không trụ trước, chẳng nệ
không. Hễ dừng lại dù chỉ một ý niệm mảy may đều bị nghiền nát ra thành cát bụi
vùi dập dưới gót chân điên đảo của vô minh. Hễ khởi niệm thao tác dù trong sát
na vi tế đều là nhân duyên khiến cho sơn hà đại địa biến tướng muôn trùng. Như
thế, "Thế giới Thiền học" chỉ là cách nói mượn danh ngôn ước lệ để dẫn
dắt kẻ sơ cơ, như mượn ngón tay mà trỏ mặt trăng vậy.
Trong ý nghĩa đó, bài viết này chỉ xin được xem như là một
gắn gượng vụng về của một tâm thức phàm phu, mạo muội xưng tán công đức sâu dày
của bậc đại Thiền sư của Phật giáo Việt Nam.
Từ giữa thế kỷ 18 trở lại đây, tại miền Trung Việt Nam, một phái Thiền do vị Thiền sư Việt Nam khai sáng
đã phổ cập sâu rộng trong nhân gian. Vị Thiền sư ấy là Tổ sư Liễu Quán, người ở
làng Bạc Má, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (tức xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh
Phú Yên ngày nay). Tại các tỉnh miền Trung Việt Nam, phái Thiền Liễu Quán chiếm một
vị thế quan yếu và sâu đậm trong sinh hoạt của các chốn Thiền môn. Điểm đặc
biệt cần nhấn mạnh ở đây chính là bản sắc thuần túy Việt Nam của phái Thiền Liễu Quán đã được người Việt Nam
tiếp dụng một cách tích cực. Chính điều này là chứng liệu cụ thể về khả tính
khế lý, khế cơ ưu việt của phái Thiền Liễu Quán suốt hai thế kỷ qua.
Sử liệu ghi rằng vào năm 1702 ngài Liễu Quán, lúc đó còn
là một Tỳ kheo trẻ tuổi, lặn lội đường xá xa xôi từ Phú Yên ra núi Long Sơn ở
Thuận Hóa để tham học với Tổ Minh Hoằng Tử Dung. Ở đây ngài đã được Tổ Minh
Hoằng Tử Dung trao cho công án "Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ?"
(Muôn pháp trở về một, một trở về chỗ nào?). Từ đó ngài vào núi Thiên Thai chuyên
tâm tham cứu công án trên suốt 8, 9 năm ròng, nhưng vẫn chưa đạt ngộ. Một hôm
nhân đọc Truyền Đăng Lục đến câu "Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội
xứ" (Chỉ thẳng đối tượng, lấy tâm truyền tâm, người ngoài không thể liễu
đạt được chỗ này), ngài hốt nhiên đại ngộ.
Công án là một pháp môn của Thiền để kiến tánh. Công án đã
được ứng dụng phổ biến trong quá trình lịch sử Thiền Trung Hoa. Khi một hành
giả đến cầu đạo với một vị Thiền sư, vị thầy tùy theo căn cơ của môn đệ mà trao
cho một công án, có tất cả 1700 công án trong Thiền Trung Hoa. Vị môn đệ khi
được thầy trao cho công án rồi thì ngày đêm chú tâm vào việc tham cứu công án
ấy, bất luận là đang làm việc gì, tâm cũng phải không rời khỏi công án, như
bóng với hình. Một công án đúng nghĩa và có hiệu năng tuyệt đối khi nào nó là
một bí mật ngàn đời mà người tham cứu không tài nào đoán nổi mặt trái giải đáp
của nó. Nếu không như vậy, tác dụng kỳ diệu của công án đối với người tham cứu
sẽ không còn. Ví dụ, đối với công án "Vô" của Thiền sư Triệu Châu,
nếu người tham cứu biết được mặt thật của nó là gì (khi biết được mặt thật của
nó thì là đại ngộ và lúc đó không cần công án nữa) thì người ấy không tài nào
có thể vận dụng hết năng lực bình sanh để đẩy nghi tình của mình lên đến chỗ
cùng tột. Việc đẩy nghi tình lên đến chỗ cùng tột rất quan trọng và khẩn thiết
trong cách tham cứu công án, vì không có nghi tình thì không có nhất tâm, không
có nhất tâm thì không có đại ngộ.
Việc trao công án cho một hành giả Thiền là một việc vô
cùng trọng đại và việc này chỉ các bậc đạo sư đắc đạo mới có thể làm được. Vì
muốn trao công án cho một người tham cứu, vị đạo sư ấy phải biết được căn cơ
của môn đệ đến mức nào, có nghĩa là tùy theo căn tánh của mỗi người, tùy theo
trạng thái tâm linh hiện tiền trong lúc tiếp xử mà vị đạo sư trao cho công án
khác nhau. Chính vì thế, không có quy tắc nào nhất định, không có tiêu chuẩn
nào được đặt ra trước phải tuân theo trong việc trao công án cho hành giả
Thiền. Đó chính là chỗ diệu dụng bất khả tư nghì của Thiền học mà không một tâm
thức vọng động nào, không một cấp bậc thế trí biện thông nào có thể giám định
được.
Đối với sinh hoạt Thiền ở nước ta, việc trao truyền và
tham cứu công án, nếu có thì chỉ diễn ra một cách âm thầm kín đáo, ít khi được
ứng dụng trong cách dạy đạo hằng ngày giữa thầy và trò. Cho nên, tại các chốn
Thiền môn Việt Nam
không có cái không khí vừa lắng đọng tịch tĩnh, vừa nóng bỏng sôi trào của cách
thức tu tập công án. Trường hợp thầy trò của ngài Liễu Quán là một biệt lệ đáng
chú ý và nổi bậc trong sinh hoạt Thiền ở xứ ta. Có thể nói rằng Thiền sư Liễu
Quán đã làm sống dậy cái không khí tham cứu công án đầy hứng khởi của sinh hoạt
Thiền bắt nguồn từ Trung Hoa.
Nhưng khi phá tung được cái công án "Vạn pháp quy
nhất, nhất quy hà xứ?" Thiền sư Liễu Quán đã thấy được gì bên trong thế
giới bí nhiệm ngàn đời ấy? Không biết! Không ai trong chúng ta có thể đoán được
ngài đã thấy gì, mà nếu gắng gượng suy nghiệm theo quan kiến vọng động của phàm
phu thì lại càng mơ hồ xa cách với chỗ nghiệm chứng của ngài. Những gì chúng ta
có thể biết được chút ít là qua bài kệ từ biệt mà Tổ Liễu Quán đã để lại trước
khi ngài viên tịch.
"Thất thập niên dư thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn man vấn tổ tông."
Đã hơn bảy mươi năm hiện hữu trong thế giới
Không không sắc sắc tất cả đều dung thông
Ngày nay hạnh nguyện đã viên mãn nên trở về nhà cũ
Hà tất phải bận lòng hỏi đến gốc gác làm gì.
Ngộ chứng của Thiền chính là khai phát đến tận cùng biên
tế sâu nhiệm của trí tuệ Bát Nhã để mở ra diệu dụng không thể nghĩ bàn của trí
tuệ rốt ráo này trong việc quán chiếu tất cả các pháp. Qua đó, chiếu kiến được
tất cả các pháp đều gỉa hợp, không tự tánh, là Không. Không ngay trong lúc các
pháp đang hiện tiền (đương thể tức Không). Không là không có tự tánh chứ không
phải là hư vô theo nghĩa đối chiếu với cái Có thuộc vọng chấp đoạn thường của
phàm phu. Không phải tiêu diệt cái Có rồi mới được Không. Không ở ngay trong
chính cái Có. Cũng chính nhờ các pháp là Không, cho nên, các pháp mới hiện hữu.
Hiện hữu trong ý nghĩa này chính là sự hiển lộ sinh động của mối tương quan,
tương duyên, tương tức, tương nhập giữa tất cả các pháp, từ tâm đến vật. Chính
vì vậy, nói các pháp thật sinh hay thậït diệt đều không đúng. Không nói các
pháp sinh hay diệt cũng chẳng nhằm. Hễ còn bám víu vào bất cứ phạm trù nào, ý
niệm nào, tư tưởng nào, hình danh nào đều là vọng chấp, là sai lầm, là hý
luận.
Tổ Liễu Quán đã sử dụng cách dùng từ trùng lập trong câu
"Không không sắc sắc diệc dung thông" chính là một chủ ý để khai thị.
"Không không sắc sắc" nói lên ý nghĩa trùng trùng duyên khởi của lý
duyên sanh vô tánh và vô tánh duyên sanh. Mật nghiã này là nội dung cốt lỗi của
diệu lý "Duyên khởi" của Hoa Nghiêm, diệu lý "Không" của
Bát Nhã mà đại biểu là kinh Kim Cang một bộ kinh được phổ biến và trân trọng
trong Thiền tông. "Không sắc" trong quan kiến vọng chấp của chúng
sanh là hai thái cực lưỡng lập của hai thực thể như sống và chết, ban ngày và
ban đêm, có và không. "Không sắc" trong trí tuệ Bát Nhã không là hai
thực thể vì chúng chẳng có tự tánh. Khi đức Thế Tôn khai thị về diệu nghĩa của
"Không sắc," ngài chỉ sử dụng nó như phương dược để trị lành căn bệnh
biến kế chấp, sở tri chướng trong tâm thức chúng sanh. Đối với người chấp có,
ngài dạy quán các pháp đều không tự tánh. Đối với người chấp không, ngài dạy
quán các pháp do không tự tánh mà duyên hợp hiện hữu. Từ thế xả ly vọng chấp
một chiều, ngài dẫn dắt vào con đường Trung đạo để chỉ cho thấy thực tướng của
chư pháp là chơn không diệu hữu, ly tứ cú, tuyệt bách phi. Siêu việt lên trên
thế lưỡng lập tương đãi của có và không chính là nhập thể vào chân thân của
thực tại. Ở đó không có biên tế giữa năng sở, bỉ thử, có không, sinh diệt hay
đoạn thường. Ở đó là một trạng thái dung hợp kỳ diệu, là cõi dung thông vô ngại
mà Tổ gọi là "Không không sắc sắc diệc dung thông."
Thực tại từ bổn lai vẫn như vậy, không sinh không diệt,
không đoạn không thường, không đến không đi, không một không hai. Cái có sinh
diệt, có đoạn thường, có đến đi, có một hai chính là tâm thức vọng động của
chúng sanh. Còn mang thức tâm vọng động này thì ở bất cứ chỗ nào cũng khởi sinh
phiền não khổ lụy. Càng mang tâm vọng động đi tìm thực tại thì càng đi càng lạc
lối. Nếu biết dừng lại thì bến bờ chính là đây. Cho nên cái diệu dụng Thiền là
ở chỗ biết chận đứng lại sự dong ruỗi của tâm thức vọng động và đập vỡ cái khối
tri thức vọng chấp có không thường tình để chọc thủng vào biên tế sau cùng giữa
mê mà ngộ. Chỉ một cái chớp mắt, một sát na là đủ để rũ sạch mọi trần cấu và
lẫm liệt tận diện "bổn lai diện mục" của mình. Ở đó có gì lạ? Hãy
nghe Tổ nói:
"Tảo tri đăng thị hỏa, phạn thục dĩ đa thì."
Sớm biết đèn là lửa, thì cơm đã
chín tự lâu rồi.
Vì khi nhìn đèn chúng sanh chỉ thấy cây đèn mà không
thấy lửa. Thậm chí còn xách đèn đi tìm lửa khắp nơi. Thật ra chẳng ai biết lửa
là gì, chỉ nghe người ta nói lửa là thế này, là thế nọ. Rồi khởi niệm tác tưởng
cho rằng lửa là như thế này hay như thế kia. Nhưng đến khi đụng đến lửa thật sự
và có vị minh sư chỉ cho biết đèn là lửa thì mới biết rằng mình đã mộng tưởng
tự bấy lâu nay. Thì ra đèn là lửa không hai không khác, chẳng có gì lạ khi thấy
đèn và cũng chẳng có gì mới khi thấy lửa. Quán trọ cũng là quê nhà. Vậy tại sao
còn phải hỏi đi về đâu?
"Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn man vấn tổ tông."
Ngộ chứng của Thiền thì siêu thoát như thế, nhưng không
phải vì thế mà buông lung phóng túng đối với lục căn, lục trần. Không phải vì
thế mà phủ nhận pháp môn này, chê bai phương thức hành trì nọ. Cũng không phải
vì thế mà phá bỏ mọi thể thức tu tập vốn là phương tiện thiện xảo để trưởng
dưỡng đạo nghiệp thêm sâu dày. Do vậy, cho nên, trong bài kệ truyền pháp Tổ đã
dạy:
"Giới định phước huệ, thể dụng viên thông."
Tu tập cả Giới, Định và Tuệ để thể nhập vào chỗ viên thông
vô ngại của thể và dụng.
Đây là chỗ đặc thù của Thiền học của Tổ sư Liễu Quán.
Nhiều hành giả Thiền thường quan niệm rằng Thiền vượt ra ngoài tất cả mọi ràng
buộc có tính cách quy ước của giới định. Họ quên rằng Lục Tổ Huệ Năng đã thân
hành thọ nhận và hành trì giới bổn của một Tỳ Kheo Tăng theo tinh thần Luật
tạng của Tiểu thừa. Họ cũng quên rằng từ đức Thế Tôn đến các vị Thiền sư đều
không bao giờ lơ là trong việc nghiêm trì cấm giới và thực hành thiền định mỗi
ngày để thanh tịnh lục căn và siêu thoát lục trần. Hành giả Thiền lúc nào mà lại
không ở trong trạng thái tỉnh tâm an định vượt lên trên sự vướn mắc của tâm và
cảnh. Đó không phải là nghiêm cẩn hành trì giới và định thì là gì? Nói rằng đạt
đến trạng thái ngộ chứng của Thiền là siêu thoát tự tại, điều này có nghĩa là
không bị triền phược bởi bất cứ tâm cảnh nào chứ không có nghĩa là mặc ý buông
lung chạy theo trần cảnh. Siêu thoát tự tại cũng chính là thể tính tối hậu của
giới và định. Thể dụng của Giới là siêu thoát tự tại, của Định là thanh tịnh
tịch lặng, của Tuệ là linh minh chiếu kiến. Chính vì vậy, còn thấy giới luật và
thiền định là những quy ước ràng buộc thì thật sự chưa thể nhập vào chỗ viên
thông của chúng. Những hạng người này cần phải đi lại từ đầu thực hành nghiêm
cẩn những bước tu tập căn bản của giới, định và tuệ.
Thiền tự nó là một pháp môn đoạn trừ hý luận. Cho nên,
việc lý giải suông theo tính cách ước lệ của ngôn thuyết và vọng niệm đều không
có chỗ đứng trong Thiền. Liễu giải của Thiền không là chức năng của lý trí nhận
thức nhị nguyên. Liễu giải của Thiền là diệu dụng của giác ngộ, là sự chiếu
kiến tận cùng vào thực thể của con người và vạn hữu. Trong ý nghĩa này, kiến
giải của Thiền không thể tách rời sự chứng nghiệm hay công hạnh tu tập. Giải
chính là Hạnh. Cho nên Tổ Liễu Quán nói trong bài kệ truyền pháp rằng: "Hạnh
Giải tương ưng, đạt ngộ Chơn Không." Hạnh và giải xứng hợp nhau, tương tức
nhau, từ đó đạt ngộ đến Chơn Không. Chơn Không cũng chính là Chơn Như, thật
tại, Niết bàn, chơn tâm.
Tổ sư Liễu Quán ra đời và trưởng thành trong bối cảnh lịch
sử bất an và phân hóa của đất nước ta vào thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh. Cả
hai miền Nam Bắc, đều nằm dưới quyền thống ngự của hai chúa Trịnh và Nguyễn.
