Đúng ra nên nói là
Người Việt và sự tri ân, nhưng điều này được thể hiện
đậm nét hơn ở cư dân cố đô trong sinh hoạt đời thường
hiện nay tại Việt Nam.
Theo thói quen của
chúng ta khi bàn về một việc đời thường, chúng ta bắt
đầu ”từ trong nhà rồi ra ngoài ngõ”. Quan sát một gia
đình Huế kiểu mẫu tam đại đồng đường mà người cao niên
nhất vào độ tuổi xưa nay hiếm đang sống trong một ngôi
nhà chưa phải là mới xây dựng, hoặc thừa hưởng từ cụ nội
có niên đại từ đầu thế kỹ trước, chúng ta dễ nhận ra
những dấu vết qua đó thể hiện sâu sắc lòng biết ơn của
những người đã từng sống trong ngôi nhà đó.
Ngoài bàn thờ tổ tiên
được đặt để ở vị trí trang trọng nhất, có khi chiếm
không gian rộng lớn so với diện tích khiêm tốn của một
ngôi nhà, những đồ vật đã được sử dụng và đáng lẽ đã
được vứt đi, thì nay chúng vẫn nằm ở vị trí cũ “không xê
dịch”, lưu dấu kỹ niệm của một thời của gia đình. Đó có
thể là ấm chén sứt vòi từ đời cụ cố, bình vôi ăn trầu
gãy quai, cái quạt chỉ còn nan bằng gỗ mục, hay có khi
là cái nghiên mực tàu “nằm trơ gan” không xa bàn phím
máy tính hiện đại của đứa cháu nội là mấy! Phải nói gần
như không có một thứ gì có giá trị kinh tế hiện thời, ấy
vậy mà đôi lúc, một cách tình cờ, nếu một trong những kỹ
vật ấy là đồ xưa hiếm đang được sưu tầm sẽ được bán với
giá khá cao, có thể giúp con cháu qua cơn ngặt nghèo...Điều
này không phải là hiếm đối với một vài gia đình đã từng
là danh gia vọng tộc. Vì sao người Huế vẫn cứ lưu giữ
những vật dụng đáng lẽ phải vứt bỏ đi như thế? Đó có
phải xuất phát từ lòng biết ơn những “bạn đồng hành
trong cuộc đời gian nan” với mình hay đó chỉ là hành vi
thể hiện tính tiếc của, như một số con cháu đã “nghĩ oan”
cho họ? Nhưng không phải, ngay cả những gia đình giàu có,
những “lưu vật” ấy vẫn hiện diện, có khi như một “viện
bảo tàng” trong những ngôi nhà xưa. Quí vị hãy xem,
người Huế không bao giờ vứt vào sọt rác những vật dụng
đã giúp họ sinh hoạt qua một năm trường. Hãy đến cố đô
vào ngày 23 tháng chạp âm lịch, quí vị sẽ thấy ở các ngã
ba, ngã tư, ở cây đa đầu làng, cây bồ đề đầu xóm rất
nhiều ông táo bình vôi bằng đất nung ( Bây giờ là hình
tượng ông táo không phải bằng đất mà bằng gốm sứ để thờ
thay vì để nấu nướng). Ngoài ông táo ra, sẽ có nhiều thứ
“tam bình lục tặc” như ấm chén, bát nhang, ông địa và có
khi là trang ông trang bà!...Đức tính tri ân vật dụng đã
giúp người ta làm việc, sinh sống, có thể được nhìn thấy
ở những chiếc chày, chiếc cối con dao cái rựa. Người Huế
không bao giờ đem chụm (đốt) cái thớt, cục kê... và nhất
là khúc cây dùng để chẻ củi, dù đang nấu cơm mà cơm chưa
chín nhưng đã hết củi.
Đó là “trong nhà”.
Còn “ngoài ngõ” thì như thế nào? Hãy đến Huế vào những
chiều tối ba mươi hay mười bốn trăng rằm. Không cần đi
đâu xa, chỉ cần đi dọc các dãy phố chính như Trần Hưng
Đạo, Phan Đăng Lưu, Mai Thúc Loan...các bạn sẽ được thẳm
đượm mùi hương trầm trong ánh nến lung linh của các bàn
hương hoa quả “cúng rằm” trước hiên nhà suốt hai bên dãy
phố. Chưa có và có lẽ không có một thành phố nào ở Việt
Nam thẳm đượm mùi vị ”tâm linh” như vậy như ở Huế. Đâu
cần quảng bá du lịch đêm rằm thả hoa đăng và treo đèn
lồng trong thành phố! Du khách đến đây sẽ ngạc nhiên và
hỏi ra mới biết người dân Huế hằng mỗi nửa tháng đều bày
tỏ lòng tri ân tưởng nhớ “những người bên kia” bằng lễ
cúng rằm. Và hàng năm, đến tháng hai và tháng tám âm
lịch, không hẹn lại lên, nhà nhà đều “cúng đất” bằng lể
vật đặc biệt dành cho người Chăm như một phương cách bày
tỏ lòng biết ơn với cư dân đã sống vài trăm năm trước
tại mảnh đất này. Nhất là vào mùa ”hai ba tháng năm” tất
cả mọi gia đình, mọi thôn xóm đều nghiêm trang thành
kính cúng bái để tưởng niệm những chiến sĩ, người dân đã
bỏ mình trong cuộc binh đao khi thực dân Pháp bất ngờ
tấn công và làm thất thủ kinh đô.
Nhiều người tự hỏi
tại sao ở đây có quá nhiều đền chùa am miếu...Đó có phải
chỉ thể hiện khuynh hướng sùng bái thần linh, hay còn là
một trong những biểu hiện lòng biết ơn tiền nhân của cư
dân Huế? Có khi sự thể hiện biết ơn lên tới cao trào
biến thành lễ hội quần chúng như cuộc rước thánh mẫu lên
Điện Hòn Chén hằng năm mà tính qui mô và sắc thái biểu
hiện vô cùng đặc biệt khiến du khách nào đã thấy thì
không sao quên được! Nó gíống như như lễ hội Carnival
trên sông với đầy đủ màu sắc và âm thanh rộn ràng chẳng
khác liên hoan âm nhạc Woodstock.
Người Huế còn có cách
thể hiện lòng biết ơn bằng một hình thức độc đáo là cúng
tạ ơn hay còn gọi là ”cúng tạ”. Sau khi xây dựng một công
trình như lăng mộ, nhà ở, trường học...hay sau một cơn bạo
bịnh, hoặc thành công trong kinh doanh, thi cử...thế nào
cũng có cúng tạ, như để tỏ lòng tri ân với một “đấng bề
trên” nào đó đã giúp mình vượt qua thử thách. Bỏ qua những
yếu tố mê tín hay tín ngưỡng, đây có thể được xem là một
yếu tố tích cực trong sự hình thành tính cách của người
Huế: luôn luôn tỏ lòng biết ơn. Và đôi khi lòng biết ơn
được thể hiện hơi quá đáng, nhất là trong thập kỷ 50, 60
của thế kỷ trước. Chẳng hạn, sự tri ân thầy giáo được bày
tỏ qua lòng tôn kính sản phẩm trao truyền của các bậc
tôn sư như sách, vở mà cụ thể là qua chữ viết. Người Huế
hồi đó không bao giờ vứt một trang báo, bao bì có chữ
viết vào sọt rác, nhất là tờ giấy nào có chữ ”an nam”. Họ
sẽ đem đốt thành tro bụi chứ không để những lưu vật mà
họ cho là thiêng liêng vật vờ bên cạnh những phế phẩm
bẩn thỉu như chúng ta thường trông thấy ngày nay trong
các sọt rác.
Và cuối cùng nhưng
chưa hết, lòng biết ơn của cư dân Huế được thể hiện qua
những lễ hội, cúng kỵ như các lễ rước thánh mẫu(tháng bảy
kỵ cha tháng ba kỵ mẹ), lễ kỵ các vị tổ ngành
nghề (may, mộc, kim hoàng, xây dựng...), đặc biệt là có lễ
rước Hến vào ngày 24 tháng 6 Âm lịch hằng năm để nhớ ơn
và tôn vinh loài thuỷ vật sống dưới đáy bùn trong dòng
sông Hương đã giúp dân Huế tạo ra một món ăn độc đáo
thơm, cay, ngọt, bùi...là món “cơm hến”
mà ai đã thưởng thức một lần thì không thể nào quên được!
PHAN NHƯ
trang phan như
chân
trần
art2all.net