Chùa Bửu Minh

Chiếu sáng tượng Phật có thể được coi như một phương thức cúng dàng đức Phật. Việc chiếu sáng nhằm mục tiêu làm ảnh tượng chư Phật và Bồ-tát rực rỡ, sáng chói, uy nghi hơn, từ đó tác động mạnh hơn đến tín tâm của chúng sinh.


Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều trường hợp khiếm khuyết trong việc bố trí chiếu sáng tượng Phật và Bồ-tát, đưa đến hiệu quả ngược lại.

Trong khi chờ đợi những bài phân tích dựa trên kỹ thuật chiếu sáng trong điêu khắc và xây dựng, chúng tôi xin nêu ra ở đây một số ý kiến dựa trên kiến thức chiếu sáng trong điện ảnh và truyền hình.

Những lỗi thường gặp trong chiếu sáng tượng Phật

1. Đặt nguồn chiếu sáng cơ bản phía sau tượng Phật làm mặt tượng Phật bị tối

Đây là lỗi thường gặp nhất và có thể nói là tai hại nhất.

Người ta ra sức đầu tư nguồn sáng cho đèn hào quang. Như vậy, khi nhìn vào tượng Phật, nguồn chiếu sáng ở phía sau tỏa sáng mạnh làm cho việc xem đối tượng chính là tượng Phật đặt ở phía trước gặp khó khăn, vì đặt ngược ánh sáng. Đây là một sai lầm lớn trong thể hiện, vì cái phụ (hào quang) nhằm tôn tạo cái chính (tượng Phật), lại trở thành cái làm tối đi cái chính.

Nếu dùng quang kế (máy đo ánh sáng dùng trong điện ảnh, truyền hình) để đo, sẽ thấy nguồn sáng hào quang phía sau chênh lệch rất lớn so với mặt tượng Phật.

Về kỹ thuật, đây là điều tối kỵ trong thu hình, trừ trường hợp muốn thể hiện sự bí hiểm, kinh dị (đối tượng tối đen trên bối cảnh sáng).

Rất tiếc là tượng Phật chính điện và lộ thiên ở nhiều chùa cũng như nhiều tượng ở tư gia bố trí ánh sáng như cách này (chỉ có đèn hào quang phía sau hay đèn hào quang rất sáng).

2. Đặt nguồn sáng chính thẳng đứng trên đầu tượng Phật

Nguồn sáng chiếu thẳng đứng từ trên đầu tượng Phật xuống sẽ làm:

- Mũi của tượng Phật sáng rực lên.

- Bóng mũi đổ xuống tạo vạch đen trên mặt tượng, như có râu.

Cũng không phải là hiếm thấy cách chiếu sáng kiểu này. Đèn được treo phía trên phần mái che tượng tỏa chiếu thẳng xuống tượng gây hiện tượng trên.

3. Chiếu sáng tượng Phật từ phía dưới lên

Trong điện ảnh, truyền hình, cách chiếu sáng này chỉ được sử dụng khi tạo hiệu ứng ma quái, ghê rợn cho chân dung đối tượng.

Tiếc là trong một số ít trường hợp, ánh sáng chiếu cho tượng Phật lại được bố trí theo kiểu này, mà thường thấy hơn cả là đặt đèn nê-ông sáng trên mặt bàn thờ hắt ánh sáng lên mặt tượng.

Chiếu sáng tượng Phật theo cách nào là thích hợp?

Mục tiêu của chiếu sáng là làm sáng ảnh tượng, trong đó, nhấn mạnh ở phần quan trọng nhất là khuôn mặt tượng Phật. Việc chiếu sáng phải tránh những hiệu quả phản cảm như vừa nêu ở trên.

Nguồn chiếu sáng chính cho tượng Phật phải đặt chếch một bên và chiếu từ trên cao xuống.

Nếu chiếu sáng từ một bên (chỉ với một nguồn sáng) thì sẽ có bóng đổ trên mặt tượng. Do vậy, tốt hơn là có hai nguồn sáng (có thể không đều nhau) và chiếu từ trên cao ở hai bên xuống tượng Phật. Cao, nhưng chỉ là chênh chếch, xéo góc, và từ xa (cách vài tấc trở lên), không phải giữa đỉnh đầu.

Tùy hoàn cảnh, có thể chọn những loại bóng đèn điện khác nhau để chiếu sáng tượng Phật.

Nhưng cũng cần chú ý rằng nếu nguồn sáng ngả về màu xanh như đèn huỳnh quang, mà lại dùng chiếu sáng cho một tượng Phật màu trắng chẳng hạn, thì sẽ làm màu sắc ngả về phía lạnh hơn (sắc mặt sẽ xanh xao, nhợt nhạt).

Trong khi đó, bóng đèn đốt tim lại có ánh sáng ngả về màu đỏ, sẽ tạo sự hồng hào cho khuôn mặt được chiếu sáng (trong kỹ thuật điện ảnh, truyền hình người ta gọi đây là vấn đề nhiệt độ màu, khá phức tạp, tuy vậy có thể tóm tắt như vừa nêu).

Do vậy, nên chiếu sáng tượng Phật và Bồ-tát bằng những đèn có màu ấm (ngả vàng) và đặt những đèn này trên giá đỡ cao hơn tượng Phật và chiếu chênh chếch đến tượng.

Thiết kế đèn hào quang cần cân đối với nguồn sáng chiếu lên tượng Phật. Đèn hào quang chỉ cần đẹp, không cần sáng rực, vì chỉ với đèn có công suất vừa phải, hào quang cũng đã sáng hơn khuôn mặt tượng Phật rất nhiều (vì hào quang là đèn chủ động tự nó phát ra ánh sáng , còn khuôn mặt tượng Phật thì chỉ sáng thụ động, tức là được chiếu sáng mà thôi).

Trong khi đó, đối tượng chính cần được làm sáng là khuôn mặt tượng Phật, hào quang chỉ giữ vai trò phụ.

Nếu có đèn hào quang quá sáng mà lại chuyển động thì cần tăng cường hơn nữa đèn chiếu sáng tượng Phật lên nhiều lần để tạo sự phù hợp, cân xứng.

Nếu có điều kiện, nên thử nhiều loại đèn chiếu sáng ở nhiều vị trí và cách thức khác nhau trên cơ sở những hướng dẫn ở trên, để tìm ra giải pháp chiếu sáng đẹp nhất cho tượng Phật và Bồ-tát, thực hiện cúng dường ánh sáng ở mức độ tốt nhất.

Không nên nghĩ rằng cứ gắn hào quang lên tượng Phật là đã cúng dàng ánh sáng.

Chiếu sáng đúng cách mới làm tăng sự tôn nghiêm cho tượng Phật và ngược lại.

Sau khi đã chiếu sáng phần mặt chính của tượng Phật đạt yêu cầu, có thể đặt thêm nguồn ánh sáng phía sau tượng.

Đây sẽ là nguồn sáng phụ có chức năng tạo sáng viền quanh tượng Phật tạo hiệu quả có ánh sáng phát ra từ tượng.


Nguon: http://www.phattuvietnam.net/8/12616.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage