Chùa Bửu Minh

Gần đây, khi xem tin thời sự trên hệ thống truyền hình, tôi thật sự có ấn tượng về những hình ảnh của vị nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Mỗi khi xuất hiện trước đám đông dân chúng, trong những buổi lễ, hay trước các dân biểu trong Quốc hội, bà luôn luôn chắp hai tay trước ngực để vái chào mọi người trước khi nói chuyện. Một hình ảnh rất Á Đông và rất quen thuộc với những Phật tử Việt Nam.



Chap tay lay nguoi

Tôi có một thời gian đi nghiên cứu giáo dục ở Ấn Độ. Khi chúng tôi đi thăm các trường trung học và đại học ở Ấn tôi nhận thấy các giáo viên, giáo sư đều chắp tay vái chào nhau. Điều đáng chú ý là phần đông họ là người theo đạo Hindu (Ấn giáo), rất ít người trong số họ là người theo đạo Phật. Tôi có hỏi một vị giáo sư Ấn Độ về ý nghĩa của việc họ chắp tay vái người đối diện khi gặp gỡ thì vị ấy cho biết đó là cung cách của người theo đạo Hindu thể hiện sự tôn trọng người đối diện.

Khi tìm hiểu về ý nghĩa của “chắp tay” trong đạo Phật, tôi tìm được một lời giải thích như dưới đây của TT. Thích Phước Thái trong mục 100 câu hỏi Phật pháp trên trang web của chùa Quang Minh. Trả lời câu hỏi về ý nghĩa của “chắp tay” , TT. Thích Phước Thái viết như sau:

“Chắp tay, nguyên tiếng Hán Việt là Hiệp chưởng. Tiếng Phạn là Ãnjali. Hiệp chưởng còn gọi là hiệp thập. Theo Từ điển Phật học Huệ Quang tập 4 trang 2863 có giải thích như sau: ‘Chắp hai bàn tay, tập trung tư tưởng, cung kính lễ bái. Đây là cách lễ bái từ xưa ở Ấn Độ, được Phật giáo thật hành theo.’ Người Ấn Độ cho rằng tay phải là tay thần thánh, tay trái là tay bất tịnh. Nhưng nếu hai tay hiệp lại làm một thì trở thành sự hợp nhất giữa phương diện thánh thiện và nhiễm ô, cho nên hiệp chưởng là biểu hiện bộ mặt chân thật nhất của con người. Nghĩa ‘Bất cấu bất tịnh’ trong Bát Nhã Tâm Kinh chính là ý này”.

Vậy thì việc nhiều người ở Ấn Độ chắp tay vái chào người đối diện không liên quan gì đến Phật giáo. Có lẽ đúng như tài liệu vừa trích dẫn trên đây, Phật giáo, vốn có nguồn gốc từ Ấn Độ, đã thực hành theo cung cách của người Ấn Độ từ xưa.

Nhưng đối với người Phật tử, việc chắp tay xá người đối diện có một ý nghĩa sâu xa hơn là biểu lộ sự tôn kính người đối diện. Tôi đã may mắn được một người bạn đồng nghiệp dạy học giảng cho tôi nghe về ý nghĩa mà anh ấy gọi là “ý nghĩa sâu xa” của việc chúng ta chắp tay trước ngực vái hay xá người đối diện bất kể người đó là ai. Anh ấy là một người tu tại gia, ăn chay trường, ngoài công việc dạy học ra anh dành toàn bộ thời gian để tu tập. Anh đến trường dạy học, gặp đồng nghiệp hay bất cứ ai trong trường, anh gác cổng hay chị tạp vụ, anh đều chào hỏi bằng cách chắp hai tay trước ngực. Vào lớp anh cũng chào sinh viên như vậy. Tôi lấy làm thắc mắc và hỏi anh thì anh đáp, “Tôi vái người đối diện như vậy là tôi vái lạy vị Phật trong họ, trong mỗi người đều có một vị Phật”.

Tôi không biết, khi các Tăng Ni và các Phật tử thường cung kính chắp hai tay trước ngực để chào nhau, họ có cùng quan điểm như anh bạn cư sĩ đồng nghiệp của tôi về ý nghĩa của việc chắp tay vái (hay xá) người đối diện khi chào hỏi nhau hay không. Nhưng đối với người Phật tử sơ cơ như tôi thì tôi cho đó là một cách giải thích thỏa đáng và thú vị.

Đọc kinh sách Phật, chúng ta luôn luôn nghe nói đến Phật tánh trong mỗi chúng sanh. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Vì vô minh che lấp nên Phật tánh trong mỗi chúng sanh không được hiển lộ. Tu theo Chánh pháp là vun đắp trí tuệ và phát triển lòng  từ bi, phá bỏ ngã chấp, mê lầm để có thể dần dần nhận ra được Phật tánh của mình, thấy được bản lai diện mục của mình. Bản lai diện mục của chúng ta là Phật. Đức Phật đã dạy “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.

Lời giải thích của anh bạn cư sĩ đồng nghiệp dạy học của tôi về ý nghĩa của việc chắp tay xá người, theo tôi, càng được củng cố thêm bởi câu chuyện về Bồ-tát Thường Bất Khinh trong phẩm 20, kinh Pháp Hoa:

Bấy giờ, có vị Bồ-tát Tỳ-kheo tên là Thường Bất Khinh. Đắc Đại Thế! Vì cớ gì tên là Thường Bất Khinh? Vì vị Tỳ-kheo đó phàm khi ngó thấy hoặc Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni, hoặc Ưuba-tắc, Ưu-bà-di, thảy đều lễ lạy khen ngợi mà nói rằng: “Tôi rất kính quí Ngài chẳng dám khinh mạn. Vì sao? Vì quý Ngài đều tu hành đạo Bồ-tát sẽ được làm Phật”.

Mà vị Tỳ-kheo đó chẳng chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ đi lễ lạy, nhẫn đến xa thấy hàng tứ chúng, cũng cố qua lễ lạy khen ngợi mà nói rằng: “Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ làm Phật”. Trong hàng tứ chúng có người lòng bất tịnh sanh giận hờn, buông lời ác mắng nhiếc rằng: “Ông vô trí Tỳ-kheo này từ đâu đến đây tự nói ta chẳng khinh ngài, mà thọ ký cho chúng ta sẽ được làm Phật, chúng ta chẳng dùng lời thọ ký hư dối như thế”.

Trải qua nhiều năm như vậy, thường bị mắng nhiếc chẳng sanh lòng giận hờn, thường nói: “Ngài sẽ làm Phật”. Lúc nói lời đó, chúng nhân hoặc lấy gậy cây ngói đá để đánh ném. Ông liền chạy tránh đứng xa mà vẫn to tiếng xướng rằng: “Ta chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ thành Phật”. Bởi ông thường nói lời đó, nên hàng tăng thượng mạn Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di gọi ông là Thường Bất Khinh.

Vị Tỳ-kheo đó lúc sắp chết, nơi giữa hư không nghe trọn hai mươi nghìn muôn ức bài kệ kinh Pháp Hoa của Đức Oai Âm Vương Phật đã nói thuở trước, nghe xong đều có thể thọ trì, liền được nhãn căn thanh tịnh, nhĩ, tỷ, thiệt, thân cùng ý căn thanh tịnh như trên. Được sáu căn thanh tịnh đó rồi lại sống thêm hai trăm muôn ức na-dotha tuổi, rộng vì người nói kinh Pháp Hoa đó.

Lúc đó hàng tăng-thượng-mạn Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni,

Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di khinh tiện vị đó đặt cho tên “BấtKhinh” nay, thấy vị đó được sức thần thông lớn, đức nhạo thuyết biện, sức đại thiện tịch (6) nghe vị đó nói pháp đều tin phục tùy tùng.

Vị Bồ-tát đó giáo hóa nghìn muôn chúng khiến trụ trong vô thượng chánh đẳng chánh giác. Sau khi mạng chung được hai nghìn ức Phật đều hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh ở trong pháp hội đó nói kinh Pháp Hoa này. Do nhân duyên đó lại gặp hai nghìn ức Phật đồng hiệu là Vân Tự Tại Đăn Vương, ở trong pháp hội của các Đức Phật đó thọ trì, đọc tụng, vì hàng tứ chúng nói kinh điển này, cho nên được mắt thanh tịnh thường trên đó, tai mũi lưỡi thân cùng ý các căn thanh tịnh, ở bốn chúng nói pháp lòng không sợ sệt.

Đắc Đại Thế! Vị Thường Bất Khinh đại Bồ-tát đó cúng dường bao nhiêu Đức Phật như thế, cung kính tôn trọng ngợi khen, trồng các gốc lành. Lúc sau lại gặp nghìn muôn ức Phật cũng ở trong pháp hội các Đức Phật nói kinh điển này, công đức thành tựu sẽ được làm Phật.

Đắc Đại Thế! Ý ông nghĩ sao? Thường Bất Khinh Bồ-tát thuở đó đâu phải người nào lạ, chính thân ta đó.

Như vậy thì có thể nói, khi chúng ta chào hỏi người đối diện, không phân biệt người đó là ai, bằng cách xá với hai tay chắp trước ngực, thì không phải chỉ để tỏ lòng kính trọng người đó, mà chính là chúng ta đang thực hành hạnh Thường Bất Khinh mà Đức Phật đã dạy.

Hiểu rõ ý nghĩa và biết thực hành hạnh Thường Bất Khinh, người con Phật khẳng định niềm tin hướng đến trí tuệ giải thoát; biết thể hiện thái độ khiêm cung của mình, nhờ đó mà dễ dàng tạo được sự hòa hợp; có lòng kính trọng tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội, trình độ học thức… vì hiểu rõ thực sự mọi người đều có những giá trị đáng kính trọng, đó chính là giá trị của tuệ giác giải thoát, điều đã được Đức Phật nêu rõ khi dạy chúng sanh rằng, Ta là Phật đã thành, còn các người là Phật sẽ thành.

http://vanhoaphatgiaoblog.com/van-hoa/chap-tay-toi-lay-nguoi.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage