Tượng đài Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ Ảnh: Du An (chụp lại phối cảnh)
|
Bà Lê Thị Trị, con gái Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH)
Nguyễn Thị Thứ, cũng là Mẹ VNAH, nói rằng, những năm tháng cuối đời, mẹ
ít nói, cứ vào ra nhặt nhạnh đồ đạc, như vô thức, như sống giữa hư và
thực. Ai đến thăm, mẹ cười móm mém, thi thoảng mới đùa vui. Năm tháng
như mây trắng tóc mẹ, như sóng dâng vầng trán trong câu thơ của nhà thơ
Lê Anh Dũng viết về mẹ. Ngày 10.12.2010, mẹ Thứ - mây trắng đã về trời,
thượng thọ 106 tuổi
Thời gian xin đừng trôi mau
Mẹ bây chừ mây trắng trên đầu, sóng dâng trên trán
Xin cho mẹ phút giây thanh thản...
(Nhà thơ Lê Anh Dũng )
Mẹ ra đi khi tượng đài mẹ VNAH, lấy nguyên mẫu từ mẹ,
do họa sĩ Đinh Gia Thắng thực hiện, vẫn còn dang dở. Nhưng, vĩnh cửu,
muôn đời vẫn còn đó sừng sững một tượng đài bất diệt về bà mẹ Việt Nam,
đem những đứa con – khúc ruột mình đẻ ra - dâng cho tổ quốc, khi đất
nước lao lung.
Sách vở, bao ngôn từ thành kính và trân trọng đã nói về
mẹ rất nhiều. Nhưng, hình như vẫn chưa đủ và cũng lắm khi chẳng cất lên
được một thanh âm khác, ngoài bè trầm đã ngân vang về đức hy sinh của
mẹ. Hãy thử tưởng tượng, có người mẹ nào mất chín đứa con, một rể, hai
cháu ngoại và mang nỗi đau đó khi suốt năm tháng ? Sức chịu đựng can
trường không gọi tên được. Lịch sử đau thương của đất nước, mãi sẽ gọi
tên mẹ bằng một từ: Mẹ huyền thoại…
Tôi nhớ đã xem đâu đó bộ phim tài liệu về mẹ liệt sĩ ở
vùng đất Quảng Nam, quê mẹ Thứ. Nắng chiều sắp tắt, cánh chim cô đơn đã
bay về núi xa. Mẹ ngồi ngóng theo cánh chim bay, bay mãi, xa xôi kia là
rừng xanh. Ngày xưa, ngày đó, mẹ gạt nước mắt, tiễn con ra đi cũng lúc
chạng vạng, lên xanh, để rồi “lá vàng còn đó - mà đã lá xanh đã vội lìa
cành”. Miếng trầu trong tay mẹ như cứng ra, trơ đi, chiếc ống xoáy trầu
cũng trở thành vô nghĩa, bởi nỗi đau mất con đã vắt kiệt mẹ, chỉ có phép
thần mới hoán cải được đàn con trở về.
Mẹ Thứ bên những ngọn nến tưởng niệm những người con của mẹ. Ảnh: internet
|
Nước mắt của người đàn bà Việt đã rơi dọc nẻo đường của
đất nước hình chữ S này và họ nhờ một người đứng ra, gọi tên thay cho
mình : Mẹ Thứ !
Du an