Cách thành Đồ Bàn khoảng 8 dặm về hướng Đông Nam, đối diện núi Tình Giang độc lập. Chùa xưa nay vẫn toạ tý, ngọ hướng, Bình nhâm phân kim, kiến trúc kiểu Á đông. Chùa Quang Hoa nói theo Ngự-Tử Kim-Phê thì phải là “Quang Hoa Hộ Quốc Trường An Quan Tự”.
Chùa Quang Hoa là hậu thân của Hoa Phong Quang Tự. Hoa Phong Quang Tự
lại là hậu thân của Quang Minh Thiền Tự. Quang Minh Thiền Tự do Đức Tổ
Nguyệt Ân Thiền Sư, huý Minh Lượng (người Phúc Kiến), thế hệ thứ 36 sáng
lập. Ngài thuộc dòng phái Lâm Tế Nghĩa Huyền, chi phái ngài Tuyết Phong
Tổ Định Thiền Sư. Ngài Nguyệt Ân sang Việt Nam và sáng lập chùa Quang
Minh vào năm nào, thời đại nào, không còn tự tích để tra cứu (?). Tuy
nhiên, năm Bính Tý (1696) niên hiệu Chánh Hoà thứ 17, ngài Giám Huyền
Thiền Sư – đời thứ 36, chi phái Tổ Minh Hoằng, huý Như Diệu là vị tổ
thứ 3 của chùa Quang Minh nhằm vào thời chúa Nguyễn Phúc Chu – miếu hiệu
Đức Minh vương, ngự đề một câu đối hiện thờ tại chùa rằng: Quang Minh
Tự là một ngôi “danh lam cổ tích”. Căn cứ theo Kim Phê thì phải trên
dưới vài trăm năm người xưa mới gọi “danh lam cổ tích” ! Theo các nhà
phân tích thì Chùa Quang Minh có niên đại khai sơn trước chùa Thiên Mụ –
Huế khá xa, hay ít ra cũng khoảng 20 năm.
Theo
các tài liệu còn lại trong chùa: Khoảng đầu thế kỷ 17, ngài Giám Huyền
khai sơn chùa Dũng Tuyền núi Phương Phi - Phù Cát, nay là chùa Linh
Phong - Phù Cát. Năm Quí sửu (1733), ngài Bích Phong, huý Từ Giác trụ
trì có một Phật tử là Phó Đề Lãnh Tạo Thành Hầu, phát tâm cúng dường
toàn bộ ngân khoản để tái thiết tự viện. Ngày 27 tháng 9, niên hiệu Cảnh
Hưng thứ 5 được Ngự Tứ Kim Phê cải hiệu là “Quang Hoa Hộ Quốc Trường An
Quan Tự” cho đến ngày nay, hiện ta gọi tắc là chùa Quang Hoa. Từ năm
1800 đến 1880, thời kỳ Gia Long phục quốc, chùa cực thịnh, nhất là về
điền địa. Đương thời chùa có hơn 200 mẫu ruộng, vườn chùa rộng 15390 mét
vuông, chùa được miễn thu thuế ruộng và không sai 30 Tăng chúng. Đó là
thời kỳ cực thịnh, vàng son nhất của chùa Quang Hoa. Sau thời kỳ Gia
Long đến nay, vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, chùa ngày một dần
đi đến chỗ suy vi. Hiện vườn chùa chỉ còn 757 mét vuông và ruộng đất chỉ
còn 540 mét vuông.
Đức Tổ Nguyệt Ân Thiền Sư sáng lập chùa Quang Hoa xong, sau đó ngài ra Hội An, Quảng Nam - Đà Nẵng sáng lập chùa Vạn Đức, là một trong ba ngôi Tổ Đình tại Hội An ngày nay.
Trải
qua 11 đời kế thừa truyền đăng Tổ ấn, các lần trùng tu Tổ Đình Quang
Hoa gần nhất được chư Tôn Đức tỉnh nhà và phật tử trong vùng ghi lại như
sau:
-
Ngài Viên Nghĩa huý Trừng Thâm, thế hệ 42 (đệ tử ngài Thanh Chánh –
chùa Tịnh Lâm, Phù Cát) đã trùng tu Tổ Đình Quang Hoa tương đối khang
trang trong đời trụ trì của mình. Ngài sanh năm Giáp Thìn (1844) và viên
tịch ngày 19 tháng 6 năm Canh Tý (1960). Tháp Ngài hiện ở hướng Đông
Nam vườn chùa.
-
Đại đức Thích Bửu Thắng huý Thị Ân, thế hệ 42 (đệ tử ngài Như Quang,
hiệu Tâm Dung chùa Thiên Lộc), trong đời trú trì của Đại đức chùa gặp
phải nhiều trận thiên tai, toàn bộ chùa bị hư hoại và xuống cấp trầm
trọng. Đứng trước những khó khăn của một vùng kinh tế nông thôn hẻo
lánh, Đại Đức đành phải dùng một số ít ruộng của chùa thế chấp để có thể
tái thiết lại điện Phật làm nơi kinh kệ cho đồng bào phật tử trong
vùng. Đại đức viên tịch ngày 24 tháng 4 năm Tân Tỵ (2001).
Đương
kim trụ trì là Đại Đức Thích Vạn Phước – đệ tử cố Thượng toạ Thích Đồng
Hạnh (Tổ đình Hưng Long) – kế thừa Phật sự (kể từ ngày 24 tháng 4 năm
Quí Mùi-2003).
Đến
thăm chùa Quang Hoa, hiện tại các phòng ốc, tường rào của chùa bị hư
hoại khá nặng, khả năng tài chánh cho việc trùng tu chỉ là con số
“không” (0), trong
khi nguồn thu nhập chính của cư dân trong vùng chỉ trông vào mảnh ruộng
những lúc không bị thiên tai - mất mùa... Đứng trước những suy tàn của
một ngôi cổ tự trong tỉnh nhà, đọc lại những trang sử vàng son một thời,
sao khỏi chạnh lòng!!! Chúng tôi tự hỏi thầm với lòng rằng: “Bao giờ
một ngôi chùa Quang Hoa khang trang được “đứng dậy từ những đổ nát, điêu
tàn”, dù là chỉ trong khiêm tốn, để bà con trong vùng có thể hôm sớm
được về với lời Kinh tiếng Kệ? Bao giờ tiếng chuông chùa Quang Hoa ngân
nga trở lại trong sương mai đưa bà con cư dân trong vùng ra đồng bắt đầu
một ngày đồng án; lại vọng ngân những cung điệu vỗ về, thức tỉnh nhân
tâm những lúc chiều về?”. Dẫu biết tất cả đều vô thường, ngôi chùa cũng
phải biến thiên theo những thăng trầm của vận mệnh, nhưng chúng tôi vẫn
tin rằng Phật pháp mầu nhiệm, chùa Quang Hoa sẽ được phục hoạt trong một
tương lai không xa, cái tên “Quang Hoa Hộ Quốc Trường An Quan Tự” không còn bị chìm vào quên lãng!
Mỗi một viên gạch đóng góp của phật tử mười phương vô cùng ý nghĩa vào những lúc như thế này!
Tổ Đình Phổ Bảo – Bình Định, tháng 01 năm 2004
THÍCH GIÁC THIỆN