“Bệnh văn phòng” căn bệnh thời đại
Những người buôn bán nhỏ, chạy xe ôm, công nhân xây dựng, v.v…, có
lẽ, thường vẫn nhìn những người làm việc trong văn phòng bằng những cặp
mắt thèm thuồng, xen lẫn chút ganh tỵ.
Văn phòng, đó là nơi làm việc mát mẻ trong bầu không khí điều hòa bằng máy, không nắng, không mưa…
Họ có biết đâu làm việc văn phòng là môi trường dễ phát sinh nhiều loại bệnh!
Có thể đó là những bệnh đường hô hấp, vì phải liên tục hít mùi tỏa ra từ máy photocopy, máy in…
Có thể đó là những bệnh về mắt vì phải làm việc liên tục, kéo dài bên màn hình máy tính chớp nháy.
Nhưng, đáng nói hơn hết là các bệnh tâm thần, như trầm cảm và stress,
gây ra bởi áp lực tâm lý tạo nên từ môi trường làm việc văn phòng.
Công việc gò bó trong một không gian đóng hộp tù túng, những người
làm việc ngồi đối mặt nhau, hay cứ phải không rời mắt khỏi màn hình vi
tính, hoặc trước mặt luôn là hàng chồng hồ sơ nặng nề phải giải quyết…,
tất cả tạo nên áp lực tâm lý đè nặng lên đời sống những người làm việc
văn phòng, dần dần hình thành những yếu tố bệnh lý mà chính nạn nhân của
nó không hay biết.
Trầm cảm, gây lo lắng, mất ngủ. Stress có thể dẫn đến bệnh lý suy nhược thần kinh.
Môi trường làm việc văn phòng ngày nay đã rất khác với những năm nửa đầu thế kỷ trước.
Những tòa nhà công sở văn phòng ở Sài Gòn do các kiến trúc sư Pháp xây dựng thường nằm giữa các vườn hoa.
Khu phố văn phòng như các đường nay là Mạc Đĩnh Chi, Phùng Khắc Hoan, Pasteur,… là những phố cây xanh.
Cửa sổ của những kiến trúc văn phòng thuở ấy thường rất to, mở toang ra là màu xanh cây lá trước mặt.
Ngày nay, do nhu cầu, văn phòng có mặt ở khắp nơi. Nó chen chúc trong
những cao ốc, nó chia năm xẻ bảy những ngôi nhà ống kín như bưng không
thấy ánh sáng mặt trời. Còn những công thự với hàng dãy cửa sổ rộng lớn
nay được bịt lại bằng kính, bằng màn.
Người làm việc vào văn phòng như bước vào một thế giới khác, giam hãm trong ánh đèn ống và những vách ngăn.
Khi thiết kế kiến trúc cho văn phòng thời nay, người ta chú trọng đến
các yêu cầu kinh tế, thẩm mỹ và phục vụ công việc. Ở quận I, III Sài
Gòn, các biệt thự ngày xưa dần dần trở thành cao ốc, giá cho thuê văn
phòng lên đến 30-40 USD/1m2 nên người làm việc phải chịu cảnh dồn ép, ít
ai nghĩ tới yếu tố sức khỏe tinh thần.
Quan niệm sai lầm về thiết kế trang trí văn phòng
Đó là quan điểm mà chúng ta có thể đọc thấy qua lời trích dẫn trên bài báo “Hội chứng văn phòng thời hiện đại” của tác giả Lê Nguyễn, đăng trên tạp chí Kiến thức Ngày nay số 348.
Trong khi thừa nhận “ngày nay, ngay cả những công nghệ văn phòng
đắt tiền nhất cũng làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe
người lao động, chẳng hạn như một căn phòng đóng kín để sử dụng máy điều
hòa không khí có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng stress hay những
chứng trầm cảm của người lao động”, thì Rosalyn Dexter, nhà tư vấn
thiết kế và khoa học lao động cho rằng khoảng không gian lao động có
những ảnh hưởng nhất định lên sức khỏe và sự thoải mái của mỗi chúng ta.
“Văn phòng không phải là chỗ tĩnh lặng để tu thiền” (người trích dẫn ở đây nhấn mạnh), “chúng
ta cần kích thích năng lực sáng tạo và sản xuất, và chính nhà thiết kế
có thể làm điều đó bằng các tác phẩm nghệ thuật, màu sắc trang trí,
những bức tường trống trải thường có những tác dụng tiêu cực” (tài liệu dẫn trên trang 49).
