúng ta nhìn lại các tội phước, quả báo qua bao nhiêu kiếp sống, và dựa vào oai lực độ trì, gia hộ của Đức Địa Tạng mà tu tập, hầu độ thoát cho chính mình, cho người thân cũng như tất cả chúng sinh đã quá vãng rơi vào con đường ác.
Tuy nhiên, về mặt hình thức thì cả hai buổi lễ đều có phần quỳ tụng sám (eg. đọc lời sám hối) và phần lễ lạy và hát xướng. Cho nên hình thức thì khá giống nhau.
Theo cái nhìn hiện đại, cả hai phép Sám đều là một cách thực tập đặc biệt để nhận ra và suy nghiệm những điểm mù; những tập tục thói quen xấu mà ta không nhận biết được; những mối quan hệ, những kết oán giữa những người thương thân trong gia đình và mối quan hệ kết oán xảy ra từ đâu để cởi gút ra.
Đức Địa Tạng Bồ Tát là ai ?
Nếu các bác và các anh chị muốn tìm hiểu thêm về Đức Địa Tạng Bồ Tát thì có thể đọc các bài viết sau đây:
Sự tích Đức Địa Tạng Bồ Tát (Tạp chí Từ Bi Âm)
http://www.quangduc.com/tinhdo/05diatang.html
Kinh Địa Tạng do Hòa Thượng Thích Trí Quang dịch giải
http://www.quangduc.com/kinhdien/30diatang00.html
Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện Ban Việt dịch Vạn Phật Thánh Thành
http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-58_4-1803_5-50_6-1_17-376_14-2_10-x25c4x2591x25e1x25bbx258ba+tx25e1x25bax25a1ng+sx25c3x25a1m_12-3/
Địa Tạng Sám do dịch giả Huyền Thanh
http://www.quangduc.com/tho/279diatangsam.html
Sám Hối là gì?
Sám là ăn năn các việc bất thiện đã làm, xin hứa sẽ chừa bỏ, không dám tái phạm. Hối là hối cải. Những điều bất thiện chưa làm, sau này xin thề nguyện không bao giờ làm nữa. Bao nhiêu điều thiện đều xin làm hết.
Lễ sám hối là sự tụng giới, bố tát trong tăng đoàn. Hay là sự tự nhận lỗi trước vị sư học đạo. Nhờ sự nhận lỗi trước một tập thể sẽ giúp chúng ta cảnh tỉnh và thay đổi cuộc đời một cách tích cực dẫn đến thay đổi nghiệp.
Ý niệm tha thứ là chìa khóa quan trọng nhất của sự giải thoát, và ngược lại sự giải thoát cũng chính là sự tha thứ.
Chúng sinh biết lỗi lầm là do tâm tạo, cho nên cũng phải do tâm ăn năn sám hối. Bài văn sám hối mà người Phật tử thường đọc nhất mỗi khi tác pháp sám hối:
Xưa nay đã tạo bao ác nghiệp,
Đều bởi vô thỉ tham sân si
Từ thân miệng ý mà sanh ra
Tất cả, nay con xin sám hối.
Làm thế nào để chuyển nghiệp?
Muốn chuyển thân nghiệp trước hết phải chuyển ý nghiệp bằng cách thành tâm sám hối tất cả lỗi lầm mình đã lỡ tạo trong quá khứ, và tạo công đức lành để đền bù lại những tội lỗi đó. Sám Hối để sám hối ý nghiệp của mình, làm cho hết lỗi cũ và không gây lỗi mới. Sự giữ tâm nguyện không gây lỗi mới, là điều kiện để lỗi cũ được sạch. Cùng lúc phải biết sợ hãi quả báo, hổ thẹn tội lỗi đã gây ra trong quá khứ. Và tạo công đức lành bằng cách bố thí, cúng dường, giúp đỡ người nghèo khổ, tàn tật.
Nếu sám hối đúng đắn, tội lỗi có được diệt sạch không?
Tội lỗi là do những mối tương quan sinh ra thì cũng do những mối tương quan mà tiêu diệt. Vậy duyên đầu tiên diệt tội là sám hối cho nên sám hối là xác tín tội lỗi sẽ bị quả báo, nhưng cùng lúc cũng xác tín có thể diệt được.
Lạy dùm người khác có được không?
Khi lạy dùm người khác, hãy để hết tâm trí sám hối cùng tình thương để người đó cảm thấu. Lạy Sám Hối sẽ giúp cho người đã chết được vãng sinh. Giúp cho người bệnh được giải nghiệp. Nếu muốn đổi đời, đổi nghiệp cá nhân người đó phải lạy Sám Hối.
Kết quả của việc lạy Sám Hối
Làm phát triển tánh thành-thật.
Trau-dồi đức tánh cương-quyết trong sự diệt trừ tánh xấu.
Dứt được tội sanh phước.
Mau thẳng tiến đến chỗ giải-thoát an-vui.
Trong Phật Giáo, ngoài Sám Hối còn có những hình thức sám hối tương tự không?
Trong nghi lễ Phật Giáo, có nhiều nghi lễ sám hối rất phổ thông như là Lương Hoàng Sám, Thủy Sám (từ truyền thuyết thiền sư Ngộ Đạt), Đại Bi Sám, Lục Căn Sám Văn, Pháp Hoa Tam Muội Sám Nghi, hay là Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi do vua Trần Thái Tông biên soạn, và kể là việc trì tụng một số kinh như là kinh Dược Sư, kinh Phổ Môn hay là Địa Tạng, vv...
Các vị tổ sư đã chọn lọc một số phương pháp sám hối trên cả hai phương diện sự và lý.
Về sự sám hối thì có:
-Tác pháp sám hối: Lập đàn thỉnh chư Tăng chứng minh, người sám hối trình bày lỗi lầm của mình thành khẩn ăn năn, sám hối không tái phạm nữa.
-Thủ tướng sám hối: Người sám hối đến trước bàn thờ Phật và Bồ Tát thành tâm lễ bái từ 1 ngày, 7 ngày cho đến 49 ngày, khi nào thấy được tướng hảo của Phật và Bồ tát hoặc hoa sen thì mới thôi.
-Hồng danh sám hối: Đây là pháp sám hối do Bất Động pháp sư đời Tống biên sọan lấy từ 53 danh hiệu Phật trong Kinh Ngũ Thập Tam Phật và rút 35 danh hiệu trong kinh Quán Dược vương, Dược Thượng. Đây là nghi thức sám hối phổ thông nhất được các Chùa Việt Nam thường dùng trong những ngày Sám hối.
Về lý sám hối thì có:
-Vô sanh sám hối: lý sám hối dành cho những người có căn cơ cao, cho nên ở đây chúng ta chỉ biết qua một pháp nầy với hai cách quán:
- Quán tâm vô sanh: Đây là lý được rút từ Kinh Kim Cang: "Tâm qúa khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được và tâm vị lai cũng không thể được". Dùng pháp quán để thấy rõ : "Tội từ tâm sanh cũng từ tâm mà diệt".
- Quán pháp vô sanh: Quán sát thật tướng không sanh diệt "ở thánh không tăng ở phàm không giảm"; đây chỉ cho chơn tâm, Phật tri kiến, Pháp thân ...Vì khi nhận được chơn tâm rồi thì các tướng sanh diệt không còn.
TỔ CHỨC PHÁP HỘI
Buổi lễ tổ chức tại đâu?
