Ta
làm đúng và nói đúng, nhưng ta lại bị nhiều người chỉ trích mỗi ngày,
và như vậy mỗi ngày đi qua đời ta là mỗi ngày đưa ta từ bóng đêm bước ra
ánh sáng và từ ánh sáng này, ta bước tới ánh sáng khác.
Chân lý không thuộc về sự khen ngợi hay chỉ trích, mà thuộc về ở nơi
người nào thấy và biết đúng, nghe và cảm nhận đúng, sống đúng, nói và
làm đúng.
Lằn mức giữa đúng và sai thật vô cùng vi tế và thẳm sâu, nên có những
suy nghĩ, có những việc làm của ta, ở độ tuổi này thì đúng, mà bước qua
độ tuổi khác lại là sai; ở buổi sáng thì đúng, mà ở buổi chiều thì sai;
ở phút trước thì đúng, mà ở phút sau thì sai; đối với hoàn cảnh này thì
đúng, nhưng ở hoàn cảnh khác thì sai; đối với người này thì đúng, mà
đối với người khác thì sai, và cùng một vấn đề, mà ta nhìn nó từ góc độ
này thì nó đúng, nhưng ta nhìn nó với một góc độ khác thì sai.
Nên, đúng và sai là tùy theo mức độ hiểu biết của ta, liên hệ đến ô nhiễm hay thanh tịnh, sâu hay cạn, rộng hay hẹp của tâm ta.
Hễ tâm ta càng ít ô nhiễm và càng ít bị xáo động, thì cái biết của ta
đi dần tới với cái đúng và ta có thể thường trú ở trong cái đúng. Hễ
tâm ta bị ô nhiễm và xáo động, thì cái biết của ta càng lúc càng đi dần
tới với cái sai lầm và ta có thể cộng trú thường trực với cái sai lầm
ấy.
Ta thấy đúng và biết đúng đối với mọi sự hiện hữu, là do tâm ta yên
lắng, không bị xáo động bởi các vọng tưởng, hoàn toàn không bị lay động
và thụ động bởi các ngã tưởng và các dục. Ta sống với tâm như vậy, thì
lúc nào và ở đâu, ta cũng không bị hoàn cảnh sai sử và không bị các hình
tướng đánh lừa. Ta nghe với tâm yên lắng, không bị xáo động bởi các
tưởng, thì ở đâu và lúc nào, ta cũng có sự tự do đối với cái nghe và ta
không bị mọi ngôn ngữ và âm thanh đánh lừa. Ta cảm nhận từ mọi sự xúc
chạm với tâm yên lắng và không bị xáo động đối với các vọng tưởng, thì
sự cảm nhận của ta là sự cảm nhận đúng, nên lúc nào và ở đâu, ta cũng
không bị các cảm giác và tri giác đánh lừa.
Ta nuôi dưỡng đời sống bằng tâm yên lắng và không bị xáo động, thì
lúc nào và ở đâu, ta cũng có tự chủ, không bị các loại ăn mặc và các
thực phẩm ăn uống đánh lừa. Ta nuôi dưỡng đời sống bằng tâm chân thực,
bằng sự hiểu biết sáng trong, bằng những hành động và những lời nói đúng
đắn, thì lúc nào và ở đâu, ta cũng có đảm lực để sống, ta không bị thời
gian khuất lấp, không bị những sự sợ hãi chi phối và không bị những sự
hư dối đánh lừa.
Ta làm đúng, thì nhân quả đến với ta đúng như những gì ta đã làm. Ta
làm sai, thì nhân quả cũng đến với ta đúng như những gì ta đã làm sai.
Muốn ăn cam, ta trồng cam, hội đủ nhân duyên, cam sẽ cho ta trái
ngọt. Ta muốn ăn cam mà gieo hạt quýt, hội đủ nhân duyên, quýt sẽ ra
trái cho ta mà không phải là cam.
Như vậy, ta thấy đúng, biết đúng và làm đúng, thì nhân quả đúng tự
đến với ta. Ta thấy biết sai và làm sai, thì nhân quả đúng như với cái
sai cũng tự đến với chúng ta.
Ta muốn ăn cam mà lại trồng quýt và chăm sóc quýt, hội đủ nhân duyên,
thì ta chỉ có thành quả của quýt mà không phải là thành quả của cam,
như vậy ta bị rơi vào tình trạng khổ đau là do ta mơ ước mà không thành.
