Lắm lúc mẹ già nói và làm những điều tôi và anh chị
em cho là bà đã có dấu hiệu lẫn của người già, chúng tôi đều bảo nhau
bỏ qua không nói để mẹ được sống vui vẻ cùng các con, các cháu và các
chắt.
Tôi đã ngộ ra được điều này từ lâu, nhờ được đọc nhiều
sách người xưa truyền lại những tấm gương hiếu thuận với cha mẹ, ông bà;
nhờ mình hay có tính suy nghĩ và cảm thấy đau đớn khi gặp phải cảnh
những kẻ bất hiếu với cha mẹ trong đời sống hàng ngày. Bất hiếu không
chí là hư hỏng, cãi vả, làm cho cha mẹ buồn đau, bất hiếu còn từ những
sự toan tính thiệt hơn với các anh chị em trong nhà khi phải chăm sóc
ông bà, cha mẹ già. Và chính vì hiểu được điều ấy, kể từ khi còn chưa có
mái nhà tử tế, khi còn phải vay mượn anh em bạn bè đến ba phần tư số
tiền cần để mua lấy "gian nhà làm nơi chui ra chui vào" tận tầng 5 của
khu tập thể, cùng lúc cha mẹ chồng ốm đau, vợ chồng tôi cũng vẫn đdc hết
lòng, kể cả việc lo chu cấp cho sinh hoạt hàng ngày của ông bà, đến
chăm cho ông bà bữa ăn ngon miệng lúc chúng tôi được nghỉ về thăm, đến
tắm rửa, vệ sinh cho ông bà thấy nhẹ nhõm hơn khi bị nằm liệt giường
hàng hơn năm trời rồi mất. Vậy mà chồng tôi vẫn rớt nứơc mắt mỗi khi nhớ
về việc khi còn sống, mẹ già ao ước có được dây chuyền đeo ở cổ cho
bằng bà cụ hàng xóm. Chỉ vì còn nghèo, lại còn phải lo trăm bề khi phải
di chuyển về Hà Nội công tác, mà chúng tôi không mua được cho bà.
Nay đã 15 năm có lẻ, ông bà qua đời, về mặt nào đó
chúng tôi cảm nhận được là mình đã làm được nhiều điều cho bố mẹ, chỉ
mỗi tội nhiều khi lực bất tòng tâm, nên vẫn còn nỗi ân hận, giá như lúc
ấy mình cố gắng vay mượn thì chắc cũng có thể làm cho mẹ già được vui
hơn?
Vì vậy, ngày nay ơn trời, mà cũng có thể do các cụ phù
hộ mà nay chúng tôi đã có nếp nhà tử tế để ở, con cháu học hành nên
người, cả hai chúng tôi cũng đã lên chức ông bà và đã nghỉ hưu, chúng
tôi càng trân trọng điều quý giá nhất trên đời mình đang còn có được -
đó là người mẹ già nhỏ bé, lưng còng, chân đi liêu xiêu không còn thật
vững chãi, nhưng may thay mẹ vẫn còn minh mẫn, vẫn ham đọc sách và bàn
chuyện thế nhân.
Vì biết đọc sách "thánh hiền" mà mình làm được như vậy,
và nhiều người bạn tôi cũng đã làm được như vậy. Tuy nhiên, tôi thấy
buồn cho một bộ phận không nhỏ những người còn trẻ, còn đang sung sức,
còn có đầy đủ cha mẹ và cha mẹ luôn che chở, hy sinh mọi thứ cho con
cháu, ngay cả khi con cháu chưa cầu cứu. Họ chưa già nên chưa hiểu người
già cần gì, họ còn đủ cha mẹ nên chưa thấu được nỗi đau thiếu cha mẹ,
thật đáng thương thay! Phải chăng họ thiếu sự hiểu biết nên chưa ngộ
được điều này. Vậy ai sẽ là ngừơi có thể giúp họ hiểu được điều này, và
bằng cách nào?
Là người con, người vợ, người mẹ và đã trở thành bà nội, tôi rất đồng cảm và xin chia sẻ nỗi nhớ cùng "những thằng già nhớ mẹ".
Trần Thị Dung