Một cư sĩ học giả viết trong một quyển sách đã xuất bản,
trong đó có lập lại một lời nói của đức Phật không được đúng như trong
kinh đã ghi, điều này có thể tạo cho Phật tử hiểu lệch lạc về đạo Phật
dẫn tới một đạo Phật mê tín.
Họ nói Đức Phật nói rằng: “… Nếu vị thiện tâm nào đến bốn nơi
Thánh địa này thành tâm chiêm bái và đảnh lễ sẽ được nhiều phước báu và
duyên lành và nếu có vị thiện tâm nào có duyên được trút hơi thở cuối
cùng tại một trong những Thánh địa này, chắc chắn người ấy sẽ được tái
sanh vào cảnh giới thanh nhàn..”
Bài viết dưới đây làm sang tỏ vấn đề:
Sau khi nhận bữa cơm cúng dường cuối cùng của cư sĩ Thuần Ðà, đức
Phật bị nhiễm bệnh nặng và nói với tôn giả A Nan đi đến thành Câu Thi Na
(Kushinagar). Trên đường đi, mặc dầu sức khỏe Ngài yếu, nhưng đức Phật
vẫn tiếp tục nói Pháp khi có người đến hỏi.
Ðến rừng Sa La, Ngài nằm nghỉ trên chiếc võng giữa hai cây sa la song
thọ và như một một điềm báo đặc biệt, cây sa la song thọ trổ hoa trái
mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, tung vãi trên thân Như
Lai để cúng dường, rồi chư Thiên thần khắp mười phương thế giới tụ hội
về để chiêm ngưỡng Như Lai lần cuối.
Ngài nói với A Nan tối hôm nay vào canh cuối cùng, Như Lai sẽ nhập diệt nơi rừng Sa La này.
Lo ngại sau khi Phật nhập diệt sẽ không còn cơ hội gặp gỡ và học hỏi nơi
các vị trưởng lão Tỳ kheo, khi các vị ấy đến bái yết Phật, nên A Nan
thỉnh cầu đức Thế Tôn giải tỏa nỗi niềm này.
Phật dạy:
"Này A Nan, có bốn Thánh tích kẻ thiện tín cần phải chiêm ngưỡng
và tôn kính. Bốn Thánh tích đó là: Nơi Như Lai đản sinh, Nơi Như Lai
chứng ngộ vô thượng Chính Ðẳng Chính Giác, nơi Như Lai chuyển Pháp luân
vô thượng, và nơi Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết Bàn."
Phật nói tiếp:
"Này A Nan, đó là bốn Thánh tích, kẻ thiện tín cư sĩ cần phải
chiêm ngưỡng và tôn kính. Này A Nan, các thiện tín Tỳ kheo, Tỳ kheo ni,
cư sĩ nam, cư sĩ nữ sẽ đến với niềm suy tư: "Ðây là chỗ Như Lai đản
sinh", "Ðây là chỗ Như Lai chứng ngộ vô thượng Chính Ðẳng Chính Giác",
"Ðây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng", "Ðây là chỗ Như Lai
diệt độ, nhập Vô dư y Niết Bàn."
"Này A Nan, và những ai, trong khi đi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên."[1]
Ðó là lời dạy trong những giây phút cuối cùng của đức Phật, Ngài khuyên
chúng ta nên đến chiêm ngưỡng bốn Thánh tích với lòng tôn kính và với "tâm thâm tín hoan hỷ".
Nếu được như vậy, khi mệnh chung sẽ sanh cõi người hay cõi trời.
Muốn được như thế, người hành hương, không chỉ đến đó tham quan cảnh trí
di tích mà còn phải mang theo hai yếu tố tâm quan trọng là: tâm thâm
tín, và tâm hoan hỷ.
Chắc chắn khi đến bốn nơi này ai ai cũng có tâm vui sướng, hoan hỷ. Còn
việc tâm thâm tín, chắc không phải chỉ là tâm thâm tín, khi đứng trước
bốn Thánh tích đó, mà phải luôn luôn canh cánh mang theo bên mình, cho
đến khi thân hoại mạng chung.
Thâm tín cái gì? Ðó là tin sâu, tin bền và tin chắc về ba ngôi quý báu
Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng, vì ba ngôi quý báu này có năng lực dẫn dắt
con người thoát khỏi mọi tà kiến, phiền não, khổ đau và ra khỏi sinh tử
luân hồi.
Phật là Giác, là thức tỉnh ra khỏi giấc ngủ mê. Ðức Phật là người đã
giác ngộ và giải thoát hoàn toàn. Ngài là một bậc đạo sư, một người chỉ
lối dẫn đường cho mọi chúng sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Pháp là những lời Phật dạy các đệ tử, sau đó được ghi bằng chữ, gọi là
Kinh và Luật. Còn Luận là những lời bàn luận của các vị Bồ tát, đệ tử
của Phật để làm sáng tỏ thêm những lời Phật dạy, những lời dạy mà, nếu
chúng ta thực hành sẽ có công năng đưa chúng ta qua khỏi bể khổ, đến bến
bờ giải thoát.
Tăng là một đoàn thể sống chung với nhau ít nhất là bốn người, bỏ nhà
xuất gia đi tu, giữ đầy đủ giới luật của Phật đặt ra, với mục đích tu
hành giải thoát cho mình và cho tất cả chúng sinh, là những người thay
Phật dẫn dắt chúng sinh trên đường đạo.
Khi đứng trước các Thánh tích, chúng ta có niềm tin chắc chắn về Phật,
Pháp, Tăng và giữ vững niềm tin này không đổi cho đến khi mệnh chung,
thì chắc chắn chúng ta sẽ được sanh trong cảnh giới Trời người.
Ðược biết bốn Thánh tích đó là Lâm Tỳ Ni (Lumbini), nơi Phật đản sinh,
hiện nay thuộc Vương quốc Nepal, nằm gần ranh giới với phía Bắc Ấn Ðộ.
Thánh tích thứ nhì là Bồ Ðề Ðạo Tràng (Bodh-Gaya), nơi Phật thành đạo,
nằm ở phía Bắc Aán Ðộ. Thánh tích thứ ba là Vườn Lộc Uyển (Sarnath), nơi
Phật chuyển pháp luân đầu tiên, cách thành phố Ba La Nại (Varanasi)
khoảng 7 dặm thuộc miền Trung Bắc Aán Ðộ. Thánh tích thứ tư là Câu Thi
Na (Kushinagar), nơi Phật nhập Niết Bàn, cách thành phố Gorakhpur 52 km
thuộc miền Ðông Bắc Ấn Ðộ.
Bốn Thánh tích đó còn được gọi là bốn động tâm, bởi vì nếu như chúng ta
đến được bốn nơi Thánh tích này thì do tận mắt thấy được các di tích
lịch sử đức Phật, thấy được di tích nơi Ngài hiện thân, nơi Ngài thành
đạo, nơi Ngài chuyển pháp luân, nơi Ngài Niết Bàn và nơi những dấu chân
Ngài đã đi qua, nên lòng tin phát khởi và tăng trưởng, tức rung động tâm
thức.
Nhờ lòng tin tăng trưởng nên có thái độ quyết chí tu hành, hạ thủ
công phu, quyết không làm điều ác, làm tất cả việc lành và nhiếp tâm
thanh tịnh và do tiến trình nhân quả, quả báo tươi tốt đơm hoa kết trái,
chắc chắn khi mệnh chung sẽ sinh cõi người hay cõi Trời, hưởng phúc báu
lâu dài.
Ðiều quan trọng là phải động tâm, tức lòng tin phát khởi nếu chưa có
lòng tin, và tăng trưởng lòng tin nếu đã có lòng tin, còn nếu đến mà tâm
thức không mảy may rung động, và không nỗ lực tu hành sau đó, thì cũng
giống như những người dân Ấn Ðộ hay Nepal thấy bốn Thánh tích này hàng
ngày, thử hỏi họ có hưởng phúc báu không, có sinh cõi trời khi lâm chung
không hay những người có nhiều tiền của, có phúc báu đi Ấn Ðộ nhiều
lần, đến nơi có thể có động tâm nhưng rồi khi trở về theo thời gian lòng
tin nguội dần, không nỗ lực tu tập, không quyết chí tu hành, thì theo
tiến trình nhân quả sẽ ra sao? Kiếp sau có được hưởng nhiều hay bị bớt
phúc báu không?
Còn như những ai đã đã tin sâu xa, tin chắc chắn và tin bền bỉ vào Tam
Bảo, vào chân tâm Phật tính, và vào nhân quả luân hồi, thì nếu có điều
kiện đi chiêm ngưỡng bốn Thánh tích này thì càng tốt, hãy nên đi, tuy
nhiên đi để biết, để thấy, để tưởng nhớ Phật, để tri ân Ngài hơn là mang
ý nghĩa cầu phúc báu.
Còn nếu nói rằng nếu đến tứ động tâm để nhờ Phật ban phúc thì không
đúng với nhân quả. Vấn đề là tăng tín tâm rồi đắc lực tu hành. Trong
những lời dạy của Ngài, không có lời nào Ngài nói là đến đó để cầu phúc
báu.
TD
Ghi Chú:
Trong ba bản dịch, chúng tôi chọn bản dịch Kinh Ðại Bát Niết Bàn trong Kinh Trường Bộ
Tập 1, hệ Pali do Hòa Thượng Minh Châu dịch làm tài liệu chủ yếu, vì
chỉ có bản này mới có nhóm từ "tâm thâm tín hoan hỉ" nơi đoạn cuối của
đoạn thứ 8 mục thứ V (trang 644).
Hai bản dịch kia từ Hán tạng, không có nhóm từ này mà thay thế bằng
nhóm từ "kính lễ, xây dựng chùa tháp" (Kinh Trường A Hàm, Viện Cao Ðẳng
Phật Học Huệ Nghiêm dịch, trang 204 ), "kinh hành kính lễ, dựng chùa
tháp cúng dường" (Kinh Trường A Hàm, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu dịch,
trang 110).
Tham Chiếu:
[1]-Kinh Trường Bộ, Tập 1, Kinh Ðại Bát Niết Bàn, (Hệ Pali), Việt
dịch: Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn
hành năm 1991, trang 643-644.
[2]-Kinh Trường A Hàm, Tập 1, Kinh Du Hành, (Hệ Sanscrit), Việt
dịch:Viện Cao Ðẳng Phật Học Huệ Nghiêm, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt
Nam ấn hành năm 1991, trang 203-204.
[3]-Kinh Trường A Hàm, Quyển 4, kinh Du Hành, Việt dịch: HT. Thích
Thiện Siêu, Phật Học Viện quốc Tế xuất bản 1986, trang 110-111.
[4] Ấn bản Anh ngữ tại http://world.std.com/~metta/canon/digha/dn16.html (Part Five, "Four Places of Pilgrimage")
Theo: thuvienhoasen.org