Mặc dầu không xưng Vương và đều nói là phù trợ nhà Hậu Lê, cả hai họ đều nắm
hết quyền chính trong tay. Các chúa Trịnh và Nguyễn đều nổ lực phát huy thanh
thế, gầy dựng cơ đồ cho riêng mình. Cho nên đã không ngần ngại tranh bá đồ
vương với nhau qua nhiều cuộc chinh chiến, khiến cho dân chúng lầm than, sơn hà
điêu đứng. Đó chính là cái cớ cho nhà Mãn Thanh đưa quân xâm lược nước ta một
lần nữa vào hậu bán thế kỷ thứ 18.
Trong bối cảnh xã hội như vậy, làm sao tránh được chuyện
nhân tâm ly tán, đạo đức suy vi, tiền đồ dân tộc đen tối. Trước vận nước điêu
linh và tâm thức con người thời đại đảo điên, Tổ sư Liễu Quán đã chọn cho ngài
một đạo lộ để vừa tự giải thoát mình, vừa giải thoát quần sanh. Đạo lộ ấy chính
là pháp môn Thiền thuần túy Việt Nam có công năng chuyển hóa tận gốc
vô minh, phiền não, bất an và tăm tối cho con người và xã hội. Cùng kỳ lý, Ngài
thật sự đã chọn đúng phương thuốc để trị căn bệnh trầm kha cho vạn dân. Chẳng
phải thế sao? Mầm móng của mọi bất an và khủng hoảng của cá nhân và xã hội
không phải từ bên ngoài mà ở ngay trong chính tâm thức đảo điên vì vô minh và
phiền não của mỗi người và của xã hội. Vô minh và phiền não ấy không thể dùng
bạo lực hay quyền uy thế tục có thể dẹp trừ được, vì bạo lực và uy quyền thế
tục lại là sản phẩm của vô minh và phiền não. Chỉ có phương pháp kiến tánh giác
ngộ bằng con đường tu tập Thiền quán hay tham cứu công án là có thể soi chiếu
và phá tung được vô minh. Một người giác ngộ là một thành trì nhỏ của vô minh
bị phá hủy, một nước giác ngộ là thành trì lớn của vô minh bị tiêu diệt. Vô
minh bị tiêu diệt đến đâu thì ánh sáng chân lý, niềm tin, an lạc, hạnh phúc,
bình đẳng, công chính có mặt ở đó.
Đây chính là lý do tại sao các chúa Nguyễn đã nhiều lần
triệu thỉnh Tổ vào cung để đàm đạo nhưng ngài nhất quyết không vào. Không vào
không phải vì sợ uy quyền thế tục, vì uy quyền thế tục chỉ là thứ giả tạo mong
manh như sương mai, như giấc mộng, mà vì không muốn làm mất thì giờ cho những
việc làm hữu ích khác đối với hàng vạn dân lành đang khốn khó, khổ đau. Suốt
mấy mươi năm còn lại của đời người, Tổ đã vân du khắp nơi từ Phú Yên ra Thuận
Hóa để hoằng hóa độ sanh. Ngài đã kiên trì và tận tụy khơi dậy từng ánh lửa
trong tâm thức con người thời đại với niềm tin sắt đá rằng chính những ánh lửa
này sẽ góp lại thành mặt trời soi sáng nhân gian.
Niềm tin của Tổ đã hiện thực, vì sau khi Ngài viên tịch,
dòng Thiền Liễu Quán của Ngài đã phổ cập khắp nơi, rồi cùng đi theo với bước
chân của dòng Thiền ấy là vô số những ánh lửa bùng lên thắp sáng cả một miền
Nam đất Việt suốt trên hai thế kỷ nay. Trong đó có biết bao người nhờ ánh sáng
này mà tái dựng lại cuộc đời hướng mục tiêu của đời người đến cứu cánh giác
ngộ!
Nguyệt
San Liên Hoa