NSND Đặng Thái Sơn
Ông đã phải bỏ ngang rất nhiều công việc để có thể về nước đồng hành cùng các thí sinh trong những ngày cuối của cuộc thi Piano quốc tế lần I. Những gì diễn ra có làm ông hài lòng?
Thực
ra, tôi chỉ theo dõi thí sinh bảng C tranh tài trong ngày cuối cùng nên
không thể đưa ra một nhận xét tổng quan về cuộc thi. Theo các giám khảo
khác, trình độ bảng A và bảng B kém hơn một chút so với bảng C. Riêng
về bảng C (độ tuổi từ 18-25), tôi đánh giá, độ chuyên nghiệp rất cao. Và
điều này làm cho tôi phấn khởi.
Tại
cuộc thi, thí sinh Việt Nam áp đảo về số lượng nhưng không giành được
một giải Nhất nào, kể cả những gương mặt đã từng đoạt các giải thưởng
cấp khu vực trước đó. Theo ông, so với các thí sinh quốc tế, chúng ta
còn thiếu gì?
Nếu nói đến sự chuyên nghiệp, thí sinh Việt Nam
và quốc tế gần như không có sự chênh lệch. Chúng ta không chạm được đến
giải Nhất là vì chuẩn bị chưa kỹ càng. Đây là sự thiệt thòi của thí
sinh Việt Nam.
Thi Piano quốc tế cũng gần giống như tham dự Thế vận hội, muốn có huy
chương nhất định phải tập luyện lâu dài, bài bản. Nhưng ở ta thì nhiều
khi, thường đến phút chót mới cuống lên chạy nước rút. Vậy thì làm sao
hoàn hảo được. Mà trong thi cử, chỉ chệnh nhau một chút thôi cũng đã đủ
để phân định ngôi thứ.
Nhiều
người cho rằng, thí sinh ta thua thiệt một phần do cơ sở vật chất chưa
được hiện đại. Không phải, điều kiện tập luyện trong nước hiện không
thua kém nước ngoài. Theo tôi, vấn đề nằm ở chương trình giảng dạy. Giáo
dục âm nhạc ở ta chịu ảnh hưởng lớn của Liên Xô (cũ). Nhưng trong thời
gian qua, trên thế giới đã xuất hiện rất nhiều luồng gió mới. Chúng ta
muốn phát triển thì phải nắm được thế giới đã phát triển đến mức độ nào,
để còn chạy đua. Thêm nữa, dạy nhạc không phải cứ một thầy, một trò là
sẽ có những nghệ sĩ lớn. Cần phải có một chương trình tổng quan, chẳng
hạn như mở workshop, trại hè âm nhạc…, những cái đó ở ta chưa hề có.
Ông
đã đóng góp nhiều công sức trong việc kéo các thí sinh quốc tế đến với
cuộc thi. Tuy nhiên, nhìn vào danh sách thí sinh quốc tế thì thấy, chủ
yếu thuộc khu vực châu Á, không có đại diện của các châu lục khác. Điều
đó chứng tỏ, chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới có thể tạo dựng được
một thương hiệu uy tín và có sức hấp dẫn riêng trong số hơn 600 cuộc thi
Piano quốc tế?
Muốn nâng cao chất lượng của cuộc thi Piano quốc tế tại Việt Nam,
nhất định phải thu hút được nhiều thí sinh giỏi đến từ nhiều châu lục.
Nhưng làm thế nào để thu hút thí sinh quốc tế tham dự một cuộc thi mới
toanh, trong khi thế giới có đến hơn 600 cuộc thi piano lớn nhỏ? Tôi
nghĩ là chúng ta nên biết, những cuộc thi uy tín thì cái gì cũng hoành
tráng, kể cả giải thưởng. Đối với các thí sinh, điều quan trọng hơn, sau
cuộc thi, họ sẽ được biểu diễn cùng với những Dàn nhạc thính phòng nào,
được ghi âm ở những hãng băng đĩa nào? Và chắc chắn, trước khi quyết
định tham dự một cuộc thi, thí sinh sẽ nhìn vào Ban giám khảo. Ngoài ra,
những cuộc thi lớn đều đài thọ vé máy bay, tiền sinh hoạt… cho thí
sinh. Mình chưa làm được như thế.
Tuy nhiên, nếu nói về thứ bậc của cuộc thi Piano quốc tế Việt Nam,
cứ yên tâm là chắc chắn, mình không thuộc top cuối. Thế giới có hơn 600
cuộc thi Piano, nhưng phân nửa không mời Dàn nhạc biểu diễn cùng thí
sinh như chúng ta đã làm được cho bảng C. Thêm nữa, bên cạnh những cuộc
thi có lịch sử lâu đời, có uy tín thì cũng có không ít những cuộc thi kỳ
cục, và thậm chí, chấm điểm không được công bằng cho lắm.
"Trong âm nhạc, phát hiện được một mầm non khả dĩ đã khó, nhưng chăm bẵm cái mầm ấy thế nào còn khó hơn"
Sau Đặng Thái Sơn, Việt Nam
đã xuất hiện không ít những “thần đồng” âm nhạc khác, nhưng hầu hết đều
vụt tắt rất nhanh. Theo ông, nên đối xử thế nào cho hợp lý với các thần
đồng âm nhạc, chẳng hạn như Nguyễn Việt Chung, cậu bé được gọi là “Đặng
Thái Sơn thứ hai”?
Không
chỉ tôi mà trên thế giới, người ta rất sợ hai tiếng “thần đồng”. Vì nó
chính là con dao hai lưỡi. Trong âm nhạc, phát hiện được một mầm non khả
dĩ đã khó, nhưng chăm bẵm cái mầm ấy thế nào còn khó hơn.
Tôi
đã chứng kiến không ít thần đồng âm nhạc trên thế giới, được tâng bốc,
được chiều chuộng, đứa trẻ tưởng mình là nhất. Và thế là chỉ vài năm
sau, thần đồng tắt ngóm. Ở Việt Nam,
tôi thấy đang xuất hiện hai thái cực đều không tốt, một là quá tự ti và
hai là quá tự tin. Có vẻ như sự quá tự tin đang lấn áp. Nhưng rất may,
Nguyễn Việt Chung, sau khi được báo chí trong nước gọi là “thần đồng”,
vẫn phát triển bình thường, tự nhiên, cả về tài năng lẫn nhân cách. Gia
đình Chung mặc dù ngoại đạo với âm nhạc, nhưng đã nuôi dưỡng “thần đồng”
của mình một cách hợp lý. Họ nhờ các chuyên gia âm nhạc, trong đó có
tôi, tư vấn, kèm cặp Chung. Tôi phải thừa nhận, bên cạnh tài năng, Chung
quả thực là một cậu bé rất ngoan.
Hương Lan (ghi)
Theo Sài Gòn Tiếp Thị