Chùa Bửu Minh

Giác Ngộ - Ngày bình thường cũng như ba ngày tết, nên say tình say nghĩa chứ không nên say rượu, uống cho vui chứ không nên uống cho say...



Ngày tết gặp nhau, nâng ly chạm cốc dzô 100%. Rượu lễ nghĩa, rượu tình cảm chén chú chén anh, nào là sui gia, nào là họ hàng nội ngoại, nào là bạn bè đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng, trong ba ngày tết xoay qua xoay lại cũng xung quanh những bàn nhậu. “Dzô 100%!”, “Không say không về!”, “Chơi hết mình!”… sự cao hứng đó có thể mang lại nhiều bất lợi cho sức khỏe.

Những ngày này rượu vào quá lượng, bia bọt lu bù, ăn uống không điều độ như lúc bình thường: ăn nhiều dầu mỡ, thịt thà, đồ nóng, đồ nguội, bánh mứt, uống nhiều nước ngọt, rượu bia; ăn uống không theo giờ giấc, lượng thức ăn không đồng đều, bữa ăn mất cân đối về dinh dưỡng… từ đó khiến cho dạ dày và gan làm việc mệt nhọc, mức cholesterol, acid uric, đường huyết dễ dàng tăng cao.

Rượu bia là loại thức uống không thiếu ở bất kỳ bữa tiệc nào trong ngày tết. Khi lên bàn tiệc, trong không khí vui vẻ, hào hứng, ít ai quan tâm tới việc ăn uống, chỉ rôm rả chuyện trò, hò la, rồi cụng ly uống miết. Bao tử thì trống, uống nhiều bia rượu vào làm cho chất cồn dễ ngấm nhanh vào cơ thể. Khi rượu bia vào cơ thể sẽ có khoảng 20% lượng cồn từ rượu thấm trực tiếp vào máu qua thành dạ dày, nếu uống rượu trong khi dạ dày trống thì lượng cồn sẽ ngấm nhanh hơn, tác hại nhiều hơn đối với dạ dày. Rượu khiến cơ thể mất nước bởi chất cồn có trong nó, vì thế trong lúc uống bia rượu mà không ăn thức ăn, không uống nhiều nước dễ dẫn đến tình trạng háo nước, càng uống bia rượu càng thấy khát nhiều, mà càng khát nhiều thì càng uống bia rượu nhiều hơn nữa, thế là cơ thể dung nạp một lượng rượu bia khá lớn, rất có hại cho sức khỏe.  

Trong mấy ngày tết, nhiều người nhậu thâu đêm suốt sáng không ăn uống ngủ nghỉ, khiến cho cơ thể rơi vào tình trạng mất quân bình. Thức khuya và uống rượu rất có hại cho gan, dẫn đến hiện tượng nóng gan, khó ngủ, rối loạn tiêu hoá, suy gan v.v… Huyết áp cũng nhân cơ hội này mà dễ dàng tăng vọt. 

Nhậu li bì trong ba ngày tết có thể làm cơ thể sút cân vì người uống rượu hay bỏ bữa do cảm giác no khi uống quá nhiều.

SONG DAO-PHAN MINH DUC (1).jpg

Có người còn sử dụng thuốc để tăng cường tửu lượng, thể hiện bản lĩnh, kéo dài cuộc vui, hết mình với chén chú chén anh, chén bạn. Họ uống Aspirin hoặc Paracetamol trước hay sau khi uống rượu để tránh tình trạng nhức đầu, choáng váng do uống nhiều rượu. Cách thức này lợi bất cập hại, vì Aspirin và Paracetamol chỉ có tác dụng hạ sốt, giảm đau, nó  giúp người uống rượu bớt cảm giác khó chịu khi say chứ không làm tăng tửu lượng.Nhưng Aspirin lại có tác dụng phụ làm tổn hại niêm mạc dạ dày, tá tràng, còn Paracetamol có thể làm gan nhiễm độc dẫn đến hoại tử tế bào gan.

Ngày bình thường cũng như ba ngày tết, nên say tình say nghĩa chứ không nên say rượu, uống cho vui chứ không nên uống cho say. Bởi nếu quá chén có thể ly rượu tình cảm, lễ nghĩa sẽ không còn, khi rượu vào lời ra, hành vi mất kiểm soát sẽ dễ dẫn đến sự gay cấn, xung đột làm mất hoà khí, mất tình cảm trong quan hệ giao tiếp. Say rượu còn có nguy cơ gây tai nạn giao thông, vì khi say người điều khiển phương tiện giao thông mất khả năng tập trung và không phản xạ nhanh được. Ngoài ra rượu bia còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý thuộc hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hoá. Nó cũng làm bệnh trạng trầm trọng hơn nếu như người uống rượu bia đã mang sẵn những căn bệnh đó.
Phan Minh Đức

http://giacngo.com.vn/tuthienxahoi/yhocsuckhoe/2012/01/16/324411/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage