Chùa Bửu Minh

“Vô cảm” là biểu hiện của sự xuống cấp về đạo đức, khi người ta chỉ biết đến mình, cái gì có lợi cho mình, còn những chuyện không phải của mình, không thuộc về mình thì không cần quan tâm. “Vô cảm” có nghĩa là thờ ơ với nỗi đau của người khác, không có sự động lòng, không

rung cảm khi người khác gặp phải bất hạnh; quay lưng với đồng loại khi họ gặp cảnh khốn cùng. “Vô cảm” đồng nghĩa với lối sống ích kỷ, thiếu tính từ bi, hay cũng có thể nói là thiếu lương tri.

Bệnh thể hiện ở những hiện tượng sau:

Không sẵn lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn, mặc dầu mình có điều kiện có thể giúp đỡ được, hoặc có người, khi thấy những người hành khất thì xua đuổi, dè bỉu. Đi đường gặp người bị tai nạn vẫn bỏ đi không cứu giúp. Thậm chí có kẻ còn nhân cơ hội tìm cách “hôi của” của người bị nạn.

Tôi đã không ít lần chứng kiến sự vô cảm đáng sợ. Trên xe buýt hoặc ở nơi công cộng, thấy người tàn tật không giúp đỡ, không nhường chỗ cho người tàn tật, người già, có khi lại còn cười trước những khuyết tật của họ. Căn bệnh này, có khi còn ở ngay trong công sở, bệnh viện, hoặc cơ quan có thẩm quyền, chẳng hạn những người có trách nhiệm giải quyết vấn đề khúc mắc cho dân, nhưng không quan tâm giải quyết cho người dân, mặc dù người dân phải đến trình bày năm lần bảy lượt, thậm chí còn phải chịu sự quát tháo của người có trách nhiệm giải quyết. Rất nhiều tệ nạn và hiện tượng thể hiện sự vô cảm không thể kể hết.

Hiện tượng học sinh ở thành phố Hà Nội, thành phố Vinh cả tập thể đánh bạn đã làm dấy lên sự khiếp sợ trong cộng đồng, họ sẵn sàng làm nhục bạn rồi đưa lên các trang mạng xã hội, đó là thái độ vô cảm, vô lương tri, chỉ vì thấy không thích bạn là liền đánh người, cái cảnh “mạnh hiếp yếu, a dua” lại có thể xuất hiện ngày một nhiều ở học đường là điều không thể chấp nhận. Sự việc mới đây, cô gái 19 tuổi đã dùng cái đục thợ mộc của cha mình làm hung khí đi giết thiếu phụ đang mang thai gần kỳ sanh nở, đã từng một thời là bạn học chung trường, chỉ vì thiếu phụ ấy đã cưới người mình từng yêu. Mặc dù, người bị hại đã quỳ gối van xin tha chết. Ấy vậy mà những nhác đục oan nghiệt kia vẫn không buông tha hai sinh mạng chỉ để thỏa cơn tức giận vì tự ngã của bản thân mình. Sự vô cảm này quả là tàn khốc.

Còn đó, những cảnh vô cảm ngay trước mắt chúng ta, khi một số thanh thiếu niên  tán tận lương tâm, vì cơn nghiện games đã không khống chế nỗi con ma nghiện hoành hành, sẵn sàng ra tay chém đi bà nội của mình lấy chút tiền mọn để thỏa mãn cơn nghiện quái ác… Lại còn cảnh bà cụ đã nâng đỡ một kẻ từng lầm đường lạc lối chỉ vì muốn anh ta làm lại một người hữu ích cho xã hội, thế mà anh đã nhẫn tâm giết đi bà cụ với ánh mắt không nhìn rõ, chỉ vì mấy trăm ngàn đồng dành dụm của bà. Bà cụ đã từng cho anh ăn, cho anh uống, cho anh tá túc khi xã hội và người thân đã ruồng bỏ anh, thế mà anh xuống tay không một chút trắc ẩn của lương tri…

Tôi từng chứng kiến cậu tôi vì đam mê học đánh đàn, đến khuya mới trở về nhà, trên đường bị những con bạc triệt tiêu lẫn nhau đã bắn nhầm trúng trọng thương. Cậu lê lết đến hai trăm mét gần căn nhà nọ kêu cứu, nhưng thật bất hạnh, người trong nhà ấy đã vô cảm, không động lòng trước tiếng kêu cứu của kẻ trọng thương, và cuối cùng Cậu đã quằn quại liên tiếp cho đến khi máu đã không còn chảy nữa…!

Còn vô số những hiện tượng “vô cảm” như thế đang làm nhức nhối xã hội. Làm sao cứu con người thoát khỏi căn bệnh này!

Vì sao con người trở nên vô cảm

Có người bảo rằng: họ không vô cảm, mà họ ích kỷ. Họ ích kỷ không phải vì tham lam (tất nhiên có người tham lam, nhưng không phải đa số), mà họ ích kỷ vì họ sợ. Tại sao sợ, tại vì xã hội nhiễu nhương, người tốt kẻ xấu không thể phân biệt, nên ai cũng đâm ra nghi kỵ lẫn nhau, thành thử lòng rung cảm, tính vị tha bị coi rẻ, thay vào đó là sự lạnh lùng “vô cảm” đã soán ngôi. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, chuyên viên tư vấn tâm lý, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM cho rằng: “Ngày nay khi tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, sự lên ngôi của Chủ nghĩa vật chất, cùng với sự phân hóa giàu nghèo, đã sản sanh tính vị kỷ, khiến mọi người chỉ nghĩ đến hạnh phúc của bản thân hoặc gia đình mình. Vì thế đến khi có kẻ gặp nạn, người ta do vô tình không để ý hoặc cố tình thờ ơ cho rằng đó không phải là việc của mình. Và ngược lại đến khi bản thân họ gặp chuyện cũng chẳng có ai giúp. Đó là hệ lụy tất yếu về mặt tâm lý - theo phân tích của bà.” Xét về yếu tố tâm lý xã hội, thạc sĩ Minh cho rằng “đang có sự thay đổi lớn trong hệ thống giá trị sống của con người qua các thời đại”. Ngày xưa con người sống trọng “nghĩa” hơn, tức là luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, sẵn sàng xả thân vì cái thiện dù đó là việc của gia đình, đồng loại hay của đất nước. Vì thế mà ở thời ông cha ta những giá trị cốt lõi của tình nghĩa gia đình, thầy trò, tình yêu quê hương đất nước luôn được đặt lên cái “tôi” cá nhân. Trong khi đó con người ngày nay trọng “tình” hơn, tức là thiên về mặt cảm xúc cảm tính và bản năng nhiều hơn. Theo thạc sĩ Minh, không thể phủ nhận tầm quan trọng của tình yêu trong đời sống, song do nó thiên về cảm xúc nên có mặt tiêu cực là sự mù quáng, bởi người ta chỉ dành sự ưu ái cho người mình yêu thương hoặc người thân của mình. Chính vì thế mà con người hiện đại chỉ quan tâm đến người “của mình” và cho phép bản thân bỏ qua các mối quan hệ “ngoài luồng” (tức không thuộc lĩnh vực thân thích hay cốt nhục của mình). (Trích “Bệnh vô cảm xuất phát từ khủng hoảng niềm tin cuộc sống”, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh).

Quan điểm người viết cũng có phần đồng ý với những gì thạc sĩ Minh đã nêu, song còn nhiều nguyên nhân khác khiến con người trở nên vô cảm. Sở dĩ nảy sinh căn bệnh này vì những người đó không có sự tu dưỡng đạo đức, không rèn luyện phẩm chất đạo đức, không có lòng nhân đạo, không hiểu thiện ác, không tin nhân quả, thờ ơ lãnh đạm với mạng sống của người khác, ý thức tập thể, ý thức cộng đồng kém, không giữ được truyền thống quý báu của dân tộc ta là “thương người như thể thương thân”. Họ chỉ nghĩ đến “tư lợi”, không biết “lợi tha”. Thậm chí là thỏa mãn cái động lực quái ác của mình và tim họ trở nên lạnh băng băng, mới có thể vô cảm đến thế, thậm chí có kẻ còn ra tay cướp đi sinh mạng của người khác một cách ghê sợ.

Xin mọi người hãy rung cảm

Viết đến đây, tôi lại chợt nghĩ đến pháp “lục độ vạn hạnh” của nhà Phật, trong đó chủ yếu giáo dục con người “thi ân bất cầu báo”, vì khi chúng ta cứu giúp một ai đó, không có nghĩa là ta mong cầu sự đáp trả, mà là vì lương tâm, vì lòng từ, vì tình thương giữa người với người mà cứu giúp, dù người mình giúp có quay lưng trở lại gây rắc rối hay ăn vạ mình thì vẫn còn luật pháp, vẫn còn người khác chứng minh cho mình. Chúng ta phải tin rằng, những điều mình làm là đúng là hữu ích cho bản thân và đồng loại, dù ta có gặp phải những phiền phức khó lường, thậm chí có người vì cứu giúp người khác mà vô hình trung lại vướng vào lao lý. Nhưng bản thân người viết nghĩ rằng, Nếu chúng ta cùng suy nghĩ rằng sự cứu giúp người khác là con đường dẫn tới một cuộc sống tốt lành, là việc làm của lương tri thì chúng ta sẽ khởi lòng tin và sẵn sàng cứu giúp mà không có sự hối tiếc hay phòng vệ. Bạn sẽ rất sung sướng thấy mình đã làm một việc có ý nghĩa. Việc mình làm sẽ đem lại cho mình sức mạnh và năng lượng mà ai cũng có thể cảm nhận. Khi có niềm tin vào việc mình làm là hợp với đạo lý, hợp với lẽ sống, nó sẽ cho mình niềm hạnh phúc miên viễn tự trong tâm. “Lục độ vạn hạnh của Phật giáo” là phương pháp hành con đường Bồ-tát đạo, cứu khổ ban vui, là việc “đánh đổi hạnh phúc của ta lấy sự khổ đau của người khác - đấy là pháp hành Bồ tát đạo”. Vậy muốn cứu độ vô lượng chúng sanh, hay sanh khởi lòng từ khi thấy kẻ khác lâm nạn, chúng ta nên rèn luyện chí hướng vị tha, tinh thần đạo đức, đặt lợi ích người khác lên trên cái tôi của mình. Do đây, khi cứu giúp người trong nguy kịch, chúng ta đừng quá đắn đo mà hãy nhanh tay cứu giúp, đừng để sinh mạng của họ mất đi, ta chỉ còn kịp nói lời hối tiếc thì đã quá muộn màng! Chúng ta hãy tưởng tượng xem, đau đớn nào hơn khi người thân họ phải mất đi cha, hay con phải mất đi mẹ, vợ phải mất đi chồng, họ phải mất đi con, thậm chí bao mái đầu bạc phơ lại phải khóc cho trẻ thơ… thật là bất công!

Để khuyến khích con người tránh đi căn bệnh vô cảm, xã hội đã kêu gọi, đánh thức lương tri con người bằng những việc làm nhân đạo, làm công tác từ thiện, hiến máu nhân đạo, giúp các em cơ nhỡ tìm được tương lai nhỏ nhoi nhất để tiếp sức cho đời mình, tiếp giúp cho người vô gia cư có được mái ấm, nâng đỡ những em đã từng lầm lỗi có cơ hội làm lại cuộc đời, giúp đỡ những người bất hạnh trước những cơn bệnh nan y, đưa người đi cấp cứu khi họ gặp phải tai nạn, cơ quan chức năng hãy lắng nghe tiếng nói cũng như sự cầu cứu của người dân khi họ cần, đó là những hành vi mang tính đạo đức, mang tính lương tri… Đối lập với vô cảm là lương tâm, lương tri, sự động tâm trước nỗi thống khổ, bất hạnh của kẻ khác. Người có lương tâm hay lương tri, tâm của họ luôn có sự thúc giục của lòng từ, tình thương của họ vô điều kiện, họ sống trọng đạo nghĩa, họ không khinh khi hay miệt thị kẻ khốn cùng, không vô cảm trước những nỗi đau của người khác, họ luôn xem đồng loại chính là bản thân hay cốt nhục của mình, đây là yếu tố đạo đức cơ bản mà mỗi con người cần nên có, cũng là một trong những hình thức giáo dục con người ta sống có tình thương, có trách nhiệm với con người và cộng đồng. Tình thương được xem là thuộc tính cơ bản của con người. Ở đâu có con người, nơi ấy có tình thương. Đạo Phật là tôn giáo tiêu biểu cho tình thương. Vì lẽ ấy, tình thương không hạn cuộc trong thân thích, cốt nhục, mà còn mở rộng thương khắp cộng đồng.

Khôi phục tính lương tâm

Lương tâm, cũng có thể gọi là đạo đức lương tri, nó là một lĩnh vực vô cùng quan trọng trong cuộc sống, nhưng có lẽ tính lương tri đã và đang bị xói mòn. Nhà Phật còn gọi lương tâm là “đạo đức tâm linh”. Đạo đức tâm linh, hay lương tâm, lương tri là tiếng lòng vô cùng mầu nhiệm và huyền bí. Đạo đức tâm linh nó là động lực có thể chuyển hóa con người hướng thiện, khi họ thật sự hiểu đúng giá trị đích thực của cuộc sống. Hành trình tâm linh giúp con người từ phàm phu trở nên thánh thiện. Hành trình tâm linh đi từ mảnh đất tâm và đích đến cũng là mảnh đất tâm. Đây là tiến trình để hoàn thiện phẩm hạnh đạo đức. Nó không phải là sản phẩm chỉ dành riêng cho tầng lớp xuất gia của đạo Phật mà nó là cơ hội, là nền tảng để mọi người trên cuộc đời cùng nhau thể nghiệm. Con đường này dễ dàng thực tập đối với ai có chí hướng thiện, nhưng nó cũng vô cùng khó đối với ai xem thường giá trị đạo đức. Tác hại của thái độ vô cảm trong cuộc sống không phải là chuyện nhỏ, nó không chỉ làm cho con người ngày càng trở nên sa sút về đạo đức mà còn có thể đưa đến nhẫn tâm, một khi tiếng nói lương tâm trong họ đã bị mỏng dần, hay thậm chí lương tri không còn hiện hữu. Do vậy, để khôi phục lương tâm, cần kíp nhất là công tác giáo dục, bên cạnh dạy kiến thức khoa học cho con em thì cũng cần phải đề cao những giá trị đạo đức, tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình yêu thiên nhiên, tình đồng loại, cũng như trang bị cho lớp trẻ những kỹ năng sống, kỹ năng xử lý trong tình huống của cuộc sống. Muốn làm tốt vấn đề này, trước tiên người lớn cần phải làm gương sáng cho trẻ. Nếu cha mẹ, thầy cô cũng như nhà chức trách mà vô cảm thì đừng mong giáo dục được thế hệ trẻ có ý thức hay giàu lòng nhân ái. Còn bản thân người trẻ hãy tự ý thức việc trang bị những kỹ năng sống là của mình chứ đừng chỉ ngồi chờ sự ban phát từ người khác. Nếu thấy người bị nạn hay bị hại mà chúng ta không ra tay cứu giúp hoặc thờ ơ, thì sớm muộn gì trong cuộc sống có lúc chúng ta cũng sẽ phải nhận lấy sự lạnh lùng do người khác đáp trả. Nếu thấy người tàn tật sanh tâm xua đuổi, thì cũng có lúc ta cũng sẽ bị người khác hất hủi, thấy người gặp nguy không cứu, không kêu cứu thì đến lúc ta gặp nguy khốn người khác cũng sẽ lạnh lùng bước đi… Điều quan trọng mọi người cần ý thức rằng, ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu, kẻ nghĩa hiệp, người lãnh đạm, vì thế mà mỗi người cần chung tay nhân cái tốt, dẹp cái xấu để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Trước những bất hạnh, khổ đau của tha nhân do con người với con người gây ra, bên cạnh những khổ đau hoạn nạn do thiên tai đem đến, cũng như khi đối diện với cái xấu, cái ác đã và đang len lõi xuất hiện trong cuộc sống này. Giữa con người và con người cần phải giữ tâm “rung cảm” như là chuyện của chính bản thân mình.

Xin anh chị đừng vô cảm, xin mọi người đừng vô cảm, xin đồng loại đừng vô cảm! Trong tất cả chúng ta đều có nước mắt cùng mặn, máu cùng đỏ và cùng ham sống. Xin hãy quay lại nhìn khi có người gặp phải bất hạnh vì họ và chúng ta đều là con người!

(12 tháng 11 năm 2011)

http://phapluanonline.com/index.php?option=com_content&view=article&id=2376:hay-chua-tri-can-benh-vo-cam&catid=28:songdao&Itemid=103


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage