Đức Phật không bao giờ chủ trương bi quan như vậy và Phật cũng không
hề nói trên đời này không thể có hạnh phúc. Đức Phật chỉ nói rằng sống
thì phải chịu khổ về thể xác cũng như về tinh thần. Nhận định của Đức
Phật rất khách quan, rất đúng và không ai có thể phủ nhận những sự thật
ấy được. Giáo lý của Đạo Phật được phát xuất từ kinh nghiệm sống dựa
trên sự thật, trên một thực tế mà mọi người đều biết, đều có trải qua và
đều cố gắng phấn đấu để khắc phục. Đạo Phật đi thẳng vào điều lo ấu
chính yếu của mọi người trên thế gian là sự “khổ đau” và “làm thế nào để
tránh cho khỏi khổ”.
Những điều nhận xét của Đức Phật về con người, về cuộc đời chính là
những mối suy tư giúp nhân sinh có một quan niệm đúng đắn về cuộc đời để
sử dụng đời mình làm sao cho có lợi ích. Lợi ích cho chính bản thân
mình và lợi ích cho cả các chúng sinh khác. Chính đây là những lời
khuyến khích con người tìm cách thực hiện mau những điều đáng làm và cần
thiết phải làm để khỏi chết đi trong niềm tiếc nuối và ân hận là mình
đã sống một cuộc sống vô nghĩa đầy uổng phí.
Những người chưa vào Đạo Phật, hoặc chưa hiểu Đạo Phật, thường nghĩ
rất sai lầm, tưởng rằng Đạo Phật là một đạo chán đời, bi quan, yếm thế,
thối chí, làm cho con người trốn tránh trách nhiệm với xã hội và hèn yếu
đối với thân tâm mình. Vì Ðạo Phật nói “vô thường”, mà một khi sự vật
đã vô thường thì không nên làm gì cả, có siêng năng hoạt động kinh doanh
sự nghiệp rồi cũng không đi đến đâu. Nghĩ như thế thật là trái ngược
với giáo lý nhà Phật.
Thật ra không phải vậy. Vô thường của
đạo Phật là một phương pháp chỉ rõ mặt trái của đời, để bài trừ những sự
mê lầm, ngăn chặn người chạy theo vật dục, nó chưa phải là thuyết tuyệt
đối. Ðức Phật cũng như vị lương y tùy theo chứng bệnh mà cho thuốc. Với
bệnh “chấp thường còn không mất”, thì dùng phương thuốc “vô thường” để
đối trị, khi lành bệnh thì Phật lại cho thứ thuốc bổ khác quý báu hơn,
là thuyết “chân thường bất biến”.
Biết được vô thường, con
người giữ được bình tĩnh thản nhiên trước cảnh đổi thay bất ngờ và có
thể lạnh lùng trước cảnh ân ái chia ly. Biết vô thường, con người dám hy
sinh tài sản, sinh mạng để làm việc nghĩa. Biết vô thường con người mới
chán ngán với những thú vui tạm bợ, giả trá, và sáng suốt đi tìm những
cái vui chân thật thường còn. Vì thật ra, cái vui chân thật thường còn,
cái tánh chân thường vẫn có, nhưng nó nằm bên trong cái lớp giả dối tạm
bợ vô thường của cõi đời nầy, nên chúng ta không thể thấy được. Khi
chúng ta đã cương quyết gạt bỏ cái vỏ giả dối ấy, thì tất nhiên cái giá
trị chân thật, cái hạnh phúc chân chính, cái Phật tánh sáng suốt, chắc
thật muôn đời sẽ hiện ra.
“Đạo Phật là một đạo rất yêu đời”, nhưng yêu cái đời sống thật, yêu
cái bộ mặt thật, (bản lai diện mục) đẹp đẽ, trong sạch, yên vui của đời.
Vì yêu bộ mặt thật của đời nên mới sinh ra lòng yêu người, yêu tất cả
mọi người, mọi loài không phân biệt. Lòng yêu bao la rộng khắp, trùm bọc
hết thẩy chúng sinh, vì chúng sinh dưới những hình tướng sai biệt, đều
cùng có một bộ mặt thật, đẹp đẽ, sáng sủa như nhau, tuy rằng bộ mặt ấy
hiện nay còn bị nhơ bụi phủ đầy.
Chúng ta nhớ lại Đức Phật thoạt tiên là một thái tử, sống trong cung
vàng điện ngọc, đầy sung sướng, đầy quyền uy. Sợ thái tử sẽ xuất gia tu
hành theo đúng như lời của người tiên tri nên vua cha muốn giữ chân thái
tử trong cảnh vương giả này. Vua cưới vợ cho thái tử và tạo ra biết bao
cảnh vật quyến rũ để giữ chân con mình bên cạnh vợ đẹp, bên cạnh con
khôn. Chúng ta hãy nghe tả cuộc sống này:
“Thời gian sau ở hoàng cung
Vua quan tổ chức tưng bừng vui tươi
Lễ thành hôn giữa hai người
Trai tài gái sắc xứng đôi vợ chồng
Tuổi mười sáu, đẹp tơ hồng
Sợi dây luyến ái đôi lòng quyện chung,
Vua luôn suy nghĩ mung lung
Giữ chân thái tử mãi trong lồng vàng
Vua bèn ra lệnh các quan
Xây ba cung điện huy hoàng một nơi
Hoa viên cây cỏ tốt tươi
Sen phô sắc dưới nắng trời nhẹ lay
Hồ xanh in bóng mây bay
Vợ chồng quấn quýt, tháng ngày say mê,
Một cung điện cho mùa hè
Hây hây gió mát bốn bề suối trong,
Một cung điện cho mùa đông
Bập bùng lửa ấm tình nồng hương đưa,
Một cung điện cho mùa mưa
Nhạc mưa thánh thót sớm trưa gợi tình,
Nẻo hoa viên, lối cung đình
Tường cao vây phủ bao quanh phía ngoài
Ngăn che phiền não trần ai
Khỏi vương hạnh phúc của hai tâm hồn.
Trong cung tuyển các nhạc công
Đàn ca réo rắt, tơ đồng lả lơi
Thêm đoàn ca múa xinh tươi
Thân vờn dáng liễu, giọng khơi mạch tình
Cao lương, mỹ vị linh đình
Khiến cho thái tử đắm mình mê say
Trải qua bao tháng cùng ngày
Sống trong cảnh giới hưởng đầy thú vui
Không hề hay biết trên đời
Nhiều nơi bất hạnh, lắm người lầm than.”
Sống sung sướng trong cảnh vương giả như vậy mà thái tử vẫn quyết chí
buông xả tất cả để xuất gia. Đi tu không phải vì những lý do tầm thường
như người không hiểu đạo thường nói tới như là: thất tình, nghèo khổ,
chán đời, thối chí, thiếu hạnh phúc v.v… Ngài ra đi là muốn giải thoát
muôn loài, muốn tìm cho chúng sinh một hạnh phúc thật sự. Đây là tâm
trạng của thái tử lúc rời hoàng cung:
“Dù thương cha mẹ vô vàn
Dù yêu vợ đẹp, con ngoan vô cùng
Nhưng ta quyết bỏ hoàng cung
Xuất gia tìm hạnh phúc chung cho người
Tìm phương giải thoát muôn loài
Cuộc đời vương giả đoái hoài làm chi!”
Ngài đi là mong tìm phương cách diệt khổ đau cho chúng sinh. Đạo Phật
là đạo diệt khổ, là đạo giải thoát. Giải là cởi mở. Ở đây là “cởi mở”
những trói buộc để “thoát” ra khỏi mọi hình thức đau khổ của đời sống:
“Phóng hồi lâu dưới trăng thanh
Người đi nhìn lại kinh thành xa xa
Nguyện thầm: Đến lúc tìm ra
Con đường diệt khổ thì ta mới về!”
“Đời sống của Đức Phật Thích Ca là hiện thân hoàn toàn của lòng yêu
đời”. Vì yêu đời và yêu chúng sinh đau khổ nên Đức Phật mới bỏ gia đình,
bỏ cha mẹ, vợ con, bỏ ngôi báu, lìa xa cung vàng điện ngọc… để tu tập,
tìm phương thuốc chữa khổ cho đời. Vì yêu đời và yêu chúng sinh nên
trong gần nửa thế kỷ, Đức Phật đã xông pha khắp đó đây, trong mọi tầng
lớp xã hội, để giảng dạy cho mọi người tìm ra và nhận thấy bộ mặt thật
của đời mà sống. Bộ mặt ấy là “bản thể, thật tánh, Niết Bàn”.
Nhưng cũng như sóng không thể lìa nước mà có, “bản thể, thật tánh,
Niết Bàn” không thể lìa đời, lìa người và vạn vật mà có. Cho nên người
Phật tử luôn luôn sống tích cực với mình và với đời. Với mình để tu sửa
mình, giác ngộ mình. Với đời để thức tỉnh người, cứu độ người. Có thức
tỉnh mình hoàn toàn và có cứu độ người đầy đủ mới có thể đạt tới Niết
Bàn. Đạo Phật là đạo tích cực hoạt động.
Đoạn sau đây trong kinh Phật là một trả lời rõ rệt cho những kẻ tưởng
rằng Đạo Phật làm cho con người ghét đời và xa lánh xã hội. Kinh Phật
ghi rằng:
“…Kẻ ngu si sợ hư không mà muốn đi trốn, thì dù bỏ hư không mà chạy
cũng không thể nào thoát được hư không. Kẻ đi tìm hư không, dù có chạy
khắp Đông, Tây, Nam, Bắc, cũng không tìm thấy hư không. Những kẻ ấy chỉ
biết cái “danh” (tên) của hư không mà không biết được cái “thực” của hư
không. Nay có kẻ muốn tìm Niết Bàn, thường qua lại trong Niết Bàn mà
không biết đó là Niết Bàn, chỉ thấy toàn sinh tử, phiền não. Kẻ ấy chỉ
biết cái “danh” (tên) của Niết Bàn mà không biết cái “thực” của Niết
Bàn”.
Vậy ta đừng lầm rằng giải thoát là lìa bỏ, chán ghét cõi đời hiện
tại. Giải thoát chính là sống hoạt động, yên vui, sung sướng, tự do hoàn
toàn ngay trong đời hiện tại, trước khi từ bỏ xác thân vô thường này để
nhập Niết Bàn và rồi lại sẽ từ Niết Bàn mà ứng hoá ra khắp mọi nơi để
tiếp tục hoạt động cứu độ vô tận chúng sinh. Chư Phật và chư Bồ Tát đã
và đang sống cái đời sống ấy. Phật tử chúng ta tu tập cốt để cũng được
sống cái đời sống như chư Phật và Bồ Tát.
Nhân dịp giải đáp bốn câu hỏi do vua Trời Ðế Thích cùng đoàn chư
thiên đông đảo nêu lên Ðức Phật dạy rằng “Niềm vui trong Chân Lý cao
thượng hơn tất cả niềm vui khác”:
(Pháp Cú 354)
Coi như bố thí hàng đầu
Là đem Chân Lý nhiệm mầu tặng nhau,
Coi như hương vị tối cao
Hương vị Chân Lý ngọt ngào dài lâu
Coi như hoan hỷ hàng đầu
Niềm vui Chân Lý thấm sâu tuyệt vời,
Người nào ái dục diệt rồi
Vượt qua phiền não, xa rời khổ đau.
“Niềm vui Chân Lý thấm sâu tuyệt vời” được coi là hoan hỷ hàng đầu
tức là “pháp hỷ” thắng hơn mọi hoan hỷ khác. Pháp hỷ là niềm vui nhẹ
nhàng trong tâm sau khi thấm nhuần chân lý, thấu triệt chánh pháp. Niềm
vui này kéo dài cả cuộc sống trong khi các niềm vui khác thường ngắn
ngủi và hễ chấm dứt là lại sinh ra khổ đau tiếp nối. Câu này quả thật đã
nói lên ý niệm lạc quan yêu đời của đạo Phật, một Ðạo vẫn luôn luôn bị
hiểu lầm là chán đời và yếm thế.
Vì làm sao người Phật tử có thể chán đời, ghét đời được khi mà chánh
pháp đem lại cho mình pháp hỷ, như đã được khéo diễn tả trong những câu
sau đây nhân dịp Ma Vương cung thỉnh Ðức Phật làm vua để giúp đỡ dân
chúng được thanh bình, an lạc. Ðức Phật biết Ma Vương muốn cám dỗ nên
Ngài dạy rằng Ngài không có gì giống như Ma Vương cả và Ngài kể ra biết
bao nguồn hạnh phúc, biết bao niềm vui đến với người tu hành theo con
đường giác ngộ và giải thoát.
Vui vì gặp được bạn lúc mình đang cần. Vui vì tự biết là đủ với nhựng
gì mình đang có. Vui vì lúc qua đời biết mình đã tạo nghiệp lành. Vui
và hạnh phúc hơn nhiều khi biết mình đã lánh xa tội lỗi và mọi nguồn gốc
khổ đau:
(Pháp Cú 331)
Vui thay có bạn khi cần!
