|
Ảnh: từ Internet |
Hồi nhỏ tôi xem mấy bộ phim Việt Nam nói về những cô
gái có chút nhan sắc lỡ bước giữa nhịp đời. Mỗi khi chiều buông, đêm
đến họ sống thật và ý thức sâu sắc tình cảnh éo le, bi đát của mình và
rồi họ khóc. Khi những giọt nước mắt bắt đầu lăn dài trên gò má xanh
xao là lúc nhạc phim nổi lên, câu hát buồn thương làm xót xa lòng người: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”.
Nghe sao thấy tái tê, nghe mà chỉ muốn dòng đời dừng
lại đừng đẩy đưa, dùng dằng bước chân của họ nữa. Hồi ấy tôi biết đó là
bài Một cõi đi về nhưng không biết đó là sáng tác của Trịnh
Công Sơn. Lên cấp II, tôi bắt đầu học văn nhiều hơn, học không phải vì
đam mê mà vì mình thương cô giáo dạy văn. Những bài giảng của cô luôn
lồng ghép vài ba câu nhạc Trịnh - điều ấy làm tôi thích thú và tò mò.
Dạy bài Hai cây phong (trích Người thầy đầu tiên của Aitmatov), cô bảo thầy Đuysen là một nốt nhạc thanh giữa cuộc đời còn nhiều dông bão và toan tính, là “sống trong đời sống cần có một tấm lòng... để gió cuốn đi” như Trịnh Công Sơn thường nhắc nhở.
Dạy bài Con cò của Chế Lan Viên, cô hát cho chúng tôi nghe bài Lời mẹ ru của Trịnh, êm ả, ngọt ngào và chan chứa tình thương: “Lời mẹ ru con đến những khu vườn, ru con trưa nắng …í a… Trong mộng cười ngoan, ru mộng con thơm…”. Bất giác, tôi nhận ra mẹ là người vĩ đại nhất trong tất cả những người vĩ đại.
Rồi nhìn thấy nghịch cảnh trớ trêu của Nhĩ trong Bến quê (Nguyễn Minh Châu), chợt thấy thấm thía thêm lời chiêm nghiệm của người nhạc sĩ tài hoa: “Tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cuối trời…”.
Cứ thế, chẳng biết từ khi nào tôi đinh ninh rằng: đã
là dân chuyên văn thì ít nhất phải thuộc dăm ba câu nhạc Trịnh. Và
những ai biết yêu nhạc Trịnh thì ắt hẳn phải giỏi văn. Nhưng tôi đã
sai. Người ta nghe nhạc Trịnh đơn giản chỉ vì nói đúng tâm trạng, nỗi
niềm của mình, đơn giản vì hồn mình sẽ thấy bình yên. Hồi ấy tôi vẫn
chưa biết nhạc Trịnh hay trở trăn về một cõi hư vô của kiếp người như
người ta vẫn nhận xét.
Năm lớp 10, ba cô bạn thân của tôi mất vì bệnh tim.
Nhà bạn ấy đối diện nhà tôi và theo đạo Công giáo. Đám tang của người
theo đạo có kèn saxophone chứ không kéo đàn cò, đàn nhị… Tiếng kèn nghe
da diết, không não nề và buồn khủng khiếp. Các ca khúc của Trịnh Công
Sơn lần lượt được thổi. Ừ, đúng thật, nghe nhạc Trịnh cứ có cảm giác bị
ám ảnh mãi không thôi về số kiếp con người. Lần đầu tiên trong đời tôi
biết nghe nhạc Trịnh.
Lớp 10, tôi học Chí Phèo của Nam Cao. Cái
giây phút Chí ngỡ ngàng nhận ra mình đã ở cái dốc bên kia của cuộc đời
sao tội nghiệp quá đỗi! Những giọt nước mắt thoáng rưng rưng trên khuôn
mặt không còn nguyên vẹn của Chí phải chăng là ngưỡng cửa trở về của
một con người đã vãn hồi ý thức lương tri?
Bỗng dưng mình nghĩ đến Trịnh Công Sơn cũng thảng thốt nhận ra sự chóng vánh của cuộc đời trong Cát bụi: “Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày…”. Hình như kể từ đó tôi nghe Trịnh nhiều hơn, dù cho số lần hiểu chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ở tuổi 18, tôi lớn hơn nhưng những cảm nhận về nhạc
Trịnh vẫn vẹn nguyên như thế! Có thể ai đó cho rằng nhạc Trịnh chỉ dành
cho những người đã bước qua một phần ba cuộc đời. Nhưng tôi mặc kệ.
Nhạc Trịnh vẫn có những giai điệu hồn nhiên, trong
trẻo và thiết tha với cuộc đời lắm. Vẫn có những nhắn nhủ, dặn dò để ta
biết sống tốt hơn: “Hãy yêu ngày mới dù quá mệt kiếp người, còn cuộc đời ta cứ vui…”. Và tôi biết rằng vẫn còn nhiều lắm những tấm lòng say mê nhạc Trịnh như tôi...
PHAN NGUYỄN TRÀ GIANG (ĐH Quy Nhơn)