Mơ ước không thành là do tâm ta, mà không phải do nhân quả hay do
cuộc đời. Cuộc đời của ta chính là tâm ta, và nhân duyên, nhân quả của
cuộc đời ta là tùy thuộc vào tâm ta mà biểu hiện. Không có nhân duyên và
nhân quả nào tách rời khỏi tâm ta mà hình thành và biểu hiện cả. Tâm ta
chính là nguồn gốc cho nhân duyên, nhân quả của cuộc đời ta hình thành
và biểu hiện.
Do ta không nhận biết cụ thể và chính xác nhân duyên, nhân quả giữa
những hạt giống cam và quýt; do ta không biết phương pháp để chăm sóc;
và do ta không biết thời vụ và chất đất để gieo trồng, nên ta mong muốn
một đường, mà kết quả đến với ta một nẻo.
Không có nhân duyên, nhân quả nào, khi ta gieo hạt giống cam mà quả
lại cho ta là quýt và cũng không có nhân duyên, nhân quả nào, ta gieo
hạt giống quýt mà quả lại cho ta là cam.
Cũng vậy, không có thành quả của an lạc và hạnh phúc nào đến với
người tâm nghĩ ác, miệng nói ác, thân làm ác. Và cũng không có thành quả
khổ đau và thất vọng nào đến với người tâm nghĩ thiện, miệng nói thiện
và thân hành thiện.
Nếu vì bản thân ta mà nghĩ đến điều thiện, miệng nói điều thiện và nỗ
lực làm việc thiện, thì thiện ấy chưa phải là thiện của thiện, nên an
lạc đến với ta rất ít, mà khổ đau và thất vọng đến với ta rất nhiều.
Vì vậy, ta không ngạc nhiên gì, ở giữa đời đã có nhiều người tự cho
mình là hành thiện, nhưng trong đời sống của họ chỉ sinh ra những trái
đắng và khổ đau.
Nếu không vì bản thân ta mà tâm nghĩ đến điều thiện, miệng nói điều
thiện và nỗ lực làm thiện mỗi ngày, thì thiện ấy mới đích thực là thiện.
Thiện ấy là điểm để cho niềm tin và an lạc trong tâm ta phát sinh và
nhân duyên, nhân quả tốt đẹp hình thành trong đời sống của ta.
Một người biết sống yêu thương và tử tế với chính mình, người ấy
không phải chỉ biết khắc phục hậu quả khổ đau, mà còn phải biết cách lấy
những hạt giống khổ đau ra khỏi tâm thức của chính họ, khiến cho mọi
nhân duyên, nhân quả khổ đau không còn có điều kiện sinh khởi ở trong
đời sống của họ nữa. Và một người thông minh, giàu lòng nhân ái, người
ấy không phải chỉ biết giúp người khác khắc phục hậu quả khổ đau, mà còn
phải biết cách giúp cho người khác, thoát ra khỏi những hạt giống khổ
đau ở nơi tâm thức của chính họ nữa.
Khổ đau hay hạnh phúc đến với chúng ta là từ nơi tâm thức của mỗi
chúng ta. Nên, mỗi khi đối diện với khổ đau hay hạnh phúc là ta có cơ
hội để tiếp xúc với những hạt giống thiện, ác ở nơi tâm ta. Tiếp xúc với
những hạt giống bất thiện ở nơi tâm ta, không phải để đối phó, mà để
nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa, khiến chúng đi về theo hướng hiền thiện.
Và tiếp xúc với những hạt giống thiện ở nơi tâm ta không phải để tự
mãn, mà để tiếp tục nuôi dưỡng và thăng hoa chúng đến chỗ thuần thiện.
Tiếp xúc và làm chủ tâm ta mỗi ngày, điều ấy không phải là dễ, tại
sao? Vì tâm ta không có hình tướng. Nó vĩ đại thì trong thế gian này
không có gì vĩ đại cho bằng; nó tinh vi thì ở trong thế gian này, không
có cái gì tinh vi cho bằng; nó bén nhạy và linh hoạt thì ở trong thế
gian này không có cái gì bén nhạy và linh hoạt cho bằng; nó độc ác thì ở
thế gian này không có cái gì độc ác cho bằng; nó thánh thiện thì ở
trong thế gian này không có cái gì thánh thiện cho bằng.
Vì vậy, tiếp xúc và làm chủ tâm là cả một công trình tu luyện liên tục và miên mật.
Và cũng vì vậy, ai tiếp xúc và làm chủ được tâm, người ấy mới có khả
năng làm chủ được nhân duyên, nhân quả của đời mình, làm chủ được sự
sống chết và tự tại giữa muôn ngàn diệt sinh, ảo hóa của vạn duyên và
vạn hữu.
Nếu ta không làm chủ được tâm ta, thì ta sống với ai, ta cũng sẽ buồn
chán, sống với xứ sở nào ta cũng sẽ thất vọng. Và nếu ta làm chủ được
tâm ta, thì ta sẽ làm chủ được vạn duyên trong đời sống của ta, nên sống
với ai ta cũng vui. Ta sống với thiện hữu tri thức ta vui đã đành, mà
sống với ác tri thức cũng không làm cho niềm vui của ta bị suy giảm.
Sống với thiện tri thức ta cũng có điều kiện để học hỏi và thăng hoa, mà
sống với ác tri thức ta cũng có điều kiện để nhìn lại mình, mà phòng hộ
và chuyển hóa. Sống trong thuận cảnh, ta vui đã đành mà sống trong
nghịch cảnh, niềm vui của ta cũng không hề bị tổn giảm. Sống trong thuận
cảnh, ta cũng có điều kiện để thăng hoa, mà sống trong nghịch cảnh, ta
cũng có điều kiện để tôi luyện và phát huy nội lực.
Nghiệm cho cùng, sống giữa đời không có ai tồn tại trong thuận cảnh
đơn thuần và cũng không có một ai tồn tại đơn thuần giữa nghịch cảnh.
Nghịch và thuận là hai mặt tương sinh trong đời sống của mỗi chúng ta.
Cũng như hai cánh tay phải và trái là hai khía cạnh của một thân thể
lành mạnh, linh hoạt và tháo vát. Một thân thể lành mạnh, linh hoạt và
tháo vát không bao giờ chỉ biết hoạt động một tay hay một chân.
Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, ta thuận với cái này, thì ta
nghịch với cái khác và ta nghịch với cái này, thì ta thuận với cái khác.
Ta chỉ có hạnh phúc và có khả năng hướng thượng, khi ta nhận ra được
sự thật của lẽ thuận nghịch ấy trong đời sống của ta và chung quanh ta.
Ta phải biết tác dụng thực tế của hai mặt thuận nghịch, ngay trong đời
sống của mỗi chúng ta. Và ta phải biết làm chủ tâm ta ngay trong cái lẽ
thuận nghịch ấy của cuộc sống.
Ta cần nhìn thật trầm tĩnh và sâu sắc để thấy rằng, ở trong đời có
những cái thuận với ta cũng có khi giúp ta, nhưng cũng có khi hại ta và
có những cái nghịch với ta cũng có khi là hại ta, nhưng cũng có khi giúp
ta rất nhiều.
Nên, vấn đề an lạc và hạnh phúc của ta không phải là ở nơi sự từ chối
nghịch chạy theo thuận, mà ta phải biết làm chủ tâm ta giữa hai lẽ
thuận và nghịch ấy của cuộc sống. Ta cần phải nhìn sâu để biết rằng,
chân lý của cuộc sống là bao gồm cả hai lẽ thuận và nghịch, nếu từ chối
thuận hay từ chối nghịch, thì ta không có lý do gì để hiện hữu.
Cũng như ánh sáng là chân lý và tác dụng của ngọn đèn, nếu ngọn đèn
chỉ chấp nhận điện tử dương, mà từ chối điện tử âm hoặc chỉ chấp nhận
điện tử âm mà không chấp nhận điện tử dương, thì ánh sáng và tác dụng
của ngọn đèn không bao giờ phát ra, khiến cho sự có mặt của cây đèn trở
thành vô dụng và vô nghĩa. Ánh sáng của ngọn đèn chỉ phát ra và có tác
dụng lợi ích cho cuộc sống, khi nào bản thân ngọn đèn có khả năng tiếp
nhận và làm chủ hai dòng âm dương, thuận nghịch đến với nó và hoạt động
trong nó.
Cũng vậy, mỗi khi ta đã làm chủ được tâm ta, khiến tâm ta hoàn toàn
không bị chi phối bởi các vọng tưởng, thì hai lẽ thuận nghịch trong đời
sống của mỗi chúng ta, giúp cho ta đi tới với đời sống tự do và khiến
cho ta thong dong giữa đôi dòng thuận nghịch.
Thuận và nghịch trong đời sống của mỗi chúng ta, chẳng khác nào đôi
cánh phải và trái của chú chim đại bàng đã giúp cho chú bay liệng giữa
bầu trời cao rộng và tự do.
Thuận và nghịch trong đời sống của mỗi chúng ta, cũng phải thường
trực quán chiếu như vậy, để lúc nào và ở đâu, ta cũng làm chủ được tâm
ta, để ta có khả năng chế tác ra hạnh phúc và an lạc cho ta và cho mọi
người, khiến cho ai cũng có thể thực hiện đời sống thong dong giữa đôi
dòng thuận nghịch.