Vui thay thấy đủ trong tầm đôi tay
Với gì mình có hiện nay!
Vui thay khi chết thân này tạo ra
Nghiệp lành nở đẹp như hoa!
Vui thay thống khổ lìa xa chẳng còn!
Vui vì trên thế gian này được phụng dưỡng mẹ hiền. Vui vì được phụng
dưỡng cha yêu. Vui vì cúng dường bậc xuất gia chân chính. Vui vì cúng
dường các bậc thánh nhân:
(Pháp Cú 332)
Ở đời còn có nhân duyên
Kính yêu, phụng dưỡng mẹ hiền là vui,
Công cha như núi cao vời
Kính yêu phụng dưỡng được người là vui,
Cũng vui thay nếu ở đời
Có lòng tôn kính tìm nơi cúng dường
Sa Môn cùng với thánh nhân.
Vui vì cho đến tuổi già mà vẫn giữ được đức hạnh. Vui vì lúc nào cũng
giữ được niềm tin. Vui khi có đầy đủ trí tuệ. Vui khi tâm trong sạch và
không làm điều gì ác:
(Pháp Cú 333)
Vui thay từ trẻ đến già
Luôn luôn giữ giới thiết tha chẳng rời,
Vui thay khi sống làm người
Niềm tin chân chánh muôn đời chẳng thay!
Vui thay trí tuệ tràn đầy!
Vui thay điều ác hàng ngày tránh xa!
Truyện tích kể rằng nhân trong giờ nghỉ các vị Tỳ kheo bàn luận về
vấn đề hạnh phúc ở đời. Ý kiến các vị đưa ra đều dựa trên sự thỏa mãn
đầy đủ của các giác quan, về tiền bạc, danh lợi và quyền thế. Đó chỉ là
các điều sung sướng ở thế gian. Ðức Phật nghe được bèn dạy rằng những
thứ sau đây mới thật sự đem lại hạnh phúc và niềm vui “Phật ra đời! Pháp
được giảng! Tăng hòa hợp! Cùng tu hòa hợp!”:
(Pháp Cú 194)
Vui thay đức Phật ra đời!
Vui thay giáo pháp giảng nơi cõi trần!
Tăng hòa hợp đẹp muôn phần!
Đẹp thay giới luật xa gần đồng tu!
Ngày kia Ðức Phật vào thôn xóm khất thực. Do sự can thiệp khuấy phá
của Ma Vương, hôm ấy không có ai cúng dường Ngài cả. Các phụ nữ bị Ma
Vương cám dỗ nên ham vui mà lãng quên công đức cúng dường. Ma Vương mỉa
mai hỏi Ngài có thấy đói bụng không? Ngài giải thích thái độ tinh thần
của người đã thoát khỏi mọi chướng ngại “Luôn luôn sống với niềm vui phỉ
lạc trong chánh pháp và luôn luôn an lạc như ở cõi trời Quang Âm”:
(Pháp Cú 200)
Chúng ta hạnh phúc vô biên
Khi không chướng ngại, não phiền nổi trôi
Sống đời hỷ lạc tuyệt vời
Tựa như những vị cõi trời Quang Âm.
Người Phật tử không phải là kẻ chán đời rồi tìm cách xa lánh cuộc
sống, trốn tránh trách nhiệm với xã hội. Đạo Phật là một đạo tích cực
hoạt động. Người Phật tử từ lúc bắt đầu vào đạo đã phải hoạt động hăng
say để mở mang trí tuệ, chiến thắng tham, sân, si đồng thời phải tập
chiến đấu với hoàn cảnh, xông pha trong xã hội để cứu giúp người khác.
Theo gương chư Phật và Bồ Tát, Phật tử không sống cho riêng mình,
không tìm giác ngộ và giải thoát riêng cho mình, mà còn phải sống và
giác ngộ, giải thoát cho kẻ khác. Đời của Phật tử là một đời hoạt động
không ngừng, đi từ chiến công này đến chiến công khác, đem lòng từ bi và
bình đẳng gieo rắc nhân lành khắp mọi nơi, dưới mọi hình thức.
Kinh Phật từng dạy: “Trong hoạt động của người Phật tử, không một
việc lành nào mà không làm, không một vật gì mà không cứu độ”. Quả thật
Đạo Phật là một đạo tích cực hoạt động. Quả thật Đạo Phật là Đạo yêu
đời.
Trích TÌM HIỂU KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA)
Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Diệu Phương Xuất Bản - 2006