Chùa Bửu Minh

Con đường độc nhất


Đỗ Hồng Ngọc

« Đây là con đường độc nhất dẫn tới thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng đắc Niết bàn »… Thật không, một con đường như vậy ? Phật nói như đinh đóng cột, chắc là phải có rồi. Nói từ hồi bắt đầu dạy những bài học đầu tiên cho đến lúc sắp

nhập Niết bàn. Nói đi nói lại hoài. Sợ người ta quên. Sợ người ta coi nhẹ, mải mê chạy theo những hí luận nọ kia… Bởi con đường « độc nhất » đó lại quá ư đơn giản, đơn giản đến khó tin !

Con đường nào vậy ? Độc nhất. Thanh tịnh. Chánh trí. Niết bàn. Diệt trừ khổ ưu? Nếu có, quả là phương thuốc thần cho cuộc sống đầy bát nháo, điên đảo mộng tưởng… trên một thế giới phẳng, toàn cầu hóa hôm nay ?
Đó chính là Anapanasati – có khi gọi là « An ban thủ ý » hay « Nhập tức xuất tức niệm » – được dạy trong Tứ Niệm Xứ. Hình như ngay Tứ niệm xứ với « thân thọ tâm pháp » … vẫn còn có vẻ phức tạp quá, nên Phật giản hóa đi bằng cách chỉ dẫn một « kỹ thuật » giản đơn nhất mà cũng tuyệt vời nhất, như cánh cửa mở vào kho tàng của … Như Lai.
Ana là thở vào, Apana là thở ra và Sati là niệm, là nhớ, là nghĩ. Chỉ có vậy thôi sao ? Chỉ vậy.
Thở vào thở ra thì ai mà chẳng thở? Vậy thì có cái gì hay ? Cái hay, cái « bí quyết » nằm ở chữ niệm. Niệm, ấy là nhớ, nghĩ. Nhớ cái thở. Và, nghĩ về cái thở. Xưa nay ta vẫn thở, còn sống thì còn thở nhưng mấy khi ta nhớ ta nghĩ về nó. Đôi khi khò khè cò cử ta cũng có nhớ, có nghĩ chút chút, nhưng nhớ và nghĩ theo… bệnh lý ! Còn Phật muốn ta nhớ nghĩ (niệm) về cái thở theo một cách khác. Hãy nhớ nghĩ thiệt sâu xem sao. Nói khác đi, không phải chỉ « niệm » mà « chánh niệm » xem sao. Hãy thử rình mò, dõi theo nó xem sao. Có gì lạ không? Có đó. Nhưng, đừng nói. Bất khả thuyết. Thử đi. Nếm đi. Hãy đến và nếm thử đi. Thì ra, một khi ta thực sự « nhớ » đến nó (chánh niệm), ta quên mọi thứ trên đời ! Cứ y như một cái công tắc. Bật qua bật lại. Hoặc nhớ chuyện nọ kia thì quên cái thở, nhớ cái thở thì quên chuyện nọ kia. Sinh lý nó vậy. Vỏ não nó vậy. Khi một vùng này của vỏ não được kích hoạt thì vùng kia bị ức chế. Thời đại của… options. Tùy chọn. Giận thì bầm gan tím ruột. Tức thì đỏ mặt tía tai. Mất bao nhiêu là năng lượng. Bãi hoãi tay chân, bao tử, tim mạch, huyết áp…
Nhưng nếu chỉ dừng ở đó thì chưa đủ. Niệm không chỉ là nhớ mà còn là nghĩ nữa. Có gì hay để nghĩ về cái hơi thở đó? Có đó. Giật mình thấy đời người chẳng qua là một hơi thở. Lúc sinh hít vào một hơi. Lúc tử hắt ra một cái. Khoảng giữa là những lăn tăn. Lăn tăn mà cũng bày đặt tham lam, sân hận, khổ đau… Giật mình thấy hơi thở chẳng phải của mình, chẳng phải là mình… Ngàn xưa ngàn sau nó đến nó đi ung dung… tự tại ngoài ta, chẳng cần biết có ta trên cõi đời. Chẳng phân biệt, chẳng thêm bớt. Cái hơi thở vào thở ra của Phật, của Bồ tát, của Alahán… kia hình như cứ còn bay bay lởn vởn đâu đây cùng ta phì phò mọi lúc mọi nơi…
Nhưng hình như không dừng ở đó. Cho đến một lúc, chánh niệm trở thành vô niệm.
Ở đó, một thứ tâm bất sinh.

“Tam-ma-địa”

Nghe cứ rờn rợn như “đất của ba con ma” nào đó vậy. Hóa ra không phải. Tam-ma-địa là một từ, phiên âm từ tiếng Phạn: Samadhi. Là Chánh định trong Bát Chánh Đạo. Nhưng hiểu “đất-của-ba-con-ma” cũng hay chứ! Ma tham, ma sân và ma si. Trẻ con thường hát: “Một ông Phật hiện ra/ Ba con ma biến mất!”. Nơi nào có ông Phật hiện ra thì nơi đó ba con ma phải biến mất. Hay nói cách khác, nơi nào có ba con ma hiện ra thì lập tức có ông Phật xuất hiện. Nếu chẳng có ba con ma Tham, Sân, Si thì Phật hiện ra làm gì cho mất công! Cho nên muốn biết Phật ở đâu thì hãy tìm trong… tham sân si. Tham sân si càng lớn, Phật càng to.
Có thể nhập chánh định ngay ở hơi thở đầu tiên được không? Không biết. Nhưng các thiền sư khẳng định là có thể. Phật thường ở trong định. Đi đứng nằm ngồi trong định. Khi cần lắm thì “xuất định” để thuyết giảng chút gì đó, rồi nhập định trở lại ngay. Như như bất động. An nhiên. Tự tại. Nhiều lúc trước khi “thuyết” phải hỏi lại đôi ba lần người ta có tin không. Thuyết xong thấy người ta vẫn ú ớ chưa tin chưa hiểu bèn bảo “chỉ có Phật với Phật mới hiểu nhau thôi”. Bởi Phật nói ra cái điều thấy biết từ trong định, không phải cái thấy biết của ta. Cho nên có những buổi Phật thuyết mà người ta bỏ đi… gần hết. Phật mặc kệ.
Định dẫn đến Tuệ. Người bình thường như ta đôi khi cũng bừng ngộ, lóe sáng, thức tỉnh một chút, nhưng không lâu, lại đắm chìm, lại tắt ngấm.
Bởi thiếu “Tam ma địa”.

« Bố thí thân mạng »

“Buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi trưa lại đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí, buổi chiều cũng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí…”.
Bố thí hơi nhiều đó nhé! Và, thân mạng đâu mà lắm thế? Trong khi ta chỉ có mỗi một tấm thân ngũ uẩn nhẹ hều!
Nhưng chuyện bố thí hằng hà sa số thân mạng sáng trưa chiều tối là có thật. Cứ nhìn vào cơ thể mình thì biết. Cơ thể ta hình thành từ khoảng một trăm ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một “sinh vật”, một “chúng sinh” hẳn hòi, hoạt động có tổ chức, có đầy đủ các chức năng, sắc thọ tưởng hành thức… đàng hoàng chớ chẳng chơi. Và điều kỳ diệu, cứ mỗi giây đồng hồ lại có vô số tế bào được… “bố thí” hay nói khác đi được hủy bỏ để thay thế bằng những tế bào khác, mới hơn, khỏe hơn. Chẳng hạn chỉ riêng hồng cầu, mỗi giây đã có hằng trăm triệu tế bào hồng cầu được hủy diệt và thay thế. Các chất liệu được đưa về “kho chứa” là lá lách để sẵn sàng sử dụng lại, chế tạo các hồng cầu mới. Hệ thống mao mạch – các mạch máu nhỏ li ti dẫn máu đến từng tế bào trong cơ thể, cung cấp Oxy và các dưỡng chất để sản xuất năng lượng – nếu nối lại đã có độ dài bằng một vòng quanh trái đất. Mỗi ngày, trái tim nhỏ bé của ta co bóp với một lực mạnh đủ để kéo một đầu máy xe lửa… Cơ thể ta quả một thế giới kỳ diệu, một vũ trụ chưa được khám phá hết. Đừng tìm kiếm đâu xa. Hãy “nương tựa chính mình” là vậy. Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp. Vô thường ở đó, vô ngã ở đó, niết bàn điạ ngục ở đó…
Bố thí thân mạng nhiều như cát sông Hằng, ngày ba buổi sáng trưa chiều chính là các thời… thiền định của một người tu tập. Trong sâu thẳm của chánh định, sẽ thấy biết… không còn có cái thân nào nữa – hay nói khác đi “bố thí” sạch trơn rồi, “buông xả” sạch trơn rồi. Ngã nhân chúng sanh thọ giả dứt sạch rồi. Chẳng phải trong trạng thái vô ngã đó, đã hoàn toàn “bố thí thân mạng” đó sao?
Như vậy phải chăng “buổi sáng đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí…” không bằng biên chép đọc tụng câu kinh tiếng kệ nhằm nhắc ta rằng đừng có mà ngồi ỳ ra đó, đừng có mà lo ngày ba thời thiền định dưới gốc cây, quên ăn quên ngủ, bỏ mặc sự đời. Hãy gieo trồng dù chỉ là một hạt giống nhỏ, để đem lại hạnh phúc cho chúng sinh…
Cho nên bố thí thân mạng chẳng phải là bố thí thân mạng nên mới gọi là bố thí thân mạng đó vậy.

“Giải thoát” và “Giải thoát”

Thì ra có hai thứ Giải thoát. Giải thoát và giải thoát tri kiến. Hay nói cách khác, một thứ là giải thoát thân và một thứ là giải thoát tâm.
Vô sanh. Đặt gánh nặng xuống. Phạm hạnh đã đầy. Không trở lại con đường cũ nữa. Vậy là giải thoát. Giải thoát cái gì ? Giải thoát sanh tử. “Vô sanh” thì “vô tử” mà. Có sanh đâu mà tử ? Có tử đâu mà sanh ? Nhưng “sanh tử” này là sanh tử của các pháp. Sanh, trụ, dị, diệt. Nó vậy đó, nó cứ vậy đó, không ngừng. Sanh tử là một. Vô sanh là cắt đứt đường sanh tử. Các bậc vô sanh đều tới cõi này, nhưng sao…?
Phật nói còn thiếu Từ bi. Bởi Phật rồi cũng chết, cũng “niết bàn” mà, dù chỉ là một cách “thị hiện” chơi thôi, nhằm để răn dạy người đời thôi.
Cho nên giải thoát sanh tử không phải là không còn chết nữa, mà là chết một cách khác, chết an nhiên, chết tự tại, vì đã sống an nhiên, tự tại.

Nhưng giải thoát sinh tử mới chỉ là giải thoát thân, còn cái tâm mù mịt kia vẫn quấn quít, vẫn dằn vặt khôn nguôi. “Lậu hoặc” vẫn đầy ra đó, phiền não vẫn đầy ra đó. Nên “giải thoát thân” mới chỉ là bước một. Độc cư và thiền định đã có thể đưa đến thứ giải thoát này. Bố thí thân mạng ngàn vạn lần sáng trưa chiều tối có thể đưa đến giải thoát này. Nhưng nó chỉ là một trạm dừng chân, nghỉ qua đêm ở hóa thành.
Do vậy, thiền định (Samatha) cần mà chưa đủ, phải thiền quán (Vipassana) để có “tri kiến” thật. Nhưng hai thứ đó quấn quít chằng chịt với nhau, bổ sung cho nhau. “Định” đến mịt mờ cũng chẳng đến đâu, “Quán” đến hí luận cũng chẳng đến đâu. Có người bảo chỉ cần định là đủ, có người bảo chỉ cần quán là đủ. Các triết gia xưa nay vẫn luôn “quán” mọi sự không ngừng đó chứ, nhưng cũng chẳng đến đâu. Còn ôm gốc cây mà mài gạch cho thành gương thì cũng khó! Giải thoát tri kiến thực sự có được phải là cái « tri kiến » Phật. Thứ tri kiến ở đó thức đã chuyển thành trí. Thấy biết Như Lai. “Ngộ” vẫn chưa đủ. Còn phải “nhập” nữa. Khi Lục tổ Huệ Năng “ngộ” rồi thì cũng phải “nhập” mười lăm năm hành tẩu giang hồ mới dám một phen xuống núi: “Gió không động, phướng không động…”.
Một đạo hào quang trí tuệ ở giữa chặng lông mày quét một cái cho thấy toàn cục. Nó vậy thì nó vậy. Tánh tướng nó vậy thì sanh vậy trụ vậy dị vậy diệt vậy… Nó Như Thị. Sáu đạo luân hồi đông vui, dìu dặt. Các vị Phật hằng hà sa số giảng pháp… mọi lúc mọi nơi. Như Lai lặng tiếng. Như như bất động. Nhưng vô vàn để vổ về nhắc nhở.
Ấy là lúc tri kiến Phật tỏ bày?

Bồ tát Di Lặc

Các vị Bồ tát hình như chẳng ai có một cái tên riêng. Ngoài các vị quá thân quen như Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Thế Âm, Dược Vương… (thực ra là những đức, hạnh), ta còn có vô số các vị mang những cái “tên” rất ngộ nghĩnh: Thường Bất Khinh, Thường Tinh Tấn, Bất Hưu Tức, Vô Tận Ý… nếu dịch ra sẽ là: Luôn Tôn Trọng, Luôn Siêng Năng, Không Ngừng Thở, Người Nhiều Chuyện…! Cho nên ta không lấy làm lạ khi có tới hai vạn vị Phật mang cùng một tên gọi duy nhất Nhật Nguyệt Đăng Minh… làm nhớ “trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ rọi suốt trăm năm một cõi đi về…” (TCS).
Dễ thương nhất có lẽ là Bồ tát Di Lặc. Bồ tát có cái bụng bự, lúc nào cũng cười toe toét, làm biếng và… hám danh kinh khủng (nên còn có tên là Cầu Danh). Hôm đó giữa hội trường , ông ngơ ngác đứng gãi đầu hỏi hôm nay có gì lạ mà Phật Thích Ca phô trương thanh thế, “đánh trống múa lân” ầm ỉ quá vậy? Bồ tát Văn Thù mới tủm tỉm cười « dẫn chuyện gần xa »: Sẽ có chuyện lạ đó! Chờ xem. Nhớ xưa mỗi lần như vầy thì sẽ có thuyết giảng Diệu pháp Liên hoa đó. Chờ xem. Đừng nóng. Hồi đó tôi cùng tu học với ông, chẳng qua ông biếng nhác, học hoài không thông…
Bụng bự, biếng nhác, hám danh… phải chăng muốn “ám chỉ” chúng ta ngày nay? Ta ngày nay chẳng phải bụng bia, gan nhiễm mỡ, béo phì, bằng cấp giả… đầy đó sao?
Thật ra thì Phật có phô trương thanh thế, có thuyết giảng gì mới lạ đâu. Vô số các vị Phật xưa nay đời đời kiếp kiếp đều nói y một pháp như vậy, có giấu giếm gì đâu, chẳng qua vì không ai muốn nghe, không ai biết nghe thôi. Phật Thích Ca, suốt bốn mươi lăm năm trời phải nói đi nói lại hoài bằng nhiều cách cho nhiều đối tượng khác nhau, để rồi cuối cùng cũng đã khẳng định… “ai bảo Phật có thuyết pháp này nọ là phỉ báng Phật”! Chẳng qua vì “đối tượng” khác nhau nên “mục tiêu” và “phương pháp” cũng phải khác nhau vậy thôi. “Student-centered approach” mà! Lần này trong hội Pháp Hoa, có vẻ Phật Thích Ca hơi bực mình sao đó nên không chỉ nói mà còn bày biện ra, trình diễn, xếp đặt như một cuộc triển lãm, như một phim 3D cho thấy tận mắt. Hãy coi kỹ đây nè. Nó vậy đó. Nó Như Lai. Chẳng có thời gian, chẳng có không gian. Vô lượng thọ. Vô lượng quang. Thực tướng vô tướng… Chuyện khó tin nhưng có thiệt. Một số vị đã rời bỏ hội trường. Kệ, cho đi.
Ông bụng bự, làm biếng, cầu danh… ở lại. Tuyệt vời! Ông hỏi : “Con muốn mau thành Phật. Có cách nào cho mau thành Phật không?”. Chưa bao giờ, ở đâu, có một kẻ nôn nóng thành Phật, nôn nóng “Vô thượng chánh đẳng chánh giác” như thế. Nhưng Phật đã mỉm cười: Có đó. Dễ lắm. Con nít chơi đất chơi cát… cũng thành Phật được, trẻ con người già, đàn ông đàn bà gì cũng thành Phật được. Bởi ai ai cũng sẵn có hạt giống đó cả rồi. Miễn là phải tưới bón!
Con người hôm nay trên thế giới phẳng, toàn cầu hóa này dù… bụng to, làm biếng, cầu danh, muốn mau thành “chánh quả”… vẫn có thể thành được không khó, miễn là có đủ “tri kiến” Phật và hằng sống “ngộ nhập” với tri kiến đó.
Nhưng, còn thiếu chút gì chăng? Từ Bi. Bồ tát Di Lặc, Maitreya, Từ Thị… vốn dòng dõi Từ Bi. Ông “thị hiện” chút chơi để dạy ta rằng phải có Từ Bi cái đã. Bởi Từ Bi thì mới Hỷ Xả. Nếu không, sao bụng lại to, sao cười lại rộng?

Đỗ Hồng Ngọc
(Saigon 11.11.11)

http://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/ghi-chep-lang-thang-tt-2/#more-5214


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage