– nhưng sực nghĩ đến khoảng cách hơn bảy mươi do-tuần (trên dưới 840 km hiện
nay) từ Rājagaha đến Sāvatthī, nếu mỗi ngày đi một do-tuần
thì phải mất hơn hai tháng - nên ngài phải sử dụng thần thông.
Tuy nhiên, lúc dừng tại Vesāli
định trì bình khất thực thì tôn giả thoáng thấy hình bóng các vị sa-môn áo
vàng. Hướng tâm, biết đức Phật và chư
Tăng đã đến đây từ ba hôm trước, đang nghỉ tại Mahāvana (Đại Lâm), tôn
giả tìm đến, đảnh lễ và vấn an sức khỏe của ngài.
Đức Phật mỉm nụ cười hoan hỷ:
- Biết ông sẽ đi đón Như Lai, nên Như Lai chỉ giữ lại Moggallāna, Koṇḍañña, Bhaddiya, Uruvelākassapa
trông coi Trúc Lâm với chừng năm trăm tỳ-khưu! Số còn lại, hơn một ngàn rưỡi
tỳ-khưu đã cùng với Như Lai đi gặp ông đây!Thế nào rồi?
Công việc xây dựng Kỳ Viên đại tịnh xá đến đâu rồi hả ông giáo thọ bậc thầy các
kiến trúc sư?
Tôn giả Sārīputta nghe cách hỏi của
đức Phật, biết là ngài đã tận tường tất cả, nhưng tôn giả cũng tuần tự trình tâu
lại tất cả mọi việc.
- Lành thay - đức Phật tán thán – Ông đã có công thiết kế Kỳ Viên quy mô
hơn, thuận lợi sinh hoạt hơn, có cái nhìn xa rộng hơn...
Rất tốt, rất tốt... Đấy đúng là thủ phủ thứ hai, căn cứ địa thứ hai để cho
giáo pháp phát triển sâu rộng cả miền Tây bắc châu Diêm-phù-đề!
Độ ngọ xong, tôn giả Sārīputta
được gặp lại tôn giả Assaji, tôn giả Vappa, tôn giả Mahānāma,
tôn giả Nadīkassapa,
tôn giả Gayākassapa, tôn giả Mahākassapa và cả tôn giả Kāḷudāyi, Bhaddiya, Ānanda, Devadatta... cùng một số
các vị trong hoàng tộc Sākya
nữa!
Đức Phật nói với Sārīputta:
- Các ông Kāḷudāyi, Bhaddiya (dòng Sākya) cùng mấy trăm tỳ khưu đi du hóa tại các tiểu bang
Licchavī, Vajjī, Videha, Malla, Moriya... thấy rằng, quần chúng rất
tốt, rất nhiều tín tâm; nhưng khi đi khất thực, gặp duyên thuyết giáo, họ lại va
vấp hai khó khăn trở ngại lớn: Thứ nhất là giới quý tộc, tướng lãnh ở đấy rất
ngã mạn; không dễ gì nói lọt tai, không dễ gì làm cho những cái đầu rất cứng ấy
nhu thuận, quy phục được! Thứ hai là “vấn
đề” lý luận của các giáo phái chủ, giáo phái sư cùng một số học giả,
bà-la-môn gia chủ – trong và ngoài truyền thống - họ trườn uốn như con lươn, rất
điêu toa, xảo quyệt; chúng có thể lý luận dẫn voi qua lỗ kim, có thể lý luận con
lạc đà thành con chó trắng một cách khá dễ dàng! Thế rồi, các ông ấy bảo là vì
chưa học môn lý luận, đành phải lép vế - bây giờ họ đang cầu viện Như Lai đấy!
Là đại đệ tử, ông có ý kiến gì không?
Tôn giả Sārīputta nhũn nhặn:
- Đệ tử không dám! Đức Thế Tôn rõ biết tất cả! Và đức Thế Tôn còn biết rõ
hơn là còn nhiều môn học – mà các sứ giả Như Lai trên đường hoằng hóa cần phải
học sâu, hiểu rộng mới mong nhiếp hóa ngoại đạo, tà giáo, thu phục nhiều thành
phần giai cấp khác nhau để đi vào lòng thế gian và lòng người được!
- Đấy là những môn học gì hở Sārīputta?
Đức Phật có vẻ quan tâm - Ông có thể trình bày cho Như Lai, các vị cao túc cùng
đại chúng ở đây nghe được không?
Biết đức Phật không phải kiểm tra kiến văn của mình, mà chỉ muốn nhân đó,
giáo giới đến mọi người nên tôn giả đã mạnh dạn phát biểu:
- Bạch đức thế Tôn! Tôn giả cất giọng hùng hồn như tiếng chuông đồng vang
ngân rất xa cho đại chúng cùng nghe - Lý luận, ngay chính môn học lý luận thôi
cũng đã không đơn giản! Các hiền giả Kāḷudāyi và Bhaddiya
đâu phải là nhân vật tầm thường. Một vị xuất thân là quan đại thần lỗi lạc. Một vị là quan
tổng trấn kiêm quan chánh án uy danh lừng lẫy! Thế
nhưng, khi đi vào “đấu trường” lý luận, khả dĩ có khả năng đối thoại với
bọn thức giả, trí giả, học giả xảo biện; chúng ta phải kinh qua học phái lý luận
Nyvāya - một trong sáu phái truyền thống Vedā - biết cách sử dụng
từ, ngữ, khiếm chủ từ, có mặt chủ từ, động từ chủ động và bị động, câu cú,
cách hỏi, cách đặt vấn đề, thi thiết, giả định, thiết định, cách lập mệnh đề,
mệnh đề hở, mệnh đề kín, phản mệnh đề, thuận mệnh đề... rất là nhiêu khê,
phức tạp! Thường thì cách nói theo
ngôn ngữ phổ thông của chúng ta, nhằm để trao đổi thông tin là chính; nhưng chỉ
cần một tay xảo biện, miệng lưỡi - hỏi lại, chúng ta lúng túng ngay! Vậy thì
trước nhất, các sứ giả Như Lai phải biết trang bị toàn hảo môn học lý luận này;
và chỉ có đức Thế Tôn mới có khả năng giáo giới cho tất thảy chúng đệ tử tới
nơi, tới chốn mà thôi!
Đức Phật mỉm cười:
- Ví như câu nói như thế nào, câu hỏi lại như thế nào có thể làm cho
chúng đệ tử Như Lai lúng túng, hở Sārīputta?
- Có thể bất kỳ câu nói nào, bạch đức Thế Tôn! Ví dụ, đệ tử nói, tôi
đi khất thực - kẻ kia liền chế giễu, đi thì
làm sao mà khất, mà thực!
Lại nữa, khất là khất cái gì, thực là thực cái gì?
Vậy là họ bảo, câu nói đó sai lầm, mệnh đề ấy tối tăm, ngôn ngữ mù mờ, chẳng rõ
trao gởi thông tin gì! Ví dụ đệ tử nói, hạt mưa rơi! Kẻ
kia liền bắt bẻ, cái gì là hạt? Hạt ngô, hạt thóc -
hạt bao giờ cũng thể đặc – hàm nghĩa một hạt giống, một cái mầm hữu cơ!
Mưa là thể lỏng, chẳng có hạt
giống nào trong đó cả! Lại nữa, mưa là động từ hay
chủ từ?
Nếu là động từ thì nguyên động lực nào mà nó rơi? Nếu là chủ từ - thì mưa cũng không thể tự rơi?
Thế là lập ngôn “hạt
mưa rơi” không đứng vững, từ và nghĩa sai lầm, mệnh đề ấy là sai lầm!
Chúng có thể lôi ra từng từ, từng chữ để ngược xuôi, điên đảo rất khó chịu – đa
phần chỉ để chọc tức, làm cho ta mất bình tỉnh, mất cảnh giác! Vậy là chúng vỗ
tay, huênh hoang, cười hì hì hà hà để nhạo báng và coi như mình đã thắng
cuộc!
Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có thể đưa ra hằng trăm hằng ngàn ví dụ tương tự.
Môn học lý luận cổ xưa đã trang bị cho những bà-la-môn luận sư, những du sĩ
lang thang những kiến thức căn bản; đồng thời, điêu toa chỉ bày cách nói,
cách hỏi ngoa ngoắt, lắt léo - để chúng nắm xảo thuật trổ tài miệng lưỡi, bắt bẻ
nhau từng ly, từng tý như vậy. Do thế, môn học ấy, những sa-môn đệ tử Phật cũng
phải biết rõ để khỏi bị thất thố, mắc mưu họ!
- Đúng thế! Đức Phật nói – Môn học lý luận thì dường như ông,
Moggallāna, Mahākassapa đã được trang bị rất chu đáo từ thuở thiếu niên, do vậy rất dễ dàng đi đây đi đó
để hoằng pháp. Tuy nhiên, Như Lai muốn bổ túc cho sự thiếu sót của môn học ấy
(sau này gọi là nhân minh)> là phải biết phân biệt rõ ràng chánh tà,
đúng sai, chân ngụy; và, khả năng lý luận, luận giải, lập biện - đòi hỏi phải
rời kiến thức suông để trở về với đời sống tu tập, chứng nghiệm, liễu ngộ thật
sự, mới là mặt mạnh, sở đắc của đệ tử Như Lai. Vậy còn những
môn gì cần phải học nữa, Sārīputta?
- Môn thứ hai thì giáo dục truyền thống đã có sẵn rồi - đấy là các
môn học nghệ, toán học – (số học, đo lường, hình học) – văn chương (thơ,
kệ),
khoa học (vật lý, sinh học, tự nhiên học),
sử học, tư tưởng triết học trong và ngoài truyền thống Veda (sau này
gọi là công xảominh) - để có kiến thức đa dạng, phong phú để dễ dàng
nói chuyện với nhiều thành phần giai cấp trong xã hội. Môn học thứ ba nó nằm trong bốn tuệ phân tích - tức là khả
năng về ngôn ngữ, phải thông thạo văn phạm, cú pháp, cách diễn đạt phải chính
xác, minh bạch (sau này gọi là thanh minh). Thứ
tư là phải học để biết căn bản về cơ thể con người, sự vận hành của khí
huyết, các kinh mạch, các huyệt liên hệ đến lục phủ ngũ
tạng - để biết cách xoa bóp, bấm huyệt tự chữa bệnh cho mình và cho huynh đệ.
Lại nữa, cần phải biết một số dược liệu để chữa trị những căn bệnh phổ thông.
Nếu không được như thế thì cũng biết cách điều tiết ăn
ngủ, biết giữ gìn thân thể qua các mùa tiết hoặc khi nóng rét thất thường (sau
này là y
phương minh). Thứ năm là phải chịu khó nghe nhiều, học
nhiều qua những bài giảng của đức Thế Tôn, qua những vị đã được đức Thế Tôn cho
phép giáo giới chư Tăng (sau này gọi là nội minh).
Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Sārīputta
thưa tiếp - Quả là đệ tử đã lắm lời! Năm môn học ấy, hiện tại chưa cần thiết lắm!
Vì sao vậy? Vì chư vị tôn túc trưởng lão và hằng trăm chúng đệ tử của đức
Thế Tôn đều là thành phần trí thức ưu tú; họ đã tự trang bị đầy đủ cho mình rồi.
Lại nữa, họ còn có thể thuyết giáo giới đức, định đức, tuệ đức đến
cho mọi người - đấy là bài thuyết pháp sống động và hiện thực nhất.
Họ còn có thể thuyết giáo về nhẫn, về từ,
về xả trên lộ trình độ sanh. Họ còn có thể thuyết giáo đời sống vô sản, bần hàn, thiểu
dục, tri túc, chánh niệm, tỉnh giác trong mỗi bước đi, trong mỗi hơi thở.
Chúng còn cao đẹp gấp trăm lần, ngàn lần mọi phương pháp độ sinh bằng lý luận,
bằng ngôn ngữ, bằng văn chương hoặc bằng nghề thầy thuốc!
- Hay lắm, tuyệt vời lắm, Sārīputta!
Đức Phật tán thán – Ông đã rất hiểu về pháp – pháp sâu, pháp cạn, pháp trong,
pháp ngoài, pháp trước, pháp sau – nên đã trình bày rất chân xác!
Các vị tỳ-khưu phải thành tâm thọ trì câu chuyện hôm nay. Thật ra, này
Sārīputta, này chư tỳ-khưu - Như Lai còn biết nhiều hơn thế nữa, ví dụ như
chỉ cần bốn nhiếp pháp là đủ, ví dụ như sáu hòa kỉnh là đủ, ví dụ
như bốn niệm xứ là đủ, ví dụ như bảy giác chi là đủ, ví như năm
căn năm lực là đủ, ví như tám đạo chi là đủ, ví dụ như các
ba-la-mật là đủ... nhưng nói ra thì chưa phải lúc, chưa đúng thời... Nghỉ
hơi một lát, đức Phật tiếp - Sớm mai chúng ta lên đường đến Sāvatthī, bây
giờ Như Lai phân chia như sau: Mahākassapa với hai trăm năm mươi vị
tỳ-khưu thì chia nhau ở rải rác trong tiểu bang Licchavī này, nơi có
những vị tướng lãnh cứng đầu nhất và một số bà-la-môn miệng lưỡi nhất!
Nadīkassapa và Gayākassapa còn rất khỏe, nên dẫn hai trăm năm mươi vị
tỳ-khưu đến du hóa miền xa nhất là tiểu bang Moriya! Tại Malla,
phía trước mặt gần đây thì Kāḷudāyi và Bhaddiya cùng hai trăm năm mươi vị
tỳ-khưu đảm trách. Phía Đông bắc bên kia là tiểu bang
Videha thì xin hai vị trưởng lão Assaji và Vappa cùng hai trăm
năm mươi vị tỳ-khưu nhận nhiệm vụ cho. Còn Như Lai, Sārīputta,
Mahānāma cùng nhóm Lộc Uyển, Ānanda, Devadatta, Kimbila, Bhagga,
Anuruddha ... cùng với năm trăm tỳ-khưu, chưa cần ghé Kapilavatthu
mà hãy trực chỉ Sāvatthī,
ở đấy có rất nhiều công việc phải làm!