1. Ngày ấy, ba tôi là một chiến sĩ vệ quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng như những chiến sĩ vệ quốc khác, ba tôi đã anh dũng hy sinh vì nghĩa lớn, góp phần giải phóng đất nước, giành độc lập cho dân tộc.
Ba tôi hy sinh, đã để lại mẹ con tôi với sự son trẻ, bơ vơ giữa “chợ đời”! Mẹ tôi, một phụ nữ chân quê nhưng không kém phần duyên dáng, sắc sảo và là người đẹp người, đẹp nết, lại đang độ tuổi xuân thì đã sớm mất chồng.
Ảnh minh họa
Có lẽ vì đó mà các cậu và dì tôi đã không đành lòng nhìn mẹ như thế và đã tìm mọi cách thuyết phục, thậm chí là tạo áp lực để mẹ đi thêm bước nữa. Nhưng trong sâu thẳm lòng mẹ muốn dành tất cả tình thương yêu, sự đùm bọc chở che cho đứa con bé nhỏ của mình, đã sớm mất đi tình thương yêu của người cha. Song, cuối cùng mẹ tôi cũng không tránh khỏi đi vào cửa “hẹp” đã an bài.
2. Đời mẹ sang trang, với những tháng ngày vất vả, nghèo khó và túng quẫn… Ngày ngày, mẹ phải thức khuya dậy sớm tất bật với công việc, từ sáng tinh mơ đến tối mịt! Mẹ phải oằn lưng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để kiếm cái ăn, cái mặc cho gia đình mới của mẹ. Vậy mà, cái đói, cái nghèo vẫn quấn chặt lấy đời mẹ. Cơm không có ăn, quanh năm chỉ là khoai với sắn và chính những củ khoai củ sắn đó lại cõng những hạt cơm ít ỏi! Thức ăn là rau lang, rau chuối có sẵn trong vườn nhà. Cứ như thế, quanh năm suốt tháng, mẹ không hề biết đến một miếng ăn ngon, một chén cơm trắng.
Cái ăn đã thế, cái mặc thì cứ mãi dày thêm những miếng vá chằng vá đụp, như những “bức tranh” tối hình lập thể được treo lơ lửng trên tấm thân gầy guộc của mẹ. Mỗi khi đông giá tràn về và tháng hạ chang chang gió Lào khô khốc thổi qua quê mẹ, thì tấm thân ốm o gầy còm của mẹ lại càng thêm tả tơi! Thương mẹ nghèo khó lại quá ư nghiệt ngã, nhưng tôi chỉ là một đứa trẻ còn ấu thơ vụng dại không thể làm gì để có thể giúp mẹ được…
Thế rồi vào một sáng tinh sương, tôi bàng hoàng đón nhận hung tin mẹ hiền đã đi xa, đi về nơi thế giới sắc không. Tôi chết lặng cả người! Vậy là từ nay tôi không còn được nhìn thấy mẹ nữa! Tôi từ một đứa trẻ mồ côi cha, nay lại thêm mồ côi mẹ.
Cũng từ đây, đứa trẻ thơ dại, mồ côi “toàn phần” là tôi trĩu nặng sự hụt hẫng, cảm giác mất mát lớn lao trùm khắp. Và cũng lúc này, ý thức của tôi như được khai mở, như có một động lực trợ duyên từ cuộc ra đi của mẹ, thổi vào tâm hồn tôi, hối thúc tôi có một lựa chọn sáng suốt và một ý chí kiên định cho mình. Đó là quyết định rời xa vòng tay che chở, đùm bọc, yêu thương của bà nội, rời xa làng quê Mỹ Lộc (Triệu Phong, Quảng Trị) yêu dấu, nhờ cha dượng đưa lên chùa Tỉnh hội bạch Hòa thượng trụ trì Thích Hưng Dụng xin cho tôi được hành điệu!
3. Tôi còn nhớ như in, đôi mắt từ ái, nụ cười rạng rỡ bao dung khi tôi được đảnh lễ Ngài. Những lời lẽ từ tốn, nhỏ nhẹ nhưng thẳng thắn của Hòa thượng dạy: “Đi tu khổ lắm nghe con, nào là ăn uống kham khổ, ngủ nghỉ phải đúng giờ, phải biết gánh nước, tưới cây, quét dọn, đi chợ, nấu ăn…”. Tôi lặng lẽ cúi đầu xin hứa sẽ làm được tất cả mọi việc.
Quả đúng theo lời dạy, lịch thời gian của nhà chùa quy định 4g30 sáng thức dậy, thỉnh chuông đến 5g, công phu sáng đến 6g thì chấp tác quét dọn, gánh nước đổ vào bể chứa để dùng và tưới cây kiểng… Đến 7g30 điểm tâm sáng, khoảng 8g đến 10g30 học nội điển (chú Đại Bi, kinh Lăng Nghiêm...), sau đó phụ dì vãi làm bếp núc lo bữa cơm trưa. Sau 12g, nghỉ trưa khoảng tiếng rưỡi đồng hồ, thức dậy tiếp tục việc học kinh và thực hiện một số việc tương tự như buổi sáng cho đến 22g đêm đi ngủ.
Một quy trình thời gian khép kín ngày qua ngày như vậy đó, và tôi vẫn luôn thấy niềm an vui, thanh thản hiện hữu trong tâm hồn mình.
Vài năm sau (khoảng năm 1964) có lẽ tôi được duyên lành, thấy tôi siêng năng, chăm chỉ và luôn hoàn tất công việc trong chùa, nên quý Hòa thượng trụ trì, Chánh đại diện đồng thuận gửi tôi vào Phật học viện Báo Quốc (Huế).
Ở đấy, tôi được học nội điển kinh, luật… và ngoại điển song song, nhất là được làm quen với nếp tu tập trang nghiêm, oai nghi giới luật một cách khá khắt khe theo pháp quy của tu viện, trong đại chúng khoảng 40 vị, từ Hòa thượng trị sự đến thầy quản chúng cùng các vị Tỳ kheo, Sa di và anh em khu ô Sa di như chúng tôi. Tất cả đều sống chan hòa, thân ái, không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào. Đúng là đời sống lục hòa!
Tuy vậy, với thầy quản chúng thì số anh em khu ô Sa di như chúng tôi “rất sợ hãi” vì thầy lúc ẩn lúc hiện, nhất là trước giờ đi ngủ thầy thường đi kiểm chúng, xem chúng tôi đã ngủ hay đang “quậy”, nếu thấy giường của điệu nào bỏ trống, hôm sau sẽ bị thầy nêu tên đưa ra trước đại chúng sau bữa cơm sáng để người phạm lỗi tác bạch sám hối; nhẹ thì được quỳ hương, nặng hơn thì phải chịu quỳ hương và bị phạt đòn roi...
4. Sau những ngày xuân Mậu Thân (1968), cố đô Huế qua cơn binh lửa của cuộc chiến tranh vệ quốc. Tôi được chuyển vào Phật học viện Hải Đức (Nha Trang) ở đây một thời gian. Tôi lại rời thành phố biển lên lưu cư phố núi, ở chùa Linh Sơn (Đà Lạt) để tiếp tục việc học ngoại điển. Cũng từ đây tôi được chư tôn đức giáo phẩm lần lượt cho đi thọ giới Sa di, Tỳ kheo, có thể nói đây là dấu ấn đậm nét khó quên của đời tôi, mà bản thân tôi được duyên lành thọ lãnh giáo pháp Như Lai.
Đây cũng nói lên ý nghĩa, thành quả một quá trình hành điệu, tu học, trong bước đi chánh niệm của tôi.
Đến đầu năm 1973, tôi giã từ phố núi ngàn hoa để xuống đồng bằng “hành phươngNam”. Sài Gòn là nơi tôi dừng chân (ở Trung tâm Quảng Đức, 294 Công Lý cũ) để tham gia một số công việc Phật sự của Giáo hội. Đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất, tôi đã hoàn tục với nhiều lý do khác nhau.
*
Với tuổi non tơ của tôi, nhưng không đồng nghĩa với trái tim mang sự yếu đuối, mà ngược lại tôi có cảm giác mình đã đứng dậy với những bước đi hòa nhập vững vàng cho một nền tảng đức tin, một đời sống đạo hạnh, tinh tu, thuần khiết, tạo nên một nhân cách sống có ý nghĩa lan tỏa tốt đẹp trong xã hội, trong cõi nhân sinh… Hẳn nhiên, đức tin Tam bảo, sự giáo dưỡng của thầy, tổ, của đại chúng mang ý nghĩa quyết định trong quãng đời hành điệu của tôi!
Có thể nói, Báo Quốc - Huế là chiếc nôi đào tạo nhiều thế hệ Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam, nơi nuôi dạy tôi khôn lớn thành người. Còn đó, nguyên giá trị tâm linh sâu sắc, tốt đẹp nhất, cho tôi sống không thẹn mãi đến hôm nay.
Không những thế, những giá trị ấy còn nguyên vẹn trong trái tim tỉnh thức, hòa cùng nhịp đập cho đến ngàn sau, lòng dặn lòng luôn hướng tới sự tín tâm tôn kính, tri ân thầy, tổ, ân sư… như một cách được “trả nợ” với duyên lành của đời mình!
Thanh Phương
Cùng quý độc giả:
Chuyện những Thiên thần quét lá là tiểu mục trên trang PG&TT, bắt đầu khởi đăng từ số báo 583. Đây là chuyên mục dành cho những cây bút chuyên và không chuyên, viết về các chú tiểu, sa di (sa di ni) đã, đang trải qua đời sống tu tập nơi cửa chùa.
Đó cũng có thể là lời kể của những người trong cuộc chia sẻ về những kỷ niệm tu tập của mình với những niềm vui, những kỷ niệm, kinh nghiệm thực tập để vượt qua chướng ngại, giữ vững sơ tâm.
Bài viết không quá 1.200 chữ, gửi về Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM) bằng thư tay hoặc qua địa chỉ e-mail: phatgiaovatuoitre@gmail.com. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút, và cứ sau 3 tháng BBT sẽ chọn ra một bài hay, ấn tượng nhất để trao thưởng, giải thưởng gồm 500.000 đồng và quà tặng sách trị giá 500.000 đồng. Mong nhận được sự hưởng ứng của quý độc giả Báo Giác Ngộ. Giác Ngộ |