Khi ấy, vào nửa buổi sáng, Tôn Giả A Nan Đà, Thị Giả của đức
Thế Tôn vào thành Vương Xá theo thứ lớp đi khất thực. Đang khi khất
thực, Tôn Giả thấy có hai mẹ con Bà La Môn vì gia cảnh suy sút gia tài
chánh kiệt nên phải đi ăn xin và cũng theo thứ lớp đi từng nhà xin bố
thí thức ăn. Tôn giả để ý thấy mỗi khi nhận được món ăn ngon hay trái
cây tươi người con dâng cho người mẹ, còn khi nhận được thức ăn không
ngon hay quả héo thì người con ăn. Tôn Giả A Nan Đà thấy thế lòng sinh
vui mừng và tán thán khen ngợi rằng:
- Quý hóa thay! Quý hóa thay: Thiện nam tử cúng dàng cha mẹ, người
con có hiếu với cha mẹ như thế rất là hiếm có, thực khó có người sánh
kịp.
Lúc đó, có một Phạm Chí nghe lời nói ấy, người này thuộc ngoại
đạo có tà kiến khi có cơ hội thường hay ghen tỵ hủy báng Phật Pháp Tỳ
Kheo Tăng, nên khi nghe những lời khen ngợi của Tôn Giả, người ấy liền
nói với Tôn Giả rằng:
- Thầy của anh là Cù Đàm và những người trong dòng họ Thích tự cho là
hay là giỏi, có những công đức lớn lao, chẳng qua cũng chỉ là có danh
mà không có thực (hữu danh vô thực); Thầy Cù Đàm của anh mới là người
bạc phước nếu không như vậy, tại sao người mẹ vừa mới sinh ra ông ta
được có bảy ngày thì chết để ông ta phải côi cút, như thế chẳng phải là
người bạc phúc là gì? v.v...
Tôn Giả A Nan Đà nghe mấy lời như thế, im lặng không trả lời.
Khi khất thực xong trở về chỗ Phật, sau khi lễ, Tôn Giả chắp tay bạch
Phật:
- Thưa đức Thế Tôn, trong Phật pháp có sự hiếu dưỡng cha mẹ không? Kính xin Thế Tôn cho con được biết.
Đức Phật hỏi:
- A Nan! Ai nói: khiến ông hỏi Ta điều ấy, hay ông tự đem trí lực của mình để hỏi Như Lai?
- Thưa Thế Tôn, đó là vừa rồi lúc đi khất thực ở giữa đường, con gặp ngoại đạo Tát Gia Ni Kiền Tử đem lời chê bai nhục mạ.
Rồi Tôn Giả thuật hết những gì Tát Gia Ni Kiền Tử đã nói, khi
nghe xong, đức Thế Tôn mỉm cười; từ giữa trán Ngài phóng ra hào quang
năm màu (ngũ sắc) chiếu qua vô lượng cõi Phật (vô số giải Ngân Hà) về
phương Đông tới thế giới Thắng Thượng có đức Phật hiệu Hỷ Vương tại nước
Nghiêm Tịnh. Khi ấy có vô số Bồ Tát vây quanh thấy hào quang lạ chiếu
soi đến làm cho tâm ý mọi người đều an lạc, nên đều đồng thanh bạch với
Phật Hỷ Vương:
- Kính xin đức Thế Tôn chỉ dạy vì nhân duyên gì có hào quang chiếu soi này?
Đức Hỷ Vương nói:
- Ở về phương Tây cách đây vô lượng nghìn muôn cõi Phật, có một thế
giới gọi là Sa Bà (có sách ghi là Ta Bà), có đức Phật hiệu là Thích Ca
Mâu Ni, hiện đang có vô số Bồ Tát, Nhân, Thiên Long Bát Bộ vây quanh.
Nay Phật Thích Ca muốn vì đại chúng ấy nói Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo
Ân, vì Phật Thích Ca muốn làm lợi ích chúng sinh, muốn nhổ tà nghi,
muốn cho đại chúng phát Bồ Đề tâm kiên cố, muốn tất cả chúng sinh nhớ
nghĩ trọng ân, vượt qua bể khổ, muốn tất cả chúng sanh hiếu dưỡng phụ
mẫu v.v..., nên Phật Thích Ca phóng hào quang này.
Bấy giờ một vạn (mười ngàn) Bồ Tát ở cõi Phật Hỷ Vương đứng dậy
chắp tay bạch Phật xin được qua cõi Sa Bà để cúng dường chiêm bái Phật
Thích Ca và để được nghe Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân. Phật Hỷ Vương
bảo các Bồ Tát phải sinh lòng cung kính cúng dàng, nghĩ tưởng khó gặp,
vì Phật Thích Ca đã từng ở trong vô lượng A Tăng Kỳ Kiếp làm những việc
khó làm và đã phát đại bi nguyện rằng: “Khi tôi thành Phật sẽ ở cõi nước
tệ ác, núi đồi gò đống, sành sỏi gai góc, chúng sinh ở cõi đó có đủ mọi
phiền não ngũ nghịch, thập ác, tôi sẽ tu thành Phật ở đó để làm lợi
ích, đoạn trừ phiền não cho họ, khiến tất cả chúng sanh đều được an
vui...”, lời của Phật Thích Ca là như thế, các ông tới cõi ấy cũng như ở
đây vậy.
Khi ấy một vạn Bồ Tát đem theo vô số chúng Bồ Tát quyến thuộc,
trước sau vây quanh mà đi, biến mất khỏi cõi Thắng Thượng. Khi đoàn Bồ
Tát ấy đi ngang qua các cõi Phật khác, các thế giới ấy đều rung động
(động đất) và nhạc trời vang khắp cõi ấy. Khi đoàn Bồ Tát đến chỗ Phật
Thích Ca ngự tại núi Kỳ Xà Quật, tất cả đồng loạt lễ Phật, đi nhiễu ba
vòng, rồi lui qua một phía ngồi.
Đức Thế Tôn sau khi phóng hào quang về hướng Đông, Ngài quay
hào quang qua hướng Nam qua tám mươi vạn ức cõi Phật có thế giới trang
nghiêm Quảng Đức có Phật hiệu Tu Di Tướng nơi nước Thiện Tịnh, cõi này
vô cùng đẹp đẽ v.v.....
Rồi đức Phật quay hào quang qua hướng Tây qua trăm vạn cõi Phật
nơi có thế giới đẹp đẽ Tịnh Trụ của Phật Nhật Nguyệt Đăng Quang tại
nước Diệu Hỷ, có đất bằng phẳng có bảy báu v.v...
Sau nữa đức Như Lai quay phóng hào quang qua hướng Bắc qua năm
trăm vạn ức na do tha (vô số) cõi Phật nơi có thế giới trang nghiêm Tự
Tại Xưng Vương của Phật hiệu Hồng Liên Hoa Quang nơi nước Ly Cấu. Nơi
này cũng giống như hai cõi trên, rất đẹp đẽ v.v....
Cho đến phương Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, phương
Trên (Thượng), phương Dưới (Hạ), tất cả mười phương, đức Thích Ca đều
lần lượt phóng hào quang tới các cõi Phật trang nghiêm đẹp đẽ. Cả mười
cõi đều có vô số Bồ Tát xin Phật ở cõi ấy được đi chiêm bái cúng dàng
Phật Thích Ca và đều muốn được nghe Kinh Phật Báo Ân, như thế vô lượng
Bồ Tát và quyến thuộc Bồ Tát mười phương đồng loạt trước sau chỉ trong
vòng khoảng chốc lát (một phút đồng hồ) đến cõi Sa Bà.
Khi mười phương vô lượng Bồ Tát đến vây quanh rồi, thì mặt đất
cõi Sa Bà này biến thành bằng phẳng, thanh tịnh, các chúng sinh nhận
được hào quang, được thấy Phật nên sinh tâm vui mừng, chắp tay kính lễ.
Sau khi vô lượng Chư Bồ Tát mười phương an vị đâu đó, đức Phật
thu nhiếp hào quang ấy trở lại nhiễu quanh thân Ngài bảy vòng, rồi hào
quang trở lại nơi đỉnh đầu của Ngài.
Tôn Giả A Nan vì lợi ích chúng sinh nên đứng lên lễ Phật rồi Bạch:
- Mỗi khi Phật mỉm cười là có nguyên nhân, xin Thế Tôn chỉ dạy sự mỉm cười vừa rồi để trừ mối nghi cho đại chúng.
Bấy giờ trước đức Phật tự nhiên có một hoa sen lớn bảy báu tự
đất hóa sinh ra, rồi đức Phật Thích Ca từ tòa ngồi đứng dậy đi tới bước
lên hoa sen và ngồi trên đài hoa sen ấy . Vừa ngồi xong Ngài hiện năm
thân mỗi thân một phía, rồi từ mỗi thân kết hợp bởi vô số thân nhỏ, mỗi
vô số thân nhỏ lại hợp bởi vô lượng thân nhỏ hơn nữa, mỗi vô lưọng thân
nhỏ hơn nữa lại hợp bởi vô lương thân li ti như hạt cát hạt bụi.
Sau khi hiện ra vô lượng thân như thế, đức Phật bảo đại chúng:
- Này Thiện nam tử, Như Lai khắp biết chân chính, tuyên nói lời chân
thực rằng: “Pháp (mọi sự việc) vốn không ngôn thuyết (không thể nói
được), Như Lai dùng phương tiện nhiệm mầu, dùng pháp không danh tướng mà
nói danh tướng. Như Lai khi còn ở trong đường sinh tử, ở trong tất cả
các loài chúng sanh, cũng đã chịu khổ đủ mọi thứ thân hình nhiều như cát
bụi, vì phải chịu nhiều thân như thế, cho nên tất cả chúng sinh đã từng
là cha mẹ của Như Lai, Như Lai cũng làm cha mẹ của chúng sanh. Vì cha
mẹ nên Như Lai đã làm khổ hạnh khó làm, bỏ những sự khó bỏ như tay chân,
mắt mũi, tủy não, thịt da, đầu mặt, quốc thành (đất nước thành quách),
vợ con, cho đến voi ngựa, bảy báu, kiệu cáng, xe cộ, quần áo, thức ăn,
thuốc thang, vật dụng, v.v..., cấp cho tất cả.
Như Lai siêng tu trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ
v.v..., cho đến đầy đủ vạn hạnh, thường không dừng nghỉ, tâm không mệt
mỏi hiếu dưỡng cha mẹ, biết ơn đền trả, nên mới mau thành chính quả. Bởi
chính chúng sinh là trọng ân của Như Lai nên Như Lai không thể bỏ chúng
sinh. Như Lai đem tâm đại bi để cứu độ chúng sinh trong ba cõi (Trời,
Thần, Người) mà không nghĩ đến công lao của mình. Như Lai tu học mọi
phương tiện, thường tu hành từ bi bình đẳng, không chấp không cũng chẳng
chấp có nên thấu suốt tất cả đều là huyển cho nên thấu suốt được thực
tướng của mọi pháp, nên không thoái mất đại nguyện, không bỏ chúng sinh
chìm đắm trong bể khổ.
Như Lai tùy căn cơ của chúng sinh nói pháp, trước sau có khác,
nhưng chúng sanh do bị ái dục che đậy, bị mê lầm làm chìm trong bể khổ,
vì sao? Vì bốn thứ điên đảo: Đối với thân mình là vô ngã (không có cái
ta), vô thường, khổ, bất tịnh (không sạch), chúng sinh lại cho là có cái
ta, thường, vui, sạch sẽ thơm tho. Sinh già bệnh chết, thay đổi biệt
ly, mỗi giây phút đổi khác, bị năm triền cái che đậy (Ngũ cái gồm: Tham
ái, sân giận, hôn trầm, phóng dật, nghi ngờ) làm cho chìm đắm trong bể
khổ luân hồi sinh tử như bánh xe quay không ngưng nghỉ.
Do đó, Như Lai nói ba Tạng mười hai bộ Kinh, tùy theo nông cạn
của chúng sanh, khiến cho chúng sinh có thể liễu ngộ được thực tướng của
các pháp mà chứng Niết Bàn giải thoát. Bởi thế Như Lai chiêu tập tất cả
chúng sinh hữu duyên trong mười phương hôm nay hội tụ trong đại chúng
này, diễn nói chỉ bày chỉ dẫn những lời dạy bảo muôn đời lưu truyền
khiến chúng sanh được đại an lạc, được giác ngộ giải thoát. Như Lai đã
làm vô số việc không thể nghĩ bàn như từ cõi trời Đâu Xuất thị hiện
xuống trần nơi cõi Diêm Phù Đề, nói ra vũ trụ vô biên, thế giới nhiều
hơn cát sông Hằng, nói ra nghiệp báo nhân quả, chúng sinh vô lượng
v.v...,tất cả đều là không thể nghĩ bàn.
Này A Nan! nay ông phát ra được lời hỏi ấy, thực là do lòng đại
bi thương xót chúng sanh, ông hãy nghe cho kỹ, Ta sẽ vì ông, các đại Bồ
Tát, và tất cả đại chúng, mà lược nói về nhân duyên hiếu dưỡng cha mẹ:
2)- BÁO ÂN CHA MẸ:
Về thời lâu xa, bấy giờ có một nước nọ tên là Ba Na Lại, trong
nước đó có Phật ra đời hiệu là Tỳ Bà Thi Như Lai (Cách nay 91 kiếp về
trước = khoảng 6.5 tỷ năm). Khi đức Phật ấy nhập Niết Bàn đến thời tượng
pháp, có một ông Vua tên là La Xà có rất nhiều đại thần, thống lãnh 16
nước phụ thuộc. Vua có ba người con đều làm Vua ở các nước phụ thuộc,
Đại Vương La Xà dùng luật lệ nhân đức phân minh, không làm việc gì hại
nước hại dân, nên được mưa thuận gió hòa, hoa mầu tốt tươi, nhân dân no
ấm thanh bình.
Bấy giờ, có một người đại Thần tên là La Hầu mưu phản, khởi
nghịch dấy binh giết chết Vua La Xà, sau đem quân đến đánh các nước nhỏ
giết chết người con lớn, kế đó bắt giết người con thứ hai.
Khi ấy, người con út thứ ba đang làm Vua tại một nước nhỏ, Vua
có thân hình đẹp đẽ, tính tình hiền lành phúc hậu, Vua dùng luật lệ nhân
đức phân minh, cõi nước được thịnh vượng, nhân dân an lạc, Vua sinh
được một Thái tử tên là Tu Xà Đề có thân hình đẹp đẽ, mặt mũi nhân hậu
sáng láng, tuấn tú thông minh, lúc ấy đã 17 tuổi, Vua cha mến yêu vô
cùng.
Bấy giờ Vua nằm mơ, mộng nghe có tiếng mách bảo việc Đại Thần
La Hầu làm phản giết hại Đại Vương vua cha La Xà, La Hầu đã đem quân đi
bắt giết hai người anh đang làm Vua ở hai nước kia, hiện tại La Hầu đang
trên đường tiến tới để hại Vua. Trong mộng Vua hỏi: “Ông là ai mà sao
chỉ nghe tiếng nói mà không thấy người?” thì có tiếng đáp rằng: “Tôi là
Thần coi cung điện, Vua là người nhân đức nên tôi mới báo để mà liệu bề
đối phó, nếu chậm sẽ không kịp nữa”.
Sau khi Vua tỉnh dậy tự nghĩ: “Đây là sự thực, ta nên cấp thời
lánh nạn qua nước láng giềng”. Lại tự nghĩ: “Đến nước láng giềng kia có
hai đường đi, một lối phải mất 14 ngày, một lối chỉ mất có 7 ngày, ta
nên đi một mình theo lối gần 7 ngày cho mau chóng”; nghĩ rồi, Vua ra
lệnh cho làm một cách bí mật mau chóng cho mang lương thực cho đủ Vua ăn
trong 7 ngày đến để ở một nơi ngoài thành cẩn thận.
Khi chuẩn bị xong xuôi, nhà Vua trở vào trong hậu cung gọi Thái
tử tới rồi ôm vào lòng, rồi đứng dậy, rồi ngồi xuống, có vẻ bối rối
không yên, Phu nhân thấy Vua không an như thể có điều gì lo sợ, bà liền
tới hỏi:
- Đại Vương hôm nay hình như có điều gì lo sợ nên đứng ngồi không
yên, mặt mũi bơ phờ, tựa như giặc đến, xin Đại Vương cho thần thiếp
biết.
Vua bảo:
- Tôi có việc hệ trọng, nhưng không phải là việc phu nhân có thể biết được.
Phu nhân nói:
- Thiếp cùng với Bệ hạ khác nào như hình với bóng, như chim với hai
cánh, như thân thể với chân tay, như đầu với mắt. Hôm nay có việc hệ
trọng như thế mà Bệ hạ lại không muốn cho thần thiếp được dự biết!?
Vua nói:
- Phu nhân có biết chăng? Đại Thần La Hầu làm phản đã giết hại phụ
Vương, lại đem quân đi bắt giết cả hai anh ta, nay bọn chúng đang cử
binh mã đến đây bắt giết ta, nay ta muốn trốn tránh khỏi tai họa này.
Vua nói rồi liền tức tốc nắm tay Thái tử kéo chạy đi. Phu nhân thấy thế
cũng chay theo sau.
Bấy giờ vì tâm thần hoảng hốt, vội vàng, Vua quên không lấy
thêm thực phẩm; mới đi được ba ngày đã hết thực phẩm mang theo, vì lúc
dự trù chỉ có một người ăn trong 7 ngày, lúc đó có tới ba người nên
lương thực mau hết.
Hai bên đường, cây cối trơ trụi, không một bóng người qua lại,
đường đi gập ghềnh hiểm trở, ruồi muỗi nóng nực, lúc đó Vua và Phu nhân
cất tiếng than khóc: “Thật là xót xa đau đớn, chúng ta từ khi sinh ra
cho đến ngày nay chưa bao giờ bị khổ như thế này, tại sao thế hỡi
trời?!, giờ đây đã đến lúc cùng đường, họa sắp tới nơi rồi!, biết làm
sao đây? Than khóc rồi tự đấm ngực vỗ đầu, vật mình xuống đất tự trách:
“Lũ chúng tôi kiếp trước gây nên nghiệp ác gì? Hay là đã giết cha mẹ,
chân nhân? Hay là hủy báng bậc thượng tôn thánh hiền? Hay là đã làm nghề
săn bắn chài lưới giết hại chúng sinh? Hay là giết người cướp đoạt của
cải, v.v..., làm sao phải chịu họa này? Muốn dừng nghỉ một chút lại sợ
oán gia ập tới, nếu để chúng bắt được sẽ bị chết, không còn nghi ngờ gì
nữa! Nếu tiến bước chạy trốn, lại bị đói khát bức bách, tính mạng như
chỉ treo mành!
Vua và Phu nhân suy nghĩ những nỗi khổ não, buồn rầu than khóc
đến phát xỉu ngã lăn xuống đất bất tỉnh, hồi lâu mới tỉnh lại. Vua tự
nghĩ: “Nếu không lập kế sẽ không thoát khỏi nạn này”, rồi bảo Phu nhân:
“Nếu không lập kế để sống còn thì không kịp nữa, cả ba đều chết”. Hai
người bàn một lúc rồi Vua và Phu nhân đều thỏa thuận rằng: “Vua sẽ giết
Phu nhân để lấy thịt cho Vua và Thái Tử ăn để bảo toàn tính mạng cho hai
người, xong rồi, Vua tuốt gươm để giết Phu nhân. Thái Tử Tu Xà Đề thấy
cử chỉ của Vua như vậy, vội vàng giữ tay nhà Vua lại mà hỏi: “Phụ Vương
định làm gì thế? Vua buồn rầu vừa khóc vừa nói: “Ta định giết mẹ con để
lấy thịt nuôi sống cha và con, nếu không giết mẹ con thì cả ba người đều
chết mất thôi, vì không còn cách nào khác nữa!” Thái tử nói: “Nếu cha
giết mẹ con, con thà chết đói chứ không bao giờ con ăn, vì chưa bao giờ
có người con nào ăn thịt mẹ mình. Đã chẳng dám ăn thì con cũng sẽ chết
mà thôi, vậy cha hãy giết con đi để cứu mạng cho mẹ”. Vua nghe nói vậy
thì sầu não nói rằng: “Con cũng như con mắt của ta, chưa bao giờ có ai
tự khoét mắt của mình để rồi lại tự ăn vậy, ta sẽ không bao giờ giết con
để nuôi sống tính mạng của ta cả.
Lúc ấy, Thái tử thưa với Vua và Phu nhân: “Con xin nguyện đem
thân này để cúng dàng cha mẹ, chỉ xin cha mẹ chấp thuận cho con một
điều”. Vua bảo: “Cha mẹ không làm trái ý con, con muốn điều gì cứ nói
ra”. Thái tử thưa: “Cha mẹ đừng giết con mà chỉ mỗi ngày xẻo đủ thịt
chia cho ba người ăn, hai phần dâng cha mẹ, một phần con ăn để tự nuôi
sống”.
Bấy giờ, Vua theo ý nguyện của Thái tử mà làm như vậy, nhưng
sau ba ngày thì thịt ở thân thể Thái tử đã gần hết, chỉ còn chút ít thịt
dính với xương. Vì quá kiệt sức, Thái tử ngã lăn ra đất bất tỉnh, Vua
và Phu nhân ôm con kêu khóc mà nói: “Cha mẹ thật là người vô dụng, ăn cả
thịt con, khiến con phải đau đớn đến chết đi như thế này, biết làm sao
bây giờ? Nay đường còn chưa tới, thật là khổ sở trăm bề, chắc phải bỏ
thân xác con lại đây thôi!”, hồi lâu, Thái tử tỉnh lại nói trong yếu
ớt: “Thưa cha mẹ, con dâng thịt cúng dường cha mẹ đã đi được đến đây,
tính ra chỉ còn một ngày nữa là tới nơi an toàn, mà thân con không còn
cử động được nữa, chắc con bỏ mạng tại nơi đây, con không thể theo cha
mẹ được nữa, xin cha mẹ đừng nghĩ ngợi theo thói thường tình, để rồi
chết cả ở đây! Con kính xin cha mẹ một điều không nên trái lòng con, xin
cha hãy cắt hết nốt những chỗ thịt còn lại dùng cho cha mẹ đủ sống
trong một ngày nữa mà đi đến chỗ thoát nạn.”
Bấy giờ vua cùng Phu nhân ôm Thái tử khóc nức nở không ngớt,
nhưng rồi cũng phải nghe lời con đành lòng phải cắt nốt những thịt còn
lại, rồi chia làm ba như trước, ăn rồi, nhà Vua và Phu nhân từ biệt con
trong khóc than đau khổ mà đi, trong khi Thái tử nhỏm người lên nhìn cha
mẹ xa dần cho đến khuất bóng, rồi ngã lăn ra bất tỉnh.
Các loài côn trùng ruồi nhặng kiến v.v... đến bâu lại khắp thân
thể để châm chích cắn ăn, khó chịu vô cùng, không thể nói cho xiết được.
Tỉnh lại, Thái tử thấy thế liền lập lời thệ nguyện: “Nguyện đời trước
có điều gì oán ác, từ đây sẽ trừ sạch hết, và từ nay trở đi sẽ không bao
giờ làm ác nữa. Nay tôi đem thân này để cúng dàng cha mẹ, nguyện cha mẹ
thường được mười một điều phúc đức, đó là:
01 – Khi ngủ được an vui.
02 – Khi thức được yên vui.
03 – Không thấy ác mộng.
04 – Chư vị Trời thường ủng hộ.
05 – Mọi người đều ái kính.
06 – Không gặp các tranh tụng.
07 – Không bị trộm cướp.
08 – Không bị giặc giã.
09 – Không bị mưu hại.
10 – Không bị tiêu diệt.
11 – Gặp mọi điều lành.
Và còn bao nhiêu máu thịt còn lại tôi nguyện bố thí cho ruồi
nhặng muỗi kiến và các côn trùng được no đủ, khiến đời sau tôi được
thành Phật, rồi đem thức ăn bằng giáo pháp trừ trọng bệnh sinh tử đau
khổ cho chúng sinh tất cả.”
Khi Thái tử Tu Xà Đề phát nguyện như thế rồi, mặt đất sáu lần
rung động, các loài cầm thú kêu vang chạy tứ tán, biển lớn nổi sóng dữ
dội, núi Tu Di giao động rung chuyển.
Bấy giờ Vua Trời Đạo Lợi, Thích Đề Hoàn Nhân đem chư Thiên
xuống, giả làm hùm beo sư tử chó sói, gầm rống nhảy tới chỗ Thái tử như
để bắt ăn thịt. Thái tử thấy thế mới nói: “Nếu các ngưoi muốn ăn thịt ta
thì cứ ăn, sao lại làm ta sợ hãi như vậy?” Vua Đế Thích liền biến ra
hình người và nói: “Ta không phải là thú dữ đâu, mà là Đế Thiên Thích
đến đây để thử Thái tử mà thôi, Thái tử thấy Đế Thích nói như vậy thì
vui mừng, Đế Thích hỏi Thái tử?
- Nhà ngươi bỏ được việc khó bỏ. Ngươi đem hết thịt cúng dàng cha
mẹ, có công đức như thế để nguyện sinh làm Phạm Vương, Thiên Ma Vương,
Thiên Vương, Chuyển Nhân Thánh Vương, hay Nhân Vương?
Thái tử Tu Xà Đề trả lời:
- Tôi nay chẳng nguyện làm những thứ ấy, mà chỉ muốn cầu đạo Vô
Thượng Bồ Đề để cứu độ tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ đau mà thôi.
Vua Trời nói:
- Ngươi thật là đại ngôn, đạo Vô Thượng Chính Đẳng Chánh Giác phải
chịu cần khổ rất lâu dài, rồi sau mới thành được, làm sao Ngươi có thể
chịu nổi những cần khổ ấy?
Tu Xà Đề trả lời:
- Giả thử vòng sắt nung đỏ để trên đầu, nhưng không vì thế làm cho tôi thoái đạo Vô Thượng.
Thiên Đế nói:
- Ngươi chỉ nói cho cố, nói suông, làm sao tin được?
Bấy giờ Tu Xà Đề liền lập thệ nguyện:
- Nếu tôi nói dối Thiên Đế thì thân tôi sẽ mãi mãi bị chia lìa, còn không như vậy thì sẽ bình phục lại.
Thái tử vừa thệ nguyện xong, thân thể từ từ lành lặn bình phục lại, Vua Trời thấy thế khen ngợi:
- Quý hóa thay! Ta không thể theo kịp Ngươi, Ngươi sẽ đạt đạo Vô Thượng theo ý nguyện, khi ấy nhớ độ cho ta.
Bấy giờ Vua và Phu nhân đi đến nước kia được Vua nước kia tiếp
đón ân cần và cung cấp đầy đủ các thứ cần dùng xứng ý. Rồi Vua và Phu
nhân thuật hết sự tình về việc nghịch thần gian ác, và việc chạy trốn
xảy đến việc Thái tử tình nguyện chịu cắt thịt cứu cha mẹ đến phải hy
sinh tính mạng.
Vì cảm mến đức hạnh từ hiếu ấy mà Vua nước kia khởi lòng muốn
giúp đỡ, khởi binh chính nghĩa đi đánh nghịch thần La Hầu gian ác. Thuận
đường đi cùng đại quân, Vua và Phu nhân đi ngang qua chỗ Thái tử, nơi
cha con, mẹ con từ biệt với ý nghĩ: “Con ta đã chết rồi, ta nên thu lượm
xương cốt của con đem về quê hương.” Vì lòng thương con vô bờ bến, nên
vừa đi tìm kiếm vừa kêu gào khóc than rất là thảm thiết. Nhưng bỗng xa
trông thấy con còn sống, vội chạy đến ôm con vào lòng, vừa thương vừa
mừng vừa khóc nức nở mà hỏi con rằng: “Con ơi! Con vẫn còn sống ư, làm
thế nào con qua khỏi nạn này, thật là ngoài sức tưởng tượng của cha
mẹ!?!”
Thái tử liền kể hết sự việc cho Vua và Phu nhân nghe, nghe xong,
Vua và Phu nhân hết sức vui mừng, rồi cùng nhau trở về nước, Thái tử có
phúc đức rất lớn như thế, nên chẳng bao lâu lấy lại được nước, Vua cha
bèn lập Thái tử lên làm Vua trị vì thiên hạ.
Bấy giờ đức Phật bảo Tôn giả A Nan Đà:
- A Nan nên biết, phụ Vương La Xà lúc bấy giờ, nay là cha Ta, Duyệt
Đầu Đàn phu nhân lúc ấy, nay là mẹ ta, Ma Da phu nhân, còn Thái tử Tu Xà
Đề, nay chính là Ta, Thích Ca Mâu Ni Như Lai. Lại nữa, Vua Trời Đế
Thích lúc ấy, nay là Ông Kiều Trần Như ngày nay, được Ta độ trước nhất
vậy.
LỜI BÀN:
Đọc Kinh trên, chúng ta nhận thấy:
1 – Khởi đầu của Kinh, chúng ta đã thấy đức Phật lúc đó là Thái tử Tu
Xà Đề. Người được sinh vào làm con Vua và là Thái tử, tất phải là người
đời trước đã làm được nhiều phúc đức mới được như thế.
2 – Sự báo hiếu của đức Phật đối với bậc cha mẹ thật là hiếm có trên
đời, nếu không phải lúc ấy đức Phật đang hành hạnh Bồ Tát rồi thì không
thể làm được việc chịu đựng đau đớn khủng khiếp như thế, một việc làm
chỉ có bậc Bồ Tát mới làm được mà thôi.
3 – Một điểm cần nêu ra, đó là khi cắt thịt Thái tử vẫn còn đi được,
và khi cắt hết thịt rồi mà vẫn còn sống được, nhất là sau đó tự nhiên
lành lại, đó là một điều khó tin, tại sao? Vì khi cắt thịt, máu chảy ra
hết là phải chết, thiết tưởng, trong trường hợp này chỉ có thể giải
thích bằng sự mầu nhiệm nào đó, khiến Thái tử Tu Xà Đề không bị mất máu
nhiều, đủ sức chịu đựng sự đau đớn, và sau là lành lại. Ở đây, chúng ta
lại thấy trái với khoa học, nhưng nếu chúng ta chấp nhận những gì gọi là
huyền bí mầu nhiệm do Chư Thiên làm, thì chúng ta phải chấp nhận trường
hợp này.
4 – Từ thời đức Phật Tỳ Bà Thi (91 kiếp về trước = khoảng 6.5 tỷ
năm)) đến thời đức Phật Thích Ca đã trải qua một thời gian quá lâu dài,
điều này chứng tỏ đức Phật Thích Ca đã hành đạo Bồ Tát rất lâu dài mới
đạt quả Phật.
5 – Trong bộ Tăng Nhất A Hàm, quyển 2, Phẩm Lực, từ trang 533, đức
Phật nói: “Do công đức che lọng cho Thần tự (chỗ thờ) của Bích Chi Phật
mà được lưu chuyển trong Trời Người và làm Vua hoặc Đại Phạm Thiên
Vương, hoặc Đế Thiên Thích, hoặc Chuyển Luân Thánh Vương (Đại Vương) mấy
trăm nghìn lần; chúng ta thấy công đức cúng dàng Chư Phật, Bích Chi
Phật, và A La Hán Thánh Hiền có vô lượng phúc đức vậy.