Ở đây, trước hết, dường như có sự lẫn lộn giữa thiền với giấc ngủ và
thư giãn. Nếu thiền đồng nhất với ngủ và thư giãn, thì nhân loại cần gì
đến sự có mặt của thiền.
Hệ quả của thiền không hề đối lập với “kích thích năng lực sáng tạo và sản xuất”. Trái lại, nó chuẩn bị tiền đề để làm việc đó.
Trong bối cảnh áp lực công việc, sự ngột ngạt của điều kiện lao động đè nặng có nguy cơ gây stress và trầm cảm, thì tìm cách “kích thích năng lực sáng tạo và sản xuất” khác nào thêm tải cho một chiếc xe đã chở nặng, tăng nguy cơ gây nên những chứng “bệnh văn phòng”.
Chúng ta nghĩ sao khi tìm cách tăng yếu tố kích thích cho đối tượng
có nguy cơ bệnh tâm thần cao, và trong điều kiện đã tiềm ẩn nhiều yếu tố
kích thích?
Vai trò của thiền trong việc phòng và chữa các bệnh lý văn phòng chính
là ở chỗ này. Thiền không có nghĩa là đi nghỉ, thư giãn hay đi ngủ cho
bớt áp lực công việc.
Thiền cũng không có nghĩa là làm trong điều kiện ru ngủ, an thần, thoát
ly lao động, tránh né áp lực công việc. Thiền trong lao động văn phòng
không phải là giải công việc văn phòng, phi văn phòng hóa văn phòng.
Thiền không phải là chống lại công việc, chống lại áp lực, mà thiền là
tìm về với đời sống nội tâm để tìm phương hướng tiếp nhận và hóa giải áp
lực làm việc, chống lại một cái gì đó không bao giờ có nghĩa là thiền,
cũng như kích thích một cái gì đó cũng rất xa lạ với thiền.
Thiền: thuốc phòng và chữa bệnh văn phòng
Ở đây, chúng tôi không đi sâu vào các phương pháp cụ thể, vì người
đọc có thể tìm thấy ở nhiều kinh sách khác nhau, để chọn một phương pháp
thích hợp cho mình, tùy từng trường hợp làm việc cụ thể của từng người,
đối với từng công việc của từng loại văn phòng.
Chỉ xin được đề cập đến những vấn đề bao quát nhất.
Dù yêu cầu tĩnh lặng, thiền không phải là bịt tai lại, nhắm mắt lại,
để hình thành một thế giới tự kỷ, phong bế các giác quan, là chống lại
hiện thực, nó không phải là biện pháp chữa bệnh văn phòng.
Công việc văn phòng cũng không thể chấp nhận một người nhắm mắt, bịt tai.
Thiền đi đôi với sự tỉnh thức, thanh tịnh hóa tâm hồn.
Thiền không dùng lý luận để mổ xẻ áp lực của công việc văn phòng,
nguyên nhân của những bệnh lý văn phòng, vì điều đó không ích gì.
Thiền cũng không phải là những cảm giác, cảm xúc về áp lực của công
việc văn phòng, vì những cảm giác đó là rõ ràng, tất nhiên. Thiền không
loại trừ lý trí và cảm xúc, không loại trừ hoàn cảnh.
Thiền quán sát tất cả: công việc, áp lực, hoàn cảnh cá nhân, quá
trình công việc tác động vào tâm sinh lý, mục tiêu của thiền là tỉnh
thức và tiếp nhận hài hòa.
Thiền mang lại sự quân bình và an lạc, mà quân bình và an lạc là
khung chịu lực của áp lực công việc, từ đó hóa giải các nguyên nhân gây
ra hội chứng văn phòng.
Thiền biến mối quan hệ giữa áp lực công việc văn phòng và bản thân
người làm việc từ quan hệ chịu đựng tiêu cực chuyển sang một quan hệ mới
có tính tích cực.
Hệ quả của thiền không phải là niềm hoài vọng, khắc khoải, chạy thoát
ra khỏi công việc đang đè nặng, mà là giải pháp cho tình trạng bất an
“bây giờ” và “ở đây”.
Trạng thái bình an, thích ứng, chuyển hóa, đó chính là hệ quả của
thiền. Nói thiền là thuốc phòng và chữa “bệnh văn phòng” thời đại cũng
là vì vậy.
MT