Buổi lễ được tổ chức từ thứ sáu, 29 tháng 10, năm 2010, 9 giờ sáng đến 7 giờ tối tại
Unitarian Church of Oakton
2709 Hunter Mill Road,
Oakton, VA 22124
Thứ Bảy 30 và Chủ Nhật 31 tháng 10, năm 2010, từ 9 giờ sáng đến 7 giờ tối, tại trường trung học:
McLean High School
1633 Davidson Road,
McLean VA 22101
Trường McLean HS cách exit Rt 123/Rt 7 trên beltway I-495 khoảng chừng hơn 1 mile. Xin xem bản đồ đường đi tại đây. Xin đậu xe, vào cổng số 9 hay 10 cho tiện đường đi. Thời điểm của buổi lễ được chọn để tránh giờ rush hour trên xa lộ cho người tham dự. Ban Phục Vụ sẽ có mặt trước 8:00AM để chuẩn bị và ở lại hơn 8:00PM để dọn dẹp. Buổi thuyết giảng ngày thứ Bảy và chủ Nhật có thể kéo dài đến 8PM.
Nghi thức lễ Địa Tạng Sám
Chương trình Địa Tạng Sám làm theo nghi thức Quán Âm Sám (như đã thực hiện ở chùa Hoa Nghiêm, 8/21/2010) hoặc như đại lễ Lương Hoàng Sám (tổ chức năm ngoái), nhưng sẽ thu ngắn lại 1 ngày, thay vì 5 ngày, và sẽ giản tiện hóa phần cúng dường phẩm vật. Đặc biệt kỳ này, BPV sẽ tạo phương tiện cho người dự lễ cúng dường phẩm vật trực tiếp (thay vì để BPV chuẩn bị trước hết). Các bác nào muốn cúng dường, xin liên lạc với BPV.
Trong buổi lễ, Thầy HT có giảng Pháp hay không? Hay là chỉ có lễ lạy thôi?
Chương trình Địa Tạng Sám có lễ lạy, có thuyết pháp, có trả lời câu hỏi, có lễ Quy Y và có nhiều sự thực tập khác. Tất cả đều nằm trong chủ đề Nghiệp và Sám Hối. Các buổi thuyết giảng sẽ tùy duyên mà xen kẽ với nghi lễ và không có chương trình giờ giấc nhất định. Buổi thuyết giảng sẽ được thâu hình vào DVD.
Chương trình sẽ rất đầy đủ và lôi cuốn. Nếu có đủ thì giờ, Ban Phục Vụ sẽ tổ chức xen kẽ những bài nói chuyện, thực tập hay giải thích thêm về Thiền Trà, Càn Khôn Thập Linh hay Dưỡng Sinh Thập Huyền, vv..
Ngoài ra còn có hướng dẫn thực tập Thiền Tổng Hợp (Integral Meditation) phối hợp với thuyết giảng về căn bản Tu Thiền lần đầu tiên được tổ chức tại vùng Washington DC.
Tôi nghe nói là sẽ lạy hàng trăm lạy mỗi ngày, sức khoẻ tôi không được tốt, làm sao tôi có thể theo kịp?
Đây là một mối quan tâm của nhiều người. Ban Phục Vụ đề nghị, các bác cố gắng lạy khi nào mệt các bác lên ghế ngồi hoặc ngồi trên tọa cụ. Theo kinh nghiệm thì hầu hết các bác, dù là lớn tuổi, cũng đều cảm thấy thích và theo được.
Ngoài ra, thầy Hằng Trường sẽ hướng dẫn phương pháp lạy phối hợp với hơi thở, có thể lạy lâu mà không thấy mệt. Tuy nhiên, Ban Phục Vụ sẽ sắp xếp ghế phía sau cho các bác lớn tuổi hay là người không khoẻ lắm có thể ngồi nghỉ ngơi bất cứ lúc nào.
Lễ cầu siêu là gì? Tôi có thể xin cúng cho người thân không?
Trong Lễ Sám Hối này, Thầy Hằng Trường sẽ hướng dẫn lễ Hồi Hướng và Cầu Siêu cho những người thân đã mất. Ban Phục Vụ sẽ sắp xếp bàn thờ vong. Các bác và các anh chị có thể ghi tên với Ban Phục Vụ để dâng sớ cầu siêu, gửi hình, và phải có mặt trong buổi lễ. Xin chú ý, hình ảnh sẽ được giữ trong digital frame chiếu lên màn ảnh ở bàn thờ vong.
Các bác có thể dùng đơn đính kèm để điền sớ xin Cầu An hay Cầu Siêu. Tên người trong sớ sẽ được chiếu lên màn ảnh trong buổi lễ. Các bác cũng có thể gởi kèm hình chụp (bằng digital camera) nếu muốn. Hình cũng sẽ được chiếu cùng với tên.
Tôi có thể xin Quy Y và Thọ 5 Giới với Thầy Hằng Trường trong dịp này được không?
Thầy Hằng Trường sẽ chủ toạ lễ Qui Y cho đại chúng trong vùng. Nếu các bác và các anh chị có ý định muốn quy y với Thầy, xin liên lạc với Ban Phục Vụ để ghi tên và biết nghi thức chuẩn bị. Ngày giờ và địa điểm sẽ được thông báo sau.
Thầy Hằng Trường giải thích và trả lời câu hỏi về ý nghĩa Lễ Qui Y một cách lý thú như sau (trên YouTube, bài giảng 6 phần):
http://youtube.com/watch?v=R_y9rVowr5o&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=p2IWbipzwVw&feature=related
http://www.youtube.com/watch?v=riZVC8hKfwI&feature=related
http://youtube.com/watch?v=c7eK4kZ3IwU&feature=related
http://youtube.com/watch?v=BoFJpuwly90&feature=related
http://youtube.com/watch?v=UalP46LeJy8&feature=related
Trong bài giảng này, theo Thầy thì Qui Y là một phương pháp tu, Thầy đề cập đến vấn đề ăn chay, làm thiện, thế nào là qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng, vv...
CHUẨN BỊ THAM DỰ PHÁP HỘI
Tôi cần làm gì để tham dự buổi lễ?
Xin vui lòng ghi tên để Ban Phục Vụ tiện việc xắp sếp. Xin đến đúng giờ. Xin vui lòng tắt điện thoại cầm tay, hay để điện thoại rung (vibrate mode). Nếu có thì in các bác mang theo gối thiền của mình để ngồi cho thoải mái. Ban Phục Vụ sẽ cung cấp nước uống và trái cây.
Tại sao tôi phải ghi tên?
Ban Phục Vụ ước mong buổi lễ thật hoàn mỹ vì đây là một cơ duyên hy hữu. Nên cần chuẩn bị rất nhiều chi tiết như là: số phẩm vật, số kinh sách, số bồ đoàn, số phần ăn, thời gian ăn, vv... Vì thế phỏng định số người tham dự từng ngày rất quan trọng để không gặp khó khăn vào giờ chót. Các bác và các anh chị có thể ghi tên cho bản thân hoặc cho nhiều người bằng cách dùng mạng, hoặc qua điện thư, hoặc gọi phone cho các chị trong ban Liên Lạc.
Tôi có cần phải mặc áo quần chi đặc biệt không?
Để cho buổi lễ thêm phần long trọng, xin các bác và các anh chị mặc y phục cho trang nghiêm. Tuy nhiên để cho việc lễ lạy dễ dàng, nên mặc y phục rộng rãi và thoải mái. Nếu có áo tràng thì rất tốt, nhưng không nhất thiết bắt buộc phải mặc áo tràng.
Vấn đề ăn trưa làm sao?
Ban Phục Vụ đề nghị tất cả người tham dự nên ăn chay trong thời gian 3 ngày của buổi lễ. Ban Phục Vụ sẽ phục vụ thức ăn chay cho tất cả những người tham dự.
Tôi muốn cúng dường lễ vật có được không?
Xin liên lạc với Ban Phục Vụ. Xin cám ơn.
Tôi không thể tham dự cả 3 ngày vì bận công việc, như vậy thì tôi có thể tham dự ít ngày hơn có được không?
Pháp Hội chia ra làm hai phần: Ngày đầu là lễ lạy Địa Tạng Sám, hai ngày sau là tập thiền Tổng Hợp. Các bác và các anh chị có thể tham dự một ngày hay nhiều hơn tuỳ theo khả năng. Tuy nhiên, xin các bác và các anh chị vui lòng ghi tên, và cho biết số ngày sẽ tham dự.
Tôi sẽ đến từ các tiểu bang khác, BPV có thể giúp tôi chuyện ăn ở được không?
Ban Phục Vụ dự tính sẽ có hàng trăm người sẽ đến dự buổi lễ này từ các tiểu bang khác, và ngay cả từ Âu Châu. BPV sẽ dành mọi sự ưu tiên và cố gắng giúp đỡ tất cả những gì có thể làm được. Xin các bác và các anh chị khi ghi tên, viết lại cho BPV vài dòng để BPV biết các bác và các anh chị cần giúp đỡ những gì. Hoặc là điện thư csseast@gmail.com. Mỗi địa phương có chi nhánh CSS như là Orange County, San Jose, San Diego, Houston, Dallas, Montreal, Paris đều có người phụ trách di chuyển địa phương. Các bác đến từ những địa điểm đó có thể liên lạc để đi chung cho dễ. Khi đến, chọn phi trường Dulles International Airport là dễ đưa đón nhất. Nếu các bác và các anh chị muốn ở chung khách sạn với người khác cho đỡ tốn kém, thì xin cho BPV biết để có thể thu xếp.
ĐÓNG GÓP
Tôi biết chi phí tổ chức buổi lễ rất cao. Như vậy nếu tôi muốn đóng góp trang trải chi phí thì phải làm thế nào?
Dù đa số các thiện nguyện viên CSS từ ngoài tiểu bang đều đã tự nguyện tự túc máy bay và ăn ở, và Ban Phục Vụ đã cố gắng tiếp kiệm tới tối đa, chi phí tổ chức buổi lễ nhiều ngày thật không phải là nhỏ. Tổng chi phí buổi lễ được ước định là lên đến gần $25,000. Chỉ riêng việc mướn chỗ và dụng cụ máy móc audio/visual đã hơn $11,000. Ban Phục Vụ rất mong mỏi sự đóng góp và giúp đỡ của tất cả các bác. Xin viết chi phiếu cho
CSS
memo: CSS East
và gởi về CSS
1208 Treasure Oak Ct
Rockville, MD 20852
Mọi đóng góp đều được trừ thuế Liên Bang. Sau mỗi công tác của CSS East được hoàn thành, báo cáo tài chánh của CSS East đều được phổ biến trên mạng.
Ngoài vấn đề tài chánh, tôi có thể giúp gì cho buổi lễ?
Ban Phục Vụ cảm kích tấm lòng của các bác. Ban Phục Vụ xin kêu gọi các bác giúp phổ biến tin tức về buổi lễ này rộng rãi đến người thân, bằng cách gởi tờ thông báo này qua điện thư hay gọi điện thoại. Nếu người thân cần phương tiện chuyên chở hay phải trông con cháu, nhờ các bác tìm cách sắp xếp giúp họ đi được ít nhất là một hai ngày. Đây là cách thiết thực nhất, và có lợi lạc cho người thân nhất.
Ngoài ra, nếu các bác có thể giúp đỡ trong việc tiếp tân, chuyên chở, dọn dẹp, hoa đèn, phẩm vật, thức ăn, vv... và các vấn đề tổ chức khác, xin các bác liên lạc điện thư csseast@gmail.com hay là viết ghi chú khi ghi danh. Xin cám ơn các bác.
Nguon: hoanghiemphapvong.org