Có một truyền thuyết nói rằng, xưa kia, vào ngày
Tết, vua Hùng và quần thần đưa nhau lên núi (Thiên Cầm) để nghe “cung đàn nhà
trời”. Thật là một hình ảnh đẹp.
Một người ngoại quốc viết về Tết:
“… Tôi không hiểu được Việt Nam và văn hóa Việt Nam cho đến khi tôi hiểu được Tết.
Đó không phải là một việc đơn giản và dễ dàng. Khí hậu có thể lạnh và tôi có
thể phải ăn nhiều, tôi có thể sợ tiếng pháo nổ. Nhưng bên sau tất cả những thứ
đó là một niềm vui, ý thức về sự thay đổi và niềm hy vọng vào tương lai. Tiếng
động đánh thức đêm tối dày đặc. Phổi tôi có thể khó thở vì khói, đầu tôi có thể
đau vì tiếng pháo nổ, nhưng cơ thể tôi cảm thấy sinh động và khoan khoái một
cách lạ lùng, và quan trọng nhất, một tâm thức cảm nhận được sức mạnh của những
điều xảy ra quanh tôi. Việt Nam
đã thay đổi. Ít nhất trong những phút giây ngắn ngủi, nó bình bồng giữa thực và
mộng, giữa trời và đất. Là một người ngoại cuộc, có thể tôi không bao giờ hiểu
trọn vẹn ý nghĩa của Tết, nhưng tôi biết rằng tôi đang tận mắt nhìn thấy một
cái gì đẹp đẽ và quý giá. (Dana
Sachs)
Nếu hỏi cái hồn của Tết nằm ở chỗ nào thì khó ai có
thể chỉ ra, nhưng nó thấm đẫm trong lòng người, hiện ra qua phong cách sống gắn
liền với Tổ tiên non nước, với đình đài chùa miếu, qua những phong tục, lễ nghi
kết nối quá khứ với hiện tại, hữu hình với hữu hình, hữu hình với vô hình…
Một khía cạnh đặc biệt đẹp đễ của ngày Tết là việc
biểu hiện lòng nhớ ơn. Cái nhớ ơn của người Việt bao gồm nhớ ơn Tổ quốc, đồng
bào, nhớ ơn tiền nhân, cha mẹ, nhớ ơn những người đã đem đến cho cộng đồng niềm
tin và sức mạnh, làm cho cuộc sống thăng hoa và có ý nghĩa. Nếu so sánh với sự
nhớ ơn trong đạo Phật thì nội dung nhớ ơn của người Việt rất gần gũi. Bốn ơn
trong đạo Phật là ơn Tam bảo, ơn nước nhà, ơn mẹ cha, ơn chúng sanh. Ơn Tam bảo
là ơn những cội nguồn đã đem đến cho con người một đời sống tinh thần phong
phú, vượt qua sự hạn hẹp của đời sống ích kỷ, hơn thua. Người Việt chúng ta
luôn luôn nhớ ơn những bậc được gọi là người hiền. Những vị thánh thiện, những
vị có đời sống thăng hoa được thờ phụng khắp nơi trên đất nước. Đôi khi, những
vị có công với đất nước được đồng hóa với những vị Thánh, như Thánh Gióng đuợc
đồng hóa với Tỳ Sa Môn Thiên Vương là một vị Thánh giúp đời, hộ Đạo, cũng là một
vị Cổ Phật trong truyền thống Phật giáo, để trở thành Phù Đổng Thiên Vương.
Tết cũng biểu hiện tính chất Lễ và Hòa trong đời
sống Việt. Tình cảm tương quan giữa con người với nhau và với thế giới hữu hình
cũng như vô hình của người Việt là một thứ tình cảm đậm đà và lãng mạn mà không
ra ngoài Lễ và Hòa. Tết là ngày vui, ngày tỏ bày tình cảm trong Lễ và Hòa.
Không gian và thời gian Tết cũng như những tính
chất của Tết được tô bồi qua nhiều ngàn năm, làm cho Tết trở nên một cơ hội cho
người Việt chúng ta dừng lại để sống thật sự với đời sống. Cũng có thể nói Tết
là một cơ hội để chúng ta “sống chậm”. Sống chậm là một lối sống biết soi rọi
chính mình. Khi biết soi rọi chính mình, con người sẽ sống tự giác và có trách
nhiệm hơn. “Sống chậm” có thể nói là một nhu cầu của thời đại, khi mà khuynh
hướng vật chất và trục lợi khống chế hầu như mọi sinh hoạt của con người. Những
kiêng cữ trong ngày mồng một Tết có thể được coi như một loại “kiêng cữ để sống
chậm”: ý tứ trong từng ý nghĩ, hành động và lời nói để không giận hờn hay tạo
sự giận hờn, không nói năng và hành động thô lậu, ồn ào, giữ tâm hồn thoải mái,
vui tươi… Nói tóm lại là cố gắng giữ thân, miệng, ý không tham, sân, si hay tạo
ra tham, sân, si trong ngày Tết.
Tết cũng là ngày của hoa. Hai loại hoa đặc trưng
của Tết là đào và mai. Hoa là hình ảnh của cái đẹp vô thường, ngắm hoa là ngắm
sự mong manh vô thường của đời sống. Và chính sự vô thường làm cho đời sống có
ý nghĩa và con người có cơ hội thăng hoa.
Trong đời sống bận rộn hàng ngày, chúng ta thường
không để ý nhận ra cái nền tảng hướng dẫn đời sống của chúng ta. Nó vô hình
nhưng mạnh mẽ. Có thể nói đó là cái chất sống, cái nguồn sống trong mỗi chúng
ta. Và Tết, cơ hội để chúng ta có những khoảnh khắc dừng lại, là dịp để chúng
ta phát hiện ra “tố chất của đời sống” vốn có đó. Khi yên lặng lắng nghe hơi
thở, yên lặng lắng nghe bước chân đang bước, lắng nghe thời gian đang trôi,
không gian đang mở…, chúng ta nghe được sự sống, nghe được nguồn sống đang hiện
diện bên trong cũng như bên ngoài chúng ta. Khi mở lòng để tiếp đãi đời sống,
tiếp đãi đất trời, tiếp đãi mọi người mọi vật, chúng ta có cơ hội nghe được đời
sống, nghe được nguồn sống nơi chúng ta và chung quanh chúng ta.
Ngày xưa các cụ thường khai bút đầu năm. Trong cái
yên tĩnh, lắng đọng của không gian và thời gian, con người mở ngỏ mọi ngăn cách
để lắng nghe. Khai bút đầu năm có thể được coi là cơ hội để dừng lại và lắng
nghe với một tâm hồn mở toang trong không gian và thời gian rộng lớn của giờ
phút giao thừa.
Do đó, Tết cũng có thể là cơ hội để chúng ta phát
hiện ra hay tìm thấy lại chính chúng ta. Và sự phát hiện ra chính mình là bước
ngoặt lớn trong đời sống của mỗi người. Đó là lúc con người nhận ra được mình
thật sự là gì trong cái toàn thể để có thể sống có ý nghĩa hơn.
Mùa Xuân đất trời cho tôi sự liên tưởng đến một mùa
Xuân đạo. Mùa Xuân đạo có được khi con người biết trân trọng đối với đời sống,
trân trọng đối với những cơ hội để thăng hoa mà cuộc sống lúc nào cũng sẵn sàng
ban cho chúng ta. Những cơ hội đó có được từ tính chất vô thường của đời sống.
Nhận biết được vô thường là nhận biết được tánh
Phật, nhận biết được “không thân”, để từ đó có được thân cùng khắp và tâm cùng
khắp, hay nói theo ngôn ngữ của kinh điển là có được “hiện nhứt thiết sắc thân
tam muội” và “giải nhứt thiết chúng sanh ngôn ngữ đà la ni”, để có thể đồng
hành với tất cả chúng sanh trong không gian và thời gian vô tận, một lý tưởng
thật đẹp của đạo Phật Đại thừa.
Tôi nhớ đến một phẩm trong kinh Pháp Hoa. Một điều
chúng ta để ý là trong kinh Pháp Hoa và những kinh Đại thừa khác, không gian và
thời gian thường rất rộng lớn. Không gian và thời gian là hai thứ tương quan
mật thiết với nhau. Một tâm thức nhỏ hẹp luôn luôn tương ứng với một loại thời
gian ngắn ngủi nhưng dường như nặng nề kéo lê. Một tâm thức rộng lớn luôn đi
đôi với một thời gian rộng lớn nhưng như thoáng qua nhẹ nhàng.
Phẩm Dược Vương Bồ tát Bổn Sư thứ 23 nói rằng, có
một vị Bồ tát tên là Tú Vương Hoa hỏi Phật về hành trạng của Bồ tát Dược Vương
hay Bồ tát Vua Thuốc. Đức Phật trả lời vị Bồ tát đó như sau:
Vào thời rất lâu về quá khứ, trong Pháp hội Pháp
Hoa của Đức Phật hiệu Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức, Đức Phật có đức hạnh sáng rỡ
và trong lành như mặt trời mặt trăng, có một vị Bồ tát tên là Nhứt Thiết Chúng
Sanh Hỷ Kiến, vị Bồ tát mà tất cả chúng sanh nhìn thấy đều sinh tâm vui vẻ. Vị
Bồ tát đó, sau một thời gian dài tu tập kinh Pháp Hoa thì chứng được “hiện nhứt
thiết sắc thân tam muội” hay khả năng “hóa hiện ra mọi hình tướng”.
Để báo đáp ân đức của Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh
Đức, Bồ tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến cúng dường vô số những món trang
nghiêm và thanh tịnh, sau đó tự đốt thân để cúng dường. Hành động đốt thân cúng
dường được các Đức Phật trong mười phương đồng khen ngợi là việc cúng dường
Pháp cao tột. Và khi nói xong lời khen ngợi đó, các Đức Phật “đều yên lặng”.
(theo bản dịch của HT.Thích Trí Tịnh).
Sau khi đốt thân, Bồ tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ
Kiến lại tái sanh cũng trong thế giới của Đức Phật Nhựt Nguyệt Tịnh Minh Đức và
gặp lại Phật này, được Phật giao phó mọi thứ trước khi Ngài nhập Niết-bàn.
Một lần nữa, vị Bồ tát mà tất cả chúng sanh nhìn
thấy đều sinh tâm vui vẻ, lại dùng thân để cúng dường xá lợi Phật bằng cách đốt
hai cánh tay “trăm phước trang nghiêm”. Hành động đó cũng làm cho vô số người
chứng được “Hiện nhứt thiết sắc thân tam muội”.
Cuối cùng Đức Bổn Sư nói: Vị Bồ tát mà tất cả
chúng sanh nhìn thấy sinh tâm vui vẻ đó chính là Bồ tát Dược Vương. Đức Phật
cũng nói rằng, những ai nghe phẩm kinh này sẽ được tam muội “Giải nhứt thiết
chúng sanh ngôn ngữ đà la ni” hay khả năng hiểu được ngôn ngữ của tất cả chúng
sanh…
Phẩm kinh nói lên rằng, tánh Phật và cơ hội thăng
hoa ở ngay trong tính chất vô thường của đời sống. Nhận ra tính chất vô thường,
vô ngã của đời sống, con người nhận ra tính chất “không thân” của mọi sự và của
chính mình. Tính chất “không thân” cũng là ánh sáng soi rọi của Pháp, là chỗ mà
chư Phật “lặng yên”, là tánh Phật, là nền tảng của buông xả và tùy thuận, của
kết nối và cảm thông, là thuốc chữa lành bệnh cho mình và cho người.
Trở lại với Tết. Với khả năng mở ngỏ mọi ngăn cách
để tiếp xúc với nguồn sống chân thật, phải chăng trong dịp Tết, chúng ta có thể
là một vị Bồ tát mà tất cả mọi người nhìn thấy đều cảm nhận được niềm vui, trở
thành những vị Bồ tát chữa lành bịnh cho nhau?
Trong khung cảnh kết nối và cởi mở, chấp nhận và
tương kính, con người chắc chắn sẽ đem đến cho nhau niềm vui. Một nụ cười, một
lời chào hỏi, một câu xin lỗi, một chia sẻ thông cảm, một sự bỏ qua… chính là
những thang thuốc chữa lành vô số chứng bịnh nan y của mình, của người.
Phải chăng sự mở lòng, xả bỏ, hòa nhập, kết nối…,
nhìn thấy mối tương quan, tương thuộc giữa cá thể với toàn thể dễ nhận ra trong
ngày Tết làm cho con người đến gần hơn với tính chất “không thân” của đạo Phật,
hiểu rõ hơn về “ánh sáng đốt thân” của chư vị Bồ tát?
Và phải chăng mọi ánh sáng đều phát xuất từ nền
tảng “không thân”?
Thời gian là một chuỗi những biến đổi qua nhiều
thử thách để thoát thân thành những mùa Xuân. Chúng ta hãy như thời gian, theo
gương Bồ tát Nhứt Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến, không ngừng thay đổi theo hướng
thăng hoa mà thời gian luôn cho chúng ta cơ hội, để mỗi dịp Tết về, cảm thấy
gần gũi hơn với mùa Xuân chân thật, ở đó, mọi người là những vị Bồ tát của
nhau.
Thị Giới