Một
ngày mới bắt đầu, không phải từ tiếng gà mà là tiếng chim sẻ ríu ran trước ngõ.
Ngay dưới tán cau nhà tôi, chừng ba con sẻ ló đầu ra rồi nhanh chóng quay vào
tổ. Độ này, loài sẻ không vội đi kiếm ăn, chúng luôn dành một khoảng thời gian
đầu ngày để tụ lại và chuyện trò. Đấy là thứ sinh hoạt rất chân quê. Người làng
từ bao đời vẫn thế, giêng hai nhàn rỗi, buổi sáng pha một ấm nước chè ngồi chơi.
Chim học theo người và làm nên một nếp sống phía trên kia. Lát sau nắng lên,
từng chú sẻ lần lượt rời khỏi cuộc mạn đàm để bắt đầu công việc ngày mới: kiếm
ăn và đi tìm bạn tình. Có lẽ cuộc sống của loài sẻ đồng nghĩa với cuộc chơi hào
hoa; bởi, với cái tổ giản kết từ cỏ khô nhưng tâm hồn chúng luôn tươi mới. Nếu
như chim cánh cụt Ađêli tỏ tình bằng cách cắp một hòn đá đến “dạm lời” với chim
mái, thì chim sẻ chỉ dùng tiếng hót của mình, giản dị như cái đi tìm người
thương của trai làng.
Chim sẻ bay không cao và bao giờ cũng làm điệu bộ bằng cách đánh xòe tất cả lông
cánh giữa trời. Đến khi về gần tổ, chúng lội ngược từ phía dưới thấp dọc theo
thân cây cau và chui vào bẹ lá. Có khi chúng đậu rất lâu trên xòe hoa cau và
thưởng thức chút hương thơm còn đọng lại đêm qua.
Những lần đứng ngắm cánh sẻ ra vào tổ và hồn nhiên tắm nắng xuân, tôi lại nhớ về
những ngày ấu thơ mới đây thôi mà đã vội qua. Có những buổi trưa cùng Sum đi dọc
lùm tre làng rình bắt chim. Hai đứa đi suốt buổi chẳng bắt được con nào, chỉ để
thỏa mãn tính hiếu kỳ mà thôi. Sum vẫn hay nhắc lại chuyện này như một kỷ niệm
không bao giờ quên được.
Nhẹ nhàng và mềm mại hơn là loài bướm. Những cánh bướm vàng tươi đợi chờ nắng đã
lâu nên đến ngày trời hừng sáng thì chúng “rộ” ra rất nhiều. Trên những thảm cỏ
xanh, bướm bay tà tà vừa chạm hờ ngọn lá. Có khi chúng đậu rất lâu giữa vùng hoa
dại đến nỗi cứ ngỡ đấy là một bông hoa hai cánh.
Với vũ điệu nhịp nhàng của mình, bướm vàng làm nên một giấc mơ ban ngày, ảo thực
lẫn lộn. Thưở xưa, Trang Tử nằm mơ thấy mình hóa bướm vàng, tỉnh giấc thấy mình
là người, bâng khuâng tự hỏi mình là người hay bướm. Cứ như chính bướm được sinh
ra để làm cho cuộc sống của con người bớt đi những toan tính. Và nhìn ngắm cánh
bướm để nhận ra cuộc đời là hư ảo phù du mà thôi. Nhưng chính cái số phận ít
nhiều mang tính truyền thuyết ấy đã giúp bướm bất diệt. Ngày trước, lũ học trò
từng bắt bướm ép vào trang vở là thế.
Mùa này, đi dọc con đường làng rất dễ bắt gặp một đàn độ dăm bảy cánh bướm lượn
lờ trên cỏ và bay theo đường dích dắc trớ nhau. Thậm chí nơi những khóm cỏ hiếm
hoi trên phố, bướm cũng vờn bay dung dị bất chấp sự ồn ào náo nhiệt. Có một buổi
trưa, khi đang ngồi quán cà phê ven sông Thạch Hãn, tôi nhìn thấy từng tràng
bướm bay từ phía trong bãi hoa màu ra mép nước. Mường tượng tới cảnh người ta
đem hoa ra thả để tri ân những liệt sĩ nằm xuống mỗi dịp lễ lạc. Và không cần
phải đợi đến lễ lạc, chính mùa xuân cũng đã gọi bướm về dâng hoa vàng biết ơn.
Loài bướm rất dạn dĩ, nếu ta đưa tay chộp thì nó bay đi nhưng chỉ lát sau thôi
đã quay lại. Trên cánh đồng quê nhà, đã bao lần trong tuổi thơ của mình, chúng
tôi từng thi nhau đuổi chộp bướm, thế mà qua mười năm, loài bướm vẫn còn lưu
luyến nơi đây. Có lẽ điều đáng trân trọng nhất của loài bướm là thứ tình cảm sâu
nặng với quê hương cỏ dại. Biết ơn và keo sơn.
Ở
làng, có rất nhiều loài bướm cùng về vào độ cuối xuân, song, tôi vẫn thích thú
nhất với loài bướm vàng nhỏ nhắn dễ thương. Dầu chưa lần nào bắt được, nhưng sao
mỗi lần gặp lại chúng, tôi vẫn cứ ngỡ làn phấn mỏng trên chiếc áo hoa điệp ấy đã
bồi đắp cho cả một khuôn mặt Kỷ niệm. Và sắc vàng non như báo hiệu cuộc trường
xuân mãi mãi của tuổi hồn nhiên.
Khác với bướm, chuồn chuồn tham gia cuộc chơi mùa xuân một cách lặng lẽ và cô
đơn. Tưởng chừng chuồn rất nhàn rỗi thong thả, bay thì chậm dừng thì lâu. Đôi
cánh chuồn luôn căng ngang để cân gió, cũng là để hớn hở khoe thêm một đôi tà áo
lấp lánh công chúa.
Mỗi khi đậu, chuồn soi mình xuống lá và ngỡ cánh bóng của mình là một chú chuồn
nào đó, rồi ngộ nhận đấy là một người tình cho cuộc dừng chân. Tôi nhận ra rằng,
chuồn là loài yêu mình hết nỗi, một thứ tình yêu ngây ngô trẻ con mà thuở còn
nhỏ chính tôi cũng từng chạy đuổi cái bóng đổ trên sân.
Buổi trưa, nắng có nhạt đi
đôi chút và gió vờn xao nhẹ. Nghiêng đầu nhìn qua khung cửa sổ, trước mắt tôi là
cánh đồng xanh, từng cánh xuân vẫn lượn bay chập chờn. Thuở nào bạn bè ấu thơ
cũng đã từng dành trọn những buổi trưa để đuổi bắt mộng mơ như thế. Đấy không
phải giấc chiêm bao, mà là quê hương đã thăng hoa trong tâm hồn người.