Một công cụ truyền bá Phật
pháp mới
Tu sĩ Phật giáo có nên sử dụng internet và tham
gia các trang mạng xã hội không?
Xin được mở
đầu bài viết bằng ý kiến của Sư Pannyavaro, người sáng lập website BuddhaNet,
về vấn đề tu sĩ và công nghệ thông tin: “Những gì đang xảy ra bây giờ là chúng
ta đã có một công cụ mới và một cách thức tinh vi hơn để truyền bá Phật pháp.
Các nhà sư, với tư cách là nhà giáo, học giả càng phải có hiểu biết nhiều hơn
về công nghệ mới này. Vì vậy, các “nhà sư mạng”, có kỹ năng trong môi trường
internet, sẽ giúp ích trong việc đưa Phật pháp vào thế kỷ XXI và xa hơn nữa”.
Ảnh minh họa
Sư Wor
Wachiramethi, người thành lập website www.dhammatoday.com - một website
truyền bá Chánh pháp ở Thái Lan cũng có đồng quan điểm: “Ảnh hưởng lớn nhất của
thế giới ngày nay không phải quyền lực hay bạc tiền mà là công nghệ. Có nhiều
người đã dùng công nghệ vì các mục đích xấu xa, vậy tại sao chúng ta không áp
dụng công nghệ để phục vụ giáo pháp. Vì vậy, chúng tôi và các tình nguyện viên
đã thành lập trang Dhammatoday thành một kênh dành cho những người học
Phật pháp”.
Cũng xin được
thông tin thêm, trang Dhammatoday đã có trên 30.000 thành viên trên
Facebook sau một tháng ra đời và 7.000 người dùng Twitter trong 2 tuần đầu
tiên.
Hai trang
mạng xã hội phổ biến nhất thế giới với hàng triệu tài khoản là Facebook và
Twitter là công cụ phổ biến ngày nay được sử dụng trong việc truyền bá Phật
pháp của các nhà sư.
Sư Wor nói
nhờ có công nghệ và các trang mạng xã hội mà mọi người thích học Phật pháp hơn
và có thể tiếp cận giáo pháp ở mọi lúc mọi nơi.
“Chúng ta
không thể từ chối công nghệ, iPhone hay máy tính mà trái lại chúng ta nên sử
dụng công nghệ như một công cụ để mở
rộng tiềm năng của chúng ta. Công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong việc phổ biến Phật giáo” - sư Wor nói.
Cũng về trang
mạng xã hội Twitter, thầy Haemin đã nổi tiếng ở Hàn Quốc trong việc truyền đạt
giáo lý giác ngộ và trí tuệ của Đức Phật thông qua trang mạng xã hội này với
khoảng 55.000 người theo. Trang Twitter của thầy được xếp hạng là có nhiều ảnh
hưởng nhất ở Hàn Quốc.
Thầy cho biết
các nhà sư nên dùng các trang mạng xã hội như Twitter để giao tiếp với các tín
đồ. Thầy khuyến khích nên nói chuyện nhiều hơn với thế hệ trẻ nếu không họ sẽ
dần dần gạt bỏ tôn giáo như một cái gì đó lỗi thời.
Cũng cần phải
nói thêm rằng hai bậc đạo sư hàng đầu của Phật giáo hiện nay là Đức Dalai Lama
và Thầy Thích Nhất Hạnh cũng sử dụng các trang mạng xã hội làm phương tiện
truyền pháp.
Trang mạng
mới nhất mà Đức Dalai Lama vừa tham gia là Google+ của Google. Trước đó, Ngài
đã sở hữu tài khoản Twitter với hơn 2,5 triệu người theo và trang Facebook với
hơn 2 triệu người yêu thích.
Vẫn còn chuyện phải bàn
Sư Pannyavaro
tâm sự: Tu sĩ và máy tính vẫn còn là một sự kết hợp mới lạ. Có một xu hướng khó
chịu khi nhìn thấy một nhà sư sử dụng máy vi tính. Tôi là một “nhà sư mạng”.
Đôi khi tôi đã tự trấn an bản thân mình và mọi người rằng tôi không sử dụng máy
tính để chơi game! Tôi thường nhận được một cảm giác không chấp thuận, có vẻ
như sử dụng máy tính bằng cách nào đó là xung đột hoặc đi ngược lại với giới
luật. Vâng, tất nhiên là vào thời của Đức
Phật đã không có máy vi tính. Có gì khác biệt giữa cách gõ một tài liệu
trong Word với viết một tài liệu bằng bút lông trên giấy? Nội dung mới là quan
trọng hơn.
Về vấn đề nội
dung được đăng tải trên các website Phật giáo, ngài nói: Nếu ai cũng có thể
thiết lập cho mình một trang web Phật giáo và trình bày những gì họ cho là Phật
pháp, vậy giáo pháp đó có thật không? Làm sao để đảm bảo tính xác thực và chính
thống của giáo pháp đó?
Cho biết về
ảnh hưởng của internet và Phật pháp trong xã hội ngày nay, ngài nói: internet
sẽ toàn cầu hóa Phật pháp. Ý tưởng Phật pháp trên Internet không đe dọa hay mâu
thuẫn với các hiểu biết cổ xưa - nó chỉ làm cho Phật pháp dễ tiếp cận hơn và
cung cấp một diễn đàn quốc tế với mục đích trao đổi và giáo dục.
Tuy nhiên, do
tính tương tác cao và không được kiểm soát trong nội dung đăng tải nên các
trang mạng xã hội như Facebook, Twitter được
xem là nhạy cảm ở nhiều nước. Giới luật của Phật không cấm các tu sĩ sử dụng
internet và tạo tài khoản trên các trang mạng xã hội nhưng pháp luật của từng
địa phương lại có những bắt buộc riêng. Người tu sĩ chân chính liệu có nên
đi ngược lại với giới luật của Phật và pháp luật của thế gian?
Kết thúc bài viết xin trích lời của sư Wor khi được hỏi liệu
có gì không đúng khi một tu sĩ sử dụng công nghệ thông tin. Sư Wor trả lời rằng
công nghệ chỉ là một phương tiện truyền thông. Tốt hay xấu phụ thuộc vào người
sử dụng. Nếu dùng nó bằng trí tuệ, công nghệ sẽ trở thành một công cụ để nâng
cao tiềm năng của nhà sư đó với Chánh pháp. Ngược lại, nhà sư đó sẽ tự làm hỏng
chính mình.