Thầy đã rưng rưng nước mắt. Quá đỗi ngạc nhiên tôi tự hỏi: “Sao thầy lại khóc ? Bảy mươi tuổi đời vẫn còn mẹ, bảy mươi năm mặt trời yêu thương vẫn chưa khuất núi và đại dương từ ái vẫn mênh mang đôi bờ, thầy còn diễm phúc hơn cả Thượng đế nữa mà ! ( vì Thượng đế là đấng tự sinh, nên không có mẹ ) vậy thì Thầy còn đòi hỏi gì hơn”.
Tối hôm đó huynh đệ chúng tôi vào phòng vấn an sức khoẻ Thầy, và rụt rè lựa những lời lẽ thật tế nhị thưa Thầy về những giọt nước mắt ban sáng của Thầy (theo chúng tôi suy đoán chừng như đó là những giọt nước mắt của sự xót xa, ray rứt chứ không phải là những giọt nước mắt mừng vui như tôn giả Tu Bồ Đề ngày xưa khi nghe Phật giảng và hiểu được nghĩa thú của kinh Kim Cang). Bất chợt chúng tôi thấy Thầy nhay nháy đôi mắt, và những giọt lệ ứa lăn ra. Chúng tôi thật bối rối và cảm thấy có lỗi vì đã vô tình gợi lên nỗi buồn của Thầy. Thầy lặng lẽ trầm tư nói: “Thầy đang mệt, các con để Thầy nghỉ. Hôm nào Thầy sẽ kể cho các con nghe một câu chuyện”. Tôi nhìn lên tủ kinh nhỏ của Thầy, thấy đoá hoa hồng ban sáng được cắm trang trọng vào lọ hoa nhỏ, có cả một nén nhang trầm cắm chung trong lọ nữa, đang cháy dở khói thơm thoang thoảng. Tôi đã hiểu được vì sao Thầy lại tôn kính đoá hồng như vậy. Những hình ảnh liên quan đến tình mẹ của Thầy, chợt trở về trong tôi.
ảnh: HT.Thích Từ Hương
Năm đó tôi cùng Thầy về quê giỗ thân phụ của Thầy và thăm cụ bà. Bà đã già lắm rồi, trên chín mươi tuổi. Mắt không còn thấy, còn tai thì nghễnh ngãng nhiều và rất lú lẫn có khi không nhận ra được Thầy nữa. Bà sống trong một ngôi chùa làng cùng với vị Sư Ông chừng 70 tuổi (Sư Ông là bạn của Thầy từ ngày còn thơ ấu ). Chùa không có điệu chúng chỉ có một bà già trên 60 mươi tuổi giúp việc, đó là dì Hai. Ba người cùng xếp vào tuổi xưa nay hiếm, nương tựa vào nhau. Thầy cung cấp thực phẩm, thuốc men… cho cả ba. Mỗi năm Thầy về thăm bà năm ba bận, ở lại vài hôm rồi lại ra đi. Thời gian về sau này bà đại tiểu tiện và nằm luôn một chỗ. Dì Hai giúp bà khâu vệ sinh và chăm sóc chuyện ăn uống tắm rửa. Xuất phát từ tình cảm đó, thầy coi dì Hai như là “Pháp muội” của mình, hết lòng giúp đỡ mọi mặt cho dì.
Sáng hôm đó, tôi cùng Thầy thưa bà về lại Pleiku,
Thầy nói:
- Thưa mẹ con đi!
Bỗng dưng bà nghe được và nhận ra tiếng Thầy.
- Thầy Bảy đó hả ? (Thầy thứ bảy và cũng là người con còn sót lại của gia đình, anh em đều mất hết). Sao nghe nói con lên trển rồi mà, chẳng lẽ bỏ mẹ mà đi hay sao ? Bàn tay con đâu đưa mẹ cầm một chút. Thầy lặng lẽ đưa tay cho bà nắm, bàn tay người mẹ có những đường gân xanh xao nổi lên như những con đỉa, khô gầy mỏng manh nắm lấy bàn tay người con chỉ còn da bọc xương, khô đét gầy gò như bàn tay pho tượng Tuyết Sơn chùa Tây Phương, mân mê vuốt vuốt. Trong hố mắt sâu thẳm của hai người, giọt yêu thương nghèn nghẹn ứa ra. Bà chép miệng :
- Tội con tôi quá, sao ốm quá vậy con? Ở lại với mẹ vài bữa nữa nghe con ( Ngay lúc đó bài kệ nhỏ trong kinh Phật lại trở về trong tôi ).
“Mẹ già hơn trăm tuổi,
Còn thương con tám mươi.
Ân ái có đoạn chăng,
Chỉ hơi thở cuối cùng”
Thầy trả lời với bà rằng Thầy sẽ ở lại. Nói thì nói vậy, nhưng rồi Thầy cũng phải ra đi vì bao nhiêu Phật sự đa đoan, bộn bề cần phải có mặt Thầy. Một đời tu học của Thầy không hề biết riêng tư. Sống trong lòng giáo hội phục vụ chưa từng mệt mỏi, chùa chiền cũng của giáo hội. Trụ trì là làm dâu trăm họ, mà nhất là chùa hội nữa, sự xung đột va chạm rất dễ xảy ra. Thầy không muốn đem mẹ về ở gần, bởi vì bà cụ rất khó tính sợ phiền bổn đạo, vả lại điệu chúng đông đảo e chúng ở không được, vì hầu hết các bà mẹ của quý Thầy đều ỷ lại mình là mẹ Thầy trụ trì nên phần đông đều cay nghiệt với chúng điệu, chúng không thể nào ở nổi.
Nhiều lần chúng tôi thưa với Thầy là mời bà lên ở với Thầy, với chúng tôi để tiện chăm sóc hầu hạ bà! Song Thầy đã không bằng lòng.
Thể theo lời hứa hôm trước, một hôm sau thời kinh tịnh độ, Thầy gọi chúng tôi vào phương trượng kể cho nghe một câu chuyện. Ngồi kiết già trên bồ đoàn lưng vẫn còn thẳng, đôi mắt thoáng xa xăm Thầy đưa chúng tôi về gặp lại chân dung của Sư Tổ.
Câu chuyện mà Thầy sẽ kể cho các con nghe là do Sư Thúc kể lại, Sư Tổ lúc sinh tiền là một người con chí hiếu. Tuy nhiên không vì chữ hiếu mà làm gián đoạn sự nghiệp tiếp tăng độ chúng. Trên bước đường du hoá Thiền sư Hoằng Thâm người Khánh Hoà có ghé lại Hội An thuyết pháp. Cảm kích trước dung mạo và đức độ của Thiền sư Hoằng Thâm, Tổ xin mẹ đi xuất gia, lúc bấy giờ Tổ 16 tuổi. Gia đình chỉ còn có mẹ và anh trai, sau đó Tổ được Thiền sư Hoằng Thâm đem về Tổ Đình LS ở Khánh Hoà dạy dỗ, năm tháng qua đạo phong của Tổ mỗi ngày một lẫy lừng. Sau khi Tổ đi xuất gia, được một năm thì quê nhà can qua binh lửa. Tổ không hay tin gì về mẹ và anh trai nữa, cậy người về quê thăm hỏi, được hàng xóm cho biết anh trai đã mất, còn mẹ thì mất tích hay lưu lạc phương trời nào không rõ.
Ba mươi năm sau.
Tổ trở thành một cao tăng rường cột trong đạo pháp, vân du hoá đạo khắp nơi, đến đâu Tổ cũng dò la tin tức về mẹ. Khi tuổi cao sức yếu , không đi hoằng hóa đây đó được nữa, Tổ được mời về Trụ Trì một ngôi Tổ đình ở Bình Định. Tăng chúng tìm đến tu học rất đông.
Một sớm mùa thu có một bà lão khoảng gần bảy mươi tuổi, màu da xạm nắng phong trần rách rưới, đến chùa xin Tổ cho ở nhờ để làm công quả, ăn mày lộc Phật. Gạn hỏi căn nguyên, thì ra là mẫu thân của Người . Ở đời có những chuyện thật kỳ lạ, khi cố tìm thì không gặp mà bất ngờ thì hội ngộ, đoàn viên. Tổ vô cùng sung sướng khi được găp mẹ trong tình huống thật bất ngờ này. Song Tổ cố trấn tỉnh và tảng lờ như không có vấn đề gì xảy ra. Vài hôm sau Tổ họp chúng thông báo với chúng là bà cụ không nơi nương tựa. Xin đại chúng thương tình để cho bà cụ ở với, phụ giúp được chút gì thì giúp, đại chúng nhờ vả sai biểu được điều gì thì cứ nhờ. Từ đó bà ở bên cạnh Tổ, sáng chiều quét lá, nhặt rau, nhóm bếp… giúp đỡ chúng tăng. Nhờ được cứ nhờ, nhiều điệu còn sai biểu bà đủ thứ chuyện linh tinh vặt vãnh hết. Tổ cảm thấy xót xa nhưng vẫn làm ngơ, thỉnh thoảng muốn cho tiền bà nhưng Tổ không đưa trực tiếp. Buổi sáng trước khi bà quét lá sân chùa, Tổ bèn bỏ tiền nơi cây me, cây bồ đề, cây sứ… Khi quét dọn lượm được tiền bà đem vô đưa lại cho Tổ. Tổ nói : “Tiền ai đánh rơi không biết , bà lượm được cứ mua trầu ăn đi, hoặc xài cái gì cứ xài , nếu biết ai đánh rơi, tôi trả lại cho họ, bà đừng bận tâm”. Mỗi lần như vậy bà vui mừng lắm! Tâm lý chung, tiền nhặt được khi có người đánh rơi, thích hơn là đưa tay nhận của người khác cho, dễ làm chúng ta tủi thân hoặc phải mang ân huệ. Có lẽ Tổ đã nghĩ như vậy.
Tổ luôn luôn âm thầm theo dõi mọi sinh hoạt của bà, khi đau yếu trở trời, tìm cách nhờ vả khéo léo để cho các điệu giúp đỡ săn sóc bà. Năm tháng cuối đời bà bệnh nặng, Tổ hết lòng thuốc men chạy chữa. Hôm bà bệnh trầm trọng nhất Tổ hỏi: “Trước khi về cõi Phật bà có điều gì muốn trăn trối lại không? “ Bà nhìn chăm chăm vào mặt Tổ, trong tiềm thức hư ảo xa xôi, bà thấy Tổ sao mà giống con bà ngày xưa quá! Đứa con của mùa loạn lạc, mấy mươi năm qua bà chưa một lần gặp mặt. Giá mà con còn thì chắc cũng già như Tổ rồi. Bà cầm tay Tổ mân mê nói: “Tôi cũng có một người con trai đi tu từ hồi còn nhỏ, chiến tranh loạn lạc mấy mươi năm rồi không rõ tung tích, không biết còn hay mất. Ước gì trước giờ nhắm mắt được nhìn thấy mặt và cầm tay con lần cuối". Nghe những lời ao ước thiết tha của bà, Tổ không cầm được nước mắt, gục vào lòng bà thổn thức: “Mẹ ơi ! Con là con của mẹ đây “Đoạn Tổ kể lại đầu đuôi câu chuyện vì sao đến giờ phút này mới nhận mẹ. Nhìn Tổ chăm chăm, dòng suối yêu thương chợt ngời lên nơi hố mắt mông lung sâu thẳm của bà, đôi môi khô héo tái xám rạn vết chân chim của bà hồng hồng lên đôi chút, thoáng mỉm cười mãn nguyện và bà đã ra đi trên tay Tổ như vậy.
Khi rõ được câu chuyện, chúng tăng buồn thương khóc lóc, ân hận và tỏ ý trách Tổ. Rằng sao không cho chúng biết sớm, để nhiều người đối xử tệ bạc với bà. Tổ nói: ” Tôi không muốn nói ra sự thật vì sợ bà ỷ lại, còn các ông sẽ vì tôi mà chìu bà để rồi gây ra những nội kết không hay, và có khi không chịu nổi tính khí bà bỏ chùa ra đi nữa“. Thầy chấm dứt câu chuyện về Sư Tổ như thế, trong tiếng mưa đêm sùi sụt của trời tháng Bảy cao